Ciim cauh rataung: bình

Ciim cauh rataung – Ciim jhaung ikan
Ciim rwak tian – Ciim jauh angwa
Cang xa-ai ka – Tamư sang swơr
Đa bhiw xawah mưk ba pơr
Ngauk hala padai – Ciim nau mai
Ciim waiy cabbwơc – Jalan ia đwơc
Tamư hamu – Throh bingu
Ppo Ppapraung – Mưk Kathaung glơng kabaw
Mưk Carau ba lisei – Mưk Kabei jhauk ia
Mưk Hawa ba apwei – Mưk galwei nhjuk pakau

Tạm dịch:

Chim mổ cá nhỏ chim gắp cá lớn
Chim thải phân chim gập đôi chân
Chờ anh với rồi vào nhà táng
Có khi con diều vồ quặp bay lên
Trên ngọn lúa chim đi qua lại
Chim vênh mỏ nhìn dòng nước chảy
Vào ruộng đầy lúa trổ bông
Ông chủ lớn bắt Kathong chăn trâu
Bắt con chim Sáo mang cơm hầu
Bắt con Tê giác múc nước rửa
Bắt con Baba mang lửa
Lấy ống điếu nhàn nhã hút thuốc

Lời bình của Trà Vigia:
Hình tượng chim trong văn học Chăm luôn gắn liền với bầu trời trong xanh, tung đôi cánh tự do bay cao, bay xa vào không gian vô tận. Nhưng ở đây môi trường sống của chim được giới hạn cụ thể vào một vùng sông nước ruộng đồng và đối tượng của chim là con cá lòng tong – chim ở đây chính là chim trong ca dao:

Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non

Trái ngược với chim ở môi trường đất trời, lòng tong là loài cá bé nhất sống trong môi trường nước. Chúng ăn rong rêu và phiêu sinh vật nhưng chính chúng lại là mồi ngon cho tất cả cá đồng loại lớn hơn, kể cả ếch nhái. Không những mạng sống luôn bị đe dọa trong nước, nơi quê nhà của mình mà còn bị tấn công từ trên đất trời. Thân phận lòng tong bi thương là thế, nhưng đến mùa hạn hán ngay cả nước cũng không còn làm sao lòng tong sống để có miếng ăn cho chim. Lòng tong chết, thế là chim chết! Mọi sinh vật đều cần nước để sinh tồn.

Trong quá trình lao động kiếm sống sẽ dần dần hình thành những tập quán, thói quen. Kỹ thuật bắt cá của chim được đặc tả một cách chính xác và thị vi. Để bắt cá nhỏ như lòng tong, chim chỉ cần thao tác mổ thẳng xuống; nhưng để bắt cá lớn hơn thì chim móc ở dưới lên, đánh bọc hậu con cá mới không thoát được. Có ăn vào ắt phải thải ra, ngay cả tư thế chim gập đôi chân, nhốm đít cũng được mô tả thật sống động, linh hoạt. Đâu phải ai cũng thấy được những hình ảnh đó nếu không phải những người nông dân suốt ngày lam lũ ngoài đồng ruộng một nắng hai sương?!

Đặc trưng của văn học Chăm là trong mỗi câu thơ câu văn tự thân nó có thể đứng biệt lập mà vẫn đầy đủ ý nghĩa. Mỗi từ lại là một hình tượng rất cô đọng, biến hóa, chúng liên kết khúc chiết, đan chéo xuyên suốt với từ khác, ngữ khác để trội bật lên những hàm nghĩa mà người đọc sẽ cảm nhận khác nhau tùy thời, tùy lúc… tùy sự khám phá, mức độ cảm thụ.
Ví dụ trong hai câu đầu. Nghĩa thứ nhất của nó diễn tả động tác bắt cá của chim và sau đó theo lôgic, ăn xong chim thải phân ra cũng trong tư thế đặc thù của loài chim, nhưng đồng thời nó cũng hàm ý theo nghĩa 2. Khi chim còn khỏe, được ăn uống đủ đầy, dáng điệu của nó trông hiên ngang, dũng mãnh, tự tin… nhưng đến khi đói lả (rwak tian có nghĩa là đi cầu, vừa có nghĩa sôi bụng vì đói) nó loạng chọang đôi chân yếu ớt nghiêng ngã trông rất tội nghiệp! Sự việc không kết thúc đơn giản ở đây vì trước khi chết đói nó chưa hẳn đã được yên thân bởi loài diều hâu đang rình mò đâu đó, chực chờ vồ bắt ăn thịt – Ẩn chứa trong nghĩa 2 là lời cảnh báo chim chớ vội đắc thắng khi được ăn no ngủ kỹ mà hãy coi chừng: Còn có nhiều thế lực khác cũng đang đấu tranh gay gắt để sinh tồn theo luật cá lớn nuốt cá bé, mạnh được yếu thua – không ai có thể lường biết được ngày mai cho đến khi chung cuộc mọi việc mới sáng tỏ. Nó còn nhắn nhủ thêm: Đói cho sạch rách cho thơm. Dù nghèo cũng phải giữ danh tiết, không vì miếng ăn mà bán mình làm tay sai nô lệ cho kẻ khác. Cuộc đời ai cũng một lần chết và muốn linh hồn được siêu thoát (Tamư sang swơr) thì phải sống trong sạch.

Đến câu 5, mạch thơ chuyển qua một cảnh tượng khác. Trên cánh đồng bao la bát ngát hạn hán kéo dài, con chim lê đôi chân khẳng khiu, lảo đảo đi qua lại dáo dác tìm kiếm may ra có còn con tôm con ốc nào chăng? Tuyệt nhiên không còn một sự sống ngoài những thân lúa úa vàng nằm trơ vơ trên mặt ruộng nứt nẻ. Chim méo mỏ, hoa mắt vì đói và khát, tất cả sinh vật nơi đây, muốn sống phải có nước. Đó là điều kiện tiên quyết, có nước thì quy trình sống mới tái tạo, phát triển sinh sôi nẩy nở… mà cuộc sống là sự hỗ trợ lẫn nhau. Thực tế luôn phũ phàng và bất trắc, nhưng lẽ nào lại buông xuôi, mặc cho dòng đời cuốn trôi. Bản năng sinh tồn thôi thúc và chim bắt đầu mơ đến dòng nước mát trong veo, diệu kỳ… hay đó chỉ là ảo giác mơ hồ về một ốc đảo tươi xanh trên sa mạc hoang vu của kẻ lữ hành sắp chết khát. Sự sống cần thiết và thiêng liêng biết bao! Và khi nguồn chảy đầu tiên vào mặt ruộng khô khốc, rồi từng cây lúa như có phép mầu bắt đầu trỗi dậy non xanh, vươn mình hé nở những chùm bông phơi phới dưới ánh mặt trời, hứa hẹn một vụ mùa bội thu no đủ, hạnh phúc xum vầy.

Tới đây, nhân vật chính là con người mới được ra mắt mặc dù không có một từ nào nói đến sự hiện diện của con người – tài tình là thế khi chủ đề chỉ có chim và cá. Từ thân phận nhỏ bé của lòng tong cho con chim no lòng để bay đến bầu trời tự do, đến giấc mơ những bông lúa vàng chắc hạt là cả nhiều mảnh đời nhiêu khê, khúc mắc… Rốt cuộc, ước mơ nguyện vọng của người nông dân được bật lên vừa chân chất mộc mạc lại vừa bi thương tha thiết – người nông dân vừa đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt lại vừa bị bóc lột, áp đặt bởi đồng loại nhiều thế lực quyền hành. Những câu thơ còn lại phác họa cảnh thừa mứa của giới địa chủ quan lại.

Ppo Ppapraung là ông chủ lớn bắt Kathaung (tay chân bộ hạ) chăn trâu (nô lệ để cày ải). Bắt con chim Sáo mang cơm hầu hạ – Chim sáo ở đây rất gần gũi với sáo trong ca dao Việt.
Chim sáo là hình ảnh người con gái, cô thôn nữ thuần hậu đảm đang, vì hoàn cảnh đói nghèo phải làm đầy tớ. Con Tê giác to lớn (hình ảnh anh lực điền vai u thịt bắp hữu dõng vô mưu) múc nước cho chúng ta thấy nơi đây nguồn nước rất dồi dào – thậm chí con Ba ba (hình ảnh kẻ tiểu nhân ưa nịnh bợ) ở dưới nước cũng bị sai khiến mang lửa (mà nước với lửa đâu có thể hòa nhập với nhau cũng cho ta biết quyền lực tuyệt đối của ông chủ). Và chung cuộc, ông lớn ngồi chễm chệ, rung đùi đắc chí phì phèo ống điếu nhìn đám nô lệ, lũ tay sai ngược xuôi phục vụ lấy lòng chủ.

Chỉ một vài nét chấm phá trong một bức tranh thủy mặc đơn sơ với vài con chim, con thú… nhưng lại cho chúng ta thấy được bao cảnh đời tăm tối của người nông dân. Phải chăng ở đây tác giả đã phân cảnh để đối chiếu hầu mô tả sinh hoạt đời sống nông nghiệp giữa hai vùng kinh tế Pabruh và Papraung? Một bên là đồng một vụ ăn vào nước trời, một bên là đồng hai vụ ăn theo hệ thống thủy lợi của đập Nha Trinh. Nó khắc họa dấu ấn một thời thái bình thịnh trị dưới đời Ppo Klaung Garai trong hoạt cảnh Mương Đực, Mương Cái nhộn nhịp và đồng thời phản ánh một thời suy tàn, đói kém loạn lạc dưới đời Ppo Rome. Dù rằng Ppo Rome đã có công tạo nhiều công trình thủy lợi có giá trị như đập Marên, đập Cà tiêu, đập Đá, hồ Tân Giang nhưng có lẽ đã đến hồi mạt vận nên những cống hiến to lớn đó vẫn không mang lại nhiều thành quả như mong muốn. Bài thơ còn phản ánh giữa hai đối cực phân liệt nhưng cùng tồn tại song hành. Một bên là giai cấp thống trị có nhiều quyền lực, đầy đủ nhân lực vật lực và một bên là giai cấp bị trị luôn bị thiếu đói ốm o gầy mòn lại bị ức hiếp; không một mảnh đất để cắm dùi; lây lất sống qua ngày còn mong gì đến tương lai tươi sáng, hạnh phúc ấm no!

*
trong Tagalau2.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *