Nhà văn đứng ở đâu?

NHÀ VĂN ĐỨNG Ở ĐÂU?
Tham luận tại Đại hội Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, Hà Nội, ngày 08 & 09.12.2007.

1. Viết là tỏ thái độ. Dù bạn có vào tu chùa hay lên sống núi thẳm, chính trang viết của bạn nói lên thái độ của bạn. Nhất là khi nó động cập đến vấn đề xã hội, trực tiếp hoặc gián tiếp của hôm nay.
Làm nhà văn là bị đẩy xuống tàu, con tàu thời đại. Không phải dấn thân, nhập cuộc (engagement) mà là – bị đẩy xuống. Bạn không thể chọn lựa, dù bạn biết con tàu hôi rình và, ở đó bao nhiêu là kẻ thô bạo, sẵn sàng ném bạn xuống biển đen! Nhà văn học biết chấp nhận sự thật đó. Đây là mượn lối nói của Albert Camus. Bạn như kẻ đi trên dây mà dưới kia là vực thẳm. Bạn giữ thăng bằng giữa tuyên truyền thô thiển, xa hoa giả trá, hay sự nuông chiều thị hiếu rẻ tiền. Bạn đi chênh vênh giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại, quốc gia và thế giới, trách nhiệm công dân và ý hướng tính sáng tạo của nghệ sĩ tự do. Bạn chấp nhận viết trong hiểm nguy thường trực. Chỉ như thế, bạn mới còn “sáng tạo” theo đúng nghĩa nguyên ủy của từ.
Không khó hiểu, nhiều nhà thơ Mĩ tài hoa đã mất khả năng sáng tạo, khi có chân ở Đại học. Dù vẫn viết nhưng, họ hết sáng tạo. Nhà văn là kẻ sống thời đại mình, phơi trần toàn bộ con người mình ra với nó – trọn vẹn. Viết ở đầu sóng ngọn gió của thời cuộc, thời cuộc dân tộc.

2. Viết có nghĩa là khẳng định. Khẳng định tài năng và bản sắc Chăm trong cộng đồng các dân tộc. Đâu là khác biệt, là bản sắc văn học Chăm khả dĩ làm giàu sang nền văn học đa dân tộc Việt Nam? Nêu được sự thể đó là bạn đã có cống hiến lớn vào nền văn học đất nước. Chủ nghĩa độc văn hóa (Monoculturalism) dưới bất kì hình thức nào là rất phản-hậu hiện đại. Nhà văn học biết và tôn trọng sự đa dạng nền văn hóa. Suy tư và hành động bạn phụng sự cho sự đa dạng đó. Cả trong nghiên cứu, sáng tác lẫn phê bình.
Khẳng định bản sắc nhưng không phải vì thế mà bạn nhốt mình trong nó. Bản sắc luôn động, mở. Bỏ công sức cho ngôn ngữ – văn chương và các vấn đề văn hóa – xã hội Chăm, bên cạnh bạn biết mở ra với văn học đương đại trong và ngoài nước, cùng các vấn nạn của nó. Bạn nỗ lực suy tư lật mở các khía cạnh của vấn đề trung tâm/ngoại vi, một vấn đề rất giả nhưng tác động tiêu cực đến phát triển văn học. Đây là bước chuẩn bị khác, để đạp đổ bức tường tâm lí phân biệt đối xử giả tạo. Bức tường vô hình tồn tại dai dẳng trong cộng đồng, ở phía ngoại vi lẫn trung tâm; tệ hại hơn cả là nó nằm ngay tâm hồn của nhà văn lẫn người đọc.
Bạn dấn vào mấy vụ “lập biên bản” sự biến văn học đang xảy ra, qua đó khai thông cho các trào lưu văn học, để các hệ thẩm mĩ văn chương khác nhau cùng tồn tại – công bằng và lành mạnh. Lập biên bản là mở phơi sự thể như nó là thế mà không áp đặt lối nhìn nào bất kì; dù nhân danh truyền thống hay bản sắc dân tộc, chân lí đinh đóng hoặc cái đẹp vĩnh cửu; cũng không phải từ lập trường văn học trung tâm, từ chủ thuyết văn chương thời thượng nào.
Chúng ta thực sự chưa ứng xử công bằng với văn học [bị cho là] ngoại vi. Từ thẳm sâu tiềm thức, ta còn mang tâm phân biệt giữa sáng tác dân tộc thiểu số/đa số, tiếng Chăm/tiếng Việt, tiếng Việt/tiếng Anh, nữ/nam, địa phương/trung ương, là/chưa là hội viên Hội Nhà văn, hải ngoại/trong nước, Đông Nam Á/thế giới, ngoài lề/chính lưu,… Bên cạnh, tâm lí hậu thuộc địa mãi ăn sâu vào lối nghĩ của người viết lẫn người làm phê bình, không dứt ra được.
Sứ mệnh của nhà văn là phản kháng lại tâm phân biệt đó.

3. García Márques: Trong văn chương, khiêm tốn lắm lúc là một tật xấu!
Italo Calvino: “Những dự án mang tham vọng quá trớn có thể bị chối từ trong nhiều lãnh vực, nhưng không thể bị chối từ trong lãnh vực văn chương. Văn chương chỉ còn sức sống khi chúng ta tự đặt ra cho mình những mục tiêu bất khả lượng đạt, vượt quá tất cả hi vọng của sự thành tựu. Chỉ chừng nào các nhà thơ, nhà văn tự đặt ra cho chính mình những công tác không có bất cứ ai dám tưởng tượng đến, thì chừng ấy văn chương mới đạt được tác dụng của nó”.
Nếu nghĩ nhà văn Ý này ngạo mạn, thì thà thiên hạ cho bạn cao ngạo hơn là phải từ bỏ suy tư toàn cầu như thế. Thời đại toàn cầu hóa, thế giới mênh mông mở ra trước nhà văn. Người viết đối mặt với một hiện thực thậm phồn (hyper-reality), ở đó bao nhiêu là phương tiện, chất liệu mới cạnh tay cho ta sử dụng!
Để đáp ứng trúng nhịp đề tài đương đại, nhà thơ hôm nay quyết ném bỏ thủ pháp nhàm cũ với nhịp thơ rù rì, những hạn từ mòn sáo đèm đẹp, bao kì khu câu chữ trau chuốt. Cuộc sống thay đổi buộc nhà thơ thay đổi lối nhìn, cả lối viết. Bạn đặt cho mình câu hỏi lớn: tôi đóng góp được gì vào tiến trình văn học dân tộc đương đại?
Tinh thần cốt tủy của hậu hiện đại là giải trung tâm, phi tâm hóa. Nó đánh tan thứ tâm lí mặc cảm thiểu số hay nhà quê, tỉnh lẻ. Người viết hôm nay dù sinh sống vùng xó xỉnh nhất của trái đất vẫn có thể tự tin nhập cuộc. Chính sự phi tâm hóa của thế giới hậu hiện đại cung cấp phương tiện thiện xảo cho nhà văn dân tộc thiểu số để tự tin nhảy xuống nhập lưu hậu hiện đại, không phải quá độ văn chương hiện đại. Sự vượt bỏ này rất có thể làm nên đặc trưng mới của chúng ta, ai biết được!

4. Vẫn còn là chưa đủ, với những gì đang xảy ra xung quanh.
Nhà văn làm gì, với tư cách công dân, một công dân trí thức? Chữ viết và tiếng nói của các dân tộc thiểu số ngày càng bị lai căn, đang nguy cơ biến thành tử ngữ. Thi sĩ với tư cách là kẻ canh giữ ngôn ngữ dân tộc, bạn làm gì? Nhìn gần và thực hơn, môi trường văn hóa – xã hội Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị phá vỡ tạo bao nhiêu xáo trộn. Thống kê xã hội học cho biết nhiều plây dân tộc thiểu số, đã có hơn phân nửa thanh niên bỏ quê vào phố. Sinh hoạt những con người trẻ tuổi này thế nào? Tâm lí và quan niệm sống họ ra sao? Họ có còn là Chăm, Êđê, Kơho, Giarai, Bana,… không, hay đã “có nước da hơi sáng – em chối mình là Chăm” (Tháp nắng, 1996)? Đâu là các bài thơ về thân phận những đứa con tha phương này? Đám trẻ đói khổ ở buôn plây, những cụ già neo đơn, lớp học ba ca,… cùng bao nhiêu tệ nạn xã hội [mới] lồ lộ như một thách thức! Tôi đã làm được gì để cứu giúp, nâng đỡ bà con đang rơi chìm vào hoàn cảnh kia? Tôi có thử một lần nỗ lực nhấc ngón tay hạn chế bớt tệ nạn xã hội đang xảy ra khắp xung quanh chưa? Hiện trạng kia có mặt ở đâu trong trang văn, bài thơ tôi? Nhà văn còn chưa đặt câu hỏi về sự thiếu vắng đó. Càng không bối rối về việc mình chưa đặt ra câu hỏi nữa!
Jean-Paul Sartre từng cả quyết rằng: đứng trước đám trẻ con đang chết đói, cuốn La Nausée (Buồn nôn) – một tác phẩm lớn thể hiện rõ nhất tinh thần chủ nghĩa hiện sinh của ông – vô giá trị! Đấy là lối nói to. Để nhấn vào vai trò và trách vụ của nhà văn với thế giới xung quanh, và nhiệm vụ của nghệ thuật là phụng sự xã hội. Dù bên cạnh Sartre-hiện sinh vẫn có Sartre-chủ bút tạp chí Les Temps modernes (Thời đại mới), nhưng đó là một phát biểu dễ gây ngộ nhận.

5. Dù vị thế của Sartre và Camus trong văn chương nhân loại là không thể chối cãi, thế nhưng ở đó vẫn còn có mặt sự căng thẳng của chủ nghĩa hiện đại: cả việc tuyên về vô giá trị của Buồn nôn lẫn nỗi bị “đẩy xuống tàu”! Còn ở đó sự nghiêm cẩn (seriousness) đến nghiêm trọng của thái độ. Nhà văn tự làm căng, qua đó văn chương thiếu hẳn tiếng cười, rất phi-hậu hiện đại. Trong khi tiêu đích cùng tột của văn học-nghệ thuật là kích thích sống và thăng hoa cuộc đời. Chính nhầm lẫn giữa tư cách công dân với sứ mệnh nghệ sĩ, chúng ta đã làm hại không ít đến phát triển văn chương, suốt bao nhiêu năm. Emile Zola-chủ nghĩa tự nhiên và Emile Zola của cuộc chiến quyết liệt cho nhân quyền trong vụ án Dreyfus (1894 – 1898) hay, René Char-thi sĩ Siêu thực và René Char-chiến sĩ chống phát xít Đức,… không có gì mâu thuẫn cả!
Không có gì là mâu thuẫn cả, khi bạn lang thang vào các palei Chăm lượm nhặt “một câu tục ngữ – một dòng ca dao / nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ…” (Tháp nắng, 1996) trong lúc vẫn sáng tác thơ bằng thủ pháp hậu hiện đại vừa khai sinh tận phương Tây! Không có gì là mâu thuẫn cả, khi bạn lên kế hoạch điều tra nạn mất gà ở một làng quê hẻo lánh trong lúc vẫn theo dõi sát sạt các trào lưu triết học đương đại Âu Mĩ! Bạn chỉ có thể góp công cải tạo hiệu quả môi trường trái đất, khi chính bạn biết trồng cái cây trong khuôn viên ngôi nhà mình.
Suy tư toàn cầu, hành động cục bộ là vậy.

Dù gì đi nữa, “Hãy viết với nụ cười, dù điều ta biết là kinh khủng hay bi thảm”, Henry Miller đã nói như thế!
Sài Gòn, 18.10.2007.

*
Chú thích: Tham luận này được nhường cho các tham luận khác trong Đại hội. Dĩ nhiên, tôi cũng không bao giờ đọc nó, nếu có thời gian, mà sẽ “nói” chuyện khác.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *