Văn chương & Tư tưởng III-37

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong sinh hoạt chính trị thế giới thời hậu-Chiến tranh lạnh là việc công khai hoá niềm ân hận đối với những lỗi lầm trong quá khứ. Năm 1990, Tổng thống Mỹ George Bush đã xin lỗi 120 ngàn người Mỹ gốc Nhật bị giam cầm trong thời Đệ nhị thế chiến Continue reading

Văn chương & Tư tưởng II-43

Đây là thời đại của văn minh phương Tây. Không thể phủi tay chối từ hay chạy trốn. Chúng ta đang thở hơi thở của siêu hình học phương Tây. Dấn bước lên con đường thơ ca, thi sĩ buộc phải đi đến tận đầu mút con đường chọn lựa. Từ lâu rồi, người ta không còn tin tưởng vào mọi thứ chủ nghĩa. Các trường phái văn nghệ chỉ có thể tạo nên trào lưu khả năng làm sôi động không khí sinh hoạt văn chương, trong một giai đoạn – rất nhất thời. Nhưng dù thế nào đi nữa, thi sĩ hôm nay cần trải nghiệm trọn vẹn hành trình thơ của nhân loại: tiếp nhận và thể nghiệm. Nhập cuộc chịu chơi, trò chơi của thế giới le Jeu du monde – Heidegger. Để cuối chặng đường, chúng ta làm cuộc đi xuống, tận đáy thẳm của bản thể thơ ca.
Bởi, thơ ca như là thơ ca thì không có tiến bộ. Hành trình thơ ca là hành trình đi ngược về nguồn, đến tận suối nguồn uyên nguyên của ngôn ngữ. Người mục tử chăn dắt ngôn ngữ như thể được ngôn ngữ ban tặng cho họ bổn phận chăn dắt giản đơn mà khó nhọc, đời thường nhưng tràn đầy linh thánh. Đó là quà tặng độc nhất của và từ suối nguồn. Nó mang ở tự thân lời tạ ơn cao vời sâu thẳm.
Inrasara, “Hậu hiện đại gặp gỡ phương Đông”.

Văn chương & Tư tưởng III-33

Thái độ bất dung đối với các tôn giáo khác — thực sự tin rằng người ngoại đạo sẽ vào địa ngục – tự nó có lẽ đã đủ xấu xa, nhưng thái độ này ngày càng mang lại nhiều hậu quả nghiêm trọng trong thế giới hiện thực. Khi thương mại và công nghệ làm cho địa cầu bé lại, nhờ vậy các tôn giáo dễ dàng tiếp cận nhau hơn bao giờ cả, thái độ bất dung nói trên có thể mang lại những hậu quả đẫm máu: hãy nhìn kỹ những vụ tấn công kiểu ngày-tận-thế (apocalyptic) tại Mumbai. Trong một thế giới như thế, việc giáo dục tín đồ thuộc nhiều đức tin khác nhau biết nhìn nhận giá trị của nhau, biết sống hoà bình bên cạnh nhau, không còn là một vấn đề phong cách mà đã trở thành một điều kiện tiên quyết cho sự sống còn của nhân loại.
Philip Jenkins, Khi Chúa gặp Phật, Trần Ngọc Cư dịch.

Văn chương & Tư tưởng III-31

Đừng tin tưởng một điều gì vì phong văn. Đừng tin tưởng điều gì vì cớ được nhiều người nói đi nhắc lại. Đừng tin tưởng điều gì dù là bút tích của thánh nhân. Đừng tin tưởng điều gì dù thói quen từ lâu khiến ta nhận là điều ấy đúng. Đừng tin tưởng một điều gì do ta tưởng tượng ra lại nghĩ rằng một vị tối linh đã khai thị cho ta. Đừng tin tưởng bất cứ một điều gì chỉ vin vào có uy tín của các thầy dậy. Đừng tin tưởng ngay cả lời ta nữa mà chỉ tin tưởng điều gì chính các người đã tự mình từng trải, kinh nghiệm và cho là đúng mà thôi.
Angutara Nikaya.

Văn chương & Tư tưởng III-30

Bác sĩ A phát minh ra phương pháp trị liệu tài tình chữa trị căn bệnh nào đó. Nhưng mười năm sau bác sĩ B đưa ra phương pháp khác, hữu hiệu hơn, và phương pháp cũ của bác sĩ A (mặc dù rất tinh diệu lúc đó) bị dẹp bỏ và người ta quên nó ngay. Lịch sử khoa học có bản chất của sự tiến bộ.
Áp dụng điều này vào nghệ thuật, ý niệm của lịch sử chẳng dính dáng gì đến sự tiến bộ; nó không ám chỉ sự cải thiện, tu bổ, hoặc hướng thượng; nó giống cuộc hành trình đi khai phá và vẽ hoạ đồ cho những miền đất mới. Tham vọng của tiểu thuyết gia không phải là thực hiện cái gì tốt đẹp hơn các bậc đàn anh tiền bối mà là nhìn ra những gì họ chưa thấy hoặc nói những điều họ chưa nói.
Milan Kundera, “Ý thức của sự liên tục”, Trịnh Y Thư dịch.

Văn chương & Tư tưởng II-40.

Một câu tục ngữ – một dòng ca dao
nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ
tôi tìm và nhặt
như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ
(những viên sỏi người lớn lơ đãng dẫm qua)
để xây lâu đài cho riêng mình tôi ở
lâu đài một ngày kia họ ghé đụt mưa – chắc thế!
Inrasara, Tháp nắng, 1996

Văn chương & Tư tưởng II-41.

Nhìn một cách tinh yếu, tính hậu hiện đại postmodernity ẩn tàng trong truyền thống tư tưởng Phật giáo, mà Tây phương – bằng truyền thống của họ – đã khai mở theo cách thế khác, nói qua ngôn ngữ khác. Bên kia trời Tây, Nietzsche nói Thượng đế đã chết hay Hoàng hôn của những thần tượng thì ở phương Đông, Thiền sư Vân Môn còn quyết liệt hơn: Phùng Phật sát Phật. Hay tại Việt Nam thôi, Tuệ Trung Thượng sĩ đã nghịch rất “hậu hiện đại”: “Phật là Phật, anh là anh. Anh đâu cần làm Phật, Phật đâu cần làm anh”. Nếu giải trung tâm là tinh thần cốt tủy của hậu hiện đại postmodernism, thì ở Krishnamurti, sự phi tâm hóa decentralization được đẩy đến cùng tận. Hậu hiện đại nghi ngờ ngôn ngữ, Phật giáo càng rốt ráo hơn nữa, với 4 truyền ngữ của Nhật Liên Tông: “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”. Tính giải thiêng và giải hoặc cùng sự phi nghiêm cẩn unseriousness của hậu hiện đại cũng dễ tìm được tiếng nói tương đồng trong tư tưởng và hành động của các Thiền sư. Cuối cùng, trong khi Phật giáo Thiền tông không chối từ các phương tiện – có khi rất khắc nghiệt – miễn nó đưa người tu tập đạt giác ngộ tối thượng, thì chủ nghĩa hậu hiện đại cho phép văn chương vận dụng mọi biện pháp cần thiết thể nào chúng mang lại hiệu quả nghệ thuật cao nhất.
Inrasara, “Hậu hiện đại gặp gỡ phương Đông”

Văn chương & Tư tưởng II-39.

Đông Nam Á cứ đứng nhìn, như là kẻ ngoài cuộc.
Hãy bỏ qua bề tối hay vết xước của nó, nhìn lướt qua Giải Nobel văn chương, tác phẩm của các nhà đoạt giải sáng giá, dù khó phân biệt rạch ròi, luôn hội được một/ một vài hoặc tất cả yếu tố:
– Nêu lên được tinh thần cốt tủy của con người thời đại họ sống: Albert Camus. E. Hemingway, S. Beckett,… Họ bắt trúng mạch, tìm lối viết thích hợp, đẩy nó đến cùng và mở rộng nó tối đa.
– Hoặc họ tiếp nhận, triển khai tư tưởng mới, độc đáo tác động nhiều chiều đến tinh thần con người. Tư tưởng đó được thể hiện qua nhiều thể loại và bằng nhiều cách thức khác nhau. Hoạt động chữ nghĩa của J-P. Sartre là rất điển hình.
– Hay như những A. Solzhenitsyn, O. Pamuk,… nói lên vấn đề lớn của dân tộc, đất nước mình, rộng ra – thời đại mình, không kiêng nể hay hãi sợ. Họ chấp nhận trả giá.
– Hoặc khám phá lối thể hiện mới ảnh hưởng đến lối viết của người cùng thời hay thế hệ sau: W. Faulkner, G. Márquez,…
Đó là chưa kể các nhà văn không đoạt giải nhưng tác phẩm có tác động lớn đến văn học và tư tưởng thời đại: Tolstoy, James Joyce, R.M. Rilke, F. Kafka, Marcel Proust, T.E. Eliot, Erza Pound, Vladimir Nabokov, Jorge Luis Borges, W.H. Auden, S. Rushdie…
Ở Việt Nam, có nhà văn nào làm được như thế?
Inrasara, “Gải Nobel cho văn chương Việt Nam, tại sao chưa?”