Tồn tại-2. NHẬT VÀ VIỆT, AI THÔNG MINH HƠN?

1. Năm 1856-1858, gần như cùng thời điểm thực dân Pháp quyết tâm vào Việt Nam, Hoa Kì cũng thế với Nhật. “Có kẻ đề nghị quyết chiến… Các phiên hầu nhìn xa hơn, nghĩ muốn thắng Âu Mỹ thì phải có kĩ nghệ, binh bị như Âu Mỹ, nghĩa là phải Âu hóa đã… Nhật hoàng lúc đó là Minh Trị… cùng với Y Đằng Bác Văn một người đa tài và nhiệt tâm ái quốc, tận lực canh tân quốc gia…

Các sĩ phu đều hăng hái học tập phương Tây, dịch sách Âu Mỹ, nghiên cứu chính thể kỹ nghệ. Chính phủ đón thầy Âu dạy học cho dân: kỹ sư Anh chỉ cách cất đường xe lửa và đóng tàu, người Pháp dạy về luật và binh bị, giáo sư Đức dạy về y học và hóa học, nhà chuyên môn Hoa Kỳ tổ chức giáo dục, các nghị sĩ  Ý thì dạy âm nhạc và điêu khắc.

Phái thủ cựu phản động, hô hào bỏ cái học “man di” đó đi mà trở về Khổng giáo; nhưng thanh niên Nhật hăng hái canh tân, rút cục chính trị và kinh tế Nhật thay đổi hẳn”.

(Nguyễn Hiến Lê – Thiên Giang, Lịch sử thế giới, NXB Văn hóa Thông tin, H., 1995, sách tái bản, tr. 143-144).

Nhật Bản đã tồn tại rất oách, và cách nào đó họ đã “thắng Âu Mỹ“!

2. Nhật thì vậy, Việt Nam thế nào? Pháp đến, vua Tự Đức bế quan tỏa cảng, quyết chiến với thực dân. Thế rồi chẳng bao lâu sáu tỉnh Nam kì rơi vào tay Pháp. Hòa ước Patenôtre 1884. Cuộc kháng chiến trường kì, với Pháp, với Nhật, nạn đói kinh hoàng, sau rốt là với Mỹ. Khủng hoảng vượt biên và hậu vượt biên. Bao nhiêu trang sử hào hùng được viết, cạnh đó là chục triệu sinh linh ngã xuống, nghèo khổ và chia xé.

Chứ xin hỏi Minh Trị và Tự Đức, ai thông minh hơn?

[Ở đây xin mở ngoặc ghi chú thêm là hai lối nhìn trên về giai đoạn lịch sử chưa hẳn đã đúng, ta chỉ tạm mượn để minh giải đề tài đang bàn].

3. Thông minh không phải là chuyện học giỏi trong lớp, tiếp thu nhanh, nhớ giỏi để trả bài cho thầy, lấy điểm cao. Không phải, bởi Đại học có thể xuất lò cả ngàn tiến sĩ triết học, tiến sĩ toán học mà không có nổi nhà toán học hay triết gia, là thế.

Thông minh không là ứng đối mau lẹ như chuyện “Con thỏ thông minh” trong các truyện cổ Cham, chuyện Trạng Con trong cổ tích Việt. Đó chỉ là thứ khôn vặt khôn lõi, không hơn không kém.

Thông minh chính là khả năng ứng phó ở thời điểm quyết định nhất của đời người, của lịch sử dân tộc, một phản ứng đầy thông minh, từ đó ta có thể Tồn tại như là tồn tại, qua đó Phát triển và Vượt thắng ở cấp độ toàn cục.

Đến đây, ta tạm minh giải một phần câu hỏi: tồn tại và bản sắc.

Dù luân lạc tận đâu đâu, con dân Cham vẫn tồn tại, cho dù:

Nước non Chàm không bao giờ tiêu diệt

Tháng ngày qua vẫn sống trong đêm mờ

(thơ Chế Lan Viên)

Nhưng…

Người Cham lưu lạc tận Hải Nam xa xôi thời gian Lưu Kì Tông làm vua Champa cuối thế kỉ thứ X, bao nhiêu người còn dám nhận mình là Cham? Mấy vạn tù nhân Cham hai đợt ra Bắc vào thời Lý, con cháu họ có tìm về nguồn cội? Cham Hroi Bình Định – Phú Yên sau biến cố Vijaya hay nửa triệu Cham ở Khmer, Thái Lan sau biến cố Minh Mạng… có ai còn nhớ đến Cham? Rồi khi Cham lai giống, con cháu họ có ai đã từng nhận mình là Cham không?

Bạn hãy nhìn sâu vào câu hỏi và tự tìm cho mình câu trả lời.

Vậy: Người Cham có thông minh không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *