Giải đáp 3. 4 CÁI SAI NGOÀI LỀ Ở TẬP THƠ KIỀU DUNG

KieuDung
[Trả lời về bàn tán nghe được từ các bạn trẻ]

Cuối tháng 1-2016, tôi tình cờ nghe ba nhóm bạn trẻ khác nhau bàn về Chabang: tập thơ đầu tay in song ngữ Cham – Việt của Kiều Dung Sri Thraoh với vài bình luận ngoài lề. Nay xin phản hồi chung, bằng “giấy trắng mực đen”.

Bạn thơ trẻ làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ là chuyên rất hiếm, đáng khích lệ, nhất là trong tình trạng tiếng Cham đang ngắc ngoải hôm nay. Tiếc, Kiều Dung đã mắc 4 lỗi rất đáng lôi ra bàn, để bạn thơ trẻ rút kinh nghiệm, và biết đâu cho những người đi sau làm bài học.
Tôi không bàn về thơ, mà về 4 cái sai ngoài lề này:

1. Sai ở cái BÌA. Chambang (hay Chabbang) KD viết thành Chabang. Biết sai sau khi sách ra lò thì nên chỉnh ngay. Cả khi sách đã phát hành, nhà thơ cũng phải thu lại để thay bìa khác. Ruột sai ta có thể đính chính, chứ bìa thì phải thay. Không thể khác.

2. Sai THUẬT NGỮ văn học. KD gọi phần sau của tập thơ là “thơ tân hình thức”: SAI. Thơ tân hình thức New formalism Poetry là thuật ngữ văn học có nội hàm riêng. Các bài thơ của KD không liên quan gì đến Thơ tân hình thức cả. Còn nếu hiểu “tân hình thức” là hình thức mới, thì loại thơ này chỉ là thơ tự do, trước Kiều Dung nhiều người làm thơ bằng tiếng Cham đã làm và in ra từ lâu rồi.

3. Sai về QUAN ĐIỂM. KD viết: “hầu hết các từ có trong Từ điển… tác giả không sáng tạo từ ngữ nào”, tưởng thế là ngon, biết bám chắc truyền thống. Nhưng đó là quan niệm sai lầm nhất về sáng tạo. Là nghệ sĩ là dám làm mới, dám sáng tạo ngôn từ hoàn toàn mới [chỉ sợ thi sĩ không có khả năng đó]. Sáng tạo của nhà văn, nhà thơ làm cho ngôn ngữ sống. Hãy xem Xuân Diệu ở thời Thơ Mới, hay Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền ở miền Nam đã đóng góp từ mới vào kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt ra sao, cũng đủ biết.

4. Cuối cùng, điều không nên né tránh: Khi KD nhận mình “là trưởng ban sáng tác tiếng Chăm từ năm 2013, thành viên trẻ nhất trong BBT Tagalau”, thì có cái gì đó trục trặc. Mệnh đề trước thiếu bổ túc từ: trưởng ban sáng tác tiếng Cham GÌ từ năm 2013, không biết. Còn nếu mệnh đề trên có liên quan đến mệnh đề tiếp sau, người ta dễ hiểu thành: “trưởng ban sáng tác tiếng Chăm… của Tagalau” thì càng sai. Sai này KD cần đính chính vì nó liên quan đến tập thể, cạnh đó tránh lời đàm tiếu không đáng có.

Chuyện tưởng đơn giản, nhưng nó không giản đơn tí nào cả! Cẩn trọng không bao giờ thừa, là thế.

3 thoughts on “Giải đáp 3. 4 CÁI SAI NGOÀI LỀ Ở TẬP THƠ KIỀU DUNG

  1. Trả lời với góp ý của nhà thơ Inrasara
    Cảm ơn nhà thơ Inrasara đã góp ý cho tập thơ Chabang.

    Nhà thơ Inrasara là một trong những bậc tiền bối đã gián tiếp giáo huấn tôi về tư tưởng dân tộc để tôi dấn thân vào sự nghiệp bảo tồn văn hóa dân tộc, trước hết là bảo tồn ngôn ngữ.
    Sau đây là phản hồi theo các mục:

    1- Về bìa thơ: Tên tập thơ gồm 2 chữ viết theo akhar thrah và phiên âm ra tiếng Việt. Tiếc là người thiết kế bìa đã để tên tiếng Việt lớn hơn tên tiếng Chăm và tác giả chưa kịp chỉnh sửa. Hiện tại chúng ta có nhiều hệ thống latinh phiên âm, chuyển tự tiếng Chăm; tương ứng với mỗi hệ thống latinh đó thường kèm theo tư tưởng phe nhóm nên tôi không sử dụng hệ thống nào. Thay vào đó tôi sử dụng hệ thống latinh tiếng Việt để phiên âm chữ “Chabang” luôn. Người ta dễ đọc hơn nhiều.

    2- Về thuật ngữ “tân hình thức”: Tác giả chỉ hiểu đơn giản là thể loại thơ mới, không tuân theo luật ariya truyền thống, có thể tác giả hiểu không đúng (?). Trên web http://www.thotanhinhthuc.org/ giải thích như sau:
    “New Formalism Poetry khi dịch ra tiếng Việt bằng nghĩa đen là Thơ Tân hình thức đã không đúng nghĩa của thuật ngữ này. Chữ Form ở đây là thể thơ. New Form có nghĩa là dùng những thể cũ, thêm hay bớt một vài yếu tố để làm thành thể mới.(Xin đọc thêm bài Giải hình thức trong mục Hỏi đáp ABC)”

    3- Về từ ngữ: “Hầu hết các từ có trong Từ điển… tác giả không sáng tạo từ ngữ nào” đây là sự cẩn thận của tác giả, không phải quan điểm về sáng tạo văn chương. Tôi nghĩ tại sao chúng ta lại phải sáng tạo từ ngữ mới trong khi từ ngữ phổ thông trong các tác phẩm văn học dân tộc của thế kỉ 19 trở về trước mà chúng ta còn chưa hiểu hết?

    4- Về tiểu sử của tác giả: Tác giả Sri Thraoh đã tham gia chỉnh sử bản in tiếng Chăm cho Tagalau, nằm trong ban biên tập Tagalau từ năm 2013. Ban biên tập Tagalau được chia thành các tiểu ban, trong đó có Ban Sáng tác tiếng Chăm, người phụ trách mỗi tiểu ban là Trưởng ban. Hiểu đơn giản là vậy. Vì đây liên quan đến sự tế nhị nên tác giả miễn bàn thêm.

    Đó là phản hồi của tôi về góp ý của nhà thơ Inrasara. Tôi ( Sri Thraoh) còn trẻ tuổi, nhiều kỹ năng trong các mối quan hệ, cũng như kiến thức còn non trẻ. Hơn nữa tác giả được đào tạo về lĩnh vực nghiên cứu văn hóa xã hội, không phải được đào tạo về văn học nghệ thuật; làm thơ chỉ là sở thích của tác giả, mọi thứ về thơ tác giả đều tự học. Nếu có gì phật lòng, mọi người góp ý thêm.

    • Bạn Kiều Dung mến!
      Bạn hãy tiếp nhận góp ý bằng tinh thần cầu thị, thì hay hơn.
      1. Bìa thì viết Chabang, ruột thì Chambang; cạnh đó tất cả từ Cham đều được viết chuyển tự chứ ko phải phiên âm. Ko nên đưa chuyện phe phái vào đây, ko hay lắm.
      2. Thơ Tân hình thức cần tuân thủ mấy thủ pháp: vần và lặp lại, vắt dòng… Thơ bạn ko thể hiện 1 thủ pháp THT nào cả. Bạn sai rõ lắm.
      3. Thời đại mới, cảm thức và suy nghĩ mới cần đến NGÔN TỪ mới. Còn nếu bạn quyết giữ ý này thì miễn bàn.
      4. Bạn viết là: Trưởng Ban… 100% bạn trẻ đến gặp tôi, ko ai biết bạn “trưởng ban” ở đâu cả.
      Lưu ý: Tôi viết 4 ý trên ra “giấy trắng mực đen”, để TRÁNH CHO BẠN BỊ ĐÀM TIẾU NGOÀI ĐỜI. Viết là viết GIÚP bạn.
      Vậy nhé. Thuk siam.

  2. Bạn Kiều Dung mến!
    Bạn nên tiếp nhận tinh thần góp ý của các bậc đàn anh đi trước, ý thức hệ nghiên cứu khác xa người sáng tạo nghệ thuật, bạn quan niệm theo ý kiến chủ quan không hay cho lắm. Về cảm thức sáng tác thơ văn, cần trang bị kĩ năng lý luận vững chắc. Người làm từ điển đều tham khảo các thể loại thơ văn [khác] và chép ra hầu làm cho người học biết chứ không phải bạn nói đã có trong từ điển, mình nên theo và tập viết theo ý tưởng.
    Mừng vì bạn có tập thơ tiếng Chăm đầu tay, một số thuật ngữ trong bài cũng có sai qua, mình có góp ý trực tiếp với bạn tại Katê 2015 tại Hữu Đức. Nếu lần sau bạn ra mắt tập tiếp theo nên cẩn trọng là trên hết. Khi viết một điều gì đấy bạn phải có ý thức về ngôn ngữ viết ra. Bạn chưa hiểu sâu về thơ Tân hình thức, kĩ thuật viết của bạn không phải tân hình thức, nên xem lại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *