Đề tài Thơ Inrasara 2/2

3. Đối thoại với thời gian:
Thời gian ám ảnh thi sĩ sâu đậm và lâu dài hơn cả. Thi sĩ là kẻ luôn ý thức về thời gian và đối thoại thường trực với nó.
– Với Quá khứ:
Bài “Đoản khúc chiêu hồn”, “Tam tấu cho thế kỉ XXI” là tiêu biểu.

Mười năm cuộc chơi – sơ kết cuộc đời
Ta đếm đo được/mất
Tóc lún phún bạc
Thứ thù lao từ thời gian.

May mắn trái tim cứ cũ
Dẫu ngã vỡ mấy lần
Lại lặn lành
Lại đắm say, thao thiết
Rồi mai chân trời nào – không biết.
(“Hành trình”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)
*
Tháp hoang
đột ngột xô tôi về đối mặt
quá khứ
lao xao bầy dơi đen.

Tháp hoang
người bỏ rơi – lịch sử bỏ quên
bước chân thời gian thì nhớ.
(“Tháp hoang”, Tháp nắng, 1996)

– Với Hiện tại:
Các “Những ngày rỗng”, “Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối nay”, và nhiều bài khác.

Không ai có thể hát thay chúng ta
nơi đây và lúc này
cả hôm sau, có lẽ.

Ngày sắp lật sang trang
đêm xô ngã dáng nắng cuối cùng
bóng tối mang khuôn mặt đồng loã.

Không có ai
tim dễ cháy hơn trái tim chúng ta
phía khổ đau linh thánh.

Ngày mai đã chắc chi vang vọng
hơn lúc này, hôm nay.

Tiếng hát
vòng xoáy áo cơm
có lẽ là tột cùng vinh dự.

Bởi
không còn ai đến thay thế chúng ta.
(“Không ai có thể hát thay chúng ta”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)
*
Với Tương lai:

Tôi sẽ đi về đâu – không biết
Có lẽ phía câm lặng số phần
Mong mai mùa sẽ khác.

Tối mênh mông
Đồng lõa với cánh đồng khắc bạc
Tôi phải gieo hạt giống cuối cùng.

Tôi đã neo hy vọng cuối cùng
Vào lộ trình đêm tịch mịch
Mai rồi trôi về đâu – không biết.

Có bật ít mầm xanh?
(“Hành trình”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)
*
Sẽ bật lên
tiếng thơ đến sau tiếng thơ cuối cùng
hơi thơ dài lâu nén dồn lồng ngực
sẽ bật lên
hạt mầm vùi sâu hơn hạt mầm vùi sâu nhất
sau trận mưa tháng năm
rì rào cho đời khúc hát xanh.
(“Ngụ ngôn viết cho mình”, Hành hương em, 1999)
*
“Chuyện ông Klơng Man”
(Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, 2006)

Không gì buồn hơn khi ông hiểu
ông đã hết thời. Xa
công văn đi và đến xa
giọng ba đời cô thư kí với tiếng máy chữ cũ kĩ xa
cửa văn phòng mở, đóng đúng giờ không gì
buồn hơn

Ông về vườn nhưng
ông hiểu vườn đã hết thời
(từ điển hôm nay cần xóa từ về vườn, có lẽ)
bờ mương không còn cong, dòng nước thôi
làm lững lờ
lối cỏ, điệu cò đã vào qui củ. Thật quá buồn

Ông về. Nhà đang hết thời
cánh trẻ đổ hút vào phố
(không thể tránh)
bà cả ngày dán mắt vào nỗi niềm phim bộ
(không thể trách) bởi làng cũng vừa hết thời

Cây kuao vừa bị đốn hạ, hết
tiếng bò ngọ trưa hết
tiếng chó tru ma nửa khuya hết
bài tụng ca ban mai

Không gì buồn hơn.

4. Tình yêu:
Đề tài muôn thuở của văn chương, nghệ thuật. Thi sĩ thường nòi tình, có thể nói thi sĩ là kẻ thường xuyên thất tình. Thơ tình làm dễ nhưng rất khó hay. Inrasara ít có thơ tình, thỉnh thoảng vài bài điểm xuyết vào tập thơ như là một cách làm nhẹ đi không khí triết luận của thi tập.

Mỗi tháng, mỗi mùa đợi em về chẳng được
Đành mong em về chỉ mỗi Katê sang
Katê nay em không về, làng ta trống hoác
Đồi tháp hết hoang rồi
Lòng anh sao cứ mãi trống hoang.
(“Tứ tuyệt buồn”, Hành hương em, 1999)
*
Khi em xa anh, quên anh
anh chỉ còn hơi thơ và khói thuốc
làm đầy những khoảng trống không em.
(“Những ý tưởng không mùa”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)
*
Em đến thật êm đềm
như que diêm đốt trên đỉnh gió
ngọn diệm sơn trong anh trầm vỡ
giữa mù đêm
cháy
thật êm đềm.

Bước chân em
tặng vật của nỗi mong, của niềm nhớ
của hoài vọng ngàn năm ấp ủ
nơi hoang mang giông bão tim anh.
(“Tặng vật”, Tháp nắng, 1996)
*
Hoa tỏa mùi hương
không ai ngửi – hoa thả hương vào gió
chim cất tiếng hát
không ai nghe – nhạc bay khắp không gian
lòng anh mở trao
em không nhận – tình anh rồi tàn rữa.
(“Ngụ ngôn của Đất”, Tháp nắng, 1996)
*
Vay ban mai ít nắng
cây cho mặt đất vạn màu xanh
vay dòng sông phù sa
cánh đồng trả đủ cho ta mùa vàng.

Vay bầu trời chút gió
diều cho tuổi nhỏ trọn niềm vui
vay em nửa nụ hôn
là anh nhận cả nỗi buồn vô chung.
(Vay – Trả”, Tháp nắng, 1996)
*
“Thì Cổ điển mới”
(Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, 2006)

Đất màu ngô
em & anh xe hơn một giờ
chúng ta ngược về lãng mạn lạc thời, em nói

Đất Cao Lan hẹp mà lòng em rộng
đồi Cao Lan cằn làm hồn anh phì nhiêu
quành xe vào hiện thực

Trời đang rét mà mắt em ấm
tay anh buốt cho da em thơm
người không dài lời về nghèo khổ

Đất màu ngô
tình yêu màu gì không biết
môtô lạnh cóng hơn một giờ
anh cứ giàu lên từng cây số.

5. Chiến tranh:
Ở Việt nam và trên thế giới, chiến tranh xảy ra liên miên và không ngưng nghỉ. Inrasara ít đề cập trực tiếp đến cuộc chiến nào. Chiến tranh có mặt trong thơ Sara như là một lối nhìn mang tính triết luận và nó chỉ hiện hữu như mặt buồn của thân phận con người. Bài “Bước tam cấp cuộc đời” và “Đoản khúc chiêu hồn” là tiêu biểu.

Thuở bom napalm cháy đen giấc mơ tuổi trẻ
Tiếng phản lực cơ xé nát nhạc của đời
Thuở ý hệ cuồng điên còn nguy cơ xô loài người chìm thảm họa
Cuộc sống-cuộc cười chưa là thực tại ở tầm tay.

Là thuở lá lìa cây cây lìa đất
Đứa con của dòng sông còn lìa những dòng sông
Hồn Palestine làm kiếp đi hoang
Hoài vọng mênh mang còn chưa lìa nỗi đau gẫy đổ.

Là thuở bài thơ hôm nay còn phập phồng bên bờ lịch sử
Dòng ca dao chết gục rét bưng biền
Là thuở ngòi bút thù hằn còn đâm chỉa vào trái tim thế hệ
Nửa hồn người chưa hé nắng phục sinh.
(“Bước tam cấp cuộc đời”, Tháp nắng, 1996)
*
Người nằm bên bờ hoang – người không còn tên
người Thái, người Miên hay Việt Nam
người nằm phơi trần trinh thể xác
nguyên sơ như người thuở hồng hoang.

Tôi nghiêng xuống xác người chiều binh đao
tôi soi đời tôi trên vầng trán người xanh xao
tôi soi thế hệ tôi trong đôi mắt người ngây dại
soi con đường trần gian dưới bàn chân người mòn hao.
(“Đoản khúc chiêu hồn”, Tháp nắng, 1996)

*
“Người đàn bà và gia sản”
[Trích đoạn phim câm] (cảm tác từ Bắc Phi)
(Ở nơi ấy [thơ thời cuộc], chưa in)

Người đàn bà đội gia sản đi theo triền sông
cùng dòng người lọt thỏm giữa lòng sa mạc
túm bao nhỏ trên thúng to bé thơ bưng nách
năm đứa con rạc bước sau lưng

người đàn bà rời một miền đất tìm
mảnh đất dung thân

chớp mắt người đàn bà trở về
trên đầu không còn thúng to
còn túm bao nhỏ
không còn bé thơ bưng nách
còn năm đứa con rạc bước sau lưng

từ góc sa mạc người đàn bà ngược lên triền sông
chợt biến mất sau bản tin sáng

6. Triết lí cuộc đời:
Thơ Inrasara thường được cho là thơ triết luận, cả những bài nhẹ nhàng nhất cũng mang dấu vết của suy tư về ý nghĩa cuộc sống, thân phận con người. Nên, mảng đề tài này chiếm số lượng đáng kể. Có thể kể: “Kẻ canh đêm”, “Con đường”, “Con đường vỡ”, “Truyền thuyết về Ngôi nhà”, “Con đường lửa thiêng”.

Em trách anh mãi triết lý xa trong khi mắt mẹ buồn gần
gót chân gái quê lấm lem mà tứ thơ anh cứ là sang trọng
thì em trách
anh chỉ mong đưa thơ chắn che từ vòng xa vòng rộng
mai bão có thốc về cũng nguôi bớt rét vòng trong.
(“Xa – Gần”, Hành hương em, 1999)
*
Người cư ngụ dưới căn nhà tồi tàn
trước ngọn đèn tồi tàn, người suy tưởng
về sự thống khổ bần hàn trong thế giới bần cùng
giàu sang là nẻo đường rừng người đi buổi sớm.
(“Con đường vỡ”, Hành hương em, 1999)
*
Cái đích cuối cùng của cuộc hiện sinh không là gì cả
Nhưng lẽ nào chúng ta sống không làm gì cả
Để cuộc đời chúng ta không ra gì cả.

Hắn nghĩ sẽ bay cao, rất cao
Khi chế độ mở toang cửa rộng
– Hắn sẽ chẳng bao giờ lết tới đâu
Bởi đã không tự vũ trang đôi cánh.

Tất cả đều bị khất lại
Ngay cả sống người ta cũng nhiều lần khất lại
Dẫu thời gian không đợi ai khất lại bao giờ.

Hãy để trái tim rộng mở
Cho cuộc sống bước vào và đi ra
Đừng để thế giới lướt qua
Với trái tim luôn đóng cửa.
(“Đoản thi dành cho con”, Sinh nhật cây xương rồng, 1997)
*
Đám cây non vội vươn lên khoảng xanh
mà rễ chưa được cắm sâu vào đất
chỉ cần một cơn bão rớt
cũng đủ làm chúng run bấn lên.
(“Ngụ ngôn của Đất”, Tháp nắng, 1996)
*
Là già cỗi
Khi trái tim đã khép kín
Khi linh hồn chưa tuôn trào
Khi hoài vọng hết bay cao
Khi đôi chân mãi kéo lê trong đầm lầy kí ức.

Hãy sống như một bùng vỡ
Một bùng vỡ không cần đến tiếng động ồn ào.
(“Đoản thi dành cho con”, Sinh nhật cây xương rồng, 1997)
*
Sông Lu với cánh đồng quê tôi
như thần Shiva với thế giới
Shiva sáng tạo và hủy phá
sông Lu làm lũ lụt và bồi phù sa
khi sông Lu được vạch dòng quy hoạch
nó hết làm lũ lụt
cũng lúc thôi bồi phù sa.
(“Ẩn ngữ Pauh Catwai”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)

7. Tinh thần lạc quan:
Thân phận như thế, cuộc sống kham khổ như thế nhưng thơ Sara không lộ vẻ gì gọi là yếu đuối hay bi quan trước cuộc hiện sinh. Ngay cách nhìn nhận tháp Chàm cũng mang dáng vẻ khác hẳn các nhà thơ đi trước khi nói về tháp. Chúng ta chỉ sinh một lần trong đời, sống chỉ một cuộc sống. Vậy, tại sao chúng ta không vui đi?

Chế Lan Viên trông dáng tháp gầy mòn
Sara ngó ra tháp nắng
Thu Nguyệt thấy dấu chấm than
một tháp mà có bao kiểu ngộ (và ngộ nhận).
(“Tháp Chàm muôn mặt”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)
*
Vui sướng chúng ta bị lịch sử bỏ quên
vui sướng chúng ta sống sót
vui sướng chúng ta còn tay bắt, môi hôn cùng những chiều nâng cốc.

Thật may mắn – chúng ta có đủ đầu mình và tứ chi
càng may mắn – chúng ta còn cha mẹ anh em bè bạn
nếu rủi ro có thiếu đôi chút chúng ta vẫn may mắn hơn
kẻ đã chết.
(“Ẩn ngữ Pauh Catwai”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)
*
Buổi sáng – rất sảng khoái, tôi ra sông Lu
gánh theo đầu kia 41 inư akhar Cham K C T, đầu này
nhúm chữ cái Latinh A B C
nhận đầu chúng xuống nước bắt tắm gội từng đứa một
và tôi vui vẻ tắm với chúng.
(“Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối nay”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)

8. Suy nghĩ về nghề:
Ngoài thơ, Inrasara còn viết tiểu luận về văn chương,. Trích đoạn các suy nghĩ về thơ, về nhà thơ, về chữ và lao động nghệ thuật qua thơ và bằng thơ.

Giữa thế giới giàu sang vô độ này, cả nền thơ không thể cứu chuộc chúng ta
trong thế giới nghèo túng cùng cực này, một câu thơ cũng có thể cứu vớt chúng ta
(“Ẩn ngữ Pauh Catwai”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)
*
Tôi đốt lên hàng đống chữ
dưới tàn tro
bựơi lấy vài lời.
(“Những ý tưởng không mùa”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)
*
Không là gì – không vì đâu
Một giọng nói mỏng manh dễ đổ
Vãi gieo vô hình trên cánh đồng ngữ ngôn chưa vỡ
Cứ hy vọng mùa sau.

Không gầy nửa khoảng không làm đất đứng
Đi – như nỗi trầm tư
Không là gì – không vì đâu
Một hơi gió xâu dài thế kỉ.

Mãi vũng áo cơm
Mãi đỉnh cô đơn
Khiêm cung giữa bạt ngàn đau khổ
Thắp nắng dăm ba số phận mọn hèn.

Không là gì – không vì đâu
Đi – như là ở lại.
(“Thi ca và thi sĩ”, Hành hương em, 1999 )
*
Hãy hình dung trăm ý tưởng tài hoa chịu làm
vô danh cho tháp Chàm có mặt
hãy hình dung thêm vạn bàn tay sần chai vì nó,
đã ẩn mình
thì có sá chi thơ anh cõi còm chiều ngày tất bật
hãy thả cho gió bạt chúng về mấy cõi hư vinh.

Không vỗ ngực, không tranh hơn
không trốn chạy trước phận đời thất bát
câu thơ buồn
luôn có mặt nơi khổ đau có mặt.

Anh cứ hẹn mùa sau hái tuyệt tác trần
ngày đi, ngày qua – hơi thơ anh hiu hắt
những con chữ nắm đuôi nhau xếp hàng chịu
phận đời bèo giạt
tàn cuộc phiêu bồng có kết được đám trang xanh?
(“Ngụ ngôn viết cho mình”, Hành hương em, 1999)
*
Bao văn nhân sở hữu cả kho tàng
Phí một đời xuân đi làm hành khất.

Có mặt hai trăm năm – thơ Glơng Anak
Chưa gieo nổi mầm xanh ở giữa lòng người.

Không phải bài thơ tôi không thể viết
Những bài thơ không viết bao giờ.
(“Bài thơ không viêt”, Sinh nhật cây xương rồng, 1997)
*

“Nhà thơ đọc thơ mình”
(Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, 2006)

Tôi ngáp đến ba lần
khi mới đọc qua hai câu thơ nhảm, nhàm, sáo
& mòn, ẩm & hụt hơi
những câu thơ chết tiệt
bài thơ nói to

Tôi đã ngáp đến bốn lần
nhất là
khi nghe các nhà thơ đọc thơ mình & hơn nữa
nhìn các nhà thơ trẻ đọc thơ mình, tán
nỗi niềm chào đời o oe của thơ mình
trên sân khấu
trước màn hình
nhảm, nhàm
đến năm bận tôi ngủ gật

Khi tôi phải đọc thơ tôi vào
micro trống hay giữa hội trường nghịt người
tôi không thể
ngáp &, cũng không thể
ngủ gật
tôi như thể đang chết

Bài thơ xong là thuộc về KHÁC.

9. Về tự do

“Ở nơi ấy, tự do”
(cảm tác từ Miến Điện)
(Ở nơi ấy [thơ thời cuộc], chưa in)

những sinh phận không tự do
thiếu tự do
mất tự do những sinh phận
bị cầm tù trong thế giới thung lũng nên không nên
mò mẫm giữa vòng vây của cho phép
của nghe nói của được nhìn

những sinh phận không biết đến tự do
chưa hề nếm, ngửi, sờ mó tự do
lầm lũi, câm lặng, đi lại, thở trong lồng như thể
đang sống

những sinh phận loãng ý thức về tự do
chối từ, chạy trốn, đào ngũ, hết thèm khát
tự do
tự lường gạt đã có khi chưa bao giờ có
tự do
lang thang trong đầm lầy ân sủng

những kẻ đánh tráo khái niệm tự do, phản bội tự do
sợ tự do
sợ cái đạp vào bức tường sợ
tiếng cánh cửa mở
sợ
đi một mình
suy nghĩ cho mình

những kẻ sợ chữ tự do như thể sợ
ma sợ
nhắc tiếng tự do sợ
người khác nói đến tự do
viết về tự do

sợ
tự do được rỉ tai dù bằng
tiếng Anh hay tiếng Pháp
liberty hay liberté
danh từ, tính từ hoặc động từ
được chia dẫu ở thì tương lai mơ hồ
hay thì xa xôi quá khứ thậm chí
bằng thứ ngôn ngữ một thổ dân
xa lạ

khi tôi lỡ bật ra tiếng tự do
tôi phải xúc miệng cả khi
tôi nói mớ
LIBERTY LIBERTÉ
TỰ DO

*
Làm loài garuda cao ngạo
tôi bay theo tiếng gọi tìm đến hồ nước trong vắt miền cao em.

Chối từ vũng lầy nhâm nhi vị ngọt lời ngợi ca như kẻ nhàn vi nhấm nháp ly rượu chiều
chối từ ao đầm trang bản thảo dày lên dưới tay nâng niu ảo tưởng tôi vĩ đại
rụng rơi cảm giác đếm đầu sách ra lò in hệt doanh nhân đếm ngân phiếu
rụng vỡ thiên đường mù thủng đáy lạnh băng
rụng vỡ tôi – lưng – chừng – dốc – toan – vĩnh – viễn – an – cư!
(“Du ca mùa Đông”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)
*
Buổi sáng – rất sảng khoái, tôi ra sông Lu
gánh theo đầu kia 41 inư akhar Cham K C T, đầu này nhúm chữ cái Latinh A B C
nhận đầu chúng xuống nước bắt tắm gội từng đứa một
và tôi vui vẻ tắm với chúng.
(“Bất ngờ nhiều cái nghĩ, tối nay”, Lễ tẩy trần tháng Tư, 2002)

__________________________

Tôi còn buồn là tôi còn sống
tôi còn viết là tôi còn yêu
tôi hết yêu là tôi đã chết
.
_________________________

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *