Văn xuôi 15: Con sông quê hương

Các con sông quê hương với tôi gắn bó nhau gần như là thứ định mệnh. Từ thuở bé thơ. Không như rừng. Tôi rất ngại rừng, nhất là khi rừng về chiều. Rừng mang chứa nỗi dọa nạt khó hiểu. Tôi cũng không hạp với rừng lắm, khi muốn rút tỉa lợi lộc từ rừng.

Lớp Đệ Thất, mùa hè, tôi theo ông anh lên rừng đào giông. Giông là loài bò sát sống dưới hang có lúc sâu lút đầu người lớn, nhất là nếu đấy là đất cát xốp. Đã có không ít kẻ chết bởi sập hang giông. Quanh quẩn rừng cả giờ liền, trong lúc đám bạn đã kiếm được vài con thì tôi vẫn giỏ không! Hang đầu sâu quá ngực, tôi bỏ cuộc. Hang thứ hai con giông chạy thoát lỗ phụ. Thế là tôi chơi bài liều, quyết đầo hang không có kabbon – nắp đậy miệng, nghĩa là chấp nhận rủi ro. Được một thước, tôi thọc tay sâu vào để dò lối quẹo. Đang khi cố moi lớp lá khô tìm, tôi nhận cú đớp đau điếng vào mu bàn tay. Vội rụt ra: con rết to tới ba ngón bám vào bàn tay văng ra ngoài. Cha mẹ ơi, tôi chưa thấy loại rết to thế!
Tôi khóc thét lên, mọi người xúm chạy lại đập chết rết. Anh bảo đó loài rết rừng độc. Tôi nằm lăn lộn trên đất, tụi bạn làm đủ cách vẫn không hết đau. Nhìn bàn tay sưng vù, tôi khóc vừa đau vừa sợ hãi.
– Còn đào được nữa không? Một đứa hỏi, sau một lúc sơ cứu.
– Hay xách giỏ theo tụi tao để chiều về luôn, anh Đạm nói.
Bàn đi bàn lại, cuối cùng, họ bảo tôi về. Một mình. Qua mươi cây số đường rừng. Về tới nhà thì đã quá ngọ. Bây giờ nghĩ lại, vẫn còn hãi. Bọn trẻ vô tình quá? Mất mạng như chơi! Thương, nhưng vô tình. Tôi đã nằm giường đúng hai ngày.
Rừng là thế.

Nhưng, với con sông – những con sông của tuổi thơ thơ mộng tôi nhảy giỡn, tắm gội, để lại trong tôi vô vàn kỉ niệm ngọt lịm, mãi ám ảnh tôi.
Các con sông quê tôi: Kraung Bal Caung, Kraung Likuk, Kraung Lakưk, Tơng Lamưy, Ribaung Lah, Ribaung Kanu, Ribaung Dhaung, Ribaung Pa-auk, Ribaung Li-aung, Ribaung Gilai, Ribaung Tum, Ribaung Lauw,… hay những con đập luôn gắn với sông: Car Canang, Car Jađaw, Car Li-aung, Car Pabiơm,… Rồi: Banơk Mưyang, Banơk Mưhwen, Banơk Mưkrưh, … hoặc các đầm: Danaw Kaxon, Danaw Aih, Danaw Padien, Bblang Kadang, …
Không làng nào như làng Caklaing tôi, cái làng vị vua nổi tiếng Ppo Klaung Girai chọn làm nơi sinh, dân làng hãnh diện thế! Đất ruộng chưa tới trăm mẫu mà chằng chịt sông, mương, ao hồ, các con sông bao bọc bởi rất nhiều lũy tre. Chúng nuôi nấng tuổi thơ tôi. Là nguồn cung cấp thức ăn chưa hề biết cạn cho dân làng. Nhất là sông Lu-Kraung Biuh:

Sông Lu với cánh đồng quê tôi
như thần Shiva với thế giới
Shiva sáng tạo và hủy phá
sông Lu làm lũ lụt và bồi phù sa
khi sông Lu được vạch dòng quy hoạch
nó hết làm lũ lụt
cũng lúc thôi bồi phù sa
.
(Inrasara, Lễ tẩy trần tháng Tư)

Tôi nổi tiếng sát ngư. Thời Tiểu học, có hôm cắm câu buổi chiều được nhiều cá, cá trê to; muốn cất dành để sáng mai xách về làm oai [cho người người đều thấy], có khi tôi phải đào hố cất giấu đến một nửa trong số đó. Đúng là lối nghĩ trẻ con. Sát ngư, thì lắm lúc cũng bị ngư trả thù. Ngạnh cá trê thì khỏi nói rồi, nó mà đâm thì phải ôm tay về cho mẹ nấu cháo nếp xơi đến taum gwơn ngày hôm sau. Các con sông đầy loài cua, ếch, rắn… Chúng là nguồn thực phẩm cho dân nghèo không tiền mua thịt hay cá biển của Ywơn người Kinh ngoài chợ.
Sông nước hiền dịu và đầy tình yêu thương là thế, nhưng ở đó cũng ẩn chứa bao hiểm họa. Thằng [chú] Bánh suýt mất mạng trong buổi tắm sông, chị Nhỏ đi “nhá” bị nước sông cuốn trôi. Chị Lakưk chết đuối ở khúc mà dân làng sau này đặt tên là Kraung Lakưk. Ngay tại điểm chết này, bao nhiêu giai thoại mơ mơ hồ hồ về cô gái giữa trưa vắng nhờ ông già cõng qua sông. Đến giữa khúc sông, cô gái bắt đầu chơi trò tụt dần xuống; nhưng ông lão biết trước thế nào cô nàng cũng hành xử như thế cho lão chết đuối, để nơi sông nước đêm hôm có bạn bầu tâm sự; nên lão đã cắp sẵn cây rựa sau lưng. Cô gái tụt nửa chừng thì đụng phải chất sắt, không dám làm tiếp. Thế là cô gái tự dưng đẩy mình lâm vào thế kẹt, đành phó mặc ông lão cõng về. Lão biến cô gái thành vợ như trong truyện thần tiên chăng? Kết cục không có hậu như vậy. Lão quyết bỏ cô gái chết khát, cho làm thứ ma ma hết làm khiếp hãi kẻ thiếu kinh nghiệm. Nửa đêm hôm đó, cô gái kêu khát, xin lão cho miếng nước, mỗi giọt thôi! Tiếng kêu than khiến lão động lòng. Lão múc đưa cho cô nàng một gáo nước. Đụng phải nước, thế là cô nàng tiêu mất!

Nhưng không phải sông không mang khuôn mặt dọa nạt.
Trưa kia, ở sông Katơng Lamưy trên, tôi và Quốc đi thăm câu bị rắn hổ mang đâu từ gốc tre lao tới chặn đầu. Nó đang nằm ổ đẻ, nghĩ tụi tôi phá ổ nó. Cái đầu nó ngóc cao đến mấy tấc khỏi mặt nước, xòe ra thấy khiếp. Hai đứa mặt tím tái, tát bừa nước vào nó rồi mạnh ai nấy bỏ chạy. May mà nó không đuổi theo. Hú hồn!

Sông Hậu thuở đầu những năm chín mươi. Mênh mông sông nước. Tôi với Hani lúc ấy kéo cả gia đình vào miền Tây buôn bán, tính cư trú ở đó luôn. Chúng tôi bán thổ cẩm là chính, nhưng rồi bà con Khmer mắc nợ vải vóc không tiền trả, sang lại lũ heo con. Thế là ở thế buộc, hai kẻ xa lạ thành lái buôn heo con nơi quê người. Hơn mươi chuyến “buôn” như thế, chúng tôi đi trên chiếc ghe nhỏ gắn cái môtơ cũ kĩ của ông lái đò. Chiếc ghe con mỏng manh dọc ngang sông nước. Tôi nghĩ, nếu nó bị nạn, ai biết mà cứu? Và ai kịp cứu? Hai mươi năm sau, nhớ lại cảnh tượng kia thôi cũng đủ rùng mình!
Ngay cạnh nhà chúng tôi trọ, đã có gia đình nhỏ người Khmer ở Trà Kha bị nạn thảm thương. Một chồng, một vợ, một con. Chở đống mía qua Kế Sách bên kia bờ bỏ mối. Đứa con gái ba tuổi được cho ngồi lên đống mía cao ngất, vợ chồng chèo chống qua con sông. Đống mía đổ. Nghe tiếng la, người cha lao theo đứa con đang chìm. Và anh chìm luôn với con gái đầu lòng. Chị vợ còn lại chổng chơ với chiếc ghe tắt máy, mãi gần giờ sau mới có người tiếp cứu.

Có gắn bó với sông mới hiểu sông thế nào. Bao nhiêu con sông quê tôi đã chết! Ai còn kêu tên của chúng? Rất ít, và có lẽ không. Có ai còn nhớ tiếng ếch đầu mùa, hay một cò con vướng cành tre đang đập cánh sợ hãi, hay cá tràu to dính câu bị bỏ quên chết sình? Chợt nhớ bài thơ Sông lấp vùng Nam Định của Tú Xương. Nhà thơ lưu giữ kí ức cộng đồng, phần chìm sâu của kí ức. Là vậy.

Nhưng lạ, chính tay tôi cũng góp sức giết chết các con sông kia.
Năm 1977, kế hoạch lớn của Tỉnh được phát động hạ quyết tâm giải quyết nạn lũ lụt. Sông Lu cần phải biến thành sông tháo, rộng thoáng và thẳng băng. Cả mấy triệu lượt người được huy động. Bằng dụng cụ thô sơ nhất. Là bàn tay với cuốc xẻng. Mấy lũy tre, bao nhiêu cây cổ thụ thân quen, bãi tắm, ngả lội ắp đầy kỉ niệm,… Thiên nhiên phải chịu khuất phục trước ý chí con người. “Có sức người sỏi đá cũng thành công”, như anh Xã Đoàn trưởng ở lần phát biểu ra quân đọc diễn văn vào cái micrô! Lúc đó, tôi dù không cảm tình hay đối tượng Đoàn gì cả, lại được bầu nắm thanh niên làng. Cùng mọi người đóng công xã hội chủ nghĩa làm kế hoạch. Thế là bao nhiêu con sông, con mương khác lâu nay quen ăn theo sông Lu, cứ thế mà liên tục chết. Rồi người nhà nông đua nhau tranh thủ lấp để xẻo làm của riêng. Nhà tôi cũng được một miếng nhỏ ở nhánh sông Tơng Lamưy đầu đám ruộng khoán, mãi bây giờ vẫn còn. Có lẽ đây là tài sản đầu tiên trong đời mà cha tôi khai phá được để dành lại cho con cái.

Tôi vào Đại học rồi bỏ giảng đường. Tôi về quê làm kế toán trưởng Hợp tác xã rồi bỏ nghề sổ sách. Và làm lang thang. Con sông quê hương cuối cùng tôi được nhìn thấy là Kraung Likuk. Năm 1986, khi tôi bỏ Ban biên soạn sách chữ Chăm tại Phan Rang, để qui hồi cố hương. Tôi đưa gia đình nhỏ từ Hiếu Lễ trở về, quyết định cư mãi mãi. Lúc đó sông Likuk chỉ còn là sông chết. Nó chỉ chịu chuyển động khi có lũ quét. Vậy thôi. Nó đứng yên. Với đám lục bình dày đặc, là ổ cho đủ loại muỗi mòng quậy phá dân vùng ven.
Về, tôi quyết biến nó thành hữu dụng. Tôi huy động cả nhà dẹp đám lục bình để thay bằng rau muống. Không thể lội xuống lầy thu hoạch, Hani xuống dưới Cửa sắm thuyền thúng dân biển về. Rau muống nhà Sara nức tiếng cả vùng. Gia đình tôi chẳng những chu cấp cho người Caklaing thôi mà còn bỏ mối cho cả chợ Phú Quý nữa. Được lớp rau che chở, lũ cá trê tha hồ mà về tụ bầy. Thế là tôi được hai cái lợi. Dân Caklaing thấy thế nhân điển hình! Kraung Likuk từ từ cạn dần.
Và con sông cuối cùng của quê hương chết hẳn ba năm sau đó.
Năm 1990, tôi bỏ sông ra đầu làng mở quán Cà phê Haly. Để sau đó hai năm, bỏ vào làm dân Sài Gòn.
Các con sông quê hương chỉ còn là kí ức.

Sông Lu

Sông Lu sinh ra cùng tôi năm đinh
dậu. Hai mươi tháng hạn sông Lu nằm
phơi thân trầm dòng vào lòng đất. Sông
Lu chảy quyết liệt lúc tôi vỡ tiếng

nói đầu đời, sông Lu ẩn mình trong
tôi khi tôi bỏ làng đi lang bạt,
lần nữa sông Lu lại ra đời với
tôi ngày trở về. Đừng ai hỏi sông

Lu ở đâu, đất Phan Thiết sông Lu
lớn dậy chảy ngang trời Sài Gòn bay
Tokyo, sông Lu tắt Baghdad
hát cùng Euphrates. Sông Lu ngã bệnh

chết khát, như tôi, sông Lu giận dữ
gào thét hay rì rầm kể chuyện. Sông
Lu khô – cháy, đứng – đói, đầy – trào, sông
Lu nung nóng đồi cát hay sông Lu

tự vỡ bờ chở phù sa bồi ruộng
đất quê hương. Cả khi sông Lu bị
con người biến thành thứ mương tháo vô
dụng, sông Lu vẫn cần cù mang phù

sa đổ vào biển. Sống như là mang
phù sa đổ vào biển
.

Sài Gòn, 02.2006.

Trong Những mảnh đời chắp vá.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *