Trần Can: Văn 07 – Inrasara, Những chuyện bên đường biên

Dạo ấy, vì… quá mê thơ Inrasara, tôi đã quyết định xuống Sài Gòn gặp anh. Tất nhiên là trước khi gặp Sara , tôi đã phải tìm hiểu rất nhiều về thơ anh, về những lời nhận xét, đánh giá phê bình của khắp thiên hạ nói về anh. Được cái nhờ Internet nên mọi chuyện đều nhẹ nhàng.
Cũng nhờ anh, tôi đã bước vào thế giới mà mình chưa biết: thế giới Chăm, một cõi riêng kỳ lạ mà mê đắm, đẹp đẽ và không thiếu đắng cay. Tôi đã rơi vào tâm thức Chăm để nhìn mọi điều qua đôi mắt ấy, và bàng hoàng nhận ra: Tâm hồn Chăm thật lớn lao biết dường nào.
… như câu thơ trong Glơng Anak:

Dứt tuyệt căm thù nơi sâu kín
Tâm ta không ti tiện, cái nhìn sẽ thoáng thông…

Và tôi đã tìm thấy sự thoáng thông của ẩn ngữ Glơng Anak trong thơ văn (và cả con người) anh. Tôi gọi đó là ẩn ngữ Inrasara, ẩn ngữ của thời đại mới.
Khi xuống Sài Gòn, trước lúc gặp Sara, tôi đã ngồi nói chuyện với một hoạ sĩ trẻ có quen biết từ trước. Và tôi đã suýt phì cười khi anh hoạ sĩ khẳng định (như đinh đóng cột) rằng Sara là… công an! Với lý lẽ hết sức (thiếu) thuyết phục rằng sở dĩ Sara được giải thưởng văn học vì là người của Nhà Nước… cài vào!
Sau đó tôi không hề ngạc nhiên khi biết rằng chàng họa sĩ ấy chưa bao giờ đọc một bài thơ nào của Sara.
Tôi chỉ thấy thương anh hơn, và tội nghiệp cho chàng hoạ sĩ. Những thiên kiến u mê xuất phát từ lòng đố kỵ có thể âm ỉ lan truyền và làm nhiều người tưởng thật. Quả là… cái giá của sự nổi tiếng! Người ta làm đủ mọi cách để anh trở nên thấp kém – và tầm thường – như họ.
Cũng có nhiều người chê Inrasara làm thơ khó hiểu (vì họ cảm thấy… không thể hiểu). Thi sĩ làm thơ là để nói với chính mình, còn anh có hiểu hay không là sự đồng cảm sẻ chia khi tâm hồn có cùng nhịp điệu tương quan. Điều này chẳng ai bắt buộc cả!

Cũng có lúc tôi chợt nghĩ: Sara đứng nơi nào trong đời sống Chăm? Và trong đời sống chung của nước Việt? Anh sẽ chịu áp lực từ nhiều phía, từ trong chính cộng đồng mình đến những ánh mắt hoài nghi chưa bao giờ… thôi nghi hoặc! Như bài viết của nhà thơ nào đó quy chụp anh “Mơ đảo ngược quá khứ, sôi sục căm thù…”?
Tôi cũng có vài người bạn, có người thấy tôi quá mê mải với Chăm đã gọi đùa tôi là nhà Chăm… học. Cũng có người tỏ vẻ không bằng lòng, chê trách tôi bươi tro tàn quá khứ. Tôi có tình yêu của riêng mình, và mong Chăm được đánh giá, nhìn nhận đúng, ít nhất là những giá trị văn học trên tinh thần nhân văn yêu thương và tôn trọng rất mực anh em. Nhưng có lúc tôi thấy mình cô độc trên cuộc hành trình, cũng khá buồn, nhưng – vì tình yêu – có hề gì nhỉ!

Tân hình thức (New Formalism) chỉ là cách trình bày thơ cho mới lạ. Chính tinh thần hậu hiện đại (Postmodernism) mới là điều đáng nói trong tư tưởng và hành động của Sara. Anh tiếp thu tinh thần này và biến hoá một cách vững vàng tự tại, khẳng định thiểu số là ít chứ không hề là nhỏ. Giá trị của tiểu tự sự cũng bình đẳng với đại tự sự. Anh đã và đang minh chứng điều này một cách sáng tạo và đầy thuyết phục.Tôi thực sự ngưỡng mộ anh ở điểm này…
Tinh thần ấy đan xen với tinh thần Glơng Anak, làm nên một Sara rất riêng biệt. Giấu sau vẻ hiền lành giản dị, tâm hồn anh lừng lững như ngọn Tháp,dù đầy ắp niềm đau và nỗi buồn, nhưng chưa bao giờ thôi kiêu hãnh….

Xem thêm: Inrasara, “Nổi tiếng…

2 thoughts on “Trần Can: Văn 07 – Inrasara, Những chuyện bên đường biên

  1. Tôi cũng là một người được học, nghiên cứu qua Văn hóa, văn học Chăm tại trường ĐHKHXH&NV TP HCM. Tôi theo học với Tiến sĩ Thành Phần, và rất thích nghe ông nói về văn hóa Chăm, các tháp Chăm, âm nhạc Chăm… Qua phương tiện thông tin đại chúng, giới văn -nghệ sĩ người Chăm mà tôi thích nhất đó là nhạc sĩ Amư Nhân và nhà thơ Inrasara.
    Với nhà thơ Inrasara, tôi chưa từng gặp mặt lần nào, nhưng tôi có 1 chuyện vui nho nhỏ về ông. Trong 1 lần đi mua sách của ông, (cuốn tiểu thuyết Chân dung cát), tôi tìm hoài trên giá sách văn học mà không thấy. Tưởng đâu ai mua mất, nào ngờ đi sang phần sách ngoại văn được dịch sang tiếng việt thì thấy y chang cuốn Chân dung cát..hihi.. Chắc có lẽ mấy ông nhà sách này đọc tên INRASARA tưởng đâu là tác giả nước ngoài…
    Đôi dòng phi lộ, mong nhà thơ bỏ qua.

  2. Bạn thân mến
    Bài viết ngắn, nhưng khá đầy đủ.
    Về lời khen chê, dường như tôi chưa hề có phản ứng. Ở đây, tôi xin nói lời cám ơn tinh thần và tâm hồn bạn.
    Như vậy cũng đã nói nhiều, phải không Trần Can.
    Thân.
    SARA

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *