‘Bhaap ilimô’: văn hóa dân tộc (đúng hơn: “văn hóa quần chúng”) là từ cốt tuỷ của Pauh Catwai. Hai lần tác giả nhắc đến, đặt nó ngay cuối câu ariya – lục bát Cham: một câu thể hiện ở dấu hỏi làm sao, thế nào, một ở dấu than e rằng, sợ rằng.
Câu 38. Tha boh cơk tajuh giloong
Thibar ka throong bhaap ilimô
(Một ngọn núi bảy ngả đường/ Thế nào cho thông văn hóa dân tộc?)
Câu 99. Hajiơng ra cek pakhik
Đa ka lihik bhaap ilimô
(Nên người cho canh giữ/ E mất cả văn hóa dân gian!)
Sau cuộc đại biến động, sinh linh Cham luận lạc quy hồi cố hương và tồn tại. Tồn tại thế nào? Pauh Catwai nhìn toàn cảnh quê hương:
Dang di tapiên ia đôic
Glang bek biluic palei nưgar
(Đứng trên bờ nước chảy/ Phóng tầm mắt dõi suốt quê hương)
Quê hương lúc này đang đứng trước ngả bảy đường (tajuh giloong), ở đó chỉ có một con đường khả dĩ mở được nẻo vào tương lai: văn hóa chính là nền tảng.
Dauh Tơy Lơy từng băn khoăn:
Đa ka lihik roong reh
Palai phun pajeh bhaap ilimô
(E rằng sẽ tiêu tán/ Uổng mất cội nguồn văn hóa dân gian)
Pauh Catwai cũng có mối ưu tư tương tự. Đất đai đã mất, ngôn ngữ còn, văn học nghệ thuật còn. Tắt một lời: nền văn hóa dân tộc còn. Làm sao có thể giữ được nền văn hóa ấy, bảo lưu được tinh túy và tạo cho nó sinh khí mới?
Nếu Twơn Phauw ưu tư cho sự tồn vong của đất nước (ưu tư, hành động, và đã thất bại), nếu Glơng Anak trăn trở nhiều cho sự tồn tại của dân tộc và vị thế của dân tộc trong đất nước đã tan rã, thì ở đây, điều Pauh Catwai băn khoăn chính là văn hóa truyền thống. Nền văn hóa ấy:
Urak ni yau hala mrek
Dêh jaang khing pek ni jaang khing bbang
(Bây giờ như lá ớt/ Kia cùng muốn hái, này cũng mong ăn)
Đó là một thảm trạng. Thảm trạng này xảy ra vài trăm năm và bây giờ vẫn tiếp diễn. Hãy nhìn vào bảng thống kê hiện vật bị đánh cắp ở Viện Bảo tàng Chàm Đà Nẵng thì rõ. Và đọc thêm các bài báo đưa tin giai đoạn qua, ta hiểu ý nghĩa sâu kín của một câu thơ bí hiểm trong Pauh Catwai:
Tal thun tapai kek lan
Cok ka nưgar thơk nao mưjwa
(Đến năm thỏ cắn bùn đất/ Khóc cho quê hương trôi đi lặng lẽ).
Hôm nay, làm sao và thế nào? ‘Thibar ka throong bhaap ilimô’: “Thế nào cho thông văn hóa dân tộc?”
(trích Văn học Cham khái luận-1994)