.

INRASARA: “CÃI NHAU VỚI BÓNG CỦA MÌNH…”

“…Tôi làm thơ để cãi nhau với bóng của mình” – Một khái niệm mới về thơ? – Không hẳn! Bởi thơ ca không có định nghĩa, khái niệm rạch ròi. Nhưng đó là một giọng nói mới, lúc này, ở đây, trong trạng thái không gian và thời gian hiện hữu của nhà thơ Chăm-Inrasara-đứa con của đất xương rồng cát trắng, của tháp Chàm trầm mặc và huyền hoặc nắng mưa. Lễ tẩy trần tháng Tư (Nxb.Hội Nhà văn, 2002), tập thơ thứ tư của Inrasara, mang giọng nói trầm tưởng, u huyền ấy. Giọng nói của một con người thi sỹ cãi nhau với bóng của mình…

Có thể đi vào không gian thơ Inrasara một cách nhẹ nhàng như cách ta đặt chân xuống miền đất nắng gió sỏi đá quê anh. Dù có hơi chông chênh vì những ngõ plây còn gập ghềnh, dù có hơi xa xăm vì bóng tháp hoang liêu và cũng có đôi khi phải nhói lòng vì một chiếc gai xương rồng vô tình vướng vào bàn chân ham lăn lội, phiêu du… Nhưng cái cảm giác mộc mạc gần gũi của hình tượng và sự lắng đọng của suy tư, cái bồng bềnh của cảm xúc và sự miên man của triết luận, những trằn trọc của nỗi đời và chút khói sương tâm linh cứ quyện hòa đi tìm nhất thể tính. Nếu như Tháp nắng (1996, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam) làm người ta giật mình vì một giọng thơ lạ, đầy tha lực thì Sinh nhật cây xương rồng (1997) và Hành hương em (1999) là nỗi khấm khuấy những lắng đọng của một đứa con Chăm phiêu lãng phố phường, một đứa con thơ ca lưu lạc giữa giòng đời bề bộn, và trên hết, là một thân phận “thiểu số giữa lòng thiểu số”:

Tôi, đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp
Đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao
Đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét
Và của đôi mắt Chàm mất ngủ xanh xao
.
(Tháp nắng, “Đứa con của Đất”)

…Thì ở Lễ tẩy trần tháng Tư, Inrasara tiếp tục ngụp lặn xuống đỉnh thẳm cô đơn để suy nghiệm. Và bước qua suy nghiệm, anh hoài nghi, đối thoại với cuộc đời và với chính mình. Ở đó, anh tìm được tìm những cảm xúc mới mẻ hơn. Với Inrasara, sự cựa quậy của tư tưởng thường đến trước cảm xúc và kĩ thuật thơ ca. Có thể nói gì về một tập thơ với những câu, bài thơ dài, không vần vè mà chòng chành chữ nghĩa và đôi khi bồng bềnh nhạc tính như một lời kinh, một bài thánh ca? – Inrasara tự tin đi chông chênh trên sợi dây ngữ ngôn vỡ vạc bằng nhịp điệu của suy tưởng:

Buổi sáng – rất sảng khoái, tôi ra sông Lu
gánh theo đầu kia 41 inư akhar Cham K C T, đầu này nhúm chữ cái Latinh A B C
nhận đầu chúng xuống nước bắt tắm gội từng đứa một
và tôi vui vẻ tắm với chúng
.
(“Thay lời tựa”)

Với hai gánh chữ và một phận đời ôm lấy nhiều phận đời ấy, thằng Klu (con trai Chàm) năm nào hồn nhiên tắm gội và lặng lẽ vẽ mặt mình vào sông. Để nhờ sông cuốn ra bể rộng. Đứa bé xấp xỉ tuổi năm mươi ấy hiểu rằng, dù có ngụp lặn để tạc mình vào sông thì cũng chỉ là di ảnh trong lúc này, ở đây… trong một trạng thái cảm giác nhất thời. Lễ tẩy trần tháng Tư là sự thể nghiệm thi ca trạng thái được đồng hiện trên nhiều mốc thời gian và không gian khác nhau, để cất lên giọng nói của cảm thức:

không có ai
tim dễ cháy hơn trái tim chúng ta
phía khổ đau linh thánh.

ngày mai đã chắc chi vang vọng
hơn lúc này, hôm nay
(“Không ai có thể hát thay chúng ta”)

Đạo Phật có thuyết luân hồi. Người Chăm Bàlamôn cũng coi cái chết nằm trong và là một phần của sự sống. Thế thì mỗi sát na thời gian đều ghi dấu một cảm giác của chúng ta vào hư không. Và một cuộc đời trăm năm có khi chỉ là một sát na trong đất trời vô thuỷ vô chung. Mà thi ca là sự chớp bắt cảm giác, chớp bắt tia sáng của nghiệm sinh vậy. Cớ sao con người thi ca trầm tưởng kia lại không lặn xuống “bảy tầng cô đơn” để chứng ngộ chính mình! Nói như Nietzsche: “Cô đơn, bạn đi theo con đường dẫn về chính bạn! Và con đường của bạn vượt qua trước bạn và trước bảy con qủy của bạn!”. Ôm vào mình bao nỗi đời, chấp nhận cô đơn để sống và chết cao hơn cô đơn, đó là thi sỹ:

Giấc mơ tháng mười đã không ngọn cỏ nào bão trì
vẫn miệt mài trườn qua cõi bọt
dù không tin chắc mình sống sót
một manh tả tơi
.
(“Những linh hồn tháng mười”)

Bảy bài thơ “Những ngày rỗng” và “Lễ tẩy trần tháng Tư” là những thể nghiệm đẹp, bản thân những con chữ đã biết thoát xác để dịch biến cùng dòng thời gian và không gian. Đó là những ngày anh không nghĩ, không nói, không làm gì, để trầm vào mình cho “trăm con sông nuôi nấng tuổi dại mình / chảy đầy trí nhớ”, để những thước phim quá khứ, những dư ảnh hiện về, thấu lọc suy tư, cảm nhận dạng thức, trạng thái thế giới dịch biến, cuộc đời bể dâu… Thế giới huyễn sắc trôi qua con đường huyền thoại trong tư duy Champa những đoạn phim âm bản làm ta rùng mình:

thức giấc / nán lại nhìn
cái bóng xa lạ thiết thân đến xuyên tường đồ vật đặc dày
lù lù có mặt
không thể ghì níu, trốn chạy, đuổi xua, ôm ấp

người bạn kiếp xưa chiều mưa đột ngột hiện về
người tình kiếp sau một đêm tả tơi gõ cửa
(“Ngày 14: Vượt qua Heidegger”)

Đó là những diễn tiến của đất trời và tâm trạng con người trong nghi thức một cuộc lễ tẩy trần được nhìn bằng ánh mắt của một đứa trẻ hồn nhiên thảng thốt trước sự linh thánh. Nắng, lửa, vị pháp sư và những lời kinh tế tụng cất lên đẹp mà lung linh huyền ảo. Không có một tâm thức Champa, khó viết được những dòng này:

AUM… AUM… AUM…
Ông đã thấy
cửa trời mở như vòng tay người vợ kiếp xưa ông mở đám mây
mùa tràn về như chỏm tóc đứa con trai kiếp sau ông bay về
Ông dang tay
Ông bước tới, đạp tới bằng bàn chân ngày qua còn đẫm bùn
sá gì ngọn lửa lẹt đẹt với tiếng vỗ tay ahei lẹt đẹt
sá gì trống ginang đánh giục truy đuổi sợ hãi
Ông biến vào lửa Ông nhảy cùng lửa Ông là lửa
sạch lần cuối cùng / sạch muôn ngàn lần nữa
cho thế giới một lần được sạch. Như thế
.
(“Lễ tẩy trần tháng Tư”)

Và ở tập thơ này, Inrasara vẫn trằn trọc, đau đáu một cái nhìn thi sỹ trước một thế giới xô bồ cạm bẫy, một thế giới đồ vật đang dần dần lấn chỗ con người, một thế giới mà mọi giá trị có thể bị dòng chảy thác lũ của nó cuốn phăng đi. Sự khủng hoảng từ một thiếu nữ Chăm bỏ quê nghèo ra phố bán bia ôm và “lạc vào rừng phố” (“Chân dung nàng”, “Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối nay”), từ những cô gái “hệt nhau – nơi đi, điểm đến / từ những số phận đi tìm những số phận / hi vọng sẽ khác” (“Ngày 10: từ góc quán cà phê”) hay thường nhật của một nhà thơ hiện đại xa hoa với cặp đen, veston đen, taxi xanh lam, cà vạt xanh, bó hoa sang trọng và những tràng pháo tay tán tụng sau những bài tham luận hội nghị… Tất cả xa rời với thi ca và thân phận trong “Một giấc nhà thơ” hay những kẻ mượn chữ nghĩa làm tiền đầy ranh mãnh trong “Cái khôn thừa” v.v…
Thơ, khác với báo chí, phải vượt qua tính thời sự để vươn tới tầm thời đại. Đừng nghĩ rằng tầm thời đại là những gì mang tính vĩ mô, xa xôi mà chính ở nỗi “yêu-đau” trước thân phận con người. Khi thân phận thi sỹ là thứ thân phận yêu-đau, tự nguyện mang vào mình trùng trùng những cơn đau khác, số phận khác để cất lời thơ:

Nhà thơ ngồi xa lông
hay thi nhân cuốn dập duềnh biển sóng
cùng nòi yêu – đau
chia nhau trời mê đắm

(“Đồng dạng”)

Thơ như tiếng nói hỗn thanh. Thơ phải ôm vào mình những cuộn trào cuộc thế mới mong có những cơn “bùng nổ thẳm sâu” (từ của Prassinos) ở thì hiện tại. Không thể mũ cao áo rộng, chỉnh tề, trịnh trọng vần vè câu cú… như những ngày cũ; thế giới chúng ta đang sống đòi hỏi những đột biến mới hơn, mạnh hơn ở ngữ ngôn và cách nhìn. Inrasara rất ý thức tìm kiếm và chịu làm mới. Về ngôn ngữ, đã thấy anh chăm chút đến từng hơi thở, khoảng cách sống giữa chữ, nghĩa. Những con chữ đã biết vươn ra một cách tự nhiên hơn và bám rễ vào hồn người. Đôi khi có những câu thơ nặng về triết luận hơn cảm xúc mà sao vẫn đẹp đến lạ lùng, mê hoặc:

tháng mười mưa mưa mưa mưa
em về sáng đồi sương cũ

(“Ba khúc ca quê”)
hay:
anh thắp nhỏ nhoi nhành hi vọng
qua héo đau nẩy chồi sắc nắng

Nhờ thế, Lễ tẩy trần tháng Tư bước qua cái giản đơn mộc mạc của anh nhà quê từ Tháp nắng dọ dẫm đi ra khỏi plây, mang trong đầu một mớ sách vở ngổn ngang, nó bứt khỏi gấu áo buổi Sinh nhật cây xương rồng nửa quê nửa phố và đi xa hơn trong chuyến Hành hương em. Để học dòng sông Lu, người con Chăm thi sỹ ấy khai mở một vòm trời khác. Vòm trời sâu thẳm của suy tưởng, triết luận, và đắm chìm hơn với những trạng thái, xúc cảm thân phận, cuộc đời! Đôi chỗ, giọng nói ấy cất lên làm ta rùng mình vì tính huyền ảo lẫn hiện sinh của nó:

đôi lúc / nửa đêm / tôi nghe tháp mọc ngang trời
(“Tháp Chàm muôn mặt”)
Và những đoạn “Sầu ca trên đỉnh tháp”, “Hạt mùa mới” vừa là những đối thoại, đồng thời là độc thoại đẹp mà vời vợi buồn.

Khi niềm vui tan trong nỗi đau vỡ hoang ánh nắng
tôi mang hạt giống thu hoạch phương xa gieo cánh đồng làng
em nhân giống dân ca vào giai điệu mới
bờ cỏ vang vang ngôn ngữ được mùa

(“Hạt mùa mới”)
Rất gần gũi, mà rất hiện đại. Rất mộc mạc mà rất trí tuệ. Bởi nó được nuôi lớn bởi dưỡng chất của nguồn sữa ariya, của những thi phẩm cổ điển Chăm Glơng Anak, Pauh Catwai… được tắm trong những cơn nắng mưa xứ sở và thời đại. Thế nên 41 inư akhar Cham K C T (chữ cái Chăm) và nhúm chữ cái Latinh A B C đang tắm gội cùng Inrasara trong cuộc lễ tẩy trần đầy linh thánh… Và trên dòng sông thi ca, tất cả mọi sáng tạo cái mới, cái hay, cái đẹp đều là của chung – đứng về phía con người, không có ranh giới, sự phân biệt! Thi sỹ – người tắm gội, giao đãi mình trên giòng sông kia đang cất tiếng hát, tiếng hát vừa là lời kinh vừa là lời khước từ chiếc bóng cũ kĩ, chiếc bóng đầy dọa nạt của bản ngã khi anh ta ngụp lặn xuống, tạc mình vào sông, thám hiểm chính mình trong dòng sông đời thao thiết chảy. Để rồi, nhờ sông cuốn trôi phiên ảnh mình về phía bể đông cuộn sóng!

Cái tôi viết lên giấy có thể chỉ là xác chữ mòn chán
thêm vào thế giới đã đầy tràn
thêm vào tro bụi
tro bụi làm thành ý nghĩa trần gian
chỉ là tro bụi

(“Khởi động của khởi động”)

Có thể nói gì về một tập thơ đầy trằn trọc và đậm chất triết luận như thế?
– Rằng nó làm tôi đau đầu?
– Rằng nó làm tôi khó hiểu?
– Rằng nó làm tôi hoang mang?…

– Không! Rằng nó là những khúc ca đẹp của thứ cảm xúc nảy mầm trên tư tưởng, như loài xương rồng gai góc của miền đất Panduranga trầm tích và huyền thoại kia biết vươn lên, bật máu mình, đơm hoa trên cỗi cằn đá sỏi quê hương!
*
Tc.Kiến thức ngày nay, số 443.2003;
Tc.Văn hóa Dân tộc, số 04.2003.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *