Sẽ không là một tiếng chim lẻ loi

Trong nền văn học cổ điển Chăm, hầu hết các sáng tác đều khuyết danh. Tác giả giấu mặt đi cho tác phẩm được hiện thể. Có thể người nghệ sĩ muốn lánh mặt để tránh sự va chạm, đố kỵ hay hận thù không cần thiết sau khi đã diễn bày được tâm tư hay suy nghĩ của mình trên trang giấy.

Cũng có tác phẩm mới ra đời đầu thế kỷ nay, người ta biết tên khai sinh tác giả nhưng đã cố tình lờ đi. Rồi khi sao chép văn bản người ta đã sửa chữa, thêm bớt rất tự nhiên. Cá nhân chịu ẩn khuất cho tập thể hiện diện.

Dân tộc Chăm là thế. Tháp nắng ghi nhận bước khởi đầu ở tuổi hai mươi – qua những bước chập chững vào lòng dân tộc: hơn ba mươi làng Chăm khắp hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, những bước lang thang thám hiểm vào các xứ sở, ý tưởng xa lạ, bao lần hư mất của các trang bản thảo để hai mươi năm sau gạn đục khơi trong mới hình thành.

Nó cũng sẽ chìm nghỉm trong sự vô danh truyền thống chung của văn học dân tộc nếu không bởi ngẫu nhiên một người bạn biết đến nó, muốn đỡ đần nó. Sau cùng là sự ủng hộ đặc biệt về tinh thần của các bằng hữu ở quê nhà đã tạo cho tác giả của nó sự tự tin bước đầu. Nó cũng sẽ không bao giờ ra đời nếu không nhận được sự quan tâm từ phía Hội Nhà văn Việt Nam qua đợt mở Trại sáng tác văn học ở Đại Lải vào mùa hè năm 1996.

Tôi chịu ơn rất nhiều tất cả hình thức giúp đỡ ấy. Với tư cách một cá nhân và một cộng đồng. Một cộng đồng chưa tới 150.000 dân, sống khiêm cung trong đất nước đang có những bước chuyển mình to lớn này. Cộng đồng đó đến giờ phút này vẫn chưa có nhà văn, nhà thơ có tiếng nói khiêm tốn trên văn đàn của cả nước.

Trước 1975, một vài khuôn mặt văn nghệ ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã có một số bài thơ, truyện ngắn đăng rải rác trên các báo, tạp chí ở Sài Gòn. Dẫu còn lẻ loi, mờ nhạt nhưng cũng phải ghi nhận cố gắng hòa nhập của các cá nhân này vào đời sống văn chương tiếng Việt. Nhưng rồi một phần vì thời cuộc, phần nữa do đời sống khó khăn cộng thêm gánh nặng trách nhiệm với con cái, các tiếng nói này cũng đã mất hút trong vòng xoáy áo cơm thường nhật. Và từ đó đến nay, người Chăm im hơi lặng tiếng.
Hai mươi năm đi qua.
Trong hai mươi năm ấy, Tháp nắng dẫu vẫn lặng lẽ hoài thai nhưng chưa một lần hy vọng sẽ chào đời vào một ngày đẹp trời nào đó. Nhưng rồi qua hai mươi năm lận đận, nó cũng đã được in, như dạng nó đang có, nghĩa là bớt sần sùi đi, tươm tất hơn. Và may mắn đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.

Do đó, tôi muốn xem giải thưởng này do Hội Nhà văn dành cho Tháp nắng – sản phẩm văn chương đầu tay của tác giả văn học Chăm đầu tiên – là phần thưởng vừa dành cho cá nhân tôi đồng thời cho các bạn sáng tác Chăm mà những bài thơ, trang văn còn nằm ở dạng bản thảo. Giải thưởng này sẽ như là một khích lệ, một chất kích thích thôi thúc họ sáng tác và xuất hiện.

Riêng cá nhân tôi, với niềm vui đến khá bất ngờ, tôi không xem giải thưởng như mức đến mà như một bước khởi đầu mới trên con đường nghệ thuật dài dặc, hứa hẹn nhiều bất trắc này.

Bài viết đọc trong Lễ phát Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, tại Hà Nội, 1998.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *