AI LÀ ỨNG VIÊN NOBEL?

Hôm qua, nhà văn Nguyễn Quang Thiều có tút: “Nhà văn Việt Nam nào sẽ trở thành ứng cử viên giải Nobel?”, thu hút nhiều bình luận.

14 năm trước, Vietnamnet (10-10-2008) làm cuộc phỏng vấn, và tôi đã phân tích rốt ráo trong “Giải Nobel cho văn chương Việt, tại sao chưa?”, tiểu luận này được in lại trong cuốn Song thoại với cái mới-2008.

Sau đó là “Thư cho Thùy Linh về Giải Nobel cho văn chương Việt”, Inrasara.com, 4-4-2009. Và mới nhất là tiểu luận “Nguyễn Huy Thiệp chưa thể với tới Nobel, tại sao?” đăng báo Văn nghệ TPHCM, 17-3-2022.

Từ Việt Nam, tôi nhìn ra thế giới, với: “Nobel văn chương năm nay đã trở lại với truyền thống”, báo Bình Thuận cuối tuần, 28-10-2017.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã đưa ra vấn đề, và dân chữ nghĩa xúm vô bàn. Là điều cần thiết. Buồn là, như mọi mọi thảo luận khác, người đặt vấn đề không chút gợi ý về tiêu chí, còn các nhà ta cứ cảm tính với cảm tình, mà không dựa trên nền tảng nào bất kì. Tạm nêu 4 điểm:

[1] Biết mình biết ta, cần nhìn toàn cảnh văn học trong và ngoài nước, [2] Hiểu ý Ủy ban Nobel kia từng chấm gì, [3] Với nhà văn Việt Nam, ta cần có cái nhìn toàn cục [chứ không phải 1 tác phẩm], [4] Và nêu vài điểm nổi bật, từ đó mới đưa ra cái tên mình cho là xứng đáng.

Chớ ta cứ mơ hồ, thì “ngài chủ tịch” chả biết đàng nào mà lần, rồi Ủy Ban Nobel cũng chẳng mò đâu ra đóng góp mà… chấm!

Nhà văn Việt Nam không phải chưa từng được đề cử, mới nhất có nhà thơ Ý Nhi.

Ở đây tôi tạm nêu hai, nêu để PHÂN TÍCH, chứ không phải đề cử.

Một là, Nguyễn Quang Thiều, có 4 điểm nhấn:

1. Con người. Đất nước thống nhất, Thiều 18 tuổi – tuổi đủ hiểu biết về cuộc chiến. Thiều không nợ máu, bên này hay bên kia. Thiều thừa hưởng thành quả của cuộc chiến: non sông về một mối, đồng thời chịu đựng và gánh hậu quả của nó: đất nước tan nát.

2. Tư tưởng. Dù bị ám ảnh bởi dư hưởng cuộc chiến, tư tưởng thơ của Thiều hướng về tương lai. Từ địa phương Làng Chùa, Thiều hướng ra toàn cầu. Châm ngôn hậu hiện đại: “Suy tư toàn cầu, hành động địa phương”.

3. Chuyên môn. Thời Đổi mới, Thiều là một cây bút đinh, có đóng góp quan trọng vào phong trào cách tân thơ. Cách tân ấy ảnh hưởng không nhỏ đến thế hệ trơ trẻ tiếp đó.

4. Hoạt động. Sinh hoạt ngoại vi của Thiều [báo chỉ, tổ chức…] tác động đến sự phát triển của nền thơ Việt Nam đương đại.

Và hai là, tôi – Inrasara! Nêu ra để/ và đặt câu hỏi.

– Về sáng tác, tôi có đóng góp gì? Nó được giới chuyên môn đánh giá ra sao? Chúng có được lan tỏa ra thế giới không? Lan tỏa tới đâu?

– Phê bình văn học ngoại vi qua 7 tác phẩm đã in mang tư tưởng nhân văn thế nào? Nó tác động ra sao đến chính nền văn học đương đại Việt Nam, rộng hơn – tư tưởng đó ảnh hưởng thế nào đến dòng văn học yếu thế?

– Nghiên cứu làm ra bộ Văn học Cham đồng thời lên tiếng về môi trường sống, về thổ dân, dân tộc bản địa thiểu số yếu thế, tinh thần hóa giải và hòa giải… đã ảnh hưởng thế nào đến nhìn nhận của cộng đồng trong và ngoài nước?

Và vài mươi nhà khác nữa, ta có thể lập hồ sơ tương tự.

Cuối cùng, câu hỏi cốt yếu và chung không thể không đặt ra: Nếu tư tưởng mới, lạ được thể hiện qua chữ nghĩa  tài hoa, đa dạng và dày dặn bị kì thị, bị chèn ép đủ điều thì nó có sống, lớn mạnh và được lan tỏa rộng không, hay nó bị teo tóp và thui chột?

Ai, hay cơ quan, tổ chức nào làm chuyện đó, không chỉ cho cá nhân nhà văn nào đó, mà cho cả nền văn học? Nếu không trả lời được câu hỏi này, chớ ngồi mơ giải Nobel!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *