Chuyện thơ-7. CÃI NHAU VỚI CÁI BÓNG CỦA MÌNH

“Tôi viết, là để cãi nhau với cái bóng của mình”, câu thơ trong Lễ Tẩy trần tháng Tư được Nguyễn Vĩnh Nguyên dùng đặt cho tít bài viết về tôi: “Inrasara cãi nhau với bóng mình”, đăng tạp chí Kiến thức Ngày nay, số 443, 2003.

Câu chuyện.

Năm 2006, Hội Văn học – nghệ thuật Vĩnh Long mời ba ông đi “tập huấn” lớp bồi dưỡng sáng tác. Giáo sư Văn ở Đại học KHXN&NV – TPHCM, Nhật Chiêu và tôi. Mỗi ông một buổi.

Ba ông ba tính cách.

Vị giáo sư lên đầu tiên, thuyết, nghỉ giải lao, thuyết, xong thì lên xe về Sài Gòn ngay trưa hôm đó. Buổi chiều, tới phiên Nhật Chiêu: Vui vẻ, dễ tiếp nhận, và… vỗ tay. Sáng hôm sau: Inrasara, được giới thiệu là vừa từ Bangkok về, cũng ghê.

Xong, ở tiệc trưa anh bạn văn dường phụ trách chính, mách tôi:

– Nói nhỏ anh Sara đừng buồn, vài ông than “mời cái ông này về làm chi chớ, toàn thứ gì không hà”. Nhưng không sao đâu, số ít thôi, – anh bạn thêm, có lẽ sợ tôi còn… buồn.

– Đúng luôn đó, tôi đến đâu phải để chiều lòng các bạn, – tôi nói luôn, khiến anh bạn ngạc nhiên không ít.

Mà thật sự là thế. Nếu vị giáo sư trên thuyết theo kiểu độc thoại, Nhật Chiêu ngó người mà liệu cơm gắp mắm, tôi: đối thoại, mời gọi mọi người cãi. Bởi chính tôi còn “cãi nhau với cái bóng của mình” nữa là!

Làm thơ, giá tôi cứ “Nỗi buồn ứng trước”, “Tháp nắng” hay trường ca “Quê hương” mà chơi, thơ tôi “đi vào lòng người đọc” và trụ mãi ở đó, là cái chắc. Chúng chiếm trọn cảm tình của mọi mọi không chừa ai. Thế thì chán chết!

Tôi cần hậu hiện đại, tân hình thức, tôi cần “Ở nơi ấy [thơ thời cuộc]”, cần “Và sống sót và kêu từ cõi chết lạ”. Mặc dù tôi biết chúng sẽ bị dị ứng, bị tẩy chay, thậm chí bị chửi rủa. Điều không thể tránh thì không thể tránh.

Sáng tác mà đã vậy, huống hồ diễn thuyết.

Không cần nhẹ bước với hàng dễ vỡ, tôi phải giẫm mạnh lên tam cấp cuộc đời, đập chát chúa vào cửa phòng đóng kín hay he hé mở, lay thức giấc nửa tỉnh nửa mơ của thính giả. Tôi đốt cháy hội trường, với ngọn lửa của tôi, từ tôi. Không thể khác.

Cho dù điều không thể tránh thì không thể tránh: vài nơi không còn mời tôi nữa.

Nhiên!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *