Văn chương & Tư tưởng III-03.

Nguyễn Hưng Quốc
Tienve.org, 4-1-2009.

Nhà cầm quyền phi dân chủ nào cũng muốn độc quyền viết lại lịch sử để, thứ nhất, tạo nên một thứ đại tự sự hầu hợp thức hoá quyền lực và cách hành xử quyền lực bất chính của họ; và thứ hai, để thực dân hoá trí tưởng tượng của các thế hệ mai sau. Chủ nghĩa hậu hiện đại với chủ trương tương đối hoá lịch sử, truất bỏ chức năng đại tự sự của lịch sử, xem lịch sử như một loại hình tự sự, một câu chuyện của hắn (his-story) hay của ả (her-story), lúc nào cũng bị điều kiện hoá bởi tính văn bản, tự nhiên trở thành một thứ đối-tự sự (counter-narrative) và đối-văn hoá (counter-culture) của các loại chủ nghĩa toàn trị.

Bản chất của chủ nghĩa hiện đại có tính toàn trị; chủ nghĩa hậu hiện đại có tính đa nguyên. Chủ nghĩa hiện đại tin vào sử tính của các biến cố, chủ nghĩa hậu hiện đại chỉ tin vào ký ức. Tin vào sử tính cũng có nghĩa là tin vào sự tiến hoá và sự tiến bộ; tin vào ký ức, người ta chỉ tin vào chủ quan tính. Niềm tin vào tính chủ quan đồng nghĩa với niềm tin vào tính tương đối. Tin vào sự tương đối, thật ra, là không thực sự tin vào cái gì cả, hay nói cách khác, chỉ tin vào chính mình và những sự thật có tính điều kiện, chủ yếu là gắn liền với một chu cảnh về lịch sử và văn hoá nhất định.

Văn chương & Tư tưởng II-10

Dẫu thơ tôi không khuây khỏa khổ đau anh
tiếng hát tôi khôn vực dậy khốn khó anh
thì có hề chi
nếu chúng một lần nhúm trong anh hi vọng.


Hãy hình dung trăm ý tưởng tài hoa chịu làm vô danh cho tháp Chàm có mặt
hãy hình dung thêm vạn bàn tay sần chai vì nó, đã ẩn mình
thì có sá chi thơ anh cõi còm chiều ngày tất bật
hãy thả cho gió bạt chúng về mấy cõi hư vinh.


Không vỗ ngực, không tranh hơn
không trốn chạy trước phận đời thất bát
câu thơ buồn
luôn có mặt nơi khổ đau có mặt.

(Inrasara, Hành hương em)

Văn chương & Tư tưởng II-09

Con người hậu hiện đại tin vào câu chuyện của cá nhân trong một hoàn cảnh cụ thể và ngắn hạn. Nó không tin các giải thích của đại tự sự với đủ loại mánh khóe uốn nắn thế giới lọt thỏm vào hệ thống của chúng. Ở Việt Nam, đại tự sự về cuộc chiến anh dũng thần thánh đã được lật mở bởi Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh hay Hoàng Minh Tường với Thời của thánh thần. Dù đây không là tiểu thuyết hậu hiện đại của nhà văn hậu hiện đại, nhưng sự thể đủ nói lên sự sói mòn niềm tin vào đại tự sự của nhà văn Việt Nam đương đại. Có thể coi đó là những tiểu tự sự nhỏ lẻ của cá nhân suy tư độc lập. Ở khía cạnh này, Sông Đáy trong khí mạch đất Hà Tây văn vật vang vọng suốt sáng tác của Nguyễn Quang Thiều cũng là một cách tiểu tự sự.
Tiểu tự sự khác là những mảnh vụn của một nền văn minh đang ngủ vùi giấc ngàn thu như văn minh Champa được Inrasara phục dựng và làm sống dậy; sống dậy và nhập lưu dòng chảy chung của dân tộc, của nhân loại. Cạnh đó, hiện thực của cuộc sống thành phố sôi động bề bộn hay bế tắc trước và sau thời mở cửa được Trần Tiến Dũng kể lại theo cái nhìn phản biện đặc chất cá thể. Bùi Chát hay Khúc Duy kể chuyện nhảm nhí rất đời thường của chính mình bằng giọng địa phương, là một lối tiểu tự sự đặc thù. Đỗ Kh. với các sáng tác mang ở tự thân tinh thần giải lãnh thổ hóa, hay Trần Wũ Khang và Lê Vĩnh Tài – giải địa phương hóa.
“Thế nhưng, quay cận cảnh bề tối truyền thống văn hóa dân tộc không đồng nghĩa với phá hoại truyền thống văn hóa dân tộc, nhìn phản biện lịch sử không là chống phá lịch sử, bất tín đại tự sự thì khác cả vực thẳm với hủy hoại mọi loại đại tự sự mà là đặt đại tự sự vào thế chông chênh để chúng tự soi lại mình bằng gương soi khác, từ nhiều chiều và dưới nhiều góc độ” (Xem thêm: “Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại”, Tienve.org, 2-2009). Bởi dẫu sao, tinh thần đại tự sự thuộc về bản chất con người.

Văn chương & Tư tưởng II-08

Hirsch cho rằng “đọc thơ là một cuộc phiêu lưu trong sự cách tân, một hành động mang tính sáng tạo, một sự khởi đầu mãi mãi, một cuộc tái sinh của niềm ngạc nhiên”. Stevens gọi người đọc là “học giả của một ngọn nến”. Chăm không đọc Glơng Anak với con mắt soi mói của nhà nghiên cứu cân đong đo đếm câu chữ. Đã có kẻ làm như thế và tuyên tất cả sai bét, riêng mỗi ta đúng. Ngay lối nói ngạo mạn này đã sai lạc tinh thần thông điệp Glơng Anak rồi.
Nếu nhà bác khả năng giảng giải lang yah, tầm chương trích cú Glơng Anak ở câu, đoạn nào bất kì mà tâm bác chưa tận diệt ppalai tung tian mọi căm thù sâu kín, là nhà bác còn chưa hiểu Glơng Anak. Khi tâm hồn bạn còn trì nặng nỗi oán trách nhỏ bé, suy nghĩ nhỏ bé, hay bạn còn nuôi ý định âm u triệt tiêu ai đó, không biết cảm thông và tha thứ, là bạn chưa hiểu tinh thần Glơng Anak. Khi bạn chưa mở lòng với con người hèn yếu xung quanh, với mọi sinh thể trên thế gian mỏng manh này, là bạn chưa thể sẵn sàng đón nhận thông điệp Glơng Anak.

Văn chương & Tư tưởng III-02

Văn chương 9
Talawas, 3-9-2007
Carlos Fuentes, Ca ngợi tiểu thuyết
Nguyễn Tiến Văn dịch

Trong Faulkner, biết rằng chúng ta có khả năng đề kháng có nghĩa là chúng ta có thể chiến thắng, trong những khoảnh khắc nhất định. Tôi chiếu rọi chân lí bi đát và đề kháng thời gian này trong Faulkner bởi tôi thấy rằng nó là thiết yếu cho chính tim mạch của tiểu thuyết. Tự do là bi đát bởi nó ý thức luôn cả tính tất yếu và ranh giới của tự do.
Kafka viết: “Tôi không hi vọng về chiến thắng. Tranh đấu trong tự thân không là hoan lạc, trừ ra trong mức độ rằng nó là điều duy nhất tôi có thể làm… Có lẽ sau rốt tôi sẽ đầu hàng, không phải trước cuộc tranh đấu, mà là trước niềm vui của cuộc tranh đấu”.

Faulkner nói một câu lẫy lừng: “Giữa khổ đau và hư vô tôi chọn khổ đau”, và ông thêm: “Con người sẽ ưu thắng”. Đây chẳng phải, biết đâu, là chân lí của tiểu thuyết sao? Loài người sẽ ưu thắng và họ sẽ ưu thắng bởi vì, dù cho có những sự cố của lịch sử, tiều thuyết bảo chúng ta rằng nghệ thuật phục hồi đời sống trong chúng ta vốn đã bị làm ngơ vì sự hối hả của lịch sử. Văn học làm hoá thật những gì lịch sử đã bỏ quên. Và bởi lịch sử là cái gì đã là, văn học sẽ cung hiến cái gì lịch sử đã không luôn từng là. Đó là lí do chúng ta sẽ không bao giờ chứng kiến – trừ tai biến đại đồng – sự kết liễu của lịch sử.

Văn chương & Tư tưởng II-07

Nhưng gì thì gì, một thái độ quá khích bất kì đến lúc nào đó, cũng cần tự đặt giới hạn cho mình, nếu không muốn đi vào ngõ cụt mới và, tắc tị! Trong sáng tác thơ, từ chối ngôn ngữ chợ búa đời thường, thô thiển hay “dơ dáy”, “tục tĩu”, chúng ta chỉ biểu lộ thái độ trịch thượng với ngôn ngữ, thậm phi lí và vô ích. Ngôn ngữ văn học không cần thiết phải đóng cứng trong một số quy ước quẩn đi quanh lại với mớ chữ nghĩa cao quý, phân biệt đối xử với ngôn từ bị coi là húy kị. Càng không nên xẻ ranh giữa ngôn ngữ văn chương với ngôn ngữ phi văn chương, bởi sự vụ này chẳng giá trị gì cả. Không thể tưởng tượng được trong văn chương lại thiếu khuyết ngôn ngữ đời thường. Mỗi thời đại, thậm chí mỗi thế hệ đòi hỏi một số hạn từ khác cho văn thơ. Có thể hôm nay ước lệ hay ẩn dụ trong thơ bị vứt bỏ, thế nhưng, nếu cứ mỗi trang đều đầy rẫy ngôn từ “tục tĩu” thì chúng thành bão hòa. Phản kháng tốt lành phần đầu của thi sĩ thành phản tác dụng nơi khúc đuôi. Chúng gây phản cảm nơi thẩm mĩ người đọc. Và, dù Mở Miệng đóng góp vào kho tàng văn chương Việt lượng ngôn từ mới, húy kị đáng kể nhưng, nếu chúng ta từ chối các từ cao sang, ngôn ngữ thơ của thi sĩ trẻ sẽ nghèo nàn biết bao. Vô hình trung chúng ta tự buộc tay chân mình, chặt gẫy đôi cánh chưa có gì là khỏe khoắn của mình, cuối cùng tự rơi vào một thế bí hệt thế hệ hôm qua, nhưng ở chiều ngược lại: đối xử phân biệt với ngôn ngữ quý phái!
Hoặc nếu có cắt dán thì chơi vài “Thời hoa đỏ lè”, hay “Mùa thu hu hu hu” thì được, còn chúng ta cứ thoải mái Hu hu hu thì còn đâu sáng tác cổ điển cho chúng đỏ lè hay đỏ hoe nữa! Trống trơn cái kho rồi còn gì?
Và, điều cốt tủy là, khủng hoảng vẫn hoàn khủng hoảng, vì nếu mãi ở lại với giải quyết ức chế xã hội, tuổi trẻ phản ứng và chỉ biết phản ứng, sức sáng tạo sẽ trì trệ, từ đó thơ mất khả năng khai phá và thăng hoa. Khủng hoảng lẩn quẩn mãi trong vòng bế tắc nghề nghiệp với phản kháng mang tính cục bộ, nhất thời, chưa một lần được chúng ta đẩy tới cấp độ cao hơn. Thì làm thế nào tư tưởng chúng ta có thể lớn? Nền thơ tiếng Việt có thể lớn?

Văn chương & Tư tưởng II-06

Truyền thống Ấn Độ đòi hỏi thi sĩ tôi luyện nghệ thuật thơ đạt tới một cấp độ rất cao. Nhà thơ là hiện thân của tiên tri thấu thị, kẻ thông tuệ. Muốn thành nhà thơ, người làm thơ phải trải qua sáu bậc tôi luyện:
Svabhava: cảm tính thuộc bản năng.
Carana: cảm tính hướng thượng.
Abhyasa: sự tinh luyện về sử dụng nghệ thuật ngôn từ.
Yoga: tham thiền nhập định để đạt đến hòa hợp với Thượng đế.
Adrsta: sự kế thừa tài năng từ tiền kiếp.
Visistopahita: ân sủng đặc biệt được làm chủ tài năng của người thông tuệ và tiên tri phi thường. Do đó, nhà thơ Ấn Độ ngày xưa bị/tự buộc tuân thủ kỉ luật rất khắc khe về giờ giấc sinh hoạt cũng như các lề luật đối xử với cuộc sống, chữ nghĩa.
Xưa, nhà thơ là danh nghĩa đáng trọng bao nhiêu thì nay, bị coi là nhếch nhác bấy nhiêu! Nó gắn liền với sự thả nổi tình cảm và đòi hỏi thân xác thay vì chế ngự giác quan và bản năng. Thi sĩ hôm nay thường bị thành kiến là biếng đọc sách hơn nhà văn, ít trui luyện trí tuệ, quen dùng các từ làm sẵn (thơ second hand) thay vì nỗ lực sáng tạo ngôn từ mới, phó mặc cho những vụn vặt của “trần gian” thay vì tìm hướng thượng cõi siêu việt.

Inrasara, Song thoại với cái mới

Van chương & Tư tưởng II-05

Trong khí hậu tinh thần văn chương Việt Nam đương thời, khi đại bộ phận nhà thơ quẩn quanh vùng bản năng với sáng tác phi lí thuyết, thì việc đề cập đến các chủ nghĩa là cần; khi đa số phê bình mãi dừng lại ở phê bình ấn tượng đầy cảm tính, thì phần việc của phê bình lập biên bản là kéo nhận định đến sát thực với văn bản để đảm bảo tính khoa học hơn; khi số đông còn quan niệm tác giả – tác phẩm xuất hiện chính thống mới là văn chương, thì nhấn vào văn chương và nhà văn ngoại biên là nhằm đánh tan định kiến và mặc cảm tệ hại, qua đó mọi hình thức và trào lưu văn chương đề huề có mặt; khi văn học còn vướng kẹt, tù túng trong hệ mĩ học cũ, thì sự phá cách [và phá phách] phải được xiển dương trước nhất; và khi sự phá phách có nguy cơ dẫn đến hư vô chủ nghĩa, thì tinh thần hậu hiện đại đòi hỏi trách nhiệm công dân, tại đó tính thời sự trong sáng tác hậu hiện đại là một; cuối cùng khi những đầu óc bảo thủ còn nghi ngại sự mất gốc lai căn của hậu hiện đại, thì việc nêu bật những nét tương đồng giữa tính hậu hiện đại và truyền thống Việt Nam không phải là không cần thiết.
Tất cả chúng đều là phương tiện thiện xảo, như thể một quá độ thiết yếu

Văn chương & Tư tưởng II-04

Muốn đặt câu hỏi thơ là gì, chúng ta cần đặt câu hỏi ngôn ngữ là gì? Câu hỏi ngôn ngữ là gì cũng phải được đặt lại trên nền tảng câu hỏi khác: thế nào là thể tính con người? Và con người cư lưu như thế nào trên mặt đất này? Hay có thể kéo câu hỏi xuống tầm thấp đầy hàm hồ và quen thuộc hơn nữa: Đâu là ý nghĩa cuộc đời? Continue reading

Văn chương & Tư tưởng III-01

Văn học bảo vệ cái cá thể, cái đặc thù, sự vật, sắc màu, giác quan và cảm tính; văn học chống lại cái tính phổ quát giả tạo vốn tập hợp và cào bằng con người, chống lại cái quy trình trừu tượng khiến con người trở nên khô cằn. Trước Lịch sử, vốn mang kì vọng hóa thân và thực hiện cái phổ quát, văn học đề xuất những gì bị bỏ rơi bên lề dòng diễn biến lịch sử, Continue reading