Văn chương & Tư tưởng II-37.

Thời đại toàn cầu hóa, nhưng văn học Việt Nam vẫn đóng, hoặc có mở nhưng chỉ he hé. Sáng tạo văn chương đã mở với trào lưu sáng tác hậu hiện đại, nhưng lối tiếp cận và lối đọc văn chương ta vẫn cứ đóng. Đóng, cả ở phía phê bình. Phê bình nhìn tác phẩm văn chương như là một sản phẩm chết đã đành, nó còn ý đồ loại bỏ thứ văn chương không hợp khẩu vị, khác với hệ mĩ học truyền thống, đi chệch khỏi quan điểm sáng tác của mình ra khỏi đời sống văn học. Hầu hết sáng tác hậu hiện đại Việt cùng với hàng trăm tác phẩm xuất bản không chính thống chưa được hân hạnh có mặt trong đời sống phê bình văn học thời gian qua, xuất phát từ tinh thần chối bỏ hẹp hòi ấy. Phê bình lập biên bản có mặt để giải quyết vấn đề khúc mắc đó.
Inrasara, “Thơ Việt sau hậu hiện đại & Phê bình mở”

Văn chương & Tư tưởng II-36.

Tôi có theo dõi một số diễn đàn văn hóa Chăm trên mạng và thấy dường như giới “làm học thuật” Chăm cũng có sự chia rẽ nhất định. Trong khi trên thực tế đời sống văn hóa Chăm thì đang đứng trước nguy cơ lớn về mai một bản sắc văn hóa. Là một nhà nghiên cứu vừa đứng trong cộng đồng, vừa đứng ở tâm bão của học thuật, ông nghĩ gì?
Inrasara: Chia rẽ, phân hóa trong quan điểm về học thuật, thậm chí về một vấn đề hay một tác phẩm – không vấn đề gì cả, miễn sự phân hóa đó ích lợi cho nghiên cứu, cho con đường “tìm về bản sắc”. Còn khi có người í định dựa vào uy danh – chức vị hay danh vị, học vị hay học hàm – phán về lĩnh vực mình không hiểu biết, từ đó gây hồ nghi “hoang mang” trong cộng đồng, thì mới đáng phiền. Phiền thôi, chớ cũng chẳng vấn đề gì nghiêm trọng lắm đâu. Vài phê phán ấy có thể gây nhiễu cho vài đối tượng nhất định trong thời gian nhất định, nhưng chỉ cần vài minh giải vào thời điểm thích hợp, tất cả sẽ đâu vào đây.
Inrasara trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn tiếp thị, 19-3-2010.

Văn chương & Tư tưởng II-35.

Giai đoạn bột phát và phản ứng quyết liệt, đối kháng và chối bỏ quyết liệt – cả với cơ chế xã hội, với hệ mĩ học cũ kĩ lẫn lối thơ giả, mòn, xơ cứng,.. – đã qua. Đó chính là giai đoạn đầu của sự tự thức, một hậu hiện đại sơ kì bùng khởi cần thiết và cấp thiết. Trước cơ chế đóng của xã hội, hậu hiện đại Việt Nam mạnh bạo đập liên hồi kì trận vào cánh cửa kia. Trong khí hậu “hiện đại” của văn chương Việt Nam đương thời, khi các nhà thơ mãi mê ngủ trong tiếp nối truyền thống với cách tân “gãi ngứa”, hậu hiện đại chống lại truyền thống và đánh sập tinh thần cách tân nửa vời kia; khi các nhà thơ cổ truyền còn say mê trò lựa chữ đẫm chất văn chương, chọn hình ảnh đẹp đầy thi tính thì hậu hiện đại cố í sử dụng tràn lan ngôn từ thô tục của đời thường, đùn cơ man hình ảnh sinh hoạt chợ búa hay đường phố vào thơ; khi các nhà thơ “hiện đại” Việt Nam chỉ xem ngôn từ là chất liệu duy nhất làm nên bài thơ thì hậu hiện đại quyết làm ngược lại: không ít bài thơ ở đó ngôn từ chỉ là chất phụ gia chú thích cho ảnh; khi cả người viết lẫn người đọc đều xem văn chương như một cõi đầy nghiêm trang, ghế cao ngồi tót sang trọng và nghiêm trọng cùng cơ man “tính” thì hậu hiện đại quyết biến văn chương thành trò cười để cười nhạo, cả cười nhạo vào chính văn chương. Cuối cùng, trong khi hầu hết nhà văn, nhà thơ đương thời xem hoạt động và tác phẩm dòng chính lưu mới là văn chương thì tác giả hậu hiện đại chọn đứng ngoài lề. Như là cách thế hủy trung tâm và giải trung tâm quyết liệt nhất.
Nhưng rồi giai đoạn bột phát đã qua, ít ra nó đang chuyển sang hướng khác. Các cây bút thế hệ mới, khi xuất hiện, đã ở trong khí hậu văn chương giải trung tâm rồi. Họ hầu như không còn quan tâm hay quan tâm rất ít đến nơi hay cách xuất hiện. Họ cũng không nhất thiết phải dồn sức phá bỏ truyền thống hay “hiện đại” nữa. Đây là thế hệ nhà thơ hậu hiện đại mở (hay sau-hậu hiện đại-Việt Nam).
Inrasara, “Thơ Việt sau hậu hiện đại & Phê bình mở”

Văn chương & Tư tưởng III-28.

“Hãy chờ đợi một cách khiêm tốn và kiên nhẫn, chờ đợi giờ phút khai sinh ánh sáng rực ngời mới lạ… Ở đây, thời gian không thể làm tiêu chuẩn đo lường. Một năm có kể gì: mười năm không là gì cả, khi mình là nghệ sĩ thì có nghĩa là không tính toán, không kể số, khi mình là nghệ sĩ thì có nghĩa là nẩy nở như một cây lá không hề bức thúc nhựa cây, đứng vững lại một cách tín thành trong tất cả những ngọn gió lớn của mùa xuân, không hề sợ hãi nao núng rằng mùa hạ không trở lại nữa. Mùa hạ nhất định sẽ đến. Nhưng mùa hạ chỉ đến cho những kẻ biết chờ đợi, chờ đợi một cách trầm lặng và cởi mở như là mình đã có cả vĩnh cửu trước mắt mình.”
Rilke – Phạm Công Thiện dịch

Văn chương & Tư tưởng II-33.

Chúng ta không có tự do, chưa sẵn sàng cho tự do, sợ tự do, thậm chí nói như E. Fromm – chúng ta chạy trốn tự do escape from freedom. Không tự do, bởi ta muôn đời lệ thuộc vào quyền lực đủ loại, đủ dạng. Từ ý thức hệ tôn giáo hay chính trị đến nền giáo dục ta thụ hưởng, từ truyền thống văn hóa đến nề nếp gia đình nơi ta sinh và lớn lên, từ uy tín của đạo sư hay lãnh tụ đến cuốn sách ta đọc, vân vân. Khi còn lệ thuộc vào một quyền lực nào bất kì là ta còn quy thuộc vào trung tâm. Còn trung tâm là ta còn chưa thể sắn sàng cho hậu hiện đại. Như ngay cách bố trí chỗ ngồi cho cuộc trò chuyện hôm nay cũng mang đầy “chất quyền lực”. Khi tri thức là một thứ quyền lực thì kẻ truyền đạt trí thực cũng dễ tạo cho mình một quyền lực: quyền lực của kẻ biết! Trong khi tôi đến đây không có ý định mang cái biết đến với các bạn, và các bạn chỉ là người tiếp nhận thụ động. Mà cùng ngồi lại như là những sinh thể độc lập sẵn sàng cho tự do, cho tiếp cận một trào lưu văn chương mang ở tự thân yếu tính tự do. Chỉ khi bạn tự do bạn mới giải trung tâm. Giải trung tâm là căn cốt của tinh thần hậu hiện đại. Giải trung tâm ở mọi lãnh vực, mọi khía cạnh, cấp độ. Hậu hiện đại liên quan mật thiết với tự do.
Bằng lối mở như thế, chúng ta có thể thảo luận về hậu hiện đại được rồi.
Inrasara, “Đối thoại hậu hiện đại”

Văn chương & Tư tưởng III-26.

Hãy suy nghĩ chín chắn đến cái gì là quan trọng nhất cho đời mình. Kẻ ngu thường bị mất hướng vì thiếu suy nghĩ, chỉ thấy mơ hồ một ít cái lợi, một ít cái hại, để mà cố gắng, nỗ lực cho cả hai chiều. Một số thì cố gắng toàn bộ cho những chuyện không đâu, mà lại không có nỗ lực nào cho những chuyện tối cần. Khi có chuyện đáng suy nghĩ chín chắn thì là lúc họ bị sai lầm nhiều nhất. Phần lớn họ mất đầu vì họ không có cái đầu.
Baltasar Gracian, The Art of Worldly Wisdom, Nguyễn Hữu Liêm dịch.

Văn chương & Tư tưởng III-25.

Cảm thức xao xuyến (l’angoisse), là một khám phá lớn của triết học thế kỉ XX. Các triết gia hiện sinh cho rằng: trong sâu thẳm tâm hồn con người chúng ta có nỗi xao xuyến nền tảng, một khoảng trống nơi mà tất cả những hình thái âu lo và bất an tuôn trào (…). Nỗi xao xuyến đó thình lình đến khi chúng ta đang mơ màng, tách lìa thế giới; chúng ta vùng thức giấc giữa đêm tối (…). Thường chúng ta cố tránh né kinh nghiệm này vì nó gây đau đớn và chia xé (…). Phật giáo cho rằng không bao giờ chúng ta có thể sung sướng, hạnh phúc trước khi chúng ta chiến thắng được nỗi xao xuyến nền tảng này….
Edward Conze, Tinh hoa và sự phát triển của Đạo Phật, Chơn Pháp dịch.

Văn chương & Tư tưởng II-78.

Có đất nào như đất ấy không?
Trí thức là nửa mùa: mảnh bằng cử nhân thì đã đủ
Vốn kiến thức nửa mùa may lắm mới mang nổi cái thân
Chẳng ai nhìn cao hơn, không người nhìn xa hơn
Tự chấm tọa độ đời mình trong sương mù quá khứ
Thế giới rộng lớn vô cùng, ta ngồi nhà đóng cửa
Dòng sống phong phú dường bao, ta mãi đứng bên bờ
Như con rắn nằm cuộn tròn ôm giấc mơ xưa
Tàu cuộc đời vụt qua cho ta hoài lỡ chuyến
Ôi! Lẽ nào ta mãi nhận mình làm người khiếm diện
Ngày hôm nay rồi cả ngàn đêm sau
Ta ru ngủ ta bằng hơi thở phều phào
Một luồng gió mạnh đủ làm ta thở hắt!
Inrasara, Tháp nắng, 1996.