Văn chương & Tư tưởng II-113

Khủng hoảng tinh thần đe dọa ném hắn vào vực thẳm của bất an và bất lực, nguy cơ đẩy hắn tiêu tán vào thế giới người ta. “Những ngày rỗng” (Lễ Tẩy trần tháng Tư) bám riết và bủa vây hắn, tư bề. Khủng hoảng kéo lê thê suốt thời trẻ – tuổi tìm học. Suy tư trên bình diện lịch sử Tính thể, đó là nỗi thiếu Quê hương nơi tâm hồn con người.

Hắn trôi dật dờ vô định. “Không có quê hương trong thời gian” – nói như Rilke. Cho đến một ngày kia, sau mười lăm năm tha hương lưu lạc “tìm học”, từ cơn mơ ngủ quen thuộc kéo dài, hắn kinh hoàng vùng thức giấc: quê hương như vừa ẩn hiện phía bên kia khói sương chiều. Continue reading

Văn chương & Tư tưởng II-107

Hôm nay tin đồn lan sang tôi. Mẹ gọi tôi hỏi nhỏ con làm gì đó ở Bai Gaur được giải thưởng có cả đăng báo còn lên tivi nữa làng xóm người ta nói quá đi nói quá không tốt đâu con ông bà ta bảo sống có người có ta, tôi giải thích mãi rằng không sao đâu mẹ, con viết sách cho con nít học thôi mẹ mới ngủ ngon. Ông chú triết gia của tôi thì bảo thẳng tao đồng ý là mày dám đi vào biển cả, đang giữa biển cả dù chỉ mình mầy chèo chống. Chớ trông vào tiếng vỗ tay hoan hô từ tao. Cuộc hành trình muốn vững, nhanh thì cánh buồm phải lớn, cánh buồm lớn thì thuyền phải to Continue reading

Văn chương & Tư tưởng II-111

Ví sợ hãi mà giải quyết được vấn đề thì còn nghe được, đằng này, ung nhọt chỉ mưng mủ thêm, dẫu bề ngoài có dịu bớt. Phân tích tâm lí nhân vật hay tâm thế xã hội, nhà văn không được chùn tay. Nếu không, anh khó bề đạt tới chiều sâu thẳm. Và anh chả nhích lên được. Anh sẽ chết, chết ngay từ trong vỏ. Người đọc vứt bỏ anh như vứt xơ mít xuống kênh Nhiêu Lộc đen.

Chăm mất nhiều thứ rồi nên rất sợ mất tiếp tục chương trình thứ còn lại, dẫu cái còn lại chỉ là mảnh vụn, những les ruines, như Jaklan mỉa thế. Nỗi sợ hãi truyền kiếp phát nguyên từ miền sâu thăm thẳm quá khứ xa xăm. Dù không ai làm gì cả, không thử đổ mồ hôi lưng áo lấy một lần để bảo vệ cho ra bài bản cái mình rất sợ mất đó. Cao Xuân Hoang, Đàng John Thak… một chữ k đeo tai không có nhưng sẵn sàng xả châu thân bảo vệ ngôn ngữ – chữ viết Chăm! Cảm động đến đáng phải nhỏ vài giọt nước mắt phim bộ.

Inrasara, Chân dung Cát, 2006

Văn chương & Tư tưởng II-105

Giáo sư Trần Hùng bảo Chăm mang tinh thần ẩn cư. Hơn mười sáu thế kỉ tồn tại, những con người xuất sắc nhất Champa sau thất bại trong đấu tranh giành quyền lực, luôn đi vào rừng. Họ một đi không trở lại, không ngoảnh trở lại. Chúng ta giấu mình là chờ vị minh quân xuất hiện, biết đến mà vời, giấu mình để chờ thời. Dù chán giận thế thái nhân tình đến mấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng ngoảnh lại xã hội bằng ý kiến thức thời đến vua chúa. Đừng mong tìm thấy mẫu người như Nguyễn Công Trứ trong lịch sử Champa, ngay như tinh thần một Nguyễn Trãi cũng không nốt Continue reading

Văn chương & Tư tưởng III-109

Một cuộc đối thoại bao giờ cũng phơi mở, dễ trở thành một cuộc độc thoại. Mà một cuộc độc thoại lại có thể tràn trề sức sản sinh, nếu là cuộc độc thoại trong-mờ, qua đó xuyên một “ánh đêm”. Bản chất của độc thoại là ở chỗ Hiện Tồn tự phân thân: hai vũ trụ soi mình trong một thế giới; một thế giới chia thành hai được ngăn cách bởi một hố thẳm. Và bản chất của hố thẳm là ở chỗ nó có thể vượt qua bằng một cuộc nhảy. Và bản chất của cuộc nhảy lại là sự chấp nhận rủi ro. Nói khác đi, chấp nhận rủi ro là bản chất của chính cuộc sống vậy. Sống, tức là đánh liều. Mà đằng nào đã “một liều ba bảy cũng liều”, thì cớ sao không chọn cuộc liều trong-mờ? (le risque diaphane).

Bùi Giáng, Dialogue, 1966

Văn chương & Tư tưởng III-107

Giữa tiếng ồn ào, những bài thơ giống như một chiếc chuông treo ở ngoài trời và chỉ cần một chút tuyết rơi nhẹ nhẹ chạm vào, đủ khiến chiếc chuông lạc đi âm điệu (…). Vì thế, thể theo ân tình của tiếng thơ mà lời giảng thơ phải gắng làm sao để tự khiến mình thành thừa thải (…). Từ đó, bài thơ đứng lên trong cốt cách, thể lệ của riêng nó, lập thời mang lại ánh sáng cho những bài thơ khác.

M. Heidegger, Bùi Giáng dịch.

Văn chương & Tư tưởng II-103

Học, Chăm sẵn sàng trả giá đắt cho việc học của mình. Để sở hữu tri thức, người học dám hi sinh, cả điều không thể hi sinh: tài sản, vợ con, có khi tính mạng nữa! Học, không phải để mưu lợi mà là để biết. Là tinh thần thiện tri thức. Chỉ như vậy, người học mới đạt đến minh triết thực sự. Yêu tiếng Chăm, thế hệ cha ông học nó, chứ không học vì nó có hứa hẹn cho ta có cái gì bỏ vào nồi không. Thầy, không buộc trò phải làm nô lệ mình, nô lệ vật chất nhất là, nô lệ tinh thần. Khi trò đã khôn lớn, hãy bỏ thầy mà đi, đi một mình. Và thầy phải đuổi trò đi, để trò dám và biết đi một mình. Đức Phật: Con hãy rời bỏ ta, đừng tin tưởng vào sách vở, vào kinh Phật, cũng đừng tin tưởng vào cả ta nữa,… mà hãy tin tưởng những gì mi từng trải, kinh nghiệm và cho là đúng mà thôi.

Ông bà Chăm đã có lối suy nghĩ tuyệt chiêu như vậy đó.

Inrasara, Hàng mã kí ức, 2011.

Văn chương & Tư tưởng II-102

Khi thất vọng với bao chuyện văn chương chữ nghĩa, hay quẫn bách qua mấy nỗi Chăm và nỗi người, trái tim tôi tan chảy giữa chán nản không lối thoát, tôi tìm về Glơng Anak. Tắm gội lần nữa nơi nguồn suối trinh nguyên của cảm xúc và tư tưởng. Tôi học lại bài học đau khổ và yêu thương ban đầu từ quá khứ. Một truyền thống quá khứ không phải là thứ trật tự lớp lang gồm những sự kiện – lịch sử đất nước kinh qua hay tổng hợp/ chiết trung các thành tựu văn hóa dân tộc đạt được – chỉ là tiện ích cho sử học nhà trường hay toan tính thực dụng cuộc sống thường nhật không hơn – mà, truyền thống được coi như một lối đi dẫn về nguồn suối uyên nguyên nơi ấy những phạm trù và khái niệm truyền thống phần nào đó được [tiếp nhận và] sáng tạo cách đích thực (Heidegger).

Đó chính là sử tính Geschichtlichkeit.

Inrasara, Hàng mã kí ức, 2011.

Văn chương & Tư tưởng III-108

Bùi Giáng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến tiêu ngữ của Heidegger về “một nhà thơ của những nhà thơ: “Từ khi chúng ta là một hội thoại… (Seit ein Gespräch wir sind…)” là một trong những lời sâu thẳm nhất của Hölderlin. Bản chất của ngôn ngữ không ở nơi từ vựng và ngữ pháp mà ở trong đối thoại. Ngôn ngữ sống trong đối thoại. Đối thoại là thể cách để con người hiện hữu là người. Và, theo Hölderlin, chỉ có thể đối thoại, nhất là “hội thoại-suy tư”, khi chúng ta biết nghe nhau. Nói chỉ trở thành đối thoại, khi nó có thể được nghe. Nếu không, chỉ là những tràng âm thanh vô nghĩa.

Bùi Văn Nam Sơn, “Bùi Giáng trong chiếc kính vạn hoa”.

Văn chương & Tư tưởng II-101

Ngày mai, có thể cộng đồng Chăm tan rã như đất nước đã từng rã tan hai thế kỉ trước đó. Chăm lần nữa phiêu giạt, xa và mỏng hơn, chìm khuất giữa những dân tộc xa lạ, nền văn hóa khác lạ. Nhưng khi ta còn mang trong tâm khảm thông điệp Glơng Anak, Pauh Catwai, và nhất là khi tinh thần damnưy Cam vẫn hiện hữu nơi thẳm sâu tâm hồn ta, ta vẫn cứ là Chăm. Độc đáo và độc nhất. Làm phong phú và đa dạng văn hóa và tinh thần cộng đồng bản địa nơi ta tạm trú!

Inrasara, Hàng mã kí ức, 2011.