Thông minh để tồn tại. CHAM CÓ THÔNG MINH KHÔNG?

Ta cần khẳng định: người Cham thông minh. Bởi đơn giản, kẻ bảo dân tộc mình không thông minh dễ bị cho là bôi nhọ, xem thường dân tộc – không gì dại hơn. Vậy chỉ nên đặt câu hỏi: Cham thông minh như thế nào, và thông minh tới đâu?

Trả lời câu hỏi này, ta thử so sánh Cham với Do Thái.

1. Lấy Do Thái ra so sánh, không chút cưỡng, tại sao?

– Hãy chấp nhận định đề: Không có sự ưu việt giữa các chủng tộc. Nghĩa là dân tộc nào cũng có chỉ số thông minh như nhau, trồi sụt chỉ là ở mỗi cá thể. Nên so sánh Cham với Do Thái hay bất kì dân tộc nào cũng không vấn đề gì cả.

– Do Thái và Cham có hoàn cảnh lịch sử gần như nhau: mất nước, lưu vong… So sánh với Do Thái, vấn đề dễ được soi sáng hơn.

2. Do Thái và Cham đã làm được gì? Có mấy điểm khác biệt:

– Gần 2000 năm lưu vong, Do Thái bị đối xử phân biệt, ngược đãi và đàn áp khắp nơi trên thế giới; Cham thì không. Hoặc nếu có chăng, cũng không nghiêm trọng như Do Thái. Đó là khác biệt rất căn bản.

– Do Thái đạt bao nhiêu thành tích chói lọi, thuộc hàng đầu thế giới về đủ lãnh vực. Họ cạnh tranh với cả thế giới; Cham thì tuyệt đối không. Tôi không kể cá nhân Cham nào đạt được thành tích nào đó về Cham: sử học, dân tộc học, ngôn ngữ học… dù có cao đến đâu cũng chỉ bó hẹp trong phạm vi đề tài về văn hóa văn minh Cham (nhưng chưa có). Mà phải là thành tích khi cạnh tranh sòng phẳng với thế giới bên ngoài mới đáng kể. Với cộng đồng đất nước nơi ta sống, hay cao hơn – với thế giới rộng lớn.

Là khác biệt không thể không nhận ra.

– Qua 20 thế kỉ, dân Do Thái vẫn giữ được liên hệ với nguồn cội, luôn hướng về nguồn cội và, khi có điều kiện – họ hành hương về đất Thánh; còn Cham chưa đầy thế kỉ, rất hiếm người trở lại Pangdurangga hay xa hơn – Mỹ Sơn. Đây là khác biệt rất lạ.

3. Câu hỏi

– Về [1] Cham có tinh thần quật khởi không?

– Về [2] Cham có thông minh không?

– Về [3] Cham có thực sự yêu dân tộc không?

4. Tìm giải đáp

– Nếu không, thì tại sao?

– Nếu CÓ, thì thế nào?

Thông minh & tồn tại. 4 CÂU HỎI LỚN DÀNH CHO CHAM

Do Thái vượt qua hoàn cảnh, và vươn lên được, tại sao?

– Hãnh diện về nguồn gốc “dân tộc được Thượng đế chọn” ư? Thì dân tộc nào mà chả! Người Trung Quốc vỗ ngực là trung tâm thế giới; Nhật tự phong đất nước Mặt trời mọc; Việt Nam tuyên bố mình con Rồng cháu Tiên; Pháp tự hào là con Gà trống gáy báo sáng cho cả nhân loại…

– Do Thái đề cao trí tuệ và tiền bạc ư? – Thì dân tộc nào mà không thích trí tuệ và tiền bạc!

– Bị xử bất công, bị miệt thị, khủng bố… đâu phải chỉ có Do Thái bị, tại sao có mỗi họ sống sót và vượt trội lên?

– Sức mạnh tôn giáo ư? Chắc gì đức tin Do Thái giáo mạnh hơn Islam?

Câu hỏi đặt ra: Tại sao dân tộc Do Thái lại xuất sắc như thế? Trả lời: Dân tộc nào cũng sở hữu các phẩm chất đó, nhưng có lẽ chỉ có Do Thái vượt trội.

Câu hỏi dành cho Cham

1. Tự hào về nguồn gốc

Cham có đủ tự hào về nguồn gốc không? – Có! Nhưng tại sao không ít sinh linh Cham chối Cham? Vì mặc cảm mình kém ư? – Thế khi Do Thái bắt đầu khởi nghiệp, họ đâu giàu có hay giỏi giang ngay, sao họ không từ chối mình là Do Thái? Hay khi lai giống là chuyện khó tránh ở thời hiện đại, Do Thái vẫn là Do Thái, còn Cham thì không, hoặc rất hiếm?

2. Đề cao trí tuệ và tiền bạc

Cham có thích trí tuệ và tiền bạc, nhưng đã đủ chưa? Tiền bạc – ta có quyết trở thành triệu hay tỉ phú không? Triệu phú, ta dừng lại xoa tay thỏa mãn, hay bắt đầu tiêu phá?

Trí tuệ – ta có nỗ lực cạnh tranh với cả thế giới không? Hay mới giật được mảnh bằng thạc sĩ, tiến sĩ thì ta thôi học. Hoặc chỉ quanh quẩn Cham mình khoe với nhau?

3. Tinh thần quật khởi

Cham có trang bị tinh thần này đủ chưa? Hay khi bị đối xử bất công, ta mặc cảm bỏ cuộc? Khi bị đàn áp, hoặc ta đầu hàng hoặc ta bạo động ngu ngốc để phải… chết oan uổng?

4. Sức mạnh đức tin

Khoản này Cham mạnh đến mức độ nào? Khi ta theo Ấn giáo, Islam, Công giáo, Tin lành, Cộng sản… ta có còn nguyên gốc VĂN HÓA DÂN TỘC để có thể hành hương về miền đất hứa, như Do Thái không? Hay ta mất gốc, mà chỉ biết có tôn giáo mình, Đảng phái mình?

Đây không phải là giải đáp. Tôi chỉ trả lời bằng cách đặt câu hỏi (cũng là cách của người Do Thái hay dùng – Eran Katz, Trí tuệ Do Thái), để các bạn tự tìm câu trả lời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *