Lò Ngân Sủn đọc Tháp nắng của Inrasara

Inrasara – Phú Trạm là người con của dân tộc Chăm – Ninh Thuận, hiện đang công tác ở Trung tâm nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á thuộc Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Tp.Hồ Chí Minh. Anh là tác giả của 5 công trình nghiên cứu về ngôn ngữ và văn học Chăm có giá trị khoa học cao, trong đó cuốn Văn học Chăm – Khái luận được giải thưởng của CHCPI, Đại học Sorbonne (Pháp) năm 1994.
Song song với việc nghiên cứu khoa học, Inrasara còn sáng tác nhiều thơ đăng trên các báo, tạp chí ở Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Tôi là người chưa am hiểu về người Chăm và nhất là thơ ca Chăm. Nhưng qua tập thơ Tháp nắng của Inrasara vừa được xuất bản, dưới góc độ của người sáng tác thơ và với cảm quan của mình, tôi mạnh dạn ghi nhận những suy nghĩ của mình về thơ anh.
Có lẽ thơ Inrasara thiên về chính luận và triết luận. Chỉ cần điểm qua vài đầu đề thơ anh cũng thấy điều đó: “Ngụ ngôn của Đất”, “Đường trở về”, “Đứa con của Đất”, “Bước tam cấp cuộc đời”, “Đoản khúc chiều hồn”… Nếu đã đọc thơ anh rồi, sẽ càng thấy rõ điều đó hơn. Ví dụ hai đoạn thơ văn xuôi sau đây:

Con đường vẫn trầm vọng gọi băng qua những tầng dày mò lịch sử dưới sóng lớp phế hưng của vạn ngàn triều đại đã qua và vạn ngàn triều đại sắp tới.
Tiếng gọi vô ngôn vọng từ những dấu chân vô ngấn tích của những thánh nhân ngàn xưa đã đi biệt về phía con đường
.
Hay như một số câu sau đây:

Là thuở ngòi bút thù hằn còn đâm chĩa vào trái tim thế hệ
Hồn thơ buồn chưa hé nắng phục sinh.

Tôi nghiêng xuống xác người chiều binh đao
Tôi soi đời tôi trên vùng tràn người xanh xao Tôi soi thế hệ tôi trong đôi mắt người ngây dại Soi con đường trần gian dưới bàn chân người mòn hao
.

Nhưng ngoài các bài thơ khá hoàn chỉnh như: “Tháp nắng”, “Tháp hoang”, “Apsara”, “Vay – Trả”…, thơ chính luận, triết luận của anh nhìn chung chưa tới, mới có câu mà chưa có bài, hoặc có nhưng chưa thật hay, thật xuất sắc.
Tôi cũng muốn tìm hiểu thêm thơ anh có cái gì thật bản sắc, thật độc đáo mang đậm phong vẻ, cốt cách Chăm của anh hay không nhưng hơi khó. Vì thơ anh là thơ hiện đại, lại rất gần với thơ Việt từ giọng điệu, ngôn từ, cách thể hiện, mặc dù nội dung tư tưởng, tình cảm trong thơ anh vẫn luôn hướng về người Chăm, nhiều khi đến day dứt, dằn vặt. Bài “Apsara” như kìm nén, như bung phá:

Ngủ quên trong kiếp đá
…Cựa mình ra lòng đá
…Mai trở về cõi đá

Bài “Tháp hoang” hoang khứ, thâm u, dã sử mà bay bổng:

Tháp hoang
Như thình lình mọc lên từ đất
Đầy lông lá – âm u – dọa nạt
Người bỏ rơi – lịch sử bỏ quên
Riêng bước chân thời gian thì nhớ

Bài “Tháp nắng” thực ra cũng là một cái tháp hoang nhưng đã được hóa thân trong nắng:
Trên đồi hoang – như dấu lặng – phơi bày
Bài “Nỗi buồn ứng trước” có nhiều tứ lạ, nhưng đọc xong bài thơ vẫn chưa thấy bộc lộ hết sự lạ. Có chăng là một sự “Gió trưa tràn bãi trắng / Cha trần thân quần quật cuốc nắng…”, một sự “Lời ca dao thấm mỗi vạt ru dài / Rưng rưng hai đầu võng” hay “Em quên mình là Chăm / Như quên mình chưa có giấy khai sinh” để đến nỗi “Rồi một ngày / Hai thở anh / Tắt lịm”.
Bi tị quá chăng!
Đọc xong tập thơ, tôi băn khoăn tự hỏi, không hiểu vì sao hình ảnh: cố quận, quê hương, con đường,…luôn luôn trở đi trở lại trong thơ anh. Có thể những câu sau đây sẽ lí giải được điều đó chăng?
Tôi đến từ rách nát / Của vạn nỗi lạc lầm
Niềm đau dài phiêu bạt / Chiều cố quận dừng chân

Quê hương gầy, quê hương xanh xao
Quê hương không có rặng dừa thơ mộng của ca dao Quê hương không có cánh cò xa, không có bản tình ca thôn dã
Mây trắng. Mặt trời. Gió trùng dương. Đất đá Quê hương cằn khô nóng bức nghèo nàn Quê hương buồn, quê hương yêu thương
Quê hương em lũ trẻ con chơi bẩn

Tháp nắng, một tấm lòng trân trọng quê hương và con người quê hương có mặt trong từng câu thơ, từng ý thơ. Anh trân trọng từng di sản của người xưa để lại: “Một dòng ca dao, một câu tục ngữ / Nửa bài đồng dao, một trang thơ cổ / Tôi tìm và nhặt như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ”.
Trân trọng cả những con người đang lao động, ưu tư, trăn trở trong cuộc sống sôi động hôm nay. Đó là quê hương “những tiếng nói đơn sơ, những nụ cười đơn giản”, nơi anh được nuôi bằng “bầu sữa ca dao”, bằng “vầng trăng sương mù truyền thuyết”, bằng “bóng diều, hồn dế, tiếng mõ trâu”, “quê hương có mẹ, có cha có hàng xóm, bạn bè”. Có các thế hệ sinh viên “Tìm hương Đất giữa khô khan bài học / Qua trang sách mở phơi đường dân tộc”. Quê hương có những người yêu nhau:
Về đây rừng núi bao dong
Tháp trong nét cổ, em trong dáng hiền
Nắng chiều đổ bóng em nghiêng
Quàng vai với bóng em lên đỉnh đồi

Chính quê hương đó đang giục anh đi tới:
Ta đi suốt bề dọc – chiều ngang đất nước
Góp tượng nhà mồ, góp thơ Nguyễn Du, Nguyễn Trãi
Góp niềm kiêu hãnh chung, góp cả nỗi đau riêng
Hồn giàu sang
Ta mở tới muôn miền

Trong lúc phía trước ta:
Con đường vẫn trầm vọng gọi…
Đó là điều mà mỗi nhà thơ hằng cảm nhận, kì vọng để hướng tới, để góp phần làm cho “cây đời mãi mãi xanh tươi”.

*
Tc.Văn, số70.08.1997.
Sách: Hoa văn thổ cẩm, Nxb.VHDT, H., 1999.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *