Tôi nghĩ về chính trị-16. I HAVE A DREAM: “TỰ CHUYỂN HÓA”

[P.S. “Tôi nghĩ về chính trị-9. TÔI ỦNG HỘ… ĐỘC ĐẢNG”]

Xin đọc với tinh thần:

Bản thân Inrasara sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn, là một đạo sĩ Bà-la-môn chính hiệu, nhưng tôi ủng hộ tinh thần và lối làm của Tất Đạt Đa!

Ở Việt Nam hôm nay, “tôi ủng hộ… độc đảng”, mong cả nước chịu những hi sinh cần thiết trong giai đoạn nhất định, nhưng rất muốn Chính phủ ta phác ra LỘ TRÌNH KHẢ TÍN đưa đất nước tiến đến tự do, dân chủ, và tiến bộ.    

1. Hệ quả từ bảo thủ và tham ngu

Nếu Gaddafi…

người tự phong là “vua của các vị vua châu Phi”, tự cho quốc gia mình trên thế giới “không có nước nào có một nền dân chủ, ngoại trừ Libya”, và sau khi đã tom góp bao nhiêu tỉ đô-la vào hầu bao…

Ước gì ông biết ngưng lại, sau đó tuyên sẽ giã từ độc tài, chuyển 95% tài sản vào ngân khố quốc gia, và chuẩn bị LỘ TRÌNH cho dân chủ…

Thì ông đâu bị lật đổ và bị giết, để rồi đất nước tan hoang, gia đình tan nát, của cải tanh bành…

Nếu Mugabe…

người được ca ngợi là anh hùng châu Phi, người đã giúp giải phóng Zimbabwe khỏi chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc và luật thiểu số người da trắng.

Ước gì ông biết dừng lại đúng lúc…

không tham quyền cố vị để tự biến mình thành kẻ độc tài, đẩy nền kinh tế quốc gia suy sụp, tham nhũng lan tràn, lạm dụng nhân quyền, đàn áp các nhà phê bình chính trị, và phạm tội ác chống nhân loại.

THAM thành SI, kẻ trên nắm quyền 42 năm, người dưới 30 năm để cuối cùng hậu quả đổ lên chính đâu mình!

2. Quá khứ, từ kinh nghiệm lịch sử

Bạn đã lỡ sinh ra ở đó, không có sự chọn lựa…

Ấn Độ – khi hệ thống Tứ đẳng cấp Bà-la-môn trở thành quá bảo thủ, Tất Đạt Đa xuất thân gia đình Bà-la-môn, là thái tử được hưởng đầy đủ bổng lộc của thể chế, chợt “đại giác ngộ” để từ giữ lòng xã hội ấy, nổi loạn làm cuộc lật đổ mang tính cách mạng, ảnh hưởng cả thế giới.

Sokrates, đứa con ưu tú của thành Athenes, một con người uyên bác đồng thời là một chiến binh dũng cảm, thế nhưng chính Nhà nước Athenes cáo buộc ông tội “đầu độc thanh niên” và “báng bổ thánh thần”, để kết án tử hình ông bằng cho uống thuốc độc.

Từ giữa lòng xã hội ù lì bảo thủ ấy, ông làm loài “ruồi trâu” châm vào thế chế. Dẫu “bất thành”, ông đã mở ra cho Tây phương “cách làm triết học và cách sống triết học”, như lối nói của Bùi Văn Nam Sơn.

Tiếp đến “Đêm trường Trung cổ”, Tây phương chịu một cổ hai tròng: Giáo hội Công giáo và Nhà nước, ở đó bao nhiêu nhà khoa học và tư tưởng gia bị thiêu sống, hay bị buộc im lặng. Nhưng các nhà triết học, các đại trí thức tiếp tục phản kháng.

Thomas Paine, , Jean-Jacques Rousseau, Immanuel Kant, David Hume tấn công không mỏi mệt vào thể chế hiện hành. Riêng Voltaire phải hai lần chịu tù đày bởi chỉ trích chính phủ và giáo hội Pháp.

Liên tục công phá như thế, Tây phương mới nẩy ra thời kì Khai sáng cho nhân loại nhờ!

Phong trào Cộng sản, bao nhiêu trí thức Pháp và châu Âu đã ủng hộ, để rồi chỉ sau một chuyến thăm Liên Xô thập niên 1950, ảo tưởng đổ vỡ, họ quay lại phê phán chế độ.

Sartre được cho là trí thức lớn nhất thế kỉ XX, cáo giác: “Suốt 30 năm Đảng Cộng sản Pháp, mỗi câu họ nói, mỗi hành động họ làm đều là tận cùng của 30 năm bảo thủ và dối trá.”

Rồi G. Orwell, rồi Václav Havel, rồi Solzhenitsyn… tiếp nối.

Cuối cùng lâu đài hệ triết học Marx dày công, chỉ qua đêm, những đứa con từ giữa lòng nó góp bàn tay đẩy cả một hệ thống đổ rụm.

3. Ngày nay…

Khi bộ phận Islam Trung Đông hay Châu Á Cộng sản dần đi đến tận cùng của “bảo thủ và dối trá”, nhân loại chỉ còn trông chờ cách mạng từ những đứa con xuất chúng bật lên ngay trong lòng cộng đồng ấy.

Ở Việt Nam, không lâu đài triết học hay thành quách hệ tư tưởng để công phá, mà chỉ tồn tại vô số cái chòi bé nhỏ lẩn khuất!

Cộng sản đã lỗi thời, độc đảng lâu dài càng không thể.

Gậy nên cuộc chiến tranh khác, hay làm cuộc đảo chánh từ bên ngoài thì không gì tệ hơn!

Vậy còn có thể tin vào điều gì?

Như Anne Frank, tôi tin vào lòng tốt của con người, cụ thể là con người Việt Nam;

Với trí thức, tôi tin “những dòng sông ẩn” đang trầm chảy trên đất nước hình chữ S này;

Giới cầm quyền, tôi tin vào vài cá nhân xuất chúng, TỰ THỨC TỈNH LỚN, để từ giữa lòng thể chế, “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa” một cách hòa bình, đưa đất nước vượt qua và vươn lên.

Mãi mãi.

*

Tổng hợp từ Wiki, tham khảo thêm:

Năm 1963, Park Chung Hee chính thức trở thành tổng thống. Park Chung Hee sau đó trở thành nhà độc tài thứ 2 tại Hàn Quốc. “được” suy tôn làm ‟Tổng thống trọn đời”.

16 năm cầm quyền, ngày 26-10-1979, Park Chung Hee đã bị bắn chết.

Park bị chỉ trích là một nhà độc tài quân sự tàn nhẫn, thế nhưng nền kinh tế Hàn Quốc đã được cải thiện rất đáng kể dưới nhiệm kỳ của Park.

Tuy vậy, trong một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu và phân tích thông tin Gallup vào năm 2015 tại Hàn Quốc, Park Chung Hee đã được bình chọn là Tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử nước này (với tỉ lệ bình chọn là 44%).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *