Một ánh nhìn của cha
nửa nụ cười của mẹ
và hai bàn tay diệu vợi của em
giữa mênh mông màu nắng quê hương
hỏi tôi còn tìm thiên đường đâu nữa?
Inrasara, Tháp nắng, 1996
Category Archives: Văn chương & Tư tưởng
Văn chương & Tư tưởng III-18.
Cuộc đời muốn được nâng cao lên trên những cột trụ và những bậc thang: Cuộc đời muốn được khai phá những phương trời xa thẳm, muốn thám hiểm những vẻ đẹp làm hoan lạc tâm hồn, chính vì thế cuộc đời cần có những đỉnh cao.
Nietzsche, Zarathoustra đã nói như thế.
Văn chương & Tư tưởng II-28.
Tính chất phi nghiêm cẩn unseriousness trong giọng điệu xuyên suốt sáng tác hậu hiện đại dễ gây lầm tưởng về một bỡn cợt vô trách nhiệm của thế hệ hư vô chủ nghĩa mới. Thế nhưng, quay cận cảnh bề tối truyền thống văn hóa dân tộc không đồng nghĩa với phá hoại truyền thống văn hóa dân tộc, nhìn phản biện lịch sử không là chống phá lịch sử, giễu nhại đại tự sự thì khác cả vực thẳm với hủy hoại mọi loại đại tự sự mà là đặt đại tự sự vào thế chông chênh để chúng tự soi lại mình bằng gương soi khác, từ nhiều chiều và dưới nhiều góc độ. Tất cả là để cùng tự thức self consciousness trong chân trời của tự do sáng tạo trong thế giới toàn cầu hóa, ở đó mỗi cá nhân được thể hiện trọn vẹn mọi khả năng của mình. Nếu xem là phá hủy, thì đó phải là phá hủy theo tinh thần hậu hiện đại. Phá hủy của triết học Shiva. Phá hủy là tiên đề của sáng tạo, phá hủy thúc đẩy sáng tạo, phá hủy để sáng tạo và, phá hủy chính là sáng tạo.
Inrasara, “Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại”
Văn chương & Tư tưởng II-26.
Không có thơ không chết ai cả, dòng đời cứ trôi, nhân loại cứ sống. Có khi sống tốt lành nữa! Nhưng con người thì cần thơ. Kẻ tưởng không hề cần đến thơ, bất chợt trong giây phút chểnh mảng của khúc đời, trên môi bật lên vài câu thơ khuất lấp đâu đó nơi vũng mơ hồ của kí ức; hay thèm thể hiện cái gì đó như thơ, qua phát ngôn có vần điệu. Họ không ngờ mình đang cần sự giúp đỡ của thơ. Nơi đám đông hay trong cô đơn, góc tối xà lim hay giữa ánh sáng quảng trường, phố xá tấp nập hay ruộng nương yên ắng, thơ cứ có mặt. Như một nhu cầu.
Inrasara, “Thơ dân tộc thiểu số Việt Nam, từ một hướng nhìn động”
Văn chương & Tư tưởng III-22.
Goethe: Ba yếu tố tạo nên kiệt tác:
– Dân tộc đó có điều lớn lao để nói với nhân loại không?
– Có thiên tài để nói điều đó lên bằng một cấu trúc nghệ thuật không?
– Và cuối cùng thiên tài đó có làm việc ở thời kì sung sức nhất không?
Văn chương & Tư tưởng III-17.
Nhưng điều nghệ thuật tác động là nó truyền đạt cho chúng ta một thái độ, một thái độ chiếm giữ bởi thảnh quả của nghệ sĩ trên các tri giác của hắn. Đặc tính của một nghệ thuật vĩ đại là thái độ nó truyền đạt đến chúng ta, làm cho chúng ta cảm thấy là có giá trị, là cái phản ứng của sự tiếp xúc bao quát và tinh diệu với thực tại hơn là chúng ta có thể tiếp xúc một cách thông thường.
Sullivan, Beethoven.
Văn chương & Tư tưởng II-25.
Có nước da hơi sáng – em chối mình là Chăm
mới ít tháng tha phương – anh không nhận Việt Nam
vì tự trọng – Karl Jaspers không cho mình người Đức
Henry Miller chối từ Mĩ – bởi chán ghét chiến tranh
giữa không nhận và chối từ kia cách nhau trời vực
Inrasara, Tháp nắng, 1996
Văn chương & Tư tưởng III-16.
Giữa nền văn minh giàu sang tột đỉnh, Henri Miller dạy con người sống thanh bần, mộc mạc;
Giữa cơn xáo trộn của lịch sử, Henri Miller dạy con người sống ngoài hàng rào;
Giữa sự hấp hối tàn tạ của đời sống, Henri Miller dạy con người yêu đời say đắm;
Giữa sự phân tán trầm trọng của ý thức sa đọa, Henri Miller dạy con người sống với cái tinh cốt của lòng ngây thơ nguyên vẹn;
Giữa sự căm thù ngày càng dâng cao, Henri Miller dạy con người yêu thương.
Phạm Công Thiện, Henri Miller.
Văn chương & Tư tưởng II-24.
Dân tộc tính là gì?
A. Einstein nói: Nếu thuyết tương đối của tôi chứng minh được thì nước Đức nhận tôi là dân Đức, còn người Pháp cho tôi là công dân thế giới. Ngược lại, khi thuyết này không thể chứng minh, người Pháp bảo tôi là người Đức, còn người Đức cho tôi đích thị dân Do Thái.
Inrasara lí giải vui rằng: Người Chăm tối nằm mơ, tỉnh dậy liền giải mã giấc mơ để biết đường mà cúng tế; đa số người Việt giải mã giấc mơ để mua số đề; còn ông Freud dân Đức đã làm cuộc tổng hợp giấc mơ để dựng nên triết thuyết.
Văn chương & Tư tưởng III-15.
Chúng tôi nói rằng con người phải nghèo nàn đến nỗi hắn không còn là một nơi chốn, không có một nơi chốn nào sót lại trong con người để Chúa ngự trị. Khi con người còn giữ lại nơi chốn nào đó trong long thì hắn hãy còn giữ lại một sự phân biệt nào đó. Vì thế tôi cầu nguyện Chúa hãy giải phóng tôi ra ngoài Chúa, vì tính thể của tôi còn cao hơn Chúa khi ta còn quan niệm Chúa là nguồn gốc của vạn vật.
Maitre Eckhart