Thổ cẩm Cham-9. CƠ SỞ DỆT THỔ CẨM INRAHANI TỪ 40 TRIỆU

Từ miền Tây về, chúng tôi tay trắng. Bà xã thuê “chợ” làng để bán tạp hóa, kiếm đồng lẻ tiêu pha qua ngày. Thế buộc, tôi vào cuộc và thủ luôn vai chính, chuyện đã kể, xin miễn lặp lại.

Nhưng rồi tại đây chúng tôi bán tất tần tật những gì dân nhà quê cần, trong đó có nguyên vật liệu cho thổ cẩm và cả sản xuất hàng thổ cẩm. Tôi vừa bán quán vừa quay, tơ, cần chỉ và đếm… tiền. Không bao lâu Tạp hóa Haly’s trở thành trung tâm mua bán của Chakleng và cả làng lân cận.

Hàng thổ cẩm chúng tôi dần chiếm lĩnh thị trường “cổ điển”, và nổi tiếng. Trung ương biết đến, muốn hỗ trợ. Trong khi cả Chakleng chỉ được 50 triệu, riêng chúng tôi họ quyết 40 triệu. Là khoản tiền to.

Đợi lâu chả thấy đâu, bà xã bàn vận dụng văn hóa chạy, tôi nói không, họ sẽ sớm mang đến tận tay. Như thần, sự thể diễn ra y hệt. Tết 1993, tôi đèo bà xã trên chiếc xe đạp cọc cạch ngược gió qua nhà ông quan to tặng tấm khăn bàn gọi là để tạ ơn. Ông rót cho hai tôi tách trà nguội. Bà xã trố mắt, tôi ngồi xuống từ tốn nhấm nháp, nói vài lời xã giao rồi chào từ biệt, không quên chúc gia đình ông ăn tết vui vẻ.

Thành lập Cơ sở thổ cẩm Cham ở Chakleng đầu năm 1992, chúng tôi cậy nhờ rất nhiều ở khoản tiêu thụ của Cửa hàng Mai tại Sài Gòn. Cơ sở dệt vải thô, mang vào Sài Gòn cho họ chế tác và bán. Đến tháng 8-1992 tôi vào ĐH Tổng hợp làm việc, Hani vẫn ở quê tiếp tục điều hành cơ sở.

Suôn sẻ suốt hai năm, đến giữa năm 1993, Cửa hàng Mai đặt hàng lớn. Cả làng Chakleng xúm vào làm cho “cô Trụ”, thế nên Cơ sở vẫn đáp ứng kịp. Phiền nỗi, họ nhận chưa tới một nửa lượng hàng, còn lại bị loại bỏ do chất lượng kém. Kém – đúng quá! Bởi đây là hàng dệt tay, mỏng dày to nhỏ khó mà đều một mái. Một tám một mười là ngon quá rồi. Hani năn nỉ tới đâu nhân viên cửa hàng cũng chỉ cảm thông được thêm 10%. Đống thừa thãi còn lại mang đi đâu? – Không đâu cả!

Mươi cây vàng vốn lúc đó với chúng tôi là cả gia sản, họ còn dọa sẽ về Chakleng tìm nhà cung ứng khác, mới ớn! Nguy cơ sập tiệm sờ sờ trước mắt.

Tôi xắn tay áo lên. Tôi viết cho Mai bức thư hai trang A4 với tư cách một trí thức, chứ không như người trong cuộc chịu thua thiệt. Thư phân tích về kĩ thuật thổ cẩm, còn bày họ sử dụng hàng “sai” quy cách để làm ra các món nhỏ nữa; cạnh đó, tôi phân tích tâm tính Cham để cảnh giác họ về lối làm ăn tùy tiện của bà con nhà quê. Họ vẫn một hai không chịu.

Tôi quyết, bỏ Mai và tự lập. Bà xã ngần ngừ.

Rốt cùng, chúng tôi tận dụng hàng thải kia để chế tác balô, áo gilê; miếng nhỏ hơn thì làm ra: ví, túi xách… Hani thuê góc nhỏ Thương xá TAX, bán lẻ. Từ đó chúng tôi thắng to. Thổ cẩm lên hương từ chuyển hướng liều lĩnh mang tính quyết định đó. Để rồi chưa đầy năm, Thổ cẩm Cham đã chiếm nguyên quày lớn tại trung tâm thương mại Sài Gòn. Phần tôi, sau mỗi buổi trụ tại Đại học soạn Từ điển, chạy sang phụ cháu Nhung bán và gom… tiền về Tân Phú. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *