PHÊ BÌNH, LÀ MÔI GIỚI

[về kinh nghiệm: Tác giả mới in tác phẩm đầu tay]

Cách nay non tuần, một bạn văn trẻ [nữ Cham] gặp hỏi ý kiến tôi về xuất bản tập truyện ngắn. Tôi không bất ngờ, bởi mấy năm trước tôi từng đọc 2-3 truyện ngắn khá hay của bạn ấy. Bẵng đi thời gian dài, cây viết này muốn xuất đầu lộ diện, là chuyên bình thường với người viết. Và cần thiết nữa.

– Ngoài các bạn học, có ai trong giới viết lách biết cháu chưa? – Tôi hỏi.

– Chưa.

– Truyện ngắn cháu có lần nào đăng từ báo chuyên văn học nào chưa, cũng chưa nốt.

Vậy khi cho nó ra đời, nó sẽ ra sao? Cháu có tự đặt câu hỏi cốt tủy này và trả lời nghiêm túc chưa? Càng chưa!

Tôi mới kể một kinh nghiệm xuất bản cho bạn trẻ này nghe. Bạn thơ trẻ Cham nọ in một tập thơ, rồi chìm. Tại sao?

[1] Trước khi cho tập thơ chào đời, không có bất kì bài thơ nào của tác giả này đăng báo để bàn dân thiên hạ biết. Cho vua biết mặt chúa biết tên. Báo tỉnh lẻ còn không, huống hồ báo chuyên tận “trung ương”.

[2] Viết giới thiệu tập thơ là một cây bút đàn anh dù được biết rộng rãi trong cộng đồng nhỏ bé Cham, ngoài kia thì khác.

[3] Buổi ra mắt tập thơ diễn ra ở một làng quê hiu hắt, thì làm sao công chúng độc giả biết nó ra đời mà tìm [mua] đọc.

[4] Cuối cùng, không một nhà sách nào chịu nhận kí gửi, dù tôi lấy tư cách này nọ, thử gợi ý một lần.

Chìm, là không thể tránh.

Một mặt hàng ra đời cần đến sự quảng cáo, lan tỏa. Với tác phẩm văn học, phần nào nhà phê bình sắm vai đó, không thể khác. Câu hỏi là khi tụng ca mặt hàng, bạn phải biết chất lượng nó đến đâu.

Nhà văn, nhà thơ cần nhà phê bình, là vậy.

Tôi nói với bạn trẻ:

– Cá biệt, vẫn có kẻ sáng tạo bất cần người môi giới.

Hắn dũng cảm ném “đứa con tinh thần” ra ngoài mưa gió cuộc đời, dám làm dám chịu.

Như Inrasara đã từng, với Tháp nắng…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *