Văn chương & Tư tưởng II-96

Hỏi:Dù nhà văn từ chối “làm ngọn đuốc”, nhưng dẫu sao đi nữa Inrasara vẫn được coi là con người hoạt động đa lãnh vực, nhân vật sáng giá trong xã hội Chăm hiện đại ít nhiều ảnh hưởng ra “ngoài thế giới Chăm”, nên không ít người muốn biết quan điểm cụ thể của Inrasara. Nhà văn có thể nói một cách dễ hiểu nhất con đường đi của Chăm hôm nay

Inrasara: Thứ nhất, hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, hiểu khái quát cũng được, hiểu sai chút đỉnh cũng không sao. Thứ hai, với quá khứ, giải sân hận và giải quá khứ. Giải quá khứ không phải là từ bỏ hay quay lưng lại quá khứ mà là, hiểu và buông xả. Với hiện tại: hành NHẪN. Thứ ba, phiêu lưu và sáng tạo. Dấn mình vào các lĩnh vực ngoài Chăm, sáng tạo cái mới, cạnh tranh với thế giới bên ngoài. Cuối cùng, dù sống bất kì đâu, không chối bỏ Chăm, khẳng định Chăm với Việt Nam và thế giới.

“Đối thoại Hậu Hàng mã kí ức

Văn chương & Tư tưởng III-09

Chỉ trong từ, trong ngôn ngữ sự vật mới trở thành và hiện hữu. Cũng vì lẽ đó mà sự lạm dụng ngôn ngữ trong thuyết lí ba hoa thuần túy, trong các khẩu hiệu diễn giải dài dòng, ta đánh mất đi mối tương quan chân thực với sự vật.

C’est seulement dans le mot, dans la langue, que les choses deviennent et sont. C’est pourquoi aussi le mauvais usage de la langue dans la simple bavardage, dans les slogans de la phrasésologie, nous fait perdre la relation authentique aux choses

Martin Heidegger, Introduction à la Métaphysique, Epiméthé, traduit par G. Kahn, NXB Epiméthé 1958, p. 22.

Văn chương & Tư tưởng III-89

Tôi nghĩ rằng ở Nhật Bản, ở Catalunya, quý vị và chúng tôi nếu như cùng trở thành  “những người mơ mộng phi thực tế” để có thể tạo ra “cộng đồng tinh thần”  mở rộng vượt qua biên giới quốc gia và văn hóa như trên  thì thật là tuyệt diệu biết bao. Tôi cho rằng chính điều đó sẽ trở thành điểm xuất phát để tái sinh chúng ta, những người gần đây đã trải qua vô số thiên tai khủng khiếp và những cuộc khủng bố kinh hoàng. Chúng ta không được hoảng sợ  khi mơ ước. Bước chân của chúng ta không thể nào bị chùn lại bởi bầy chó tai họa có cái tên “hiệu suất” hay “tiện lợi”. Chúng ta cần phải trở thành “những người mơ ước phi thực tế” tiến lên phía trước bằng bước chân mạnh mẽ.  Con người đến lúc nào đó rồi sẽ chết và biến mất. Nhưng Humanity thì còn lại. Đó là thứ sẽ được tiếp nhận, lưu truyền mãi mãi. Chúng ta trước hết phải là những người tin vào sức mạnh đó.

Murakami Haruki, Nguyễn Quốc Vương dịch

 

Văn chương & Tư tưởng II-80

Học, cơ chế Đại học ta muôn năm đóng cửa với cái mới. Sinh viên Việt Nam mơ hồ về các trào lưu văn học tiên tiến trên thế giới hiện tại. Cả với sinh viên khoa văn chương. “Ở nước ta hiện nay thì những suy kém về giáo dục – nhất là ở cấp đại học – quá đỗi trầm trọng, thể chế lại quá cứng nhắc, ù lỳ, và chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự ù lỳ này sẽ giảm đi trong thời gian trước mắt”. Ta tiêu phí hết thời thanh xuân cho những thứ cũ kĩ, học vẹt và nhai lại mấy thứ cũ nát để trả bài cho thầy, để bước qua khóa luận. Ví có chút đầu óc khám phá cái mới, ít tinh thần phản biện, sinh viên Việt Nam hiếm khi được giáo sư ủng hộ, khuyến khích. Ngược lại là khác. Cho nên, chỉ cần một nhắc nhở, nửa trừng mắt cảnh cáo, tất cả đều trở lại nề nếp khuôn phép, vâng lời thầy ngay. Không biết thiên hạ đi tới những đâu, thì làm gì có chuyện “tiếp thu tinh hoa thế giới”?

Inrasara, “Khủng hoảng, phản kháng và dối lừa”

Văn chương & Tư tưởng III-94

Đặc điểm của văn học thị trường đương đại là hiện thực, lạc quan, sảng khoải, gợi nhục cảm. Nó mang tính giáo dục, hiển ngôn hoặc ngấm ngầm, và hướng đến một lượng độc giả đông đảo. Bằng cách đó, nó cải tạo và giáo dục người lao động theo tinh thần vươn lên để cá nhân chiến thắng khuyết tật, để cái thiện chiến thắng cái ác. Đó chính là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Bảy chục năm đã trôi qua kể từ ngày chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ra đời. Các nhà văn Đông Âu là những người thua thiệt nhất trong chuyện này. Tôi thực sự tiếc cho họ, bởi lẽ họ đã không có đủ tự tin để bảo vệ thứ nghệ thuật của chính họ. Họ đã quẳng vào sọt rác công sức lao động miệt mài của các nhà văn hiện thực xã hội chủ nghĩa ngày xưa mà không biết học ở họ những kỹ năng cần thiết cho một thị trường văn học. Họ đã ngược đãi và giết chết đứa con của chính họ.

Và  thế là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ  nghĩa đã chết. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa muôn năm!

Dubravka Ugresic, “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa muôn năm!”, Ngô Tự Lập dịch, báo Văn nghệ Trẻ, số 34, 8-2011

Văn chương & Tư tưởng III-93

Verily, a polluted stream is the human. One must be a veritable sea to absorb such a polluted stream without becoming unclean.

Con người là dòng sông nhiễm ô. Phải là biển cả bao la mới dung chứa dòng sông nhiễm ô kia mà không trở nên ô nhiễm.

F. Nietzsche, Thus spoke Zarathoustra, translated by Graham Parkes

Văn chương & Tư tưởng III-81

Tạo ra nghệ thuật không dính líu gì tới học bổng. Làm thơ là một hành động độc lập một cách quyết liệt. Nó xa cách hẳn những người thầy, những học hàm nội trú, và chức vị giáo sư. Hứng khởi duy nhất có giá trị để viết một bài thơ không phải là để gây ấn tượng mà là để chia sẻ: nỗi niềm kỳ thú hay tức giận hay buồn bã hay hoan lạc. Nhưng luôn luôn là niềm kỳ thú. Đối với một nhà thơ thì một cảm giác kỳ thú là điều kiện tiên quyết để có đủ khả năng di dời ngôn ngữ thành một phản ứng tươi rói.

John Barr

 

Văn chương & Tư tưởng III-08

Những sự kiện thiết yếu của nỗi tối tăm này trên thế giới, đó là: sự bỏ đi của chư thần, việc hủy phá trái đất, sự bầy đoàn hoá con người và ưu thế trội vượt của cái tầm thường.

 

Les événements essentiels de cet obscurcissement du monde sont: La fuite des dieux, la destruction du monde, la grégarisation de l’homme, la prépondérance du médiocre”.

Martin Heidegger, Introduction à la Métaphysique, Epiméthé, traduit par G. Kahn, NXB Epiméthé 1958, p. 54.

 

Văn chương & Tư tưởng II-94

Sự thất bại không là gì cả

Khi con muốn khai phá con đường riêng con

Mặc thành công dễ dãi của kẻ đi theo lối mòn thiên hạ.

 

Mỗi sáng thức giấc

Hãy để mặt trời cất đi của con mảnh sợ hãi rớt lại

Để con trang trọng bước vào ngày mới.

Inrasara, Sinh nhật cây xương rồng, 1997

Văn chương & Tư tưởng II-92

Mục đích của nhà trường là đào tạo con người tiêu chuẩn, đâu cũng thế. Riêng Việt Nam, ta còn đẩy món tiêu chuẩn kia đi đến đầu mút của con người đóng hộp, bằng hệ thống và chính sách giáo dục theo-ism. Theo-ism từ “thuật nhi bất tác”, “Tử viết” suốt ngàn năm, theo-ism bám ta đến tận hôm nay. Cơ chế đó, sinh viên có làm ngược, làm khác ý thầy, tư duy khác chương trình sách giáo khoa dạy mới là chuyện lạ.

Ngồi giảng đường, giảng viên không khuyến khích sinh viên suy tư độc lập, thì làm gì hi vọng sau đó họ phát kiến ý tưởng mới lạ, liều lĩnh khai phá lối viết mới mẻ, dám thể hiện mình mà không ngại thất bại? Đây là rào cản vững chãi và ngoan cố nhất chúng ta tự dựng lên ngay trong nhà mình.

Inrasara, “Giải Nobel cho văn chương Việt Nam, tại sao chưa?”