Văn chương & Tư tưởng II-110

Ngài giáo sư Trần Hùng gọi ông là Arhat quái dị. Con người lý tưởng của Bà-la-môn là đạo sĩ lánh đời, trốn đời và thoát khỏi đời khi đạt giác ngộ. Văn hóa Champa bú mớm từ nguồn sữa tinh thần này nên bị đánh cho tan tác bởi văn hóa Đại Việt chủ yếu hun đúc bằng tư tưởng Khổng Mạnh mà con người lý tưởng là kẻ sĩ dấn thân, Đại trượng phu gánh vác việc đời hay ở bậc “thấp hơn” – Bồ tát của Phật giáo Đại thừa nhập thế cứu độ chúng sinh khốn khổ. Các tri thức tinh túy nhất của tài năng Chăm (tài năng thực thì luôn hiếm) không được phổ biến rộng trong quần chúng mà chỉ truyền dạy cho rất ít người hay như Dhan Than, sống để lòng chết mang lên giàn lửa đã đốt cháy thi thể còn săn chắc ông vào một trưa nắng năm xưa cùng ít giọt nước mắt nuối tiếc của tên đồ đệ duy nhất là cái thằng tôi trót phản bội lý tưởng ông bất đắc dĩ.

Nhưng đây chưa phải là hạt giống Arhat cuối cùng. Ông chết, Chế Khan đã là một kẻ kế vị xứng đáng.

Inrasara, Chân dung Cát, 2006

Văn chương & Tư tưởng III-122

bởi thơ đang thay đổi

thế nhưng hiếm người chịu ghi nhận

các tuyển tập hầu hết như nhau

mở đọc bạn ít thấy điều chuyển lay truyền thống

thật tiện vì người  ta có thể mua và

không đọc

không nghĩ

cũng không xét lại điều gì

và có lẽ các tạp chí không cần thảo luận

Hazel Smith, “Cuộc xuất kích của thơ”

Văn chương & Tư tưởng II-71

Hãy hình dung trăm ý tưởng tài hoa chịu làm vô danh cho tháp Chàm có mặt

hãy hình dung thêm vạn bàn tay sần chai vì nó, đã ẩn mình

thì có sá chi thơ anh cõi còm chiều ngày tất bật

hãy thả cho gió bạt chúng về mấy cõi hư vinh.

Inrasara, Hành hương em, 1999

 

Văn chương & Tư tưởng III-118

Đêm có ngàn con mắt,

và ngày chỉ có một,

Thế nhưng ánh sáng của thế giới rực rỡ chết đi

khi mặt trời hấp hối.

Khối óc có ngàn con mắt,

và trái tim chỉ có một,

Thế nhưng ánh sáng của toàn bộ sự sống chết đi

khi tình yêu lịm tắt.

Francis Williams Bourdillon, Đỗ Tư Nghĩa dịch

 

Văn chương & Tư tưởng II-109

Bất chợt anh đổi giọng:

– Đù mẹ, thật muốn điên cái đầu lên được. Chả có lấy mống nào ra hồn để mà gửi gắm lí tưởng. Trọn ổ bọn chút tài còm đổ xô đi làm chuyện trời ơi. Sao cái ông trời thiên vị không nhỏ vào tâm linh Chăm lấy môt giọt tế bào thực tế Do Thái hay khôn ngoan Tàu khi nặn ra thứ nòi giống này!? Chúng không biết, không thèm biết giá của chúng nữa. Cả mầy cũng thế. Đù mẹ thằng Thuman nói mầy đồ hèn đại nhân. Biết mà không dám. Chỉ cần ý tưởng lớn đó sượt qua đầu thôi cũng đủ khiến mầy vãi ra quần Continue reading

Văn chương & Tư tưởng III-132

Vào buổi bình minh của thời Cận đại (thế kỷ 16-18), có hai nhà tư tưởng lớn người Pháp chủ trương hai con đường khác nhau và đều gây ảnh hưởng sâu đậm đến ngày nay. Một ông là Michel de Montaigne. Với ông, con đường có mục đích tự thân; đi để mà đi, thế thôi. Ông viết: “Nếu tôi lỡ bỏ qua một cảnh đẹp đáng nhìn? Thì tôi cứ quay lại, đàng nào cũng nằm trên con đường đi của tôi thôi mà! Tôi chẳng việc gì phải bám vào một con đường có sẵn, dù đó là đường thẳng hay đường cong”. Ông không chờ đợi một sự “tiến bộ” theo đường thẳng, nếu phải vì thế mà bỏ qua bao cỏ lạ hoa thơm. Tác giả của bộ Essais (1580) nổi tiếng chấp nhận và thích thú với đường vòng. Continue reading

Văn chương & Tư tưởng II-108

Con người hay khuynh hướng gắn mình với cái bên ngoài, một hạt kiến thức lép, một thần tượng hay thói tật. Cao Xuân Hoang nói: mình thấy có tay sinh viên Pháp tôn thờ Zidane, xem mình như thể người nhà Zidane để ăn nhờ ở đậu hơi hướm Zidane, nếu không thế hắn không là gì cả. Ngài giáo sư Trần Hùng gắn mình với văn hóa Chăm tổng quát, Nguyễn Dung phó tiến sĩ dân tộc học, Thụy rượu gạo xịn, nặng. Tôi còn thấy có thanh niên kia luôn hãnh diện về bệnh tim của mình nữa. Anh không là gì cả nếu anh không suy tim, phó tiến sĩ dân tộc học, văn hóa Chăm tổng quát… Không có chúng anh là con số không di động. Anh run lên khi đối mặt với nó: không là gì cả – khiếp quá! Cả tôi cũng thường bị gán nhãn mác chuyên gia triết lí văn chương Chăm. Sự quy chụp mang tính sợ hãi căn nguyên này luôn gây nỗi bất tiện. Gặp tôi, hầu như mọi người luôn tỏ vẻ quan tâm đến sức khỏe triết học Chăm, thể hiện cái hiểu biết về tư tưởng văn học Chăm, lái câu chuyện sang đề tài mà tôi luôn phải trốn chui trốn nhủi khi đứng trước đám đông này. Làm như tôi-nhà nghiên cứu-tư tưởng-triết học-của-văn học Chăm-và không là gì khác.

Inrasara, Chân dung Cát, 2006

Văn chương & Tư tưởng III-117

Người quân tử có ba điều răn: khi còn nhỏ, huyết khí chưa ổn định, cần răn ngừa về chuyện nữ sắc; đến khi tráng niên, huyết khí đang mạnh, cần răn ngừa về chuyện ham tranh đấu; đến khi về già, huyết khí đã suy, cần răn ngừa về việc muốn hơn người”. (Tử viết: “Quân tử hữu tam giới: thiếu chi thời, huyết khí định vị, giới chi tại sắc; cập kỳ tráng dã, huyết khí phương cương, giới chi tại đấu; cập kỳ lão dã, huyết khí ký suy, giới chi tại đắc”.

Khổng Tử – Luận ngữ, Quý thị, 7

 

Văn chương & Tư tưởng II-114

Nhưng làm thế nào có thể gọi sự vật đúng tên khai sinh sự vật, với vốn ngôn ngữ nghèo nàn như thế? Và đâu là chất kích thích sáng tác, với khoảng đón đợi vô tình như thế từ phía người đọc vô hình? Các câu hỏi loại này nói lên sự thể người hỏi vẫn còn mắc kẹt phía bờ này chân trời của kẻ thiếu Quê hương. Chưa đáo bỉ ngạn thơ ca. Một thi sĩ cư trú và canh giữ ngôn ngữ dân tộc không “chê” ngôn ngữ đó nghèo nàn hay giàu sang. Bởi biết đâu, chính sự giàu sang của ngôn ngữ bạn đang che giấu nghèo nàn bên trong nó, một giàu sang không gì hơn tố giác nỗi sa đọa ngôn ngữ của người sử dụng. Sự chộn rộn đầy nôn nóng của người làm thơ hôm nay trong sự giàu sang-nghèo nàn của ngôn ngữ thơ ca đang làm cho nỗi sa đọa kia lộ thiên đồng thời che khuất chân tướng của nó. Đã không ít thi sĩ rời bỏ bổn phận canh giữ ngôi nhà của Tính thể, mà chỉ lo chạy vạy cạnh tranh tăng giá thương hiệu trước công chúng, tự hiến mình làm nô lệ cho đám đông thụy du. Thế hệ thi sĩ thiếu Quê hương bị cuốn phăng vào cuồng lưu ngôn ngữ sa đọa, để cuối cùng chịu thao túng và trôi giạt cùng vô số đám mảnh vỡ từ chất thải của phương tiện truyền thông đại chúng đủ loại. Họ tự vuốt ve và vuốt ve nhau trong nỗi khốn cùng của kẻ mất nhà, không nơi nương tựa.

Inrasara, Hàng mã kí ức, 2011