Đối thoại Cham-19. INRASARA TỰ KIỂM

[mục: Giải trí cuối tuần]

– Từ lúc cho tác phẩm đầu tay ra đời, một phần tư thế kỉ qua đi, Inrasara đã làm được bộn việc. Kiểm lại, nhà thơ có thể tự đánh giá “sự nghiệp” của mình được rồi…

Tôi nhớ hơn mươi năm trước, ghé nhà tôi ở quận Tư, thi sĩ Đồng Chuông Tử hỏi:

– Sao cei Sara không làm tuyển tập? Tôi đùa:

– Muốn cei sớm cắt khẩu sao đây?

Ừa, thế hệ tôi, mấy năm nay nhiều nhà thơ làm tuyển tập, tuyển cả dư luận báo chí, ý kiến bạn văn về mình nữa. Làm thế là kết toán đời viết mình rồi còn gì.

Có cái gì hơi buồn cười, ở đó. Tôi không muốn chữ nghĩa tôi kết thúc ở đây. Việc bếp núc này hãy để cho các nhà viết văn học sử hay con cháu lo. Dù tôi chuyên gia lập hồ sơ, cả hồ sơ về mình, chớ đi làm tuyển về và cho mình thì KHÔNG.

Nhận định về mình ư, thì đây…

Về văn học, khoảng 10 bài thơ may mắn lắm mới trụ lại được vài chục năm với đời [chớ không dám đòi như Nguyễn Du “bất tri tam bách”]; tiểu thuyết: Chân dung Cát tôi khoái hơn cả; còn về phê bình, 12/19 bài trong serie “Hồ sơ biên bản so sánh” tự nhận hơi bị ngon; còn lại chỉ nên coi như những miếng đệm.

Về nghiên cứu, bộ Văn học Cham là xứng danh anh hào.

Hoạt động xã hội, có thể nói đặc san Tagalau là việc làm sáng giá nhất của tôi cho Cham. Tôi hãnh diện về nó hơn cả.

Riêng phát kiến đề tài, hai thứ: Phê bình Lập biên bản và Hải sử & Văn hóa biển Cham là gợi ý và gợi hứng đáng cho các nhà phê bình văn học Việt Nam và dân nghiên cứu văn hóa Cham suy nghĩ tiếp.

Dĩ nhiên không phải những gì tôi làm đều thành công, thất bại của tôi: Phòng Khánh tiết INRA ở Sài Gòn và Nhà Trưng bày Văn hóa Cham ở quê bị dở dang, là một.

Dẫu sao, từ tác phẩm của tôi [thơ, tiểu thuyết và phê bình], tôi đã tạo công ăn việc làm cho non nửa trăm dân khoa bảng qua những Khóa luận Cử nhân, Luận văn Thạc sĩ và Luận án Tiến sĩ; đó là chưa kể khối nhà báo kiếm nhuận bút từ vài trăm bài báo và phỏng vấn.

Về cá nhân, nhìn lại mình, tôi đích thị kẻ cư trú ở đường biên giữa nhiều thứ.

Một mình, tôi là kẻ trầm tư, ra ngoài công chúng, tôi vui vẻ; ở đời thường, tôi khiêm tốn, chốn chữ nghĩa, tôi mang tiếng kiêu ngạo; nỗi riêng tôi kiệm lời, chớ đụng công việc, tôi đầy lửa.

Tính khí, tôi để lộ ra nhiều thói tật đáng ghét bên cạnh lắm thái độ dễ thương đáo để, khối hành vi đáng xấu hổ bên cạnh nhóc việc làm nghe tự khoái về mình.

Vậy đó, ví mà được Bà Trời cho thêm một kiếp để sống trên mặt đất này, tôi không ngại sống như thế, lần nữa.

Heleh!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *