Sẽ không có thơ nếu không có ngôn ngữ, ngôn ngữ như là ngôi nhà cho thi sĩ cư ngụ. Thi sĩ có thể vô sở trú trong không gian và thời gian, nhưng hắn sẽ mãi mãi chịu định phận vô gia cư nếu hắn không cư ngụ trong lòng ngôn ngữ dân tộc, nếu hắn không có ngôn ngữ như là ngôn ngữ để cư ngụ.
Inrasara, “Thơ như là con đường 2”.
Category Archives: Văn chương & Tư tưởng
Văn chương & Tư tưởng III-14.
Đầy tràn công danh sự nghiệp
nhưng con người cư lưu đầy thơ mộng trên mặt đất này
Full of merit,
yet poetically, man dwells on this earth.
Hoelderlin
Văn chương & Tư tưởng II-21.
Đây là thời đại của văn minh phương Tây. Không thể phủi tay chối từ hay chạy trốn. Chúng ta đang thở hơi thở của siêu hình học phương Tây. Dấn bước lên con đường thơ ca, thi sĩ buộc phải đi đến tận đầu mút con đường chọn lựa. Từ lâu rồi, người ta không còn tin tưởng vào mọi thứ chủ nghĩa. Các trường phái văn nghệ chỉ có thể tạo nên trào lưu khả năng làm sôi động không khí sinh hoạt văn chương, trong một giai đoạn – rất nhất thời. Nhưng dù thế nào đi nữa, thi sĩ hôm nay cần trải nghiệm trọn vẹn hành trình thơ của nhân loại: tiếp nhận và thể nghiệm. Nhập cuộc chịu chơi, trò chơi của thế giới le Jeu du monde – Heidegger. Để cuối chặng đường, chúng ta làm cuộc đi xuống, tận đáy thẳm của bản thể thơ ca.
Bởi, thơ ca như là thơ ca thì không có tiến bộ. Hành trình thơ ca là hành trình đi ngược về nguồn, đến tận suối nguồn uyên nguyên của ngôn ngữ. Người mục tử chăn dắt ngôn ngữ như thể được ngôn ngữ ban tặng cho họ bổn phận chăn dắt giản đơn mà khó nhọc, đời thường nhưng tràn đầy linh thánh. Đó là quà tặng độc nhất của và từ suối nguồn. Nó mang ở tự thân lời tạ ơn cao vời sâu thẳm.
Inrasara, “Hậu hiện đại gặp gỡ phương Đông”
*
Sau bài này, inrrasara.com tạm nghỉ 1 tuần – Sara lang thang ra Bắc.
Văn chương & Tư tưởng II-22.
Văn hóa Chăm là văn hóa đùa vui
Chịu chơi cả trong đau khổ
Inrasara, Lễ tẩy trần tháng Tư.
Văn chương & Tư tưởng III-13.
Nỗi thiếu Quê hương trở thành định mệnh của hoàn cầu. Chính vì thế, sự thiếu vắng đó cần phải suy tư trên bình diện lịch sử của Tính thể. Như vậy, điều mà khởi từ Hegel, Marx đã truy nhận theo một nghĩa tinh yếu và quan trọng như là sự vong thân của con người, điều ấy cắm rễ thật sâu trong nỗi thiếu Quê hương chung của con người thời hiện đại. Homelessness is coming to be the destiny of the world. Hence it is necessary to think that destiny in term of the history of Being. What Marx recognized in an essential and significant sense, though derived from Hegel, as the estrangement of man has its roots in the homelessness of modern man.
M. Heidegger, Letter on Humanism.
Văn chương & Tư tưởng II-20.
Con không thể chọn làm đứa con tổng thống Pháp hay
cháu đích tôn quốc vương Brunei
con không thể chọn ra đời ở Thái Lan hay Mĩ quốc
con là Chăm ngay ban đầu vỡ ra tiếng khóc
(còn hơn thế: chín tháng mười ngày trước khi vỡ tiếng khóc)
khi con cắm rễ nơi đây
hay khi con lang bạt tận cùng trời
con cứ là Chăm cả lúc cháy lên cùng ngọn lửa cuối đời.
Inrasara, Lễ tẩy trần tháng Tư.
Văn chương & Tư tưởng III-12.
Tôi muốn thấy con người kiêu hãnh nhất, con người linh hoạt nhất, con người quyết đoán nhất;
Tôi muốn cõi đời và muốn nó cứ như thế, muốn nữa, muốn vĩnh viễn, muốn thiết tha; và tôi kêu gào bất tận:
Bis! Bis!
Và không chỉ riêng cho tôi, mà chung cho cả vở kịch, chung cho cả tấn tuồng;
Và không phải riêng cho cả tấn tuồng, mà rốt cục thật ra là cho chính tôi;
Bởi vì tấn tuồng rất cần thiết cho tôi – bởi vì nó làm cho tôi trở nên cần thiết – bởi vì tôi cần thiết cho nó –
Và bởi vì tôi làm cho nó trở nên cần thiết.
Nietzsche – Phạm Công Thiện dịch.
Văn chương & Tư tưởng III-11.
Tôi nghĩ thái độ hậu hiện đại cũng tương tự như thái độ của một người đàn ông yêu một phụ nữ học thức cao; anh ta biết rằng anh không thể nói với cô kiểu “anh yêu em mê mệt”, bởi vì anh thừa hiểu là cô ta biết (và cô ấy cũng biết là anh biết) những chữ ấy đã được Barbara Cartland viết ra rồi. Tuy nhiên, vẫn còn có cách khác. Anh có thể nói thế này: “Như Barbara Cartland đã từng nói, anh yêu em mê mệt.” Như thế, vừa tránh được sự ngây thơ vờ vĩnh vừa có thể nói được rõ ràng những gì vốn không còn có thể được nói một cách ngây thơ, đồng thời, anh lại vừa nói lên được những gì anh muốn nói với người phụ nữ: anh yêu cô, nhưng anh yêu cô trong một thời đại đã mất sự ngây thơ.
Umberto Eco, Nguyễn Hưng Quốc dịch.
Văn chương & Tư tưởng II-19.
Một hiện tượng xã hội hay văn chương bất kì, không thể bị dập tắt bởi khước bác hời hợt hay phủ nhận thô bạo; nó chỉ bị vượt qua, khi các cạnh khía vi tế nhất của nó được phơi mở.
Inrasara, “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn”.
Văn chương & Tư tưởng III-10.
Những dự án mang tham vọng quá trớn có thể bị chối từ trong nhiều lĩnh vực nhưng không thể bị chối từ trong lĩnh vực văn chương. Văn chương chỉ còn sức sống nếu chúng ta tự đặt ra cho chính mình những mục tiêu bất khả lượng đạt, vượt quá tất cả những hi vọng về sự thành tựu. Chỉ chừng nào các nhà thơ và nhà văn tự đề ra cho chính mình những công tác không có bất cứ ai dám tưởng tượng đến, thì văn chương mới đạt được tác dụng của nó…
Italo Calvino, Hoàng Ngọc-Tuấn dịch.