Văn Giá: Bàn tròn văn học

Văn Giá
Nhà phê bình văn học
Chủ nhiệm Khoa sáng tác và lí luận-phê bình văn học
Đại học Văn hóa – Hà Nội
.

BÀN TRÒN VĂN HỌC

Bài viết được thực hiện theo đơn đặt hàng của báo chí cho câu hỏi: “Ở ta hiện nay có văn học đô thị hay chưa?”. Nhưng khi báo Thể thao – Văn hóa đăng cùng ý kiến của 2 người khác, BBT có tiêu đề nhỏ về phần bài này: “Văn Giá: Không có văn học đô thị”. Tiêu đề dễ gây ngộ nhận về quan điểm của tác giả. Dưới đây xin đăng lại nguyên văn.

*
Cách đây già tháng, nhân bàn về truyện ngắn 8X và tập Vũ điệu thân gầy, tôi có đặt vấn đề để cùng nghĩ ngợi (chứ chưa lý giải gì hết), rằng chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng đáng chú ý: khá nhiều người viết trẻ có thành tựu lại thuộc về các cây bút đang những ở nơi xa hút xa hắt thuộc miền núi Bắc bộ, Trung Nam bộ, Tây Nguyên, miền Tây Nam bộ như Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Nguyên Phước, Đỗ Phước Tiến, Niê Thanh Mai, Nguyễn Ngọc Tư; vừa rồi lại Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Toàn, Hồ Thị Ngọc Hoài nữa; trong khi đó các cây bút sinh sống tại đô thị (chỉ có thể lấy cuộc sống đô thị làm nội dung) lại chưa có tác phẩm nào cho ra trò. Tôi mới đưa ra một giả định rằng, phải chăng các cây bút xa xôi đó có điều kiện đào sâu vào nội tâm, đeo bám đến cùng xúc cảm và ý tưởng, bởi họ không bị vướng bận quá nhiều vào những mốt này phong trào nọ trong văn nghệ.
Điều đó không đồng nghĩa với việc bảo rằng: nếu muốn viết được văn hay thì cứ phải về những nơi xa hút xa hắt ấy mà sống và viết. Và cũng không ngây thơ mà cho rằng nếu cứ ở đô thị thì sẽ không viết được văn!
Chuyện sống và viết ở đâu không hẳn đã là quan trọng đối với người cầm bút. Cái quan trọng là mỗi người có được một cảm quan rộng mở và bén nhạy về đời sống và nghệ thuật hay không, và cao hơn là có một bản lĩnh để lắng lọc sau khi đã biết tất cả, để rồi cuối cùng tìm ra cho được lối viết của riêng mình hay không. Thế thôi!
Các cây bút trẻ ở ta hiện nay về cơ bản vẫn là trông vào sự “ăn may”, mà thiếu hẳn một xác tín thật nghĩa lý có giá trị bảo hiểm.
Bây giờ đặt vấn đề ở ta đã có văn học đô thị hay chưa, tôi xin trả lời rằng vẫn chưa có văn học của đô thị hôm nay, rằng văn học vẫn đang chuyển động cùng sự chuyển động của đô thị.
Thực ra, chúng ta đã từng có một nền văn học đi ra từ đô thị, và yếu tố đô thị đã là kích thích tố có ý nghĩa quyết định để ra đời một thời đại Thơ mới 1932-1945 và một nền văn xuôi hiện đại cùng lúc.
Ngày hôm nay, xã hội của chúng ta lại lặp lại một cuộc vặn mình thay đổi tương tự như xã hội của những năm đầu thế kỷ XX nhưng ở một quy mô chưa từng thấy, với tầm mức cao hơn, song cũng phức tạp và bất an hơn. Trong đó, nền văn minh đô thị hiện nay đang có sự xáo trộn dữ dội, mọi thứ bát nháo, nham nhở, biến đổi chóng mặt.
Cho nên văn học cũng cố phải bề bộn ra, phồng lên, chạy đôn chạy đáo gắng nắm bắt và biểu đạt một trạng thái xã hội đô thị đang sôi sục như vậy thôi. Nó chưa có khả năng kết tinh vào tác phẩm, tác giả hay khuynh hướng nào cả.
Vào thời 1900 đến 1945, đô thị Việt Nam đã sản sinh ra một đội ngũ nghệ sĩ- trí thức thực thụ đầy nội lực sáng tạo. Còn đô thị hiện nay, chưa có được một đội ngũ nghệ sĩ- trí thức của chính nó. Cho nên còn lâu chúng ta mới có một nền văn nghệ rực rỡ cháy hết mình theo cái cách mà nền văn học 1930- 1945 đã rực cháy. Tôi đồ rằng phải chờ 20- 30 năm nữa, nghĩa là lại lặp lại cái chu kỳ 100 (hoặc ngót 100) năm sau mới có.
Vả lại, đất nước chúng ta có nhiều nghìn năm lịch sử là nông thôn, nông nghiệp, nông dân – cái gen trội trong tâm hồn, máu huyết người Việt. Nên viết về nông thôn thấy thuận tay hơn, nó có tâm thức văn hóa xóm làng nâng sức, chắp cánh. Chứ viết về đô thị đâu có được cái đà đi, sức bút như thế. Tập làm người đô thị cho ra người đô thị chân chính đã khó, huống chi là viết cho/về đô thị.
Rồi chúng ta sẽ đến lúc có một đội ngũ nghệ sĩ – trí thức của thời đại mình. Đội ngũ này làm nên một thời đại văn học mới.
Thành thật mà nói với nhau rằng: chúng ta của hôm nay đang/chỉ là thế hệ giao thời!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *