Ở đó, 1 bạn đọc lên 2 câu thơ Inrasara và muốn tác giả giải thích, tôi nói: Nhà thơ không được quyền giải thích thơ mình, ngoại trừ… Ghi lại 1 hỏi-trả lời ở buổi nói chuyện tại Trường Phan Bội Châu, để các bạn trẻ hiểu thêm.
*
Tại sao thơ về con gái, về người yêu cứ là mắt sáng như sao, làn tóc mây, bàn tay ngà, đôi vai gầy guộc, hoa nhài, vân vân, mà không gì khác, không gì hơn?
Tại sao không thể là “chó ốm”, “mắt cá ươn”, “thước kẻ cong”, hay “bông cứt lợn”? Các bạn thử xem Nguyên Sa đã xử lí ngôn từ tưởng không gì là thơ ấy tuyệt thế nào nhé:
Hôm nay Nga buồn như con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chẳng là nước biển!
Hay thơ về tháp Chàm chẳng hạn. Đâu phải cứ “tháp gầy mòn vì mong đợi” như Chế Lan Viên thuở nào. Nhà thơ trẻ tuổi tài hoa này diễn tả một tâm trạng bình thường bằng nói cách bình thường theo hệ nhân cách hóa, Văn Cao thì khác:
Tự trời xanh
Rơi
Vài giọt
Tháp Chàm.
Văn Cao thánh thiện và siêu việt. Qua con mắt duy mĩ, sự có mặt của tháp thoát khỏi mọi nắm bắt của lí trí con người. Đến Inrasara:
Tháp đang trôi trong hoàng hôn
chợt mắc cạn
ở lưng đồi…
Càng khác bạo. Là một suy tàn của vương quốc (hoàng hôn), một dang dở của nghệ thuật hay văn minh (mắc cạn), một ở lại trần gian đầy đau xót, tức tưởi (ở lưng đồi). [Đây là minh giải mang tính mĩ học, chứ không là giải thích thơ mình]
Không dừng ở đó, dưới mắt Inrasara, tháp Chàm còn được nhìn ở nhiều góc độ, tình huống, tâm trạng. Là “tháp Chàm muôn mặt”.
Tháp cô độc và kiêu hãnh: “tháp nắng”.
Tháp bị bỏ rơi và run rẩy: “tháp lạnh”
Tháp âm u đầy bí hiểm: “tháp hoang”.
Trời nóng nực: “tháp ở trần nằm”, trời lạnh: “tháp ngủ”, nhớ vương quốc: “tháp đứng”, hứng khởi: “tháp bay”…
Tháp đột ngột xuất hiện trong ta khi ta làm tha hương nơi đất khách quê người: “Đôi lúc / nửa đêm / tôi nghe tháp mọc ngang trời”.
Khi “là chim”, “tháp bay”.
Là bóng ma, tháp “trườn qua đêm tối những triều đại”.
Buồn, “tháp ngậm im lặng màu tro”; giữa thất thường khí hậu miền Trung: “tháp thét gào với bão”; qua chiến tranh tàn phá, đổ: “tháp lãng du thế giới cỏ cây”; rồi khi tất cả tiêu tan: “tháp chuyện trò cát bụi”.