Người Khmer được đẩy vào chùa Phật giáo ngay từ bé rèn luyện cho đến lúc trưởng thành. Tại đây, có hai lối đi chọn lựa: hoặc trở thành thầy tu chuyên nghiệp hoặc tự tin đi vào đời, dựng nghiệp, lấy vợ, sinh con đẻ cái.
Chăm cổ điển thì ngược lại, bạn bị ném thẳng vào trường đời để ngụp lặn, tôi luyện trong nó. Rồi ở tuổi đứng bóng mặt trời, khi đã có cơ nghiệp vững chãi, bạn cũng có hai con đường để chọn lựa: hoặc bạn chìm nghỉm trong nó hoặc bạn bứt ra khỏi nó, để đi trên con đường trầm tưởng của riêng bạn.
Như vậy, nếu lề lối Khmer có lợi cho tổ chức xã hội, khuôn phép nhân quần thì con đường Champa khai mở sáng tạo thi ca, phát kiến suy tưởng.
Trắng tay và trắng hồn, bạn đi vào đời với bàn chân mới lạ và cái nhìn tinh khôi. Cuộc đời với bạn đầy bất trắc nhưng huyền nhiệm. Nó có thể đè bẹp thân bạn hoặc đập vỡ tim bạn để tâm hồn bạn bật lên tiếng hát đau thương linh thánh. Rồi khi bạn đã thấm đẫm nỗi đời, đã vượt qua được dòng sông cuồn cuộn đau khổ của cuộc đời, lòng bạn đã lắng, nhìn trở lại con sông, bạn suy nghiệm cuộc đời.
Con mắt cuộc đời sâu thẳm nhìn bạn: con mắt hà khắc đầy trìu mến yêu thương. Cuộc đời với bạn là Một. Một duy nhất, hiểm nguy, bỏng cháy và lôi cuốn.
(1980)
Category Archives: Văn chương & Tư tưởng
Văn chương & Tư tưởng I-02.
Logic hình thức ngôn ngữ luôn quy định tư duy, từ đó sai khiến hành động con người. Lối phát biểu rất lạ của chúng ta: người Chăm – người Bàni (làm như người Bàni không thuộc tộc Chăm!), chữ Chăm – chữ Bàni (làm như chữ Chăm không phải là của Chăm Bàni), hay Trường ca Chăm – Bàni… Lối phát biểu đó khuôn định đầu óc chúng ta ngày này qua ngày khác đã tạo cho chúng ta các hành vi, ứng xử phân biệt. Hay khi dùng thuật ngữ: Akhar Cham klak – Chữ Chăm cổ thay vì Akhar thrah – chữ truyền thống để chỉ thứ chữ đang được dạy cho con em học thì vô hình trung đặt nó ở phía đối trọng với chữ Chăm mới – mà mới chắc chắn tiến bộ hơn rồi – mặc dù chúng ta không bao giờ muốn vậy. Hoặc khi cứ lải nhải mãi Chăm mất đoàn kết, Chăm đố kị là chúng ta đang tự ám thị mình và rồi sẽ như thế thật.
Nhưng có thực sự Chăm mất đoàn kết hay đố kị?
(1980)
Văn chương & Tư tưởng III-06.
Nhà phê bình, không chỉ là những người phát hiện cái đẹp trong các tác phẩm văn chương (như cách nghĩ của rất nhiều người), mà còn là người tiêu chuẩn hoá cái đẹp để người đọc nhờ đó có thể hiểu được, cảm thụ được nó. Những lúc văn học chuyển mình nhanh chóng như hiện nay thì vai trò của nhà phê bình lại càng nổi bật. Một người đọc bình thường, hiểu theo nghĩa không phải là một nhà nghiên cứu hay phê bình văn học, rất khó có thể theo kịp các quan niệm thẩm mỹ được thay đổi liên tục theo những trào lưu văn học ấy. Khi họ không theo kịp, họ sẽ bị bỏ rơi. Họ trở thành những kẻ thiệt thòi vì họ không thưởng thức được những tác phẩm mới với những cái đẹp mới.
Phan Quỳnh Trâm, Tienve.org, 11-9-2009.
Văn chương & Tư tưởng III-05.
Khen Truyện Kiều: dễ. Chê Truyện Kiều: cũng dễ. Khen Truyện Kiều để xác lập một điển phạm mới, qua đó, tái tạo lại lịch sử văn học của quốc gia như điều Phạm Quỳnh đã làm vào đầu thế kỷ 20 mới khó.
Chê Truyện Kiều để đặt nghi vấn đối với những cái được gọi là điển phạm, qua đó, nêu lên một điển phạm mới hoặc một quan điểm mới về cái gọi là tính điển phạm cũng sẽ rất khó.
… Làm nhà phê bình văn học không khó. Làm nhà phê bình văn học có tầm văn hoá mới khó: nó đòi hỏi năng lực tổng hợp và nhất là khái quát hoá để vượt lên trên những cái cụ thể, kể cả những cái đẹp cụ thể.
… Viết phê bình để đánh giá một tác phẩm hay một tác giả là dễ. Viết phê bình để thay đổi vị thế của một tác giả hay một tác phẩm mới khó. Viết phê bình để thay đổi cách đọc, từ đó, cách nhìn về văn học lại càng khó.
Nguyễn Hưng Quốc, Tienve.org, 3-9-2009
Văn chương & Tư tưởng II-12.
Phê bình văn học là khoa học vừa là nghệ thuật. Đó là chuyện ai cũng biết.
Là khoa học, nó đòi hỏi người viết bao quát được vấn đề, lập luận vững chắc, dẫn luận phong phú và chính xác bên cạnh, lí giải thuyết phục. Không đạt các tiêu chí đó, người viết chỉ là kẻ hóng hớt tán chuyện đầy vô bổ.
Là nghệ thuật bởi, phê bình yêu cầu ở người viết độ nhạy cảm cao với cái mới, có khả năng thẩm định tác phẩm/ vấn đề chưa từng được biết/ bàn luận tới trước đó. Đứng trước cái tinh khôi, người làm phê bình cần huy động cảm quan thiên phú để có thể tiếp cận khía cạnh vi tế nhất của sự thể.
Ngoài ra nó đòi hỏi anh/ chị ta thủ đắc cách diễn đạt linh hoạt cho mỗi vấn đề. Để chính tác phẩm phê bình phải là một công trình nghệ thuật, chứ không còn dừng lại ở một tiểu luận khô khan thiếu sinh khí. Một nhà phê bình viết văn tồi thì chớ nên làm phê bình, phát biểu của một nhà phê bình thời danh không phải không đáng suy ngẫm.
Yếu tố sau cùng là, nhà phê bình học biết suy tư trong chiều hướng đưa nền văn học phát triển ở ngày mai, chứ không phải ngược lại – một phê bình sẵn sàng cho thế hệ hôm nay sáng tạo cái mới trong tâm thế mở ở thời đại toàn cầu hóa.
Inrasara.
Văn chương & Tư tưởng II-01
– Lúc này ông đang viết gì?
Không phải Vang hay anh bạn chủ nhà mà là Thụy, hỏi. Có lẽ do tọc mạch.
– Tiểu thuyết Chân dung Cát.
– Để đem vài nhân vật ra chế giiễu cho tiện chứ gì.
Hà Vân sâu sắc là thế mà đã khuyên tôi anh sớm kết thúc tiểu thuyết đi để em nhờ cô bạn chuyển thể sang kịch bản phim… Tôi làm thơ cũng chả ý đồ được tuyển vào sách giáo khoa cho học sinh học thuộc hay nhạc sĩ nào đó nổi hứng hoặc chiếu cố mang ra phổ nhạc. Tôi nói ý này cho đồng chí cán bộ Bá Thụy nghe và thêm: văn chương không cúi xuống làm chuyện đó, không tự cho phép mình làm trò lếu láo ba bốn lăng nhăng đó.
Còn nó sẽ làm gì? Continue reading
Văn chương & Tư tưởng II-03.
Một bút lực lớn hay một cảm thức chủ đạo như thứ từ trường thu hút các cây bút/ ảnh hưởng đến suy tưởng của kẻ cùng thời; từ đó nó tạo nên trào lưu hay trường phái nghệ thuật. Một nền văn học có phát triển mạnh mẽ và đa dạng hay không tùy thuộc vào sự lan rộng, xa của các trào lưu này; nếu không nó mãi ở lại nơi căn chòi của sinh hoạt nghiệp dư, tự phát và đầy cảm tính.
Thế nhưng, chỉ khi người viết nỗ lực vượt lên mọi trường phái, trào lưu hay cảm thức thời đại, hắn mới có thể thực sự lớn.
Inrasara
Văn chương & Tư tưởng I-02.
Logic hình thức ngôn ngữ luôn quy định tư duy, từ đó sai khiến hành động con người. Lối phát biểu rất lạ của chúng ta: người Chăm – người Bàni (làm như người Bàni không thuộc tộc Chăm!), chữ Chăm – chữ Bàni (làm như chữ Chăm không phải là của Chăm Bàni), hay Trường ca Chăm – Bàni… Lối phát biểu đó khuôn định đầu óc chúng ta ngày này qua ngày khác đã tạo cho chúng ta các hành vi, ứng xử phân biệt. Hay khi dùng thuật ngữ: Akhar Cham klak – Chữ Chăm cổ thay vì Akhar thrah – chữ truyền thống để chỉ thứ chữ đang được dạy cho con em học thì vô hình trung đặt nó ở phía đối trọng với chữ Chăm mới – mà mới chắc chắn tiến bộ hơn rồi – mặc dù chúng ta không bao giờ muốn vậy. Hoặc khi cứ lải nhải mãi Chăm mất đoàn kết, Chăm đố kị là chúng ta đang tự ám thị mình và rồi sẽ như thế thật.
Nhưng có thực sự Chăm mất đoàn kết hay đố kị?
(1981)
Văn chương & Tư tưởng I-01.
Thật hiếm hoi con người tuổi trẻ hôm nay chịu nghe trong im lặng hơn là ba hoa ồn ào. Càng hiếm hoi hơn nữa con người tuổi trẻ của ngày hôm nay chịu suy tư trong cô độc hơn là thích làm nổi bật mình nơi đám đông.
Nếu có con người tuổi trẻ như thế, chắc chắn không phải là quái thai của tuổi trẻ mà là tuổi trẻ cư trú trong chiều kích sâu thẳm hơn.
*
Khoảng năm 1980-1982, tôi bắt đầu ghi Nhật kí Tư duy trong cuốn sổ agenda. Nay tình cờ tìm thấy. Dù các ghi chép này có thể còn non nớt và có nhiều dấu vết của các tư tưởng gia đi trước, nhưng xét tư tưởng như là một tiến trình, chúng cũng cần thiết có mặt. Tôi post lên Inrasara.com để bạn đọc có thể so sánh với tư tưởng tôi hôm nay. Tôi ghi lại nguyên văn, không sửa chữa hay thêm bớt.
Phần này tôi đánh số La Mã I-01…
Văn chương & Tư tưởng hiện tại được đánh số II-01
Văn chương & Tư tưởng của tác giả khác do tôi sưu tầm thì đánh số III-01
Văn chương & Tư tưởng II-11.
Chúng ta không có tự do, chưa sẵn sàng cho tự do, sợ tự do, thậm chí nói như E. Fromm – chúng ta chạy trốn tự do escape from freedom. Không tự do, bởi ta muôn đời lệ thuộc vào quyền lực đủ loại, đủ dạng. Từ ý thức hệ tôn giáo hay chính trị đến nền giáo dục ta thụ hưởng, từ truyền thống văn hóa đến nề nếp gia đình nơi ta sinh và lớn lên, từ uy tín của đạo sư hay lãnh tụ đến cuốn sách ta đọc, vân vân. Khi còn lệ thuộc vào một quyền lực nào bất kì là ta còn quy thuộc vào trung tâm. Còn trung tâm là ta còn chưa thể sắn sàng cho hậu hiện đại. Như ngay cách bố trí chỗ ngồi cho cuộc trò chuyện hôm nay cũng mang đầy “chất quyền lực”. Khi tri thức là một thứ quyền lực thì kẻ truyền đạt tri thức cũng dễ tạo cho mình một quyền lực: quyền lực của kẻ biết! Trong khi tôi đến đây không có ý định mang cái biết đến với các bạn, và các bạn chỉ là người tiếp nhận thụ động. Mà cùng ngồi lại như là những sinh thể độc lập sẵn sàng cho tự do, cho tiếp cận một trào lưu văn chương mang ở tự thân yếu tính tự do. Chỉ khi bạn tự do bạn mới giải trung tâm. Giải trung tâm là căn cốt của tinh thần hậu hiện đại. Giải trung tâm ở mọi lãnh vực, mọi khía cạnh, cấp độ. Hậu hiện đại liên quan mật thiết với tự do.
Bằng lối mở như thế, chúng ta có thể thảo luận về hậu hiện đại được rồi.
(Inrasara, Mở đầu cho “Đối thoại hậu hiện đại”).