Chế Vỹ Tân: TÂM THƯ GỬI BÀ CON CHĂM BÀ-NI

(Nguyễn Văn Tỷ, 88 tuổi, cán bộ hưu trí dân tộc Chăm, tôn giáo Bà-ni, viết tâm thư về sự vụ: Tôn giáo Bà-ni không có tên trong danh mục Ban tôn giáo Trung Ương).

Bà con Bà-ni quý mến!

Thông tin về Đại hội tôn giáo tại Bình Thuận 16-3-2022, thống nhất tên gọi Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani.

Đã có ý kiến trái chiều từ dư luận, một số ít ủng hộ, đa phần phản ứng khá gay gắt, tạo sự hiềm khích giữa các tín đồ, nguy hiểm đến tình đoàn kết và sự bất ổn trong cộng đồng nhỏ bé Chăm.

Cá nhân tôi, đã có nhiều trải nghiệm, trong sinh hoạt tôn giáo Chăm trước và sau giải phóng, như thể hiểu từng tiểu tiết nhỏ nhất cả về hiện tượng và bản chất tôn giáo Chăm, đúc kết nhiều bài học xương máu.

Với tâm thư này, xin trấn an bà con hãy bình tĩnh. Tên gọi Hồi giáo Bà-ni hay Bà-ni, tại Đại hội ở Bình Thuận CHƯA CÓ GÌ LÀ TO TÁT CẢ. Chúng ta còn một chặng đường dài phía trước.

Tôi xin góp 3 thiển kiến, có cơ sở nền tảng và tính thuyết phục về tín ngưỡng dân gian Chăm, mục đích rộng đường dư luận tham ý.

1. Đại hội ở Bình Thuận vừa qua chấp nhận tên gọi HỘI ĐỒNG SƯ CẢ HỒI GIÁO BÀ-NI, gây khó hiểu một cách kỳ lạ nơi bà con Chăm, bởi sai căn bản về sự thuyết phục, ngữ nghĩa, cả tính khoa học.

Về tên gọi: Hồi giáo là từ tiếng Việt gọi tôn giáo Islam. Vậy Hồi giáo Bà-ni, nghĩa là Islam Bà-ni? Trên thế giới chưa có một tôn giáo nào cắt ghép tên gọi một cách kỳ quặc thế này?! Islam và Bà-ni hai tôn giáo hoàn toàn độc lập không liên quan gì đến nhau, có ai nói đạo “Công giáo Tin Lành” không?!

Về bản chất, Hồi giáo thờ độc thần, duy nhất Allah, ngoài ra tín đồ Muslim kiêng kỵ, thậm chí chê bai, không chấp nhận cúng kiếng bất cứ hình thức nào.

Đạo Bà-ni thờ đa thần, thần Yang, Pô Âu-loah, tổ tiên, có các Pô Yang là các vua chúa trong lịch sử Chăm được thần hóa, v.v…

Bà con càng thắc mắc thêm rằng: Chức sắc là các vị đại diện cho tâm linh giao thoa âm dương hiểu hơn ai hết, càng tôn kính và giữ gìn bản sắc tôn giáo. Họ trực tiếp thực hiện lễ nghi tín ngưỡng, chắc hẳn trung thành tuyệt đối với ông bà tổ tiên, thần Yang. Bởi đức tin tôn giáo đã chảy trong mạch máu, trong huyết quản của họ.

Vậy lý do gì các vị lại chấp nhận tên gọi Hồi giáo Bà-ni?

Bà con tin rằng, Đại hội HĐSC tại Ninh Thuận sẽ có sắc thái khác, dân chủ, khách quan hơn. Phải là cuộc họp có tính giá trị về tín ngưỡng luật đạo, đặc biệt thuận lòng 45 ngàn tín đồ Bà-ni.

2. Thử lường trước một kết quả không hay nhất, Đại hội tại Nình Thuận sẽ thất bại, tên gọi vẫn là “Hồi giáo Bà-ni” (không thực hiện đúng tinh thần Báo cáo tổng kết tại Đại hội nhiệm kỳ 2016-2021 đã bàn thống nhất), thì CŨNG KHÔNG CÓ GÌ NGHIÊM TRỌNG CẢ.

Sau kết quả này, mỗi tín đồ Bà-ni CÓ QUYỀN LỰA CHỌN SỐ PHẬN CỦA MÌNH, QUYỀN TỰ DO TÍN NGƯỠNG.

Nghĩa là, nếu Bình Thuận chọn Hồi giáo Bà-ni, thì họ cứ sinh hoạt, thuận tự nhiên.

Nếu ai chọn tôn giáo Bà-ni, thì vẫn hành đạo bình thường như xưa nay, và luật pháp không có quyền can thiệp.

Sau năm 1832, dân tộc Chăm không còn chủ quyền, hoàn toàn bị khuất phục theo mệnh lệnh độc đoán của chính quyền Minh Mạng, trong đó có sinh hoạt tôn giáo.

Nhưng người Chăm vẫn tìm mọi cách để giữ vững phong tục tập quán, thờ cúng tổ tiên một cách tự nhiên thuận theo hoàn cảnh của mình. Họ tự lập tự cường, sinh hoạt một cách độc lập trong từng thôn xóm nhỏ bé.

Đến năm 1967 mới thành lập HỘI ĐỒNG LIÊN CHÙA TỈNH NINH THUẬN, để giải quyết những vướng mắc trong nội bộ cộng đồng Bà-ni, như: Thống nhất lịch Ahiêr Awal, tháo gỡ các thắc mắc trong luật đạo.

Tất cả không gian tín ngưỡng xa xưa ấy, khá “tinh khiết, sạch sẽ”, chức sắc và tín đồ hoà quyện, sự ổn định kéo dài gần 200 năm, không bị ràng buộc hành chánh pháp lý nào cả, ĐẸP VÀ THIÊNG LIÊNG VÔ CÙNG.

Năm 2011 Nhà Nước mới gợi ý thành lập Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà-ni và Hội đồng Chức sắc Bà-la-môn, hoạt động cho đến nay.

Nếu mọi thứ bất ổn không thỏa lòng tín đồ, CHÚNG TA XIN RÚT KHỎI HỘI ĐỒNG SƯ CẢ, “TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA”. DẪU CÓ ĐƠN SƠ CƠ HÀN, NHƯNG ĐƯỢC SỐNG ĐÚNG BẢN CHẤT TÔN GIÁO THUẦN TUÝ, ĐƯỢC VỀ VỚI NGUỒN CỘI, ĐƯỢC TỔ TIÊN ĐÓN CHÀO. Tất cả tín đồ Bà-ni được sống một cách an lành.

3. LỊCH SỬ CHĂM NHÌN TỪ MỘT QUÁ TRÌNH, TỦI THÂN KHÔNG!!!

Lịch sử Chăm không còn gì nữa, chỉ biết sống trung thành với Đảng, Nhà nước, và Tổ quốc Việt Nam. Đời sống hiện nay có lúc có nơi cực khổ, sống những vùng khô hanh khắc nghiệt nhất.

Người Chăm ở thế kỷ 21 không có tư tưởng phục quốc, càng không đòi quyền tự trị.

Điều duy nhất họ mong, ĐỨC TIN VÀO TÔN GIÁO, NHƯ THỂ CỨU RỖI HỒN PHÁCH CỦA TỪNG SINH LINH CHĂM, MÀ HỌ BÁM VÍU, TIN TƯỞNG ĐỂ SỐNG TRỌN KIẾP NGƯỜI.

Nay tôn giáo Bà-ni bị xoá sổ, khác nào cướp đi quyền tự do tín ngưỡng, quyền tối thiểu nhất của một kiếp người hiện diện trần thế này, có đáng sụp đổ không?!

Bộ phận người Chăm Bà-ni gắn kết chặt chẽ, hòa quyện nhuần nhị với người Chăm Bà-la-môn để tạo thành Tôn giáo Ahiêr Awal tuy hai là một, hòa bình và nhân ái. Đó là điều các nhà nghiên cứu đã khẳng định qua thực tiễn sinh hoạt phong tục tập quán. Nay Bà-ni mất coi như Tâm linh cộng đồng Chăm mất đi một nửa, thì còn gì là Chăm?

Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu, luôn dành sự quan tâm đặc biệt với dân tộc thiểu số. Luôn có tư tưởng: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…”

Dẫu biết cuộc xung đột tôn giáo xảy ra giữa nội bộ Chăm, nhưng Nhà nước Việt Nam là người nắm giữ cán cân điều hành, thực hiện qui chế hành chánh, pháp lý.

45 ngàn tín đồ Bà-ni Ninh Thuận và Bình Thuận, mong mỏi sự trung thực, khách quan, can thiệp đứng về lẽ phải công lý.

CẦN TRẢ LẠI TÊN GỌI TÔN GIÁO BÀ-NI TRONG DANH MỤC TÔN GIÁO TRUNG ƯƠNG, MỘT TÔN GIÁO BẢN ĐỊA ĐÃ TỒN TẠI GẦN BỐN THẾ KỶ.

Kết luận.

TÔN GIÁO VÀ DÂN TỘC, luôn gắn liền khối đại đoàn kết dân tộc, ổn định xã hội bền lâu.

Tôn giáo, như một không gian riêng của mỗi cá thể Chăm, ko thế bị xâm phạm. Không gian thiêng liêng ấy, mỗi sinh linh thể hiện hồn cốt, khí phách, lòng tự tôn dân tộc, đức tin về tôn giáo.

Tiếng nói của một cán bộ hưu trí Chăm, như thể TIẾNG RÊN AI OÁN của 45 ngàn tín đồ Chăm Bà-ni, TIẾNG KHẨN CẦU THÊ LƯƠNG CỦA TỪNG SINH LINH CHĂM.

Tiếng nói của một trí thức chân chính Chăm, LÀ TÂM THẾ MỘT LÒNG MỘT DẠ VỚI ĐẢNG, GIÚP ĐẢNG HIỂU NỖI LÒNG NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ CHĂM, để thắt chặt khối đại đoàn kết các dân tộc anh em.

Sự xoá bỏ tôn giáo Bà-ni, trái ngược với luật pháp Việt Nam, không phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và chưa có tiền lệ trên thế giới.

Bức tâm thư này, tôi mạo muội gửi đến:

Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Nước.

Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ.

Ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội.

Bà con Chăm nhiều lần thảo đơn, chữ ký của các tín đồ, chức sắc, gửi đến Ban Tôn giáo, các cấp lãnh đạo từ Trung Ương đến địa phương, nhưng vẫn chưa có sự hồi đáp thỏa đáng.

Nay tôi xin gửi thư này đến các vị cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước, LÀ TIẾNG RỈ RÊN BI AI CỦA “ĐÀN GÀ CON BỊ LẠC MẸ”, LÀ TIẾNG CẦU CỨU TỪ NHỮNG CÁNH TAY GẦY GUỘC, ĐEN ĐÓM, VÙNG VẪY KÊU CỨU MỘT CÁCH YẾU ỚT, GIỮA ĐẠI DƯƠNG.

Một lần nữa, chúc bà con bình tĩnh, vững tinh, hưởng trọn mùa Ramưwan an lành, hạnh phúc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *