Tản mạn thơ ca cổ Chăm

Suốt 17 thế kỷ sinh thành và tồn tại, vương quốc Champa – sau khi tan rã vào cuối thế kỷ XVIII để trở thành một bộ phận của đất nước Việt Nam thống nhất – đã đóng góp vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam nhiều thành tựu quan trọng. Bên cạnh nền kiến trúc và điêu khắc cao quý, văn chương Chăm nói chung hay thơ ca cổ điển Chăm nói riêng, cũng có nhiều cống hiến đặc sắc với nhiều thể loại: Akayet, Ariya, Dammưy, Panwơc Pađit
Thử điểm qua vài thể loại chính của nền thơ ca này với những sắc thái đặc thù của nó.
AKAYET, có thể dịch là tráng ca hay sử thi, là thể loại hình thành sớm hơn cả, sau văn bia ký. Tác phẩm cổ nhất là Akayet Dewa Mưno được ghi nhận đã có mặt ở Champa vào đầu thế kỷ XVII.
Ngoài hai tác phẩm Akayet Dewa Mưno, Akayet Inra Patra với Hikayat Dewa ManduHikayat Indera Putera của Mã Lai có quan hệ nguồn gốc với nhau, người Chăm còn có Akayet Um Mưrup là một sáng tác độc lập của mình. Nhưng dù cốt truyện có sáng tạo hay vay mượn, các Akayet Chăm đã tạo thành một dòng văn chương thành văn đầu tiên thoát khỏi cái bóng của văn chương cung đình từng thống ngự nền văn chương Chăm trong nhiều thế kỷ, để trở thành một sản phẩm tinh thần của dân tộc được truyền bá rộng rãi trong quần chúng nhân dân.
Xét về mặt hình thức, dù các sử thi Chăm không có được cái tầm vóc đồ sộ của sử thi Ấn Độ hay các tác phẩm cùng thể loại của các nước trong khu vực, nhưng chúng luôn đạt tới một bố cục gẫy gọn và cô đúc. Điều cốt yếu là chúng đã nêu bật được hành động và tính cách anh hùng của nhân vật bằng các trận giao chiến với kẻ thù, các chiến công lẫy lừng, ý trí vượt chướng ngại để đến tiêu đích một cách anh dũng. Ở đây tính cách anh hùng được cường điệu cao độ. Chúng ta hãy lướt qua hai đoạn trong Akayet Dewa Mưno:
Dewa Mưno trong tư thế xuất quân:

Tanrak ginuh glaung mưtưh adarha
Apan padak lakkuraba đik asaih kauk pơr
Hào quang rực sáng lưng chừng trời
Tay cầm gương thần, cưỡi ngựa trắng bay
.

Cơn giận giữ của Xamưlaik:
Nhu ginaung tatrơm takai dơng mưkaik
Dom kathieng jruh laik, cơk cơr jang jalơh
Nổi cơn thịnh nộ, hắn dậm chân
Thiên thạch rụng rơi, núi non nghiêng đổ
.
Nhưng không phải vì thế mà nét trữ tình lại vắng mặt. Như khi anh ruột là Xamưlaik bị sát hại bởi chính bàn tay phu quân trong trận chiến cuối cùng, công chúa Xapatan đã khóc:

Dom nan Xapatan Diwi
Cauk xơp nhu hari, grơp nưgar jang paxơng
Ia di klaung đwơc mưng ngauk mai tơl
Camauh patri cauk nan, ia dawing đwơc o truh
Thế rồi công chúa Xatapan khóc
Và dòng sông
Từ trên cao chảy lại
Nước cuộn xoáy mãi không nỡ trôi đi
.
Bên cạnh đó, các Akayet Chăm cũng đã đóng một vai trò quyết định trong việc hình thành và chỉnh thể thơ lục bát cổ điển Chăm, một thể thơ mà mãi đến thời cận đại, các nhà sáng tác thơ Chăm vẫn còn sử dụng.

ARIYA được dịch là thơ, trường ca hay thể thơ. Ariya hình thành hai dòng chính: dòng thơ thế sự và dòng thơ trữ tình.

Dòng thế sự có các tác phẩm chính: Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai, Ariya Ppo Parơng… Thuộc dòng này, nổi bật lên thể tự sự và kí sự.
– Trong Ariya Ppo Parơng (cuối thế kỉ XIX), tác giả ghi lại cuộc hành trình dài, gian khổ nhưng đầy lý thú của nhóm người Chăm chân đất bị quan lớn Pháp bắt đi tìm bia ký Champa cổ suốt dải đất miền Trung. Nhóm người Chăm không hiểu mình đang làm gì nơi đất khách quê người này. Trong lúc họ phải xa vợ con, nhà cửa, đồng ruộng. Nhà thơ đã khắc hoạ các khuôn mặt này với đầy đủ tên tuổi, quê quán cũng như các phản ứng tiêu cực của họ.

Chú thư kí Jadhar Wa ở Phan Rí
Bác thủ quỹ Dakkauk buồn cho Jathauw say sưa
Ja-aih Po xóm Trì Đức con nhà lành
Sớm tối mải mê với cờ bạc chè chén
Jamur Cơk con dân làng Như Ngọc
Jiep đi xa lại nhớ quê
Riêng Jathơng Ong ở Chất Thường vặt vãnh bệnh đau
Klum tôi mãi lo nên thân hình gầy rạc
.

Pauh Catwai (đầu thế kỉ XIX): miêu tả một xã hội Chăm trong buổi giao thời đầy biến động. Cuộc sống đổi thay, lòng người điên đảo. Phẫn nộ trước thói đời đen bạc, nhà thơ lên tiếng ngạo đời một cách chua chát:

Urang jiong di mik saung wa
Drei mư-aum cangwa, kauh gai patauk
Người đi cầu cạnh nơi bà con
Mình đổi cái nia, chặt cây về đỡ

Hajan laik sa bauh dwa bauh
Buh di kadauh wak ngauk linha
Mưa rớt hạt một hai đôi
Nhặt bỏ vào bầu, treo lên gióng cao

Trong lúc đó, cũng cảnh ngộ ấy, cũng chịu sức đè nặng như thế nhưng thái độ của tác giả Ariya Glơng Anak (đầu thế kỷ XIX) đúng mực hơn và nặng trách nhiệm hơn, mặc dù nhà thơ phải chìm trong nỗi cô đơn sâu thẳm hơn.

Glơng anak linhaiy likuk jang o hu
Bhian drơp ngap ralo, piơh hapak khing ka thraung
Nhìn trước ngó sau, còn ai người?
Sự nghiệp có cao vời, để nơi đâu cho ổn
?
Đứng trước xã hội nhiễu nhương, nhà thơ chúng ta đã không chạy trốn sự thật mà dám nhìn vào hiện trạng và vạch một lối đi khiêm tốn, rọi chiếu vài tia hi vọng vào ban mai.

Ngap rideh, paga wal raung kabaw
Bilimưk khơng di nau, pajiơng jađun saung hatơm
Pabơk banơk pakwơc ribaung bidalam
Gan agha gan rơm, sa prun sa hatai
Dơng hajan ia swa laik mưrai
Liwa hamu drak pađai, liwa puh pala tangơy
Blauh pala nhjơm paya saung plwai
Yah ơk cang thrwai, bbơng plwai saung dak
Đóng xe, dựng chuồng, nuôi trâu
Cho thật béo mập để dùng chuyên chở
Đắp đập, khai hoang cho thật sâu
Băng rừng, băng sông- chung lòng chung sức
Đợi khi mưa nguồn kịp xuống
Cày ruộng gieo lúa, cày rẫy gieo ngô
Rồi trồng bí đỏ, khổ qua
Ăn qua vụ đông đợi mùa lúa chín
.

Dòng trữ tình có ba truyện thơ và hai bài thơ dài là: Ariya Xah Pakei, Ariya Bini – Cam, Ariya Cam- Bini, Ariya Ppo Thien, Ariya Mưyut. Có thể nói rằng toàn bộ câu chuyện kể ở đây là những bi kịch tình yêu lứa đôi. Những cuộc tình này bắt đầu bằng bi kịch và kết thúc cũng bằng bi kịch. Không có bóng dáng niềm vui trong dòng văn chương này. Cuộc gặp gỡ giữa công chúa Islam và vị hoàng thân Chăm trong Ariya Bini – Cam báo hiệu cho một màn kịch lớn và toàn diện hơn. Nước mắt và máu đã đổ suốt câu chuyện, thấm đầy trang giấy. Và kết thúc luôn luôn và cái chết.
Về nghệ thuật, chính dòng văn chương này, người Chăm đã để lại nhiều đoạn tuyệt bút.

– Mưta mơy bingun ia throh
Asar intan jruh krưh wang canar
Swan ai laik tamư blauh bblung
O theih ra dung, o theih ra wơh
Mắt em giếng nước trong
Hạt kim cương rụng vào tâm điểm
Hồn anh rơi vào và đắm
Không ai níu lại, chẳng kẻ vớt lên
– Cim lơy hư bboh nai kuw
Pok yam nau bilai nai liti litaih
Ginum lơy hư bboh nai kuw
Mưta nai chai jih ia crauh jangaih
Yang bilan lơy bboh nai kuw
Bbuk nai hanguw hamac pơr pak adih
Chim ơi có thấy em ta?
Bước chân em dáng đi yểu điệu
Mây ơi có thấy em ta?
Mắt em ta mặt suối nước trong
Trăng ơi có thấy em ta?
Hương tóc em thơm bay khắp nẻo
.

Ngoài hai dòng trên, Ariya Chăm còn có dòng văn chương triết lý và giáo huấn với các tác phẩm đặc sắc và giá trị.

PANWƠC PAĐIT trong khu vực thơ ca bình dân Chăm, bên cạnh Kadha rinaih adauh (đồng dao), Damnưy (bài ca lịch sử), Panwơc pađit (ca dao) có lẽ là thể loại phát triển phong phú và độc đáo nhất. Chúng ta thử đọc qua một bài tiêu biểu:

Thei mai mưng deh thei o
Drơh phik kuw lo yaum sa urang
Caik tian mưng xit tơl praung
Bbuk pauh di raung hu ka urang
Caik tian mưng xit đi đang
Hu ka urang wan lo lingik
Ai về từ ấy ai kia
Giống người ta yêu, riêng chỉ một người
Để lòng từ còn nằm ngửa
Rồi được cho người, oan lắm trời ơi

Bài ca dao thực nổi tiếng, nổi tiếng đến nỗi không một người Chăm nào đã không hát nên nó lên bằng những làn điệu dân ca khác nhau vào một lần trong đời. Đấy là thân phận tình yêu thuở ban đầu, là nỗi hoài nhớ giấu kín nơi mọi con người. Chúng ta ai mà chẳng một lần yêu đương và mơ mộng, cái thuở ban đầu lưu luyến ấy.
Trong cái trinh tân, thanh thoát và vô tội của tâm tuổi trẻ, chúng ta những tưởng đó phải là tình yêu duy nhất yaum sa urang, cuộc tình đầu tiên caik tian mưng xit và cuối cùng. Rồi ngày qua, tháng qua… chúng ta trở thành người lớn, chúng ta cũng đã vội quên đi nỗi hoài nhớ với tiếng kêu oan này khi chúng ta có vợ con, khi chúng ta ngập đầu trong những lo toan thường nhật. Nhưng thật bất ngờ và khôn lường, một giây phút chểnh mảng mơ màng, như từ cõi miền thẳm sâu của tâm thức, tiếng kêu oan ấy, trên bờ môi ta, vỡ ra và vọt lên làm lạnh cả bầu trời hu ka urang, wan lo lingik.
Khác với lục bát Việt Nam, lục bát Chăm gieo cả vần bằng lẫn trắc. Và thanh trắc ở cuối bài ca dao mang ở tự thân vừa cái vang ra và cái dội lại. Vang ra cõi vô tận và dội vào thành tim ta. Vang ra tương lai xa xăm và dội vào quá khứ mịt mù.
Nên có thể nói, qua lời kêu oan này, qua làn điệu lâm li ai oán này trong những đêm khuya tĩnh lặng nơi thôn trang, chúng ta như vừa hội ngộ định mệnh chúng ta đồng lúc bắt gặp linh hồn người thiên cổ. Từ ngàn năm trước, ông bà ta đã hát như thế: Thei mai mưng dei thei o. Ngày nay, chúng ta cũng hát như vậy. Và có lẽ ngàn năm sau, con cháu ta cũng sẽ lặp lại ý thơ, dòng nhạc đó. Dù thời cuộc có đổi thay, dù thế hệ mai sau có quên đi cội nguồn, tiết tấu của bài dân ca ấy vẫn như một sợi chỉ định mệnh xuyên suốt xâu chuỗi dân tộc – quá khứ – hiện tại – tương lai. Mãi mãi không dứt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *