Văn chương & Tư tưởng III-102

Phát triển luận điểm của Derrida, các nhà giải cơ cấu, đặc biệt tại đại học Yale, cho văn học, tự bản chất, có tính bất định và bất quyết: theo họ, trong một tác phẩm văn học, chỉ có những chi tiết vô vị nhất như tên tác giả, tên sách, tên nhân vật, cốt truyện, ngày tháng sáng tác, là cố định. Còn lại, mọi thứ khác đều mơ hồ và hàm hồ. Mọi sự diễn dịch đều có thể đúng mà cũng có thể sai.

Nguyễn Hưng Quốc, voanews.com, 16-11-2011

Văn chương & Tư tưởng III-106

Trịnh Xuân Thuận không chia sẻ với nhà vật lý Stephen Hawking, khi Hawking cổ vũ loài người đi tìm một nơi ở mới để cứu vãn sự sống của mình trước sự cạn kiệt tài nguyên và hủy hoại môi trường. Trịnh Xuân Thuận không cho rằng đây là thời điểm loài người phải bỏ Trái đất, chiếc nôi đã tạo ra mình, mà phải cứu lấy nó như niềm hy vọng duy nhất cho sự trường tồn của con người và muôn loài sinh vật. Vả chăng, nếu tự bản thân con người không thay đổi cách ứng xử của chính mình với tự nhiên, thì những điều kiện hữu  hạn cho sự sống tồn tại trong vũ trụ cũng sẽ bị lòng tham không đáy của con người hủy diệt.

Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận, người ta luôn có cảm giác rằng người đàn ông cao lớn, mực thước này đã vượt lên trên mọi tư duy thiển cận, ích kỷ, mọi xung đột vô nghĩa của con người để trở thành một công dân vũ trụ có trách nhiệm.

Hữu Long, tạp chí Tia sáng.

 

Văn chương & Tư tưởng II-100

Những con người bình thường đến tầm thường, những con người làm việc cật lực trong nỗi vô danh của hạt thóc vãi rơi sau vụ gặt thịnh mùa, chịu ở lại với đám ruộng bỏ giá suốt những tháng hạn, với nắng gió, chim chóc… để bật lên cây lúa chắc nịch sau những ngày mưa đầu năm; những con người chịu nở trọn lòng mình trong bóng tối… luôn cuốn hút tâm hồn tôi một cách kì lạ… Chúng ta đến, chúng ta đi, và chúng ta bị quên lãng. Có thể những tên tuổi này cũng sớm bị lãng quên trong kí ức mọi người, như họ mong được thế. Như hạt giống chỉ muốn mình bị lãng quên để có được cây lúa xanh tươi trổ bông chĩu gié cho đời người và cho mùa sau.

Inrasara, “Nếu hạt lúa không chết đi…”

Văn chương & Tư tưởng III-101

Ngoài sự khác biệt về thời điểm, giữa chủ nghĩa hậu hiện đại và toàn cầu hoá có ít nhất một điểm giống nhau: cả hai đều là những thực tiễn trước khi là một khái niệm hay một triết lý. Dù đồng ý hay không, người ta cũng không thể phủ nhận và cũng không thể thoát khỏi ảnh hưởng của chúng. Nói như Michael Denning, “Toàn cầu hoá, giống như chủ nghĩa hậu hiện đại, không phải là cái gì người ta có thể theo hay chống. Nó chỉ là một nỗ lực đặt tên cho hiện tại.”

Nguyễn Hưng Quốc, “Toàn cầu hóa và văn hóa”, voanews.com, 1-12-2010

Văn chương & Tư tưởng II-99

Brodsky làm thơ, vì yêu tiếng Nga. Heidegger: Nhà thơ là kẻ phụng sự ngôn ngữ. Hay Lê Đạt tự nhận “phu chữ”. Làm thơ không nhân danh này nọ, không vì cái ni cái nớ mà là “phu chữ”! Tôi làm thơ vì âm vang của lời. Vài tiếng Chăm có sức ám ảnh kì lạ. Nhất là các tiếng đang giãy chết, sắp nhập kho hay đang bị vùi trong cát bụi. Làm thơ để phục vụ chúng.

Inrasara, Hàng mã kí ức, 2011.

Văn chương & Tư tưởng III-106

Tiểu thuyết gia nói về cái khoản sự thật ẩn dưới đáy của mỗi lời nói dối. Với một nhà phân tích tâm lý, nói dối hay nói thật không quan trọng mấy bởi những lời nói dối cũng thú vị, hùng hồn, và khơi lộ chẳng kém bất kỳ điều được cho là sự thật nào.

Tôi cảm thấy nghi ngờ nhà văn nào tuyên bố kể toàn bộ sự thật về chính mình, về cuộc đời, hay về thế giới. Tôi thích sống cùng những sự thật tôi tìm thấy trong các nhà văn tự thể hiện mình như những kẻ nói dối mặt dày nhất. Mục đích của tôi khi viết Nếu một đêm đông có người lữ khách, một tiểu thuyết hoàn toàn dựa vào huyễn tưởng, là để tìm thấy theo cách này, một sự thật mà tôi không thể tìm thấy theo cách nào khác.

Italo Calvino, Lâm Vũ Thao dịch

Văn chương & Tư tưởng III-103

Thưa! Sâm Liêu Tử có cái thân lạnh mà đạo giàu, con người chữ nghĩa văn chương nhưng ăn nói lại chậm rãi, bên ngoài mềm nhũn mà bên trong cứng rắn, với người thì không ganh đua nhưng với cái quấy của bạn bè thì hay đưa lời châm chọc, hình khô tâm tro lạnh mà thích nói lời cảm khái với đời, thưởng ngoạn cảnh vật mà không vong tình.

Đó là năm điều nơi Sâm mà tôi gọi là cái không thể hiểu.

Đông Pha Cư sĩ.

Văn chương & Tư tưởng III-10

L’angoisse accorde une épreuve de l”Être comme de l’autre de tout étant, à supposer que par “angoisse” devant l’angoisse, c’est-à-dire dans la seule anxiété de la peur, nous ne nous dérobions pas devant la voix silencieuse qui nous dispose à l’effroire de l’abime…

Xao xuyến chấp nhận một thử thách rằng tính thể như là cái khác với tất cả hiện vật, với điều kiện là bởi “xao xuyến” và trước xao xuyến, nghĩa là trong lo âu đơn thuần của sợ hãi, chúng ta không lẩn tránh trước tiếng nói câm lặng đang đẩy chúng ta rơi vào nỗi hãi hùng của vực thẳm.

M. Heidegger, “Qu’est-ce que la métaphysique?”, Questions I, traduit par Henry Corbin, Gallimard, Pais, 1068, p. 77-78

Văn chương & Tư tưởng I-06

Nhiều khi tôi muốn từ bỏ Tư tưởng để trở lại cuộc sống bình thường. Làm văn chương hay phấn đấu cho một cái gì đó, như mọi người. Nhưng làm sao chối bỏ Tư tưởng khi Tư tưởng đã ôm ghì tôi trong vòng tay oan nghiệt của nó?

Không phải con người chiếm hữu Tư tưởng, để từ đó có thể lưu trì hay vứt bỏ nó, mà chính Tư tưởng chiếm lấy ta, sẵn sàng ném ta trần truồng vào nỗi cô đơn của Huyền tính. Tư tưởng yêu thương ta trong vòng tay. Đó là đặc ân dành cho con người tư tưởng – một đặc ân đau đớn.

Inrasara, 1982