Về phê bình thơ

Thư gởi bạn thơ trẻ01
Sài Gòn, Mùa Thu 2004
Bạn thân mến!

Cám ơn các nhận định của bạn về thơ Sara. Xốc nổi và bạo dạn. Nó như là tuổi trẻ của mình lặp lại. Dẫu sao, cũng có vài điều cần trao đổi thêm.

1. Nói về thơ mình thì khá buồn cười, nhưng bạn đang bàn về nó rồi, nên mình tạm dẹp nó là của ai đi để dễ ăn nói. Viết phê bình, với mình, chủ yếu là để tự cảnh giác với cái nhàm cũ trước, sau đó mới tới các bạn thơ khác.
Một ví dụ rất dễ thấy, ngay trong Lễ tẩy trần tháng Tư – viết năm 1979:

Hai mươi hai tuổi rồi
Tờ giấy trắng và những đêm trắng
Trôi vần thơ lang thang
Ơi vần thơ đẫm sũng phong trần
Bàn chân người thi sĩ….

Nó là anh em sinh đôi với “Trên bước chân cô độc”, “Con đường”… (Tháp nắng), được viết vào khoảng 20-24 tuổi. Giọng thơ, chất liệu ngôn ngữ, không khí thơ… là của những năm 70 rơi rớt lại. Vẫn ý tưởng ấy, cái cô độc ấy, bước chân lang bạt ấy… Chúng có thực, là cái rút ruột của người viết, nhưng 20 năm sau, Sara đã viết khác đi rất nhiều:

Da và xương
Mắt buồn và khói thuốc
Tờ giấy trắng và đêm trắng
Bơi ngang dòng nước tối ẩn hình.

Anh
Đến và đi
Chiếc ghế trống bỏ lại

(“Trong khoảng tối gió mùa” trong Lễ tẩy trần tháng Tư).

Đừng nên kêu nó là cách tân. Nó không gồng mình cách cái chi hay bao giờ cả .
Nhà thơ luôn bị ám ảnh bởi một tư tưởng, trong suốt hành trình thơ của mình. Cái khó là làm sao giữ được nó, để qua ngôn ngữ thi ca, biến nó ngày càng giản đơn hơn, quyết liệt hơn (M.Heidegger đã như thế, với triết học). Mấy thứ điệu đà, cả tu từ rườm rà, ẩn dụ bí hiểm, hay vần vè rù rì… phải đi chỗ khác chơi. Tất cả còn lại là cái giản đơn của lời, nỗi có mặt tinh khôi của sự thể.
Bạn thấy đấy, đâu phải hễ thành thật là có thơ hay. Thành thật của hai bạn trẻ trong Văn nghệ trẻ (xem thêm: Inrasara, “Để thơ đến với bạn đọc – Chất liệu ngôn ngữ”) phát sinh từ thuở các bạn làm thơ trẻ ngồi ghế trung học, của Sara là từ đường phố Sài Gòn xưa. Hôm nay, làm thơ tình, nếu các cây viết trẻ không tự ý thức thì “thành thật” dễ được thai nghén từ lò Xuân-Huy thời Tiền chiến lắm!

Trong Tháp nắng, và cả Sinh nhật cây xương rồng, mình đưa khoảng mươi bài mòn cũ (mà mình từng cho là sáng tạo ghê lắm, và đã rất khoái) vào. May! Mình không là kẻ nóng vội, háo thắng. Nên đã nằm dài đợi chín tới. Khoảng 18-20, mình viết hơn trăm bài thơ theo dạng “Con đường”, “Trên bước chân cô độc”,… Bạn thử tưởng tượng, nếu Inrasara làm như vài bạn trẻ: lập tức bày ra cho đời hai tập dày dặn. Chắc chắn không ít kẻ phát hiện thiên tài! Ôi, tai hại cho thiên tài. Và cho cả từ thiên tài.
Vài ví dụ nhé: khi thấy “Trên bước chân cô độc” quá cũ, mình đã loại ra khỏi bản thảo Tháp nắng, nhưng một nhà thơ (hướng dẫn viên Trại sáng tác Đại Lải năm 1996) bảo nó “khá lắm”, thế là mình đã dại dột nghe theo, lại cho vào. Yếu bóng vía là thế! Trường hợp bài “Tặng phẩm của dòng sông” càng buồn cười hơn nữa. Sara viết nó năm 1982, qua 4 tập đã xuất bản, lần nào mình cũng đưa vào, nhưng giờ chót lại rút ra. Vậy mà anh biên tập ở tạp chí Văn nghệ Dân tộc cho nó là bài thơ hay nhất trong bản thảo Lễ tẩy trần tháng Tư, nên đã chọn nó đăng ngay trang đinh của báo mình. Mà bài thơ ngắn ngủn gì cho cam! Sara ngộ nhận về chính sáng tác của mình chăng? Có thể lắm chứ!

Hiện nay mình có hơn 100 bài không biết cất vào đâu, bởi khi bình tâm ngoảnh lại, chúng đụng hàng khá nhiều, bạn ạ! Không biết trong giới sáng tác có ai cảm nhận như mình không. Với người thợ, học là để làm theo. Nhưng với một nhà thơ, học là để làm khác đi. Biết là để tránh. Một nhà phê bình nói thế, mình hót lại thôi.

2. Không hiếm các vị trung niên hay U60 bảo: tập Lễ tẩy trần tháng Tư khá lắm, nhưng anh thích Tháp nắng của chú mầy hơn. Nên buồn hay vui đây? Mình nghĩ – không vấn đề gì cả. Bởi mỗi người có quyền thưởng thức thơ theo kiểu của mình. Nhưng dù thế nào đi nữa, thơ phải chuyển động, dẫu chuyển động trật đường ray tới đâu đi nữa còn hơn là đứng ỳ một chỗ. Bởi chỉ thế thôi nó mới hình thành một cái gì khác… Là một nhà thơ thì đủ thông minh để tự sửa sai.
Cách đây hai năm, một bạn thơ khá thế giá gởi Inrasara tập bản thảo (anh bảo chỉ chọn được hai người trên đất nước Việt Nam để nhờ góp ý – nở mũi đấy chứ!). Mình thật lòng: thơ bạn đã tạo được bước ngoặt lớn, so với 5 tập trước, thế nhưng nó cũ lắm. Nó nhai lại đúng những gì các nhà thơ miền Nam đã viết 30 năm trước. Mình chịu khó làm bảng thông kê 6 trang A4 các hạn từ anh sử dụng: trong đó 40% là của người khác rồi. Ông bạn khá mất lòng, nhưng đành chịu Sara! Thế rồi sau ba năm, thơ anh khác hẳn. Và hai vị hôm nay vẫn là bạn của nhau, bạn tốt nữa chứ! Trường hợp khác: bạn thơ nữ trẻ, giảng viên một trường Đại học, ba lần gởi mình các bài thơ cách tân bị ba lần mình nói “còn cũ lắm” (bản thân cô nàng chưa trang bị tố chất phá cách, mà chỉ mới bắt chước). Nàng buồn, nhưng – chịu.
Chớ nghĩ Sara thầy bà gì cho to chuyện nhé. Đôi lúc mình mang cả đống rác trong mắt mà không thấy đấy thôi. Chưa có bạn thơ nào ngang tàng chỉ cho mình cả. Buồn thế đấy. May, có tay nhà nông bạn mình là đã chả ngán, cứ phê tới!

3. Viết phê bình, buồn lắm. Bạn bè không à, mắc oán không cần thiết. Nhưng tội là các “nhà” mình mãi xưng tụng cái cũ rích, vỗ về nhau, cả tâng bốc nữa. Mấy bạn thơ không chịu tỉnh ngủ, cứ thế mà tin, mà “sáng tạo”. Mình nói rồi, không chỉ sáng tác mà nhất là phê bình cũng phải trang bị cái nhìn mới mới có thể đưa thi ca Việt Nam nhích lên được.
Trong Hội thảo về phê bình Tam Đảo vừa qua, mình rất thích phát biểu của Lê Thành Nghị: “Trong chúng ta, không ai muốn trừ đi số bạn bè của mình. Xã hội hiện đại không ít những lo toan phiền muộn, vậy thì tốt nhất, nếu viết thì nên khen là chính như Hoài Thanh đã từng làm. Và như vậy, nhà văn không bao giờ nên chờ một tiếng nói trung thực ở nhà phê bình về những bất cập, yếu kém của mình trong tác phẩm” (“Mấy ý nghĩ về thực trạng phê bình văn học”, báo Văn nghệ, số 35-36. 2003) .
Mình từng bị rồi: Trao đổi nghiêm túc (bởi nếu nhỏ nhẹ, êm ái không phải ta xem đối tượng như con nít đấy sao!?) với một tiến sĩ về sử thi Chăm, ông đã không trao đổi lại mà cắt đứt quan hệ với mình. Trong lúc cũng như thế với một vị khác, phản ứng khác hẳn. Không ra vẻ gì cả, nếu có ai chỉ mình cái sai, mình sẽ biết ơn rất nhiều.
Nhưng có nên vì ngại mất lòng mà rút kinh nghiệm rồi từ bỏ sự quyết liệt không? Không, có thể bỏ phê bình luôn chứ đã viết thì phải gắng mà thành thật với mình.

Đôi lời trái mùa, nghe như thế, rồi bỏ qua vậy.
Vũ trụ dài dặc, cuộc đời ngắn ngủn, đời thơ lại càng ngắn hơn. Cố tới đâu hay tới đấy. Chứ nghệ thuật biết trời trăng nào mà lần, bạn nhỉ!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *