Bài khá dài, bà con đọc ở link bên dưới, xin trích:
… Khác với một quan niệm phổ biến cho rằng người viết chỉ cần có năng khiếu trời cho, Inrasara khẳng quyết, người viết chỉ đi được đường xa, vươn ra được thế giới nếu có nền tảng tri thức…
1. Thì Lãng mạn hậu thời
Ở một thành phố phương Nam khi xe cộ đã đi ngủ
sự vắng mặt em khởi động nhớ trong anh
nhớ vào mùa gieo hạt
Nhớ
sáng tạo điệu bước em & ánh mắt em
môi hé em & vùng ngực nõn em. Sáng tạo
bàn tay móng ngắn em & vòng ôm nhiệt tình em
Nhớ mọc ngang tầm im lặng
nhớ huỷ thiêu trùng trùng khoảng rỗng
Ở thành phố khi ý thức đã đi ngủ
anh bay bằng triệu cánh tình yêu về làng quê phương Bắc
nơi
em đang xoã vùng tóc lạnh run rẩy thân mai trong rét
chờ anh phủ hơi ấm phương Nam
Ở một thành phố
da em thơm như niềm vắng mặt
2. Thì H[ậu h]iện đại
& chúng ta yêu nhau bằng thứ tình yêu đã lỗi thời
tình yêu từng xảy ra trong tiểu thuyết
Tự lực văn đoàn chẳng hạn. Cũng có thể gần hơn
Lối hôn này cóp của Bardot, Fonda – ai biết
thứ vuốt ve tối qua từa tựa The Pretty Woman
& chúng ta
yêu nhau như lặp lại
Như là bản sao
chán quá đi mất, em nói
hay mình lao bừa vào nhau đi anh
Nhớ anh da diết – bọn làm thơ chập cheng đã viết nát
yêu em mê mệt – Barbara Cartland đã nói rồi
điệu nghệ hơn cả anh, có lẽ
Hay ta chia tay đi em
lại là thứ chia li không miếng nào đặc sắc
na ná trong phim, xa hơn: truyện cổ tích
& thì
đành yêu tạm thôi, mình nhỉ!
3. Thì Cổ điển mới
Đất màu ngô
em & anh xe hơn một giờ
chúng ta ngược về lãng mạn lạc thời, em nói
Đất Cao Lan hẹp mà lòng em rộng
đồi Cao Lan cằn làm hồn anh phì nhiêu
quành xe vào hiện thực
Trời đang rét mà mắt em ấm
tay anh buốt cho da em thơm
người không dài lời về nghèo khổ
Đất màu ngô
tình yêu màu gì không biết
môtô lạnh cóng hơn một giờ
anh cứ giàu lên từng cây số. [1]
…
Nghệ sĩ hiện đại phải hiểu biết lý thuyết sáng tạo, biết dùng lý thuyết trong thực hành sáng tạo. Hoàn toàn không phủ nhận yếu tố bản năng, hồn nhiên, nhưng ông tin, bản năng, trực giác sáng tạo sẽ được mài sắc và trở nên mẫn cảm hơn bởi sự chỉ dẫn của những tri thức công cụ. Yêu nhau ba thì là một ví dụ cho thấy ý thức vận dụng lý thuyết loại hình thơ vào thực tiễn sáng tác của Inrasara. Ít nhất, ông cũng thuyết phục được độc giả tin rằng, lý thuyết hoàn toàn có khả năng trong việc gợi mở, thúc đẩy, phát triển ý tưởng sáng tác và chúng có thể đem lại những sản phẩm đầy bất ngờ trên thực tế.
…
Tóm lại, để nói về giễu nhại, một đặc trưng của lối viết hậu hiện đại, Inrasara dùng luôn thủ pháp giễu nhại để thể hiện. Trong trường hợp này, cái được nói đến sẽ được nói bằng/ qua chính [sự hiện diện thực tế của] nó. Bằng hình thức diễn tả này, Inrasara đã gây sự chú ý cần thiết với độc giả, khiến họ, khi đọc Yêu nhau ba thì, không thể không nghĩ đến giễu nhại như một thủ pháp, cũng là một giải pháp [cần thiết] trong sáng tạo, và cả trong đời sống. Đó chính là thành công và là điểm hấp dẫn nổi bật của Yêu nhau ba thì!