Chả hiểu từ đâu, ta chỉ gọi là nhà thơ khi ấy đút túi thẻ Hội Nhà văn. Còn lại: không. Lạ không kém là nỗi phân cấp trung ương, địa phương. Từ đó mỗi bận nhà trung ương ấy ghé, khoái đưa giọng điệu trên ngó xuống, rất khệnh khạng. Khen một ít, chê một ít, và sau rốt là “được lắm, có nhiều cố gắng” (“Nhập cuộc và hi vọng”, Inrasara.com, 3-2008).
Và chả hiểu sao, cái ông bạn tôi mớm cho con gái, rằng “ba là đại ca bác Sara” khiến con gái rượu đi tin thiệt. Tin, và loan truyền ra, mới ẹ. Nghe, tôi cười muốn xỉu luôn.
Mèng! Sara học nhiều, học bộn nhưng chưa là học trò ai, cũng chưa làm thầy ai, sao bữa nay lại bật ra nỗi đại ca cơ chứ. Mà nếu có ai cắc cớ mang ra so đọ, ấy thua kém cả trời vực ở mọi lĩnh vực, bỗng dưng lên đời thành đại ca, hỏi có lạ không?
Tuyên truyền kiểu ấy làm hư con gái mình rồi còn gì!
Cái bệnh của thiên hạ là thích làm thầy đời, Mạnh Tử nói thế. Tôi may cái là Bà Trời cho tôi miễn nhiễm loại bênh này.
Thế giới chữ nghĩa, đây đó có kẻ kêu tôi “thầy” với “đại ca”, tôi phủi tất! Cả khi đi thuyết với sinh viên hay Hội VHNT này nọ, tôi cũng “no”. Bởi đơn giản tôi đến nói chuyện, chớ không [dại dột] đi dạy bảo ai bao giờ.
Chàm là vậy, Việt thì ngược lại, cứ sợ tôi làm… đại ca!
Nguyễn Thành Nhân (FB-2014) thì: “Inrasara muốn trở thành một chủ soái văn nghệ và lái thế hệ trẻ non dại theo hướng nghĩ của anh.”
Mang Viên Long (Vanchuongviet, 1-5-2008) chơi kiểu đoán mò, rằng “Inrasara có lẽ đã cho mình là một trong vài nhà thơ tiên phong trong “cách tân, hiện đại hóa” của Việt Nam – có lẽ điều đó còn quá sớm”.
1 câu mà 2 “có lẽ” luôn!
Cham kêu ‘bbang angok dook dahlau’: “ăn trên ngồi trước”, Việt chả ngán, cứ là “chiếu trên chiếu dưới”. Thế nên ta khoái vụ kính thưa, như “kính thưa nhà thơ Inrasara, NGUYÊN Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam” chả hạn, vui chết đi được!!!