Kay Amưh: Quan niệm Chăm về hôn nhân

NGÀY THÁNG NGƯỜI CHĂM
VÀ QUAN NIỆM CỦA HỌ VỀ CƯỚI HỎI

Một tuần lễ/Kauk karap Chăm có 7 ngày, bắt đầu từ ngày Chủ nhật.
Một năm cũng có 12 tháng, được gọi bằng số, riêng tháng 11 người Chăm gọi là bilan pwix, tháng 12 có tên là bilan mak. Từ ngày đầu tháng đến trước ngày rằm người Chăm gọi là bingun. Qua rằm đến trước cuối tháng gọi là klơm. Rằm là pporami. Ngày cuối tháng người Chăm gọi là harei ia bilan abih (ngày hết trăng).
Trong 12 tháng, có 6 tháng thiếu/bilan u là tháng 2, 4, 6, 8, 10, 12 chỉ có 29 ngày và thường “gối” vào ngày thượng tuần trăng (gwơr harei di bingun).
Ngày 6 chuyển thành ngày 7 (Nơm jiơng tajuh). Thiên Sanh Cảnh cho rằng sở dĩ chuyển ngày 6 thành ngày 7 bởi vì nét chữ số 6 với nét chữ số 7 Chăm gần giống nhau. Người ta chỉ cần thêm đứng dưới dấu âm (takai đak) dưới chữ số 6 sẽ thành nét chữ số 7, còn các số còn lại nét đều khác nhau(1).
6 tháng còn lại (tháng lẻ) là tháng đủ (bilan tapak) có 30 ngày.
Cứ 8 năm có 3 năm nhuần, gọi là thun kran. Thun kran có 13 tháng, tháng thứ 13 gọi là bilan bhang hoặc bilan biruw luôn luôn có 29 ngày.
Trong sinh hoạt, việc tính ngày chọn tháng đối với người Chăm rất hệ trọng. Một số lễ hội được quy định khá chặt chẽ.
Ví dụ:
Kate di bingun / Cabbun di klơm
(Katê vào thượng tuần trăng / Chabun vào hạ tuần trăng)
Hoặc cứ vào tháng Giêng Chăm, các xóm làng người Chăm đều tổ chức lễ Rija Nưgar (lễ cúng đầu năm) bao giờ cũng nhập lễ vào ngày thứ Năm và kết lễ vào ngày thứ Sáu ở thượng tuần trăng (Tamư di jip, tabiak di xuk)
Riêng đám cưới người Chăm, lễ chính thức luôn được tổ chức vào buổi chiều ngày thứ Tư hạ tuần trăng, sau rằm vào các ngày chẵn (2, 4, 6… klơm) và ở các tháng cố định 3, 6, 10, 11 và kể cả tháng 8 dù nó không được coi là tháng tốt.
Lý giải tại sao người Chăm lại chọn thời gian để tổ chức lễ cưới cố định như vậy – theo Jaya Panrang, căn cứ vào lịch Chăm cho rằng: Buổi chiều thuộc về Âm, tượng trưng cho tuổi về già, sống với nhau lâu dài.
Thứ Tư: thuận về đất nẻ, một thứ đất màu mỡ, dùng để trồng tỉa, hoa màu dễ phát sinh, cầu chung cho hai người sống với nhau sinh con đẻ cháu đầy đàn. Thứ Tư còn là ngày âm dương gặp nhau, vì người Chăm quan niệm rằng ngày thứ Tư có thể ví như lỗ rốn của con người; từ đầu đến rốn có 3 phần: đầu, cổ và ngực tượng trưng cho ngày Chủ Nhật, thứ Hai và thứ Ba; từ rốn đến bàn chân có bụng, háng và bắp chân tượng trưng cho ngày thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy. Người Chăm còn quan niệm rằng: từ lỗ rốn lên đầu đối với người chồng có thiên chức như người cha, đối với người vợ có thiên chức của người mẹ, còn từ rốn trở xuống đến bàn chân người đàn ông mới hẳn là người chồng và người đàn bà mới hẳn là người vợ. Ngoài ra, giữa hai vợ chồng thường xưng hô với nhau bằng “mày tao”(2) mặc dầu chồng lớn tuổi hơn vợ, hay ngược lại cũng chỉ xưng hô với nhau như vậy. So sánh ngày thứ Tư giữa tuần, cái rốn nằm ở trung tâm điểm của thân thể cùng lối xưng hô giữa hai vợ chồng, ta thấy người Chăm có tính bình đẳng rõ rệt giữa hai giới.
Còn việc chọn tháng 3 thuận về lúa, tháng bắt đầu công việc cày bừa gieo cấy; tháng 6 thuận về tài sản được tập trung, có nghĩa là mùa gặt lúa tháng 3 và bắt đầu cày gieo mùa gặt hái mùa lúa chính; và tháng 11, thuận về hưng thịnh, mùa gặt hái hoàn toàn và mọi công tác khác đều đã thu hoạch xong xuôi.
Tóm lại, người Chăm chọn thời gian làm lễ cưới, một phần lệ thuộc vào kinh tế nông nghiệp, lấy mùa gieo hạt giống làm tiêu biểu cho sự kết hợp và lấy mùa gặt hái làm tiêu biểu cho sự thành tựu; một phần lệ thuộc vào các biểu tượng thiên nhiên, theo thuyết Âm – Dương.
Đối với người Chăm cũng như một số dân tộc khác trên thế giới vấn đề tính chọn “ngày lành tháng tốt” trong sinh hoạt của mình đên nay vẫn còn bị chi phối khá nặng nề. Có khi chỉ vì phải đợi “năm tốt tuổi hạp” mà một số việc lớn đã phải dang dở. Những hiểu biết cơ bản về lịch pháp của dân tộc là điều cần thiết nhưng việc vận dụng những yếu tố tích cực của nó vào cuộc sống là vấn đề cần có một cách nhìn mới tiến bộ hơn.

(1) Trích bài viết của Lưu Quý Tân ở nội san Ước vọng 1 (An Phước – Ninh Thuận – 1968)
(2) Lối xưng hô giữa vợ chồng người Chăm nay có khác hơn. Họ ít “mày tao” với nhau. Các vợ chồng trẻ thường xưng hô “anh – em”. Những vị lớn tuổi, họ gọi tên con đầu kèm với vai trò của người đối thoại (ba An, mẹ An, chú An…) hoặc vợ gọi chồng là anh + tên chồng (xa-ai Long), chồng gọi vợ bằng tên.

Tagalau 5.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *