[bản chỉnh sửa 19-7-2021]
Nhưng nhà văn phải nhìn thấy
mọi biến động của dân tộc mình
Inrasara
Lời dẫn
Inrasara trước khi là nhà thơ đã là một nhà nghiên cứu và sưu tầm văn hóa Champa uy tín. Tên tuổi ông không chỉ gắn với quá trình đổi mới, cách tân thơ Việt sau 1986, mà ông còn được ghi danh là người có công lớn trong việc khôi phục và bảo tồn những giá trị vật thể và phi vật thể của văn hóa Champa. Phải nói rằng dân tộc Chăm có nền văn hóa rực rỡ và phong phú, chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, từng ghi dấu thời hoàng kim trong lịch sử và tồn tại như vỉa quặng quý hiếm ít được khai thác, ngày càng bị chìm khuất. Nhà thơ Inrasara là người dấn thân quyết liệt để phá hoang, khai khẩn chính miền đất ông đang sinh sống nhằm khôi phục những giá trị quý báu của dân tộc Chăm. Ông là người đưa văn hóa Champa hòa nhập với đời sống hiện đại, làm phong phú thêm nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Trong bài viết này, tôi muốn tập trung vào mối quan hệ tương tác, ảnh hưởng, cũng như sự tiếp biến giữa các nguồn văn hóa và sự vận động của chủ thể sáng tạo thông qua những tác phẩm thơ Inrasara. Sự kết hợp giữa thi pháp hiện đại với tinh hoa truyền thống dân tộc sẽ tạo ra những giá trị mới, làm giàu có thêm kho tàng văn chương Việt Nam.
Cội nguồn văn hóa, nơi khởi phát sáng tạo
Nhà thơ Inrasara, tên thật là Phú Trạm, sinh năm 1957 tại làng Chakleng – Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận. Chakleng là một trong những làng Chăm cổ nhất nước ta, làng duy nhất có tên trên bi kí cổ Champa. Theo tác giả Nguyễn Khôi[1], tên của nhà thơ Inrasara được ghép hai từ trong tiếng Chăm: Inra là sấm, Sara là muối. Cả hai từ đều gợi tưởng những không gian rộng lớn cùng những chuyển dịch mạnh mẽ.
Inrasara sinh trưởng trong gia đình theo truyền thống Mẫu hệ. Ở đó, người đàn ông lo sự nghiệp, người phụ nữ lo việc gia đình và gia phả. Con trai sinh ra lấy họ cha nhưng lúc chết lại được chôn trong nghĩa trang dòng họ mẹ. Từ nhỏ, cậu bé Sara đã được ấp ủ, nuôi dưỡng trong không gian văn hóa Champa rất phong phú với các sử thi, lễ hội, múa hát, ca nhạc, với những tòa tháp nguy nga chạm khắc rất công phu của người Chăm. Có thể nói, văn hóa Champa đã ngấm vào máu thịt, chi phối từng hơi thở của Sara để sau này những hình ảnh và hồn cốt đặc trưng của dân tộc Chăm thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm của nhà thơ Inrasara. Hãy lắng nghe nhà thơ tâm sự: “Có biết bao con sông Chăm nuôi nấng, vỗ về tâm hồn tôi, có biết bao con sông, mương đầm khuất đi không còn lại dấu vết, nhưng tên của chúng, sức sống của chúng vẫn vang vang ở bề đáy tâm thức tôi”[2].
Trước khi nói về thơ Inrasara, tôi muốn điểm diện những công trình nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ Champa để bạn đọc thấy rõ hơn diện mạo con người thơ của ông. Bởi chính những công trình nghiên cứu có hệ thống và quy mô đó đã làm nên nền tảng văn hóa, cội nguồn cảm xúc của nhà thơ. Ngoài lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, Inrasara còn viết nhiều tiểu luận, phê bình văn học, tiểu thuyết… mà tôi chưa có điều kiện đi sâu khảo sát trong bài viết này.
Từ khi Inrasara còn là học sinh trung học, ngoài giờ đến trường ông thường đi vào các làng Chăm để tìm hiểu phong tục tập quán, ghi chép lại những câu dân ca cổ mà người già Chăm truyền lại. Ông tự học tiếng Chăm cổ, nghe chuyện Chăm, tập hợp và dịch sang tiếng phổ thông. Năm hai mươi lăm tuổi, Inrasara được mời tham gia biên soạn sách chữ Chăm ở tỉnh Ninh Thuận. Năm 1975, ông khởi thảo cuốn “Từ điển Việt – Chăm”. Năm 1992, bộ sách “Văn học Chăm” được ông hoàn thành. Năm 1984, Inrasara biên soạn cuốn “Từ vựng học tiếng Chăm”. Năm 1994, ông viết xong cuốn “Văn học Chăm I – Khái luận”. Năm 1995, cuốn “Văn học dân gian Chăm” của ông được xuất bản. Sau cuốn “Văn học Chăm II – Trường ca” (1995) của mình, Inrasara công bố tập tiểu luận “Các vấn đề Văn hóa xã hội Chăm” (1999). Năm 2003, ông cho in cuốn “Văn hóa xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại”… Nhìn vào số lượng các đầu sách về Chăm, có thể nói, Inrasara là người đã dày công khôi phục và đưa văn hóa Champa hội nhập vào đời sống hiện đại.
Trở lại với thơ của Inrasara. Đến thời điểm tôi viết bài này, nhà thơ Inrasara đã xuất bản các tập thơ: “Tháp nắng” (Nxb Thanh niên, 1996), “Sinh nhật cây xương rồng” (Nxb Văn hóa Dân tộc, 1997), “Hành hương em” (Nxb Trẻ, 1999), “Lễ tẩy trần tháng Tư” (Nxb Hội Nhà Văn, 2002), “Thơ Inrasara” (Nxb Kim Đồng, 2003), “Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức” (Nxb Hội Nhà văn và Hội Nhà văn TP HCM, 2006) và một số tập thơ công bố trên internet.
Nghiền ngẫm các tác phẩm thơ của Inrasara, tôi nhận thấy bản chất thơ của ông là sự kết hợp giữa cội nguồn văn hóa Champa và tâm thức hiện đại. “Thơ của Inrasara biểu hiện cái nhìn đầy suy tư về con người Chăm, tâm tính Chăm. Có một “vườn Chăm” trong thơ Inrasara[3])”. Ông đã khởi đầu con đường sáng tạo bằng việc kết hợp nhuần nhuyễn và hài hòa giữa thơ tự do hiện đại với những tinh hoa của văn học Chăm và Việt để làm nên một diện mạo thơ mới, mà điểm nhấn là cách tân ngôn ngữ. Sự cách tân này thể hiện ngay từ tập thơ đầu tay “Tháp nắng”. Inrasara vận dụng khá đa dạng những thủ pháp sáng tác của nhiều trào lưu, khuynh hướng thơ trên thế giới từ đầu thế kỷ XX đến nay vào các tác phẩm của mình. Nhưng ông không sa đà dừng lại ở bất kỳ khuynh hướng nào. Ông nhập cuộc và sáng tạo trong ánh xạ văn hóa dân tộc Chăm của ông. Một số ý kiến cho rằng, nhà thơ Inrasara là người đi giữa đường biên của hai nền văn hóa Chăm và Việt. Về vấn đề này, theo quan điểm của tôi, dấu ấn của ông để lại trong tác phẩm vẫn thiên về văn hóa Champa hơn.
Cội nguồn văn hóa Champa hiện lên đậm nét ngay từ tập thơ “Tháp nắng”. Đó là những giọt sữa mẹ đầu tiên chạm vào đôi môi mềm mại của cậu bé Sara thuở nào. Là cánh đồng Chăm, điệu múa, những lễ hội Chăm… Là con sông Lu, thường hiện lên trong thơ Inrasara sau này, có nhịp vỗ nặng nề và đượm buồn chảy qua quê hương của cậu bé ấy. Con sông mang những giấc mơ, hoài bão của Sara đi rất xa.
“Mẹ nuôi tôi bằng bầu sữa ca dao buồn
cha nuôi tôi bằng cánh tay săn Glơng Anak
ông nuôi tôi bằng vầng trăng sương mù truyền thuyết
plây nuôi tôi bằng bóng diều, hồn dế, tiếng mõ trâu” (Đứa con của đất)
Tập thơ “Tháp nắng” mở ra một không gian Chăm giữa tầng tầng thời gian. Qua đây, người đọc được chứng kiến bóng dáng một vương quốc Champa cổ xưa thấp thoáng trong bài thơ “Tháp hoang”, một di chỉ văn hóa Champa còn tồn tại:
“Tháp hoang
như quen thân – như xa lạ
hồn người xưa vỗ dòng máu ứ”.
Một quê hương hiện hữu khốc liệt trong trường ca “Quê hương”:
“Quê hương cằn khô, nóng bức, nghèo nàn.
Quê hương buồn. Quê hương yêu thương”.
Và một tương lai Chăm trong giấc mơ của nhà thơ được phục hiện từ quá khứ huy hoàng:
“Lại xanh trong tôi – dù rừng đã cháy
lại chảy trong tôi – dù sông đã chết
chợt hanh lại cát – chợt buồn lại ru
chợt duyên lại em – chợt hoang lại tháp” (Đứa con của đất)
Không gian Chăm của Inrasara cho tôi liên tưởng tới giả thuyết “Lỗ sâu” trong vũ trụ. Giả thuyết này đang được các nhà khoa học nghiên cứu và hé lộ phần nào thành công. Theo Eric Davis, một nhà vật lý tại Viện Nghiên cứu Cao cấp Austin, Hoa Kỳ: “Lỗ sâu là một đường hầm siêu không gian, giống một cái cổ chai, kết nối giữa hai địa điểm trong vũ trụ của chúng ta, hoặc giữa hai vũ trụ song song – nếu đa vũ trụ có thật, hoặc giữa hai mốc thời gian, cũng có thể là giữa các chiều không gian khác nhau“[4].
Đó là lỗ sâu trong vũ trụ. Còn “lỗ sâu” trong thế giới thơ của Inrasara hoàn toàn không phải giả thuyết. Lỗ sâu ấy hiện hữu trong tâm trí bạn đọc khi chứng kiến trên mảnh đất người Chăm đang sinh sống, quá khứ Chăm hiện lên sống động trong từng câu thơ của Inrasara. Đó là tượng các vị thần Shiva, Skanda, Apsara, Makara, Garuda… Những thần linh Champa ấy luôn phủ bóng xuống tâm hồn người Chăm, nơi lao xao bầy dơi đen trong quá khứ, cùng con mương xanh, mái tranh ngầu, cánh diều, bụi ớt khan trong hiện tại.
“Rồi tôi ngóc đầu dậy và tôi trườn lên
rồi tôi rướn mình khỏi hố hang quá khứ
như kẻ bị thương mò tìm lối ra khỏi đống tan hoang thành phố
tôi tìm lại tôi
tìm thấy nắng quê hương” (Đứa con của đất)
Thơ Inrasara kết tụ tinh hoa và tinh thần dân tộc Chăm. Tinh thần ấy được hun đúc trong con người thơ Inrasara, khơi nguồn cho ông bắt tay khôi phục miền ánh sáng văn hóa dân tộc Champa mà ông rất đỗi tự hào:
“Một câu tục ngữ – một dòng ca dao
nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ
tôi tìm và nhặt
như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ” (Ngụ ngôn của đất)
Hai tập thơ tiếp theo, “Sinh nhật cây xương rồng” và “Hành hương em”, nhìn từ góc độ thi pháp, có thể gọi đó là “chiếu nghỉ” để nhà thơ Inrasara bước tới giai đoạn tăng tốc ngoạn mục trong những tập thơ sau này. Tôi gọi những tập thơ này là “chiếu nghỉ”, vì tinh thần khai phóng, kiến tạo hình ảnh và ngôn ngữ của nhà thơ có phần thong thả hơn sau tập thơ đầu tay “Tháp nắng”. Trong hai tập này, có đôi bài có lối viết dễ dãi, nhịp điệu cũ, thấy rõ ảnh hưởng của “cái bóng” thơ hiện thực và lãng mạn. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ tương tác và mối liên hệ giữa văn hóa và người viết, hai tập thơ “Sinh nhật cây xương rồng” và “Hành hương em” vẫn nằm trong mạch khởi phát từ cội nguồn văn hóa Champa của Inrasara. Đó chính là hành trình tìm một ban mai khác cho dân tộc Chăm của nhà thơ.
Trong “Sinh nhật cây xương rồng” và “Hành hương em”, không gian Chăm tiếp tục được mở ra, nhưng hình bóng quá khứ thưa vắng hơn và cũng ít gây ám ảnh như trong “Tháp nắng”. Thay vào đó là hiện thực đời sống Chăm, văn hóa Champa đương đại được nhà thơ bầy đặt chân thực và ngổn ngang hơn:
“Palei ta nghèo
Gió trưa tràn bãi trắng
Cha trần thân quần quật cuốc nắng
Rồi một ngày em không còn nhớ
Một dòng ariya, một điệu mamơng
Mùi mưa Katê reo đỉnh tháp Chàm
Văn thổ cẩm hay màu mây cố quận
Em bập bềnh giữa ngữ ngôn hoang đãng
Cuốn dòng chảy thị thành
Em quên mình là Chăm
Như quên mình chưa có giấy khai sinh” (Nỗi buồn ứng trước)
Từ ba tập thơ kể trên, càng thấy quê hương Chăm luôn là lực hút mạnh mẽ gắn kết Inrasara với cội nguồn dân tộc, nơi chôn nhau cắt rốn của nhà thơ:
“Ginang, Baranưng giục về
từng chuyến mưa nồng nã Katê” (Đêm Chàm)
Và có lúc, vẻ đẹp Chăm hiện ra thật rực rỡ, độc đáo và bung mở như trong điệu múa Apsara:
“Những vòm ngực căng phồng ban mai
Những vòm ngực nung trầm suy tưởng
Hôm qua và ngàn sau
Nhảy múa giữa hoàng hôn
Đường cong bay bay chiều vụn nát
Bóng đêm tràn dài thung lũng khát
Nhảy múa gọi bình minh
Baranưng miệt mài ngàn năm vỗ” (Apsara – Vũ nữ Chàm)
Hiện thực rực rỡ ấy của văn hóa Champa được nhà thơ hình tượng hóa thành một ngôi nhà biết rùng mình trước thiêng liêng Mặt Đất.
“Chỉ còn âm vang trầm sâu hơi thở
Động rung tiếng gọi từ xa xăm gọi vào xa xăm” (Truyền thuyết về ngôi nhà)
Theo sát diễn biến từng bài thơ trong các tập thơ của Inrasara sẽ thấy, thái độ phản tỉnh của nhà thơ bắt đầu xuất hiện từ tập thơ “Sinh nhật cây xương rồng”, và, được thể hiện mạnh mẽ, sắc lạnh hơn trong những tập thơ xuất bản gần đây:
“Chúng ta còn bần cùng hơn người hành khất
Đang làm kẻ lang thang trước ngưỡng cuộc đời.” (Kẻ canh đêm)
Và sự phản tỉnh của ông có lúc được thể hiện trong trạng thái lặng buồn, xa xót:
“Còn lại với ta
Những xanh nõn giấc mơ chợt rụng
Những tiếng nói ngàn năm câm lặng
Những bài ca không hát bao giờ
Có lẽ sẽ còn lại với ta” (Có những nẻo đường bỏ quên).
Tuy vậy, ý chí của ông vẫn vươn lên, thôi thúc và gửi niềm tin vào thế hệ tiếp nối:
“Hãy sống như một bùng vỡ
Một bùng vỡ không cần đến tiếng động ồn ào”. (Đoản thi thứ nhất dành cho con)
hay như khi nhắc tới xương rồng, một loài cây gai góc nhưng có sức sống mãnh liệt trên quê hương ông, ông đã ví nó như biểu trưng cho ý chí mạnh mẽ cùng khả năng tự vệ của con người trước những gian nguy, cạm bẫy của đời sống:
“Khi hố thẳm tối đen dưới chân toang hoác mở
Tôi gặp tôi đứng trần truồng trước định mệnh vô âm
Chợt thấy bóng xương rồng nở chật trái tim mù sương
Tôi vội vã quay về quỳ dưới chân đồi và khóc
Cây xương rồng nhìn tôi với đôi mắt lửa và vỗ về tôi bằng bàn tay gai nhọn hoắt
Thì thầm bên tai tôi sinh nhật của mình” (Sinh nhật cây xương rồng)
Có thể nói, ba tập thơ “Tháp nắng”, “Sinh nhật cây xương rồng” và “Hành hương em” đã đánh dấu chặng đầu cuộc lữ hành của một tác giả quan trọng thuộc thế hệ Đổi mới sau 1986 ở Việt Nam. Trong hình dung của tôi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với giai đoạn khởi phát trong tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” như người phục dựng ngôi đền thiêng ở châu thổ sông Hồng. Còn Inrasara là người tìm về và trùng tu những thánh địa của dân tộc Chăm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Trong giai đoạn khởi đầu này, Inrasara hay nhắc tới cái khác: một ban mai khác, một vòm trời khác… Đó chính là cách ông dồn nén nội lực, mở tầm nhìn xa cho những chặng đường dài hơi sau này. Khổ thơ sau đây rút từ bài thơ “Tụng ca của nước” trong tập “Hành hương em”, được Inrasara dùng làm đề từ cho “Lễ tẩy trần tháng Tư”, một trường ca xuất sắc của ông:
“Làm sao em song hành cùng tôi về đứng bờ sông đêm nay?
trong đau hoan lạc
hát vang bài tụng ca của nước
chảy đi
chảy đi
chảy trôi đi
chảy trôi tất cả đi…
giở một vòm trời khác”
Tập thơ và trường ca “Lễ tẩy trần tháng Tư” đã quy tụ những ý tưởng lớn cùng cảm xúc mạnh mẽ, tạo ra nhiều ma lực cuốn hút người đọc. Đây cũng là tập thơ tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Inrasara. Trong “Lễ tẩy trần tháng Tư”, theo tôi, có phảng phất một số khuynh hướng hiện đại và hậu hiện đại.
Nói thêm một chút về Lễ tẩy trần hay còn gọi lễ Rija Nưgar của người Chăm. Lễ này thường được tổ chức vào đầu năm lịch Chăm, trùng với tháng tư (dương lịch). Lễ Rija Nưgar mang ý nghĩa thanh tẩy cho cả làng và cho cả cộng đồng Chăm. Lễ được tổ chức nhằm rửa sạch cái cũ, đón những điều mới mẻ, tống tiễn cái xui, cái xấu ra khỏi ngôi làng Chăm. Trong nghi lễ này, mọi người đều tràn đầy tinh thần hân hoan cầu xin Thần [Yang] ban phước lành và xóa bỏ mọi tội lỗi.
Đọc tập thơ và trường ca “Lễ tẩy trần tháng Tư”, tôi thấy nhà thơ Inrasara tái hiện cả mảnh đất Chăm của ông trước mắt. Tất cả như hiện diện trên một sân khấu quay vòng. Trên đó, mỗi bài thơ của ông là một khung cảnh, sự kiện, nhân vật… Chính giữa sân khấu của “Lễ tẩy trần tháng Tư” là ngọn tháp Chàm, được tác giả “chiếu sáng” từ nhiều góc, tạo nên một phối cảnh đồng hiện, huyền hoặc.
“Bóng của tháp như dòng sông ma
trườn qua đêm tối những triều đại
đánh thức ký ức các dân tộc
duyên nợ (hay cả không nợ nần gì) với tháp” (Tháp Chàm muôn mặt).
Nhân vật em xuất hiện trong một phân cảnh của sân khấu cùng những tiếng va đập của đời sống công nghiệp:
“Em giặt giũ trong căn gác lạ
em thợ phụ trong xưởng may lạ
em hoảng hốt trong con hẻm lạ
Mang linh hồn ruộng đồng
em rụng vào đêm lạ” (Tam tấu trước ngưỡng thế kỷ XXI).
Ở hậu cảnh, hình ảnh cô gái Chăm xuất hiện nhanh trong ánh sáng đặc tả:
“cô gái đội nước xuống đồi, dừng lại, nấn ná hồi lâu rồi chậm rãi bước về làng
bây giờ làm gì, ở đâu – ai biết?” (Những ngày rỗng – Ngày 5: Ngày đẹp nhất).
Rồi trí tưởng tượng của tôi được rộng mở với những hoạt cảnh tiếp theo của sân khấu đó. Trong khung cảnh tranh sáng tranh tối, những cái bóng đang chuyển động hoặc thoáng hiện. Giọng độc thoại trầm khàn của nhà thơ từ đâu đó cất lên và đồng vọng trong ánh sáng mờ ảo:
“hãy tha thứ cho chúng tôi đứa con quái thai của mảnh vụn văn minh tái chế” (Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối nay).
“Không ai có thể hát thay chúng ta” là tiêu đề một bài thơ, cũng là tuyên ngôn tinh thần thi ca của thi sĩ Inrasara trong tập thơ này. Tinh thần ấy xuyên suốt quá trình sáng tạo của ông. Có những câu thơ mạnh mẽ và dứt khoát:
“Không ai có thể hát thay chúng ta
nơi đây và lúc này
cả hôm sau, có lẽ”.
Và cũng tinh thần ấy được tiếp nối trong bài thơ “Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối nay”:
“Buổi sáng – rất sảng khoái, tôi ra sông Lu
gánh theo đầu kia 41 inư akhar Cham K C T, đầu này nhúm chữ cái Latinh A B C
nhận đầu chúng xuống nước bắt tắm gội từng đứa một
và tôi vui vẻ tắm với chúng”.
Nhà thơ Inrasara đã đánh thức những linh hồn Chăm còn ngủ yên, hay vẫn phiêu dạt trong quá khứ hãy tìm về cội nguồn Chăm, không gian Chăm để cùng ông phục dựng, làm hồi sinh một nền văn minh từng bị lãng quên và lu mờ:
“Ôi! Linh hồn tháng Mười
mà giấc mơ được tạc từ bóng hoa dại
đã rụng lâu rồi ở đồi tuổi thơ
đêm nay chợt sáng lên run rẩy” (Những linh hồn tháng mười);
“Trong kiêu hãnh đắng cay
khi ốc đảo biết gọi mời ốc đảo
ngón tay đan ngón tay khai sinh hơi ấm không hề gầy
rắn rỏi hơn đức tin vào Chúa
Con sông, cánh rừng ngày xưa chết yểu
tên chợt bật trên môi chúng ta
em tin chúng có thể nâng linh hồn từng tủi thân được/ mất
gượng dậy tìm về?
Khi niềm vui tan trong nỗi đau vỡ hoang ánh nắng
tôi mang hạt giống thu hoạch phương xa gieo cánh đồng làng
em nhân giống dân ca vào giai điệu mới
bờ cỏ vang vang ngôn ngữ được mùa” (Hạt mùa mới).
Đến lúc này, tôi thấy cậu bé hôm nào giờ lớn khôn và trở thành người con của ánh sáng. Người con ấy được kết tinh từ những mảnh vụn văn minh tái chế. Hình ảnh này bao hàm tư tưởng hậu hiện đại được nhà thơ nhắc lại trong trường ca “Lễ tẩy trần tháng Tư”. Trong bài thơ “Ẩn ngữ Pauh Catwai”, người con ấy lớn dậy mang một tinh thần mới, vui tươi và lạc quan hơn:
“Hãy nâng cốc mừng chúng ta, đứa con của ánh sáng và bóng tối đồng loã
đứa con lớn dậy từ mảnh vụn văn minh tái chế
đứa con của hoàng hôn và của ban mai”.
“Lễ tẩy trần tháng Tư” gồm 18 bài thơ và một trường ca cùng tên tập thơ. Tập thơ được Inrasara bố cục hợp lý và chặt chẽ từ lời đề từ đến thứ tự từng bài thơ. Sự sắp xếp ấy cho tôi liên tưởng tới bố cục một vở kịch hiện đại hoàn hảo. Những bài thơ lẻ tựa mười tám phân cảnh ngắn trong vở diễn để tạo cao trào trong trường ca “Lễ tẩy trần tháng Tư” mà tôi sẽ đi sâu hơn dưới đây.
Trường ca, những đỉnh cao của thơ Inrasara
Nhà thơ Inrasara viết nhiều trường ca với những phong cách và ngôn ngữ khác nhau, nhưng tinh thần chủ đạo trong đó vẫn là tìm về cội nguồn và trùng tu những thánh địa của dân tộc Chăm. Tôi thấy Inrasara có ba trường ca quan trọng làm cột trụ cho ba giai đoạn sáng tác: trường ca “Quê hương” (1996), trường ca “Lễ tẩy trần tháng Tư” (2002), trường ca “Sầu ca trên đồi cát Nam Kương” (viết xong 6/2009, sửa chữa 2016). Ngoài ra, có một số liên khúc, bài thơ dài có hình thức và bố cục gần với trường ca, tôi gọi là “tiểu trường ca”, như “Những ngày rỗng” (2002); “Chuyện người đời thường” và “Chuyện 40 năm mới kể” (2006)… Các trường ca được nhà thơ xếp chung tập với những bài thơ lẻ theo một ý đồ riêng: chúng thường được dùng làm cao trào, “nút thắt” cho toàn bộ cuốn sách.
Những nút thắt, cao trào dưới hình thức trường ca của Inrasara cũng chính là chỗ thể hiện tài năng, nội lực của nhà thơ nhiều nhất, chúng quy tụ kiến thức về văn hóa, lịch sử cùng những thủ pháp nghệ thuật hiện đại được Inrasara sử dụng để tạo không gian, tình huống, phối cảnh… Với trường ca, ông làm sống dậy trước mắt người đọc một không gian Chăm với mọi chiều kích của tưởng tượng và cảm xúc.
“Quê hương” (1996) là trường ca đầu tiên của Inrasara, được xếp trong tập thơ “Tháp nắng”. Đây là trường ca viết theo lối truyền thống, các sự kiện và nhân vật theo tuyến tính lần lượt xuất hiện theo dòng chảy thời gian. Trong trường ca này, em là nhân vật chính xuất hiện trong suốt chiều dài “Quê hương” trong hành trình quen thuộc: sinh trưởng – ra đi – nhận biết – trưởng thành – trở về – phục dựng quê hương. Hình ảnh một quê hương nghèo đói, tối tăm hiện lên ngay từ những khổ thơ đầu:
“Quê hương để lại cho em con đường bóng tối
Gia tài còn hai bàn chân, trái tim nóng hổi.
Tiếp đến là những ngày tháng ly hương:
Đêm xa quê hương đầu tiên đêm lạnh trắng phận người
Hơn cả đêm xa xưa em rời lòng mẹ
Đêm xám hoang tương lai, đục mờ quá khứ”.
Và cuộc trở về của em đánh thức làng Chăm đang ngủ vùi trong tăm tối, đói nghèo, giải phóng những tâm hồn và tinh thần Chăm vẫn đang bị giam giữ trong những lồng ngực, khối óc tự ti, yếm thế.
“Về Mỹ Sơn
Thánh địa của thời liệt oanh
Thần kiêu sa thần và tháp oai phong tháp
Người vắt kiệt đất cho đất cô thành tháp
Cho đất sinh bức tượng, phù điêu
…
Trong điệu vũ khơi vơi
Apsara phô phang đường cong diễm ảo
Những đường cong chạm vào vĩnh cửu
Vĩnh cửu xoay trong lốc vô thường”
Những địa điểm văn hóa Chăm lần lượt được nhà thơ xướng tên trong trường ca “Quê hương” như Đồ Bàn, kinh đô Nha trang, Phan Rang, tháp Cánh Tiên, tháp Chùa… Trường ca này là khởi đầu cho “Hành trình đi tìm quê hương” tiếp theo của Inrasara.
Trong các trường ca của Inrasara, theo tôi, “Lễ tẩy trần tháng Tư” là đỉnh cao thành công cả về nội dung và thủ pháp nghệ thuật. “Lễ tẩy trần tháng Tư” được xếp trong tập thơ cùng tên, vang lên bi hùng trong thế giới thơ độc đáo của ông. Ngôn ngữ thơ của trường ca này tựa ánh sáng đặc tả sân khấu, như tôi đã nói ở phần trên. Ngôn ngữ ấy đưa những hình bóng của nền văn minh Champa trong quá khứ đồng hiện với sự ngổn ngang, đứt nối của những mảnh vụn văn minh tái chế thời hiện tại. Quá khứ ấy sâu hút như chiếc bình tối khổng lồ đang vọng ra những sầu ca và hoan ca. Cả tiếng độc thoại trong nỗi buồn cố quận. Tôi bắt gặp những hình ảnh trong trường ca mang vẻ đẹp đặc trưng văn hóa Chăm, như Pauh Catwai, Glơng Anak – những thi phẩm cổ điển dân tộc Chăm, hay vũ sư Ka-ing, trống baranưng, khăn mưtham, cửa kajang, Ông đỏ, nhịp Cei Dalim, Cei Tathun, điệu vũ Cei Dalim và Cei Tathun, v.v… Tất cả vẻ đẹp ấy hiện hữu như những sinh thể vật thể dịch chuyển dọc theo đường biên bóng tối trong “Lễ tẩy trần tháng Tư” của nhà thơ Inrasara.
“Họ đi – không tiếng động
dừng lại hành lễ không tiếng động, đọc kinh không tiếng động
nến cháy cũng gắng không gây tiếng động
Khi tất cả đã tắt, họ đi
từ làng xa xôi đi về làng xa xôi
họ thấy nhà được dựng lên giống nhà họ – không là của họ
tiếng hát giống họ – không phải của họ
ký ức lịch sử đã hết hạn lưu trữ – họ đi
rất chậm về bờ bên kia, cố ngoảnh lại vài dấu vết
kẻ phải chịu mang sử mệnh không cần thiết
như là kẻ cuối cùng” (Lễ tẩy trần tháng Tư – 1. Hành Hương Về Bên Kia Đêm Tối).
Nhà thơ xuất hiện trong hình ảnh của nhân vật anh giữa nghi lễ linh thiêng này.
“Anh
Vịn vào lặng câm
Đứng”.
Nhân vật anh đã đi qua những nứt vỡ, xung đột trong quá khứ để đến với thực tại và tương lai qua nghi lễ cứu rỗi:
“Đã lở và đang vá lại
Đã tàn rữa và đang được vun quén
Đã đào bới và đang nhào nặn
Đang giấc mơ nhỏ giọt
…
Lửa vỡ vào thành đêm
Vạc 300 tuổi thọ thình lình kêu xé không gian
Khóc vừa hạ sinh một giọng nói.
Niềm vui bất ngờ vang lên trong lễ hội
Cái cuối cùng có thể cứu vớt chúng ta:
TIẾNG HÁT”. (Lễ tẩy trần tháng Tư – Trong khoảng tối gió mùa).
Cuộc đối thoại giữa nhà thơ và những ngọn tháp hoang cất lên mối sầu thiên cổ:
“Như ngươi
xa lạ với phố chợ mọc tràn
ta xa lạ lối mòn lang thang chiều rỗng
ngươi xa lạ tiếng dùi đục vào thân thể, khoét tuỷ xương,
lớp vữa bôi trát lên da
ta xa lạ tiếng nói ta qua máy phát thanh, chữ viết ta trên
trang sách
…
Ngươi đứng trên đồi trọc kia cô độc ngàn đời
như ngươi
giữa sa mạc người trần gian ta khát
buồn ta chiều nay lớn dậy và vỡ oà tiếng hát
sầu ca vọng vào nẻo đường bỏ quên.” (Lễ tẩy trần tháng Tư – Sầu ca trên đỉnh Tháp).
Linh hồn Chăm tựa dòng máu nuôi dưỡng thi sĩ, như con sông Lu đêm ngày mang nguồn phù sa nuôi dưỡng cây cối, tưới mát đất đai những cánh đồng Chăm đang bạc màu, khô hạn.
“con là Chăm ngay ban đầu vỡ ra tiếng khóc
(còn hơn thế: chín tháng mười ngày trước khi vỡ tiếng khóc)
khi con cắm rễ nơi đây
hay khi con lang bạt tận cùng trời
con cứ là Chăm cả lúc cháy lên cùng ngọn lửa cuối đời.”(Lễ tẩy trần tháng Tư – Ẩn ngữ Pauh Catwai)
“Lễ tẩy trần tháng Tư” gợi tôi nhớ tới “Trường ca Đam San” – Bộ sử thi dài 2077 câu của dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên, và trường ca “Xa Nhà Ca” (sử thi P’huỳ Ca Na Ca) của dân tộc Hà Nhì ở tỉnh Lai Châu. Những trường ca ấy làm nên hồn cốt, bản sắc từng dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trường ca “Lễ tẩy trần tháng Tư” của Inrasara là ngọn lửa dân tộc Chăm được hun đúc để bảo tồn, khôi phục những tinh hoa của văn minh Chăm đang bị thất lạc, lu mờ.
“Sớm hơn. Nắng đã khởi động
nắng cưỡi lên chiếc roi mây vũ sư Ka-ing
đánh thức trống baranưng còn nằm phủ bụi trên sà nhà
lay dậy tiếng gáy cặp gà trống đêm cuối cùng chờ hiến tế
…
Lửa đã đỏ
đỏ hoa lựu mua ngoài chợ hôm qua đỏ hoa phượng vừa hái đỏ nắng hạ
đỏ màu áo Ông đỏ
lửa đã đỏ vào ngõ ngách mọi tâm hồn chờ đợi
nến được đốt lên nhiều ngọn nến cháy lên giữa trưa ngày
trước cửa kajang kia – lửa đã đỏ.” (Lễ tẩy trần tháng Tư).
Trường ca “Lễ tẩy trần tháng Tư” kết thúc trong âm hưởng vang vọng, hân hoan đầy linh thiêng, giống như giọng đọc thần chú của thầy tế vang lên giữa bầu trời tĩnh mịch u tối. Tâm hồn mỗi con người trong nghi lễ được tẩy rửa, thanh thoát. Họ cầu nguyện cho đời sống hạnh phúc, ấm no, để mọi đau khổ, ưu phiền được cuốn đi bởi dòng nước thánh tẩy linh thiêng.
“Sau Lễ Tẩy trần tháng Tư năm nay
cả con sẻ nhỏ yếu, cái kiến mọn hèn nhất
cũng có đất để sống, để chơi”. (Lễ tẩy trần tháng Tư – Ẩn ngữ Pauh Catwai).
Có thể nói, trường ca “Lễ tẩy trần tháng Tư” của Inrasara cũng là một nghi lễ thanh tẩy tâm hồn như chính bản thân nghi lễ này vậy.
Trường ca “Sầu ca trên đồi cát Nam Kương” được Inrasara hoàn thành năm 2016, là cuộc chuyển dịch tiếp tục của “Lễ Tẩy trần tháng Tư”. Trường ca này có âm điệu trầm hùng, khoẻ khoắn. Trong đó, tác giả lựa chọn đồi cát Nam Kương hoang sơ và tuyệt đẹp, một địa danh trên quê hương ông làm “đất diễn”. Đồi cát Nam Kương cách thành phố Phan Rang khoảng tám cây số về phía Đông Nam, thuộc làng Tuấn Tú xã An Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Một trong những điều lý thú của đồi cát Nam Kương là, những đường cong của triền cát vàng thường uyển chuyển thay đổi sau từng đợt gió táp mạnh. Sự kỳ diệu của thiên nhiên nơi đây góp phần quan trọng vào trường ca này của nhà thơ Inrasara.
Qua trường ca “Sầu ca trên đồi cát Nam Kương”, tôi nhận thấy bút lực của nhà thơ Inrasara vẫn đang căng tràn và dồi dào dù ông đã đi được hành trình khá dài và lẫm liệt. Cấu trúc trường ca gồm mười đoạn thơ, được chia làm ba phần chính gọi là ba khúc “Sầu ca”. Nếu “Lễ Tẩy trần tháng Tư” là một vở kịch với nhiều lớp diễn và cách tạo ra những đỉnh điểm để dồn nén thành cao trào, thì “Sầu ca trên đồi cát Nam Kương” lại là một bản giao hưởng hiện đại, có sự xáo trộn các sự kiện và dòng chảy thời gian. Mọi sinh vật, sinh linh trong đó khi hiện diện và chuyển động đều vang lên âm thanh của bản hợp tấu, cho người đọc hình dung bức tranh toàn cảnh không gian Chăm hiện đại. Ở đây, tôi nghe thấy những vọng âm từ bản hợp tấu của lửa và nước, bóng tối và ánh sáng, quá khứ và tương lai… vang lên bất tận từ đồi cát Nam Kương của Inrasara.
“Đêm của đêm Ánh sáng của ánh sáng Động từ và danh từ Cấp số cộng tất cả tính từ của ngôn ngữ nhân loại Cấp số nhân tất cả thán từ trên thế giới Đã chết hay đang sinh nở Thi ca của thi ca Cũ và mới Biệt li và sum họp Hi vọng và tuyệt vọng Chiến tranh và hòa bình Gió của gió Tự do của tự do Hữu hạn trong vô hạn”. (Tiếng trống Ginơng).
Lối viết “biền ngẫu” này trước đây ít xuất hiện trong thơ Inrasara, giờ được nhà thơ sử dụng trong trường ca này để diễn tả cuộc vật lộn, chuyển dời của gió và cát, hai hình ảnh chủ đạo trên đồi cát Nam Kương.
Trường ca “Sầu ca trên đồi cát Nam Kương” không có nhân vật chính. Mỗi hình ảnh trong đó khi xuất hiện, dù thoáng qua hay độc diễn, đều là hiện thân của tất cả những hình ảnh ẩn chìm trong không gian Chăm ảo huyền. Khác với một số trường ca được nhà thơ viết trước đây, “Sầu ca trên đồi cát Nam Kương” xuất hiện một số thủ pháp của lối viết hậu-hiện đại. Inrasara đã sử dụng thủ pháp dung hợp trong một số đoạn thơ: các vị thần được xếp lẫn với các vĩ nhân, nhà văn, triết gia, tạo nên một khung cảnh bị xáo trộn đầy nghi hoặc và thú vị: Shiva Uma Krishna Brahma Vivekananda Vishnou Krishnamurti Po Klaung Giray Dostoievski Po Rome Po Tang Ahauk Ramakrishna Heidegger Ong Phauk Nai Tangya Bia Atapah Faulkner… Có đoạn, nhà thơ cho quân Khmer áo đỏ, toán lính Đại Hàn ẩn hiện trong khung cảnh thánh địa Mỹ Sơn, tháp Yang Pakran Yang Praung phực cháy, tháp Dương Long Tháp Cánh Tiên… tạo một sự phi lý của chuyển động hữu lý trong tâm thức người đọc.
Một số cuộc đối thoại giữa nhân vật tôi trong khung cảnh thànhphốsậmmàu (tác giả chủ ý viết liền các chữ) với các nhân vật và sự kiện như ngài Thủ tướng, thầy Kalơng, Vũ nữ Apsara, Nietzsche, Heidegger, cụ Dos, Amor Fati, thầy Kalơng Ong Phok, thùng Heineken, sông Lu, mặt trời, gánh hoa bà bán hoa, mùa Kate… Những cuộc đối thoại này mang lại cho tôi cảm giác như nhìn vào một chiếc cột gỗ vừa thoát khỏi cơn hỏa hoạn. Chiếc cột ấy đã cháy hết lớp vỏ bên ngoài, và, đang trơ ra cái lõi không thể cháy thêm được nữa. Hình ảnh thànhphốsậmmàu, được tái hiện hai lần trong trường ca, lần thứ nhất Tôi rơi lạc vào thànhphốsậmmàu, và lần thứ hai:
“Tôi là dấu hỏi đen bị ném vào góc tối đồi Nam Kương bị đời lãng quên từ những thế kỉ cũ
Tôi bị quẳng rơi ra ngoài thànhphốsậmmàu” (Tiếng trống Ginơng).
Ở đây, nhân vật tôi xuất hiện ngay từ khổ thơ đầu của trường ca với diện mạo và tâm trạng đầy thách thức:
“Không còn cơ hội nào cho mi khóc nữa
không còn con đường trước mặt sau lưng
trên đầu dưới chân
Làm loài dê rừng dính lưới
mặc cho máu Alahán trong mi réo gọi
từ trùng trùng thời gian thẳm sâu
trên bề mặt lộ thiên văn minh Champa
trước nữa dưới vỉa Sa Huỳnh Đông Sơn trầm tích” (Sầu ca thứ nhất).
Tuy vậy, nhân vật tôi chỉ xuất hiện thoáng chốc rồi nhanh chóng chìm vào bóng tối, nhường chỗ cho đoàn người rời bỏ thành phố đi về phía đồi cát, về phía quê hương Chăm của ông:
“bước chân họ chậm thật chậm
họ thay nhau kêu Q U Ê H Ư Ơ N G
dường có tiếng đáp vọng lại
xa rất xa
Q U Ê H Ư Ơ N G họ kêu lên lượt nữa
và họ tiếp tục đi
…
Và họ tiếp tục bước đi
về hướng ngược chiều nhau
qua những đụn cát đã sẫm đám bụi cây đã sẫm
bóng tối tràn lên người họ phủ xuống bóng họ
– anh yêu đâu rồi?
– em yêu đang ở đâu?
họ chợt biết đã lâu rồi không còn ai ở đó” (Sầu ca thứ nhất).
Hình ảnh đồi cát Nam Kương hiện lên trong trường ca uy nghi và lộng lẫy như ngọn núi thiêng. Hình ảnh này tượng trưng cho ý chí, tinh thần dân tộc Chăm luôn được hun đúc, lưu giữ từ đời này sang đời khác. Bước chân của đoàn người hướng về ngọn đồi thiêng đó chính là biểu tượng của tinh thần Chăm trong đời sống hiện đại, là cuộc trở về của những linh hồn Chăm. Họ quyết tâm tìm lại những giá trị quý báu vẫn còn lưu lạc trong quá khứ:
“đánh thức mặt đất và bầu trời
thiên đường và địa ngục
thức dậy thiên thần con người quỷ dữ” (Tiếng trống Ginơng).
Cuối bản trường ca xuất hiện người đàn ông, một nhân vật không tên và ngẫu nhiên như mọi nhân vật xuất hiện trước đó. Nhưng người đàn ông đó trở thành nhân vật chủ đạo trong đoạn kết này:
“sau giấc mộng mị dài, người đàn ông đứng dậy và bước đi
thế giới không tiếng động. tiếng quê hương mơ hồ xa, rất xa. người đàn ông bước đi tìm dấu chân mình lần tìm dấu chân người yêu
đi. mải miết
tối mênh mông
…
người đàn ông đứng bên mé đồi. cát động đậy dưới chân. cát mở. thành phố mở ra chậm rãi. người đàn ông loa tay cất tiếng hỏi tràn
– có ai thấy người yêu tôi không? ai nhìn thấy dấu chân người yêu tôi không?
cát động đậy và cựa quậy. như muốn đổ. người đàn ông nhảy lùi hai bước. tiếng khàn khàn sau lưng
– ta là nấm mồ bị thương. nhà ngươi đang đạp lên vành tai đau của ta. nấm mồ đựng chứa và hiểu tất cả nhưng không nói. hãy đi đi”. (Tiếng trống Ginơng).
Tại đây, tác giả đã cho đôi mắt người đàn ông mở lớn để chứng kiến những chuyển đổi và nhìn rõ con đường mình đi tới.
“người đàn ông nhìn thấy dấu chân người yêu xuống đồi
dấu chân đi về hướng phố
người đàn ông nhìn thấy bàn tay vẫy
nhìn thấy môi cười màu mắt nhìn thấy
sợi tóc nhưng không”. (Sầu ca thứ hai).
Đoạn kết trường ca có một chi tiết lạ và thú vị. Trên đỉnh đồi cát Nam Kương, nhân vật cô gái đã đối thoại với người đàn ông đứng lặng câm với đóa hồng, và được biết ông I N R A S A R A (tác giả viết chữ in hoa) đã mất năm 1357 sau công nguyên, và được hỏa thiêu tại nhà tang lễ thành phố Nam Kương. Những câu thơ này cho người đọc liên tưởng tới tiền kiếp của nhà thơ, và cuộc bể dâu trên đồi cát Nam Kương nơi đã từng tồn tại một thành phố có cả nhà tang lễ…
Và, dưới đây là đoạn thơ ấn tượng và đầy ám ảnh của trường ca này. Nhà thơ cho người đọc nhìn thấy những linh hồn Chăm đang phục sinh, làm chủ đất đai, tái hiện không gian văn hóa từng bị lu mờ, che khuất:
“Trên đỉnh đồi cao hơn đỉnh đồi cao nhất của trùng trùng
đồi cát
người đàn ông đứng bất động với
đoá hồng
bóng ông đổ xuống to hơn bóng ngọn đồi to nhất
đoá hồng trên tay ông sáng hơn ánh sáng mặt trời
sắp đỉnh ngọ
ông nhìn thấy bóng người yêu đang đi về phía
đỉnh đồi
chậm chậm lại
rõ và gần
gần hơn”.
Tôi đồ rằng đó cũng chính là hiện thân của nhà thơ Inrasara trong cộng đồng người Chăm đương thời.
Qua ba trường ca chủ đạo và những tác phẩm khác, nhà thơ Inrasara hiển thị đầy đủ và sinh động chân dung người khôi phục ánh sáng Chăm trong đời sống hiện đại. Ánh sáng ấy ngày càng rõ nét từng diện mạo tinh thần vùng đất Chăm, một quốc gia cổ từng tồn tại độc lập từ năm 192 đến năm 1832.
“Nhập cuộc về hướng mở”
Các tác phẩm của Inrasara đã làm sống dậy vẻ đẹp Chăm, cũng như hé lộ những giá trị quý báu của văn hóa Chăm trong đời sống hiện đại. Ba tập thơ “Tháp nắng”, “Sinh nhật cây xương rồng” và “Hành hương em” chính là giai đoạn khởi động cho những chuyến lữ hành sau này. Chuyến lữ hành đầu tiên của Inrasara, theo tôi, được bắt đầu từ “Lễ tẩy trần tháng Tư”, tiếp đến là những tác phẩm xuất bản sau đó. Con đường sáng tạo của Inrasara là quá trình “Nhập cuộc về hướng mở[5]”, như tên một cuốn sách tiểu luận – phê bình của ông.
Trong hướng mở của Inrasara, tôi muốn nhắc tới hai tập thơ có cách viết khá lạ lẫm: “Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức” (2006) và “Ở nơi ấy [thơ thời cuộc]” (2012). Tuy vận dụng thủ pháp của thơ tân hình thức và hậu hiện đại, nhưng thơ Inrasara vẫn luôn tràn đầy tinh thần dân tộc Chăm.
Tập thơ “Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức” gồm 47 bài thơ tân hình thức của Inrasara. Tập thơ được chia làm ba phần với các đề mục: “Chuyện người đời thường”, “Chuyện 40 năm mới kể”, “Tặng phẩm của dòng sông”.
Vận dụng những đặc điểm và thủ pháp của Tân hình thức, nhà thơ Inrasara đã kể cho người đọc nhiều câu chuyện sinh động về con người, xứ sở quê hương ông. Tên những bài thơ trong tập, khi đọc lên đều gây ấn tượng tức thời về những câu chuyện đời thường, riêng tư trong đó: Anh Đạm – Hàm Bộ, giấc mơ triển hạn – Trà Ma Hani, Một ngày trong đời Trần Wũ Khang, Diệp Mi Lan hay Đoản thi lãng mạn mới, Chuyện tôi, Chuyện Ông Klơng Man, Chuyện anh T’Maung… Rồi, những chuyện 40 năm sau mới kể, như Chạy dịch, Ăn chữ, Chờ tàu, Trâu khóc, Ông Phok, Mộng độc, Sách hoang, Cây kuao, Glơng Anak…
Inrasara vận dụng khá linh hoạt và thông minh lối viết của thơ Tân hình thức để truyền tải ý tưởng của mình. Ông viết về những câu chuyện dung dị mà cách nói không buông tuồng, tầm thường. Lối viết lặp lại cũng được ông hay dùng với mục đích miêu tả từng bước chân của con người các thế hệ Chăm chồng lên nhau trên mặt cát:
“như thể cơn gió lạ sắp quét qua đồi trọc
như thể điếu văn thương tiếc nhưng không” (Cuộc sống nhưng không).
Thú vị ở chỗ, cách vắt dòng của Inrasara không bị rối, hay lộ rõ sự cố tình như một số các tác giả khác. Inrasara quan niệm về thơ Tân hình thức như sau: “như một thời Lãng mạn mới, một trật tự mới hay một nền ca dao mới trong một xã hội bình đẳng và dân chủ, lôi cuốn người đọc, làm phong phú đời sống và ngôn ngữ tự nhiên”[6].
Tôi không thích thể thơ Tân hình thức. Bởi, khi đang được tung tẩy trong thơ văn xuôi và thơ tự do, người sáng tạo không muốn mình lại phải chui vào một “cái rọ” nửa cũ nửa mới này. Đấy là câu chuyện bếp núc của người sáng tác. Nhưng khi tiếp cận văn bản thơ, tôi luôn giữ tâm thế khách quan và công bằng, chấp nhận tất cả các trào lưu, khuynh hướng và thể loại thơ, miễn là bài thơ hay chạm vào tâm thức cũng như làm trái tim rung động. Bởi vậy, phải thừa nhận rằng, tôi thích một số bài thơ tân hình thức của Inrasara. Trong đó bài “Sông Lu” tạo ấn tượng mạnh mẽ và ám ảnh nhất. “Sông Lu” là biểu tượng cho sức sống của dân tộc Chăm, tâm hồn Chăm qua các thế hệ hiện lên trong thơ Inrasara:
“Sông Lu sinh ra cùng tôi năm đinh
dậu. Hai mươi tháng hạn sông Lu nằm
phơi thân trầm dòng vào lòng đất. Sông
Lu chảy quyết liệt lúc tôi vỡ tiếng
nói đầu đời, sông Lu ẩn mình trong
tôi khi tôi bỏ làng đi lang bạt,
lần nữa sông Lu lại ra đời với
tôi ngày trở về. Đừng ai hỏi sông
…
tự vỡ bờ chở phù sa bồi ruộng
đất quê hương. Cả khi sông Lu bị
con người biến thành thứ mương tháo vô
dụng, sông Lu vẫn cần cù mang phù
sa đổ vào biển. Sống như là mang
phù sa đổ vào biển” (Chuyện 4. Sông Lu).
Phần 3 của tập thơ “Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức” có tên “Tặng phẩm của dòng sông” là khúc tráng ca vang trên mảnh đất Chăm. Phần thơ này dung chứa những ước mơ, khát vọng của nhà thơ cũng như của cả dân tộc Chăm hiện nay. “Tặng phẩm của dòng sông” mà nhà thơ muốn nói tới đồng nghĩa với lời của con sông Lu, của trống baranưng, vũ điệu Apsara, với lời hát của chủ tế trong Lễ Rija Nưgar… Ngôn ngữ thơ trong phần này tựa những con sóng lớn bất ngờ ùa đến, phóng khoáng và vạm vỡ:
“Từ đỉnh đồi cao dòng sông chắt về miền đất quê phù sa để qua từng luống cày khơi dậy mùa hi vọng trên vầng trán anh nông dân mộc mạc
Rồi băng suốt bước bạo động lịch sử dòng sông vẫn dõi theo từng thế hệ gái trai sinh ra lớn lên chết đi cùng tiếng đập tim của dòng sông
Là tiếng đập tim của quê hương chuyển dịch dòng máu đứa con đi hoang trở về soi bóng dòng sông và tìm nơi dòng sông chốn trú ẩn chơi vơi của cuộc tình người phiêu lãng”.
Tập thơ “Ở nơi ấy [thơ thời cuộc]” của Inrasara là thơ thế sự đúng như tên gọi của nó. Dưới mỗi bài thơ, tác giả đều ghi chú nguồn tư liệu, ý tưởng, cảm xúc. Ví dụ, cảm tác khác từ Bắc Phi, cảm tác khác từ Miến Điện… Tương tự như vậy, hàng loạt cảm tác được tác giả ghi chú trong tập thơ này, từ cảm tác khác từ Việt Nam từ Hà Nội, Phanrang, Sài Gòn, từ Tây Tạng, Afghanistan, Australia… cho đến bốn cảm tác viết dưới hầm. Lượng thông tin về thời cuộc được Inrasara sử dụng trong tập thơ này khá phong phú và đa dạng, nhắc bạn đọc về những vấn nạn của nhân loại đang diễn ra tại những điểm nóng trên hành tinh chúng ta. Như nạn phân biệt chủng tộc, kỳ thị tôn giáo, sắc tộc, tranh giành đất đai, tài nguyên, thôn tính biển đảo, khoảng không, v.v… Những trăn trở, băn khoăn ấy được thể hiện trong thơ Inrasara trở nên gần gũi và không còn là vấn đề xa lạ, mà chính là mối quan tâm lo lắng, ẩn ức nội tại của dân tộc ông, của đất nước Việt Nam thời hội nhập. Trong bài thơ “Người đàn bà và gia sản” [Trích đoạn phim câm], tác giả ghi chú (cảm tác từ Bắc Phi), nhưng hình ảnh trong bài thơ này lại gợi cho người đọc hình dung về người phụ nữ Chăm, bóng dáng dân tộc Chăm trong đời sống hiện đại:
“từ góc sa mạc người đàn bà ngược lên triền sông
chợt chìm mất trong bản tin tennis”.
Hoặc trong bài thơ “Phác thảo ở bề mặt cuộc sống”, nhà thơ biểu hiện thái độ quyết liệt và dữ dội để bảo vệ văn hóa Champa:
“Cứ ngỡ văn hóa Champa như thứ xác trâu cho họ bu tới rỉa rúc
nhưng văn hóa Champa đâu phải xác trâu
còn ai muốn làm loài diều hâu thì mặc xác họ”.
Tại hội thảo “bàn tròn” do tạp chí Văn hóa Nghệ An tổ chức, trả lời câu hỏi về ý tưởng và đề xuất các giải pháp cụ thể nào không cho việc bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số, nhà thơ Inrasara đã chia sẻ: “Người Chăm rất ý thức về cộng đồng mình, về bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc. Ý thức và hành động. Tôi gọi đó là tinh thần nhập cuộc về hướng mở”[7].
Các tác phẩm của Inrasara cho thấy dấu ấn các trào lưu, khuynh hướng chủ lưu trên thế giới từ đầu thế kỷ XX đến nay. Trong những khuynh hướng ấy, theo tôi, hậu hiện đại và tân hình thức có ảnh hưởng mạnh nhất tới bút pháp của nhà thơ Inrasara. Những câu thơ sau được Inrasara dùng làm đề từ của tập thơ “Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức” thể hiện đầy đủ tinh thần hậu hiện đại của ông trong giai đoạn sáng tác gần đây:
“Không bên lề
không trung tâm
tôi trú trên đường biên
Không ngoài luồng
không chánh lưu
sống như thể không đường biên
Cũng chẳng có gì trầm trọng cả!
mỗi các ông cứ dựng chòi
mỗi các ông cứ có mặt như một biên giới”
Khuynh hướng hậu hiện đại từ khi xuất hiện luôn khẳng định vai trò của ngôn ngữ và tấn công trực diện vào những xung đột trong xã hội, cộng đồng. Nó xuất hiện trong thơ Inrasara khá sớm, theo tôi, chớm nở từ bài thơ “Những ngày rỗng – Ngày 8: Sinh chỉ 1 lần” trong tập thơ “Lễ tẩy trần tháng Tư” xuất bản năm 2002:
“Vinh quang lớn/ bé 8 – 9 lần
hổ mặt không muốn nhớ mươi lần
giúp người vài lần, chịu ơn đời ngàn lần
nói ngu ngốc, phét lác, làm thơ, viết lách trịnh trọng bộn lần
chịu đói, nhịn khát, tiệc tùng khoái khẩu nhóc lần
Sống chỉ 1 lần.
dứt áo rồi quay lại Phan Rang cả trăm lần
Sinh ra và chết ôi Phan Rang chỉ 1 lần”
Và đến tập thơ “Ở nơi ấy [thơ thời cuộc]”, nhà thơ Inrasara thể hiện rất rõ thái độ tán đồng, cổ xúy cho khuynh hướng hậu hiện đại:
“Khi còn thiết lập cơ man bàn thờ, từ đó phản bác hay manh tâm đàn áp, triệt tiêu kẻ không bàn thờ, không nhận bàn thờ đó hoặc kẻ có bàn thờ khác, là ta tự dựng tường thành cách ngăn hậu hiện đại. Cho dù bàn thờ đó có choàng tấm áo bào truyền thống và bản sắc, học thuyết hay chủ nghĩa, tôn giáo với tổ quốc, tự do công bằng bác ái cùng vô số thần tượng các loại, tất tần tật. Là ta đánh mất hết con đường nhập lưu hậu hiện đại”. (Hậu hiện đại là hậu hiện đại là…)
Lời kết
Nhà thơ Inrasara là người tìm lại nơi khởi nguồn bản sắc dân tộc Chăm trong sáng tạo và nghiên cứu văn hóa. Bản sắc ấy có thể hiển hiện, hoặc còn ẩn tàng trong đống “tàn tro” của lịch sử. Inrasara chính là người khơi gợi, gom nhặt những giá trị văn hóa độc đáo và riêng biệt của dân tộc Chăm, cùng những giá trị văn hóa phong phú và đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, ông đã chọn lọc và kế thừa những tinh hoa của văn hóa nhân loại để làm mới, làm giàu có thêm tài sản tinh thần dân tộc mình. Sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh trong văn hóa cũng chính là một hướng đi của thi pháp thơ Inrasara. Nhà thơ đã vận dụng những tinh hoa, tính ưu việt của các trào lưu, khuynh hướng thơ trên thế giới trong thế kỷ XX để tiến hành cuộc cách tân thơ trong suốt hai thập kỷ qua.
Công cuộc tái hiện giấc mơ Chăm trong hành trình cách tân thơ của Inrasara, theo tôi, đã thực sự thành công với những dấu ấn không thể chối cãi. Trong hành trình đầy gian nan và vinh quang ấy, chính nền văn hóa Champa trở thành người chỉ đường, dẫn dắt ông đi tiếp lộ trình nghiên cứu và sáng tạo. Inrasara được vinh danh với nhiều giải thưởng trong lĩnh vực sưu tầm, biên soạn và nghiên cứu văn hóa Champa. Đặc biệt trong văn chương, ông từng nhận được nhiều giải thưởng. Riêng tập thơ và trường ca “Lễ tẩy trần tháng Tư” của Inrasara từng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ hai năm 2003 và giải thưởng Văn học ASEAN 2005.
Thơ của Inrasara khiến tôi liên tưởng tới thơ của nhà thơ Rasul Gamzatov (1923-2003) người Daghestan, một nước cộng hòa nằm ở vùng Bắc Kavkaz thuộc Liên bang Nga. Trong suốt sự nghiệp sáng tác, Rasul Gamzatov chỉ viết bằng tiếng Avar – tiếng mẹ đẻ của ông. Qua tác phẩm của Rasul Gamzatov, bạn đọc khắp thế giới được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tâm hồn con người, cũng như không gian văn hóa Daghestan độc đáo. Trong số nhiều bài thơ của Rasul Gamzatov đã được dịch sang tiếng Việt, tôi ấn tượng với bài thơ “Ngọn lửa của bản làng”. Bài thơ có khổ kết như sau:
“Ngọn lửa cháy suốt đêm ngày
Không có bản làng như vậy
Nhưng trong đôi mắt tôi đây
Ngọn lửa làng tôi vẫn cháy”[8].
Ngọn lửa luôn rực cháy trong đôi mắt nhà thơ Rasul Gamzatov chính là tình yêu quê hương của mỗi nghệ sĩ sáng tạo dù ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Với nhà thơ Inrasara, tình yêu ấy là “Con đường lửa thiêng”, tên một bài thơ của ông, được mở ra từ “Tháp nắng” và cháy sáng đến tận hôm nay. Đoạn kết bài thơ như một lời tiên tri con đường mà Inrasara đang đi và cả phía trước:
“tiếng gọi gọi trở về cho những con người còn biết im lặng lắng nghe hân hoan đưa bàn chân đạp lên con đường trong tiếng gọi.
con người cuối cùng không còn biết chối từ mê cung lịch sử vẫn mở tâm đón nhận tiếng gọi của con đường trên bước chân đi về miền quê hương cháy lửa.
Và con đường mãi trầm vọng gọi”.
4/2016
[1] Nguyễn Khôi (2006) “Các dân tộc ở Việt Nam – cách dùng họ và đặt tên”, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội.
[2] Trần Thiện Khanh (2009), “Inrasara nhà nghiên cứu văn hoá Chăm”, Tạp chí Sông Hương, số 247, 9/2009.
[3] Trần Thiện Khanh (2009), “Inrasara nhà nghiên cứu văn hoá Chăm”, Tạp chí Sông Hương, số 247, 9/2009.
[4] Nguyễn Thành Minh (2015), “Săn tìm lỗ sâu – đường hầm xuyên không gian và thời gian”.
[5] Inrasara (2014), “Nhập cuộc về hướng mở”, tiểu luận – phê bình, Nxb Văn học.
[6] Inrasara (2014), “Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say”, Nxb Thanh niên, tr. 91.
[7] Hội thảo bàn tròn đề tài “Văn hoá các dân tộc thiểu số nhìn từ lý thuyết Trung tâm – Ngoại vi”.
Nguồn:http://vanhoanghean.com.vn
[8] Bài thơ số 43 trong số 211 bài thơ 8 câu của Rasul Gamzatov, bản dịch của Hồ Thượng Tuy. (Nguồn:https://www.thivien.net)
[1] Nguyễn Khôi (2006) “Các dân tộc ở Việt Nam – cách dùng họ và đặt tên”, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội.
[2] Trần Thiện Khanh (2009), “Inrasara nhà nghiên cứu văn hoá Chăm”, Tạp chí Sông Hương, số 247, 9/2009.
[3] Trần Thiện Khanh (2009), “Inrasara nhà nghiên cứu văn hoá Chăm”, Tạp chí Sông Hương, số 247, 9/2009.
[4] Nguyễn Thành Minh (2015), “Săn tìm lỗ sâu – đường hầm xuyên không gian và thời gian”.
[5] Inrasara (2014), “Nhập cuộc về hướng mở”, tiểu luận – phê bình, Nxb Văn học.
[6] Inrasara (2014), “Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say”, Nxb Thanh niên, tr. 91.
[7] Hội thảo bàn tròn đề tài “Văn hoá các dân tộc thiểu số nhìn từ lý thuyết Trung tâm – Ngoại vi”.
Nguồn:http://vanhoanghean.com.vn
[8] Bài thơ số 43 trong số 211 bài thơ 8 câu của Rasul Gamzatov, bản dịch của Hồ Thượng Tuy. (Nguồn:https://www.thivien.net)