(Tiểu luận)
* Nguyễn Văn Tỷ (áo xanh – phải) trong chuyến đi Kate Cham ở Hoa Kỳ.
1. Tính đơn giản và tiết kiệm
2. Tính rộng rãi và thuận lợi
3. Tình ôn hòa và đoàn kết
4. Tính đậm đà bản sắc dân tộc
5. Tính không bành trướng
6. Tính nhập đạo đơn giản
7. Sự hiểu lầm đáng tiếc của các tín đồ Bàni
* * * *
Ưu tư, trăn trở về tôn giáo – tín ngưỡng Bàni, bản thân tôi (và có lẽ nhiều người khác cũng thế) tự nhiên thấy phải đặt câu hỏi rằng: “bản chất tôn giáo này tốt đẹp như thế nào, nghĩa là có gì đặc biệt để chúng ta phải trân quí và bảo tồn không?”. Nếu suy nghĩ và phân tích thật chín chắn, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về tính ƯU VIỆT, “đẳng cấp” của tôn giáo – tín ngưỡng bản địa hóa này về các đức tính: đơn giản và tiết kiệm, rộng rãi và thuận lợi, ôn hòa và đoàn kết, không bành trướng mà lại đậm đà bản sắc dân tộc, sẽ gây nên biết bao hấp dẫn và ngợi khen đối với các nhà nghiên cứu tôn giáo thế giới. Thật vậy, trong bối cảnh cực kỳ xáo trộn, gieo rắc những đau thương, chết chóc của những cuộc bạo loạn và chiến tranh tương tàn đáng ghê tởm đã xảy ra và phát triển thành tai họa lớn cho nhân loại như ở Trung Đông (Iran, Irắc, Koweit), Nam Á (Ấn Độ, Pakistan, Cashmir, Myanmar), Đông Âu (Tchécoslovaquie, Nam Tư, Grusia), Indonesia (Aceh) v.v… thì tại một vùng xa xôi hẻo lánh của cực Nam Trung Bộ Việt Nam lại tồn tại một tôn giáo rất hiền lành, ôn hòa và đoàn kết của dân tộc Chăm cũng như lối sinh hoạt của hai tôn giáo Bàni – Bàlamôn thật độc đáo gắn bó hòa quyện với nhau một cách kỳ lạ, không tìm đâu có trên thế giới này!
Nội dung sau đây sẽ giới thiệu những đức tính ưu việt nói trên để cống hiến quí bạn đọc…
1. Tính đơn giản và tiết kiệm
Nếu chúng ta nhìn lại một cách toàn bộ tất cả những đám đình truyền thống Bàni thì chúng ta sẽ ngạc nhiên mà nhận định rằng những đám đình đó đều rất đơn giản và tiết kiệm, phù hợp với mọi hoàn cảnh của tín đồ nông dân nghèo khó. Tính đơn giản tiết kiệm là một nét văn hóa của người Bàni.
a/ Đám cưới phong tục:
– Theo phong tục truyền thống thì vợ chồng Bàni bắt buộc phải thực hiện lễ cưới tôn giáo mới được chấp nhận là cặp vợ chồng “hợp lệ”, để cuộc sống sau này có nhiều thuận tiện như: được vào phía trong thang mưgik để lễ bái, cha mẹ chết được quyền “nâng đầu” cha mẹ, được làm lễ buh âu va cho cha mẹ (tín đồ nam) hoặc bản thân lúc qua đời được hưởng lễ tang bình thường hay long trọng, (ngược lại, sẽ chỉ được làm lễ tang theo thủ tục con nít). Lễ cưới tôn giáo này rất đơn giản: chỉ cần một con dê, một nải chuối, một khay nổ và một số bánh phong tục. Chi phí hôm nay (2013) chỉ khoảng năm triệu đồng là tối đa (khoảng 800kg lúa). Ngoài ra, tôn giáo Bàni không đòi hỏi tín đồ của mình phải làm bất cứ lễ lạc hay đãi đằng gì khác.
– Tuy nhiên, thực tế hôm nay đã cho thấy là không chỉ làm lễ cưới theo phong tục (bắt buộc) mà còn phải làm lễ “tuyên hôn” rất linh đình để mời tất cả bạn bè xa gần và cả họ đàng trai đàng gái đông đủ nhằm công bố cho mọi người biết là các con mình đã… thành hôn! Đây là một việc làm mang tính cách “đua đòi” và “phô trương” mà thôi, nghĩa là hoàn toàn không bắt buộc. Nhưng, oái oăm thay, chính lễ “ngoài phong tục” này lại trở thành lễ chính và chi phí tốn kém hơn 15 lần (khoảng 80 triệu đồng) so với lễ chính thức!! Đấy là một việc làm “trình diễn”, “đua đòi” không liên quan gì đến phong tục – tập quán Bàni cổ truyền cả!!
b/ Đám tang phong tục:
– Về mặt nghi lễ, đám tang Bàni được nhiều người khác (ngoài tôn giáo Bàni) khen ngợi là một đám tang rất nghiêm túc và hoành tráng! Ai đã có dịp dự một lần thì sẽ mang ấn tượng tốt đẹp mãi mãi…
– Về mặt nội dung và ý nghĩa của đám tang, chúng ta có thể phân biệt được hai loại đám tang: đám tang nhỏ và đám tang “đẳng cấp”.
+ Đám tang nhỏ (rao galêng) là loại đám tang rất đơn giản và rất tiết kiệm, chỉ thực hiện trong một buổi. Về lễ cúng thì chỉ đòi hỏi một cặp gà và một số bánh trái để cho năm tu sĩ – Pô Achar làm lễ. Chi phí cho lễ cúng này chỉ khoảng năm trăm nghìn đồng (100kg lúa). Chính vì vậy mà các cụ già thường trao đổi với nhau rằng, không có loại đám tang – đám tuần nào lại đơn giản và tiết kiệm như lễ nghi này của người Bàni!!
+ Các loại đám tang – đám tuần đẳng cấp: (padhi klâu haray tajuh padhi)
Ngoài đám tang – đám tuần nhỏ và bình thường nói trên còn có các loại đám đẳng cấp như: đám tuần 3 ngày với lễ cúng cá, đám tuần 3 ngày với lễ cúng một con trâu, đám tuần 3 ngày với lễ cúng hai con trâu và 7 đám tuần kéo dài trong một năm với lễ cúng xen kẻ trâu và cá. Trong ba loại đám tuần ba ngày này thì chỉ lễ vật cúng là khác nhau (cá hay trâu) nhưng kinh kệ và thủ tục tôn giáo thì không khác nhau. Còn lễ 7 tuần thì dĩ nhiên “đẳng cấp” hơn và một vài kinh kệ, thủ tục có khác hơn chi phí cho đám tuần 2 con trâu khoảng 70 triệu !!
+ Về ý nghĩa của các vật cúng (cá hay trâu), các Pô Gru (Sư cả) cho biết đây chỉ là vật cúng mang ý nghĩa đãi đẳng bạn bè, bà con, họ hàng trước khi “đi xa”, chứ không nên hiểu là các vật cúng này (trâu) được đưa về bên kia thế giới để làm của cái, hay phương tiện sinh hoạt. Nếu muốn đem trâu, bò, ngựa hay dê cừu về bên kia thế giới thì chúng ta có thể đưa các con vật này đến vào ngày lễ tất (pôk nong) của đám tuần kèm giấy gởi đến địa chỉ người nhận và được đeo vào cổ con vật ấy để cho Pô Achar làm lễ “pah” và xé bỏ thì ắt các con vật ấy sẽ được đưa qua thế giới cõi âm, đến địa chỉ người nhận. Đấy là theo lý thuyết và lý luận của tôn giáo – tín ngưỡng mà các tín đồ Bàni thường sử dụng để gởi tiền bạc hay vật chất về bên kia thế giới cho người thân của mình.
– Nói tóm lại, theo phong tục tập quán cổ truyền thì các lễ cưới hay lễ tang – đám tuần rất đơn giản, không gây tốn kém nhiều cho các tín đồ. Chỉ do “đua đòi – phô trương” mà chúng ta phải chi phí quá sức chịu đựng của một gia đình nông dân bình thường! Chúng ta hãy suy ngẫm lại kỹ càng và chín chắn để có một quan niệm sống cùng một định hướng sống rõ ràng và khoa học về vấn đề nói trên, nghĩa là phải hiểu rõ ý nghĩa của hai danh ngôn: –“Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình” (Phật Thích Ca), -“Ô thay ngak di dray ô hai, tamuh di hatai dray ngak di dray” (Không ai làm hại mình cả, chính tự mình làm hại mình đấy thôi) của Poh Chatôi. Thật là thâm thúy và đáng cho chúng ta suy gẫm!
c/ Các lễ cúng hay lễ hội khác:
Như chúng ta đã biết, tôn giáo – tín ngưỡng Bàni không phải thuần túy mà là bản địa hóa (Champa hóa) từ hai tôn giáo Bàlamôn và Islam. Vì vậy mà tôn giáo này mang ảnh hưởng sâu đậm của cả hai tôn giáo trên, đặc biệt là các lễ cúng quẩy thần Yang, thờ cúng ông bà tổ tiên là xuất phát từ tín ngưỡng xa xưa và cũng từ gốc Bàlamôn Ấn Độ (Hindou). Tôi xin đơn cử ra đây một vài lễ cúng hay lễ hội mà các tín đồ Bàni đang thực hiện:
– Các lễ rija (rija dayăuk, rija haray, rija nưgar, rija prong) là ảnh hưởng của Bàlamôn giáo.
Thường rija dayăuk (hay lễ múa buổi tối) là do gia đình thực hiện, qua lời sự nguyện. Mặt khác, đây cũng là một hình thức lễ nghi bắt buộc phải làm của Muk rija (bà múa) để được vinh danh theo tín ngưỡng.
Rija haray (lễ múa ban ngày) thường do cả tộc họ thực hiện theo định kỳ hàng năm (đầu năm theo Chăm lịch) nhằm cầu nguyện cho mọi người bình an, thịnh vượng, muôn vật êm ấm. Cả hai loại rija này được thực hiện không tốn kém bao nhiêu.
Rija nưgar (lễ hội đầu năm) được tiến hành trong hai ngày rất long trọng. Đây là một lễ hội lớn để cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và mọi sinh linh được bình an. Lễ này do cộng đồng địa phương đứng ra tổ chức. Rija prong (lễ múa lớn) thường được thực hiện từ 3 đến 6 ngày nhằm vinh danh Muk rija của họ tộc và do họ tộc đứng ra tổ chức. Đây có thể nói là một lễ hội khá hoành tráng xuất phát từ Bàlamôn giáo (do sự lưỡng hệ của tôn giáo này). Lễ hội này khá tốn kém (may là được tổ chức chung trong tộc họ), vì thế mà nhiều người tiến bộ muốn đặt lại vấn đề để cùng suy nghĩ thật chín chắn hầu phải bảo tồn, hoặc không cần bảo tồn…
Lễ hội Ramưvan: Đây là lễ hội lớn nhất của cộng đồng Bàni được tổ chức hàng năm tương tự như lễ Tết Nguyên Đán của người Kinh. Những ngày tảo mộ được thực hiện cùng một thời gian nhất định cho cả cộng đồng Bàni, thật nhộn nhịp và hoành tráng, nhưng những việc cúng kiếng ông bà tổ tiên là do gia đình đảm nhiệm, chi phí cho cúng quẩy cũng không tốn kém bao nhiêu nếu gia đình không chi vào những việc mua sắm rất linh tinh.
Còn các lễ cúng quẩy lặt vặt khác (rất đa dạng gọi là “ngak yang, ngak Pô”) là do gia đình nguyện cầu van vái rồi phải thực hiện. Tuyệt đối không có một tục lệ nào bắt buộc phải làm! Đúng ra, các lễ cúng ấy chỉ là takhat (cúng dường – một hình thức từ thiện) mà thôi. Tuy nhiên có một vài lễ cúng mang tính cách “chu kì” (Via dụ: Những lễ cúng vòng đời – từ mới sanh đến khi mất chẳng hạn). Lễ này cũng dần dần phai mờ với thời gian…
Chúng ta cũng nên lưu ý chính phần lễ hội, cúng quẩy này thường dễ sa vào cực đoan và dẫn đến mê tín làm lu mờ những nét đẹp của phong tục – tín ngưỡng Bàni.
Mặt khác, tham khảo “Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo” của Nước CHXHCN Việt Nam, Điều 14 ghi rằng: “Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải bảo đảm an toàn, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn, bảo vệ môi trường”. Chúng ta thấy là các lễ nghi hay đám đình truyền thống của tôn giáo – tín ngưỡng Bàni rất phù hợp với nội dung của điều 14 này.
2. Tính rộng rãi và thuận lợi
a/ Vấn đề ăn mặc:
Người Chăm Bàni ăn mặc theo truyền thống dân tộc và gần như tuyệt đối bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Đặc biệt là không có một tí ràng buộc gì về phía tôn giáo Bàni. Trong trào lưu văn minh hiện đại và giao lưu văn hóa rộng rãi, các thanh niên nam nữ Bàni vẫn được quyền tự do ăn mặc theo “mốt”, miễn là có thẩm mỹ và không đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Dĩ nhiên mấy bà phụ nữ và phụ lão thì thích ăn mặc kín đáo và truyền thống, rất được xã hội khen ngợi và khuyến khích.
b/ Vấn đề ăn uống:
– Tuy mang ảnh hưởng sâu đậm của tôn giáo Islam, người Chăm Bàni kiêng cử rất hạn chế và rất “đời thường” nghĩa là không giống như những tu sĩ. Việc này cũng rất lôgic vì những tín đồ Bàni, ngược lại với tin đồ Islam, không bị ràng buộc phải “nghiêm túc kiêng cử” trong tháng chay tịnh Ramadan của Hồi giáo chính thống. Họ vẫn ăn uống và sinh hoạt rất bình thường, thậm chí có tín đồ không bao giờ đến thánh đường thang mưgik của mình suốt tháng chay tịnh! Trong sinh hoạt thường ngày, họ vẫn vào các cửa hàng ăn uống trong lúc các tín đồ Islam không bao giờ dám đụng đến bát đĩa của người ngoại đạo, sợ dơ uế (chén đĩa đã dùng đựng thịt heo, thịt dông v.v…).
c/ Vấn đề lễ nghi:
Chính do tính cách rộng rãi trong quan niệm tu hành (chỉ có những tu sĩ – Pô Achar mới phải tu hành và kiêng cử), người Chăm Bàni hoạt động trong nghề công chức hoặc lúc còn là học sinh, sinh viên vẫn rất thoải mái vì không phải kiêng cử dùng cơm trong các tiệm ăn hoặc phải bị ràng buộc thực hành các nghi lễ 5 vak-tu hàng ngày. Ngay trong tháng Ramưvan, tín đồ Bàni cũng không cần kiêng khen, chay tình mà vẫn ăn uống ăn uống và sinh hoạt bình thường. Chính tính cách rộng rãi, vô tư của tôn giáo – tín ngưỡng Bàni đã không có những ràng buộc gắt gao đối với các tín đồ, tự nhiên đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tôn giáo và kinh tế của các tín đồ của mình.
Nói tóm lại, do quan niệm phó thác việc tu hành cho các tu sĩ mà các tín đồ Bàni sinh hoạt rất thoải mái trong cuộc sống thường ngày, trong lúc những tín đồ của các tôn giáo khác bị ràng buộc đủ điều. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng do sinh hoạt thiếu chặt chẽ và thiếu ràng buộc, các tín đồ Bàni dễ sa vào bê tha, tiêu cực. Vì thế mà tôn giáo Bàni cần bổ sung vào chỗ trống này một kế hoạch giáo dục tôn giáo thật nghiêm túc!
3. Tính ôn hòa và đoàn kết
A. Về văn hóa và nhân văn dân tộc Chăm:
a/ Người Chăm lưu trú tại dãi đất Miền Trung Việt Nam đầy khắc nghiệt nắng gió, nghịch cảnh, binh đao, đã lưu lại nhiều dấu ấn kinh nghiệm ý chí về văn hóa đặc thù để sinh tồn và phát triển. Chúng ta thử soi sáng và minh định lại qua các áng văn chương Chăm trong thực tiễn sinh hoạt hàng ngày của cuộc sống, đặc biệt là dân tộc Chăm đã đúc kết được một số lượng đáng kể về ca dao, tục ngữ, thành ngữ cũng như các thơ văn trong tinh thần “Hòa bình tâm thể, hòa giải hận thù, hòa đồng tôn giáo, hòa giao vũ trụ, hòa hợp muôn loài”. Ariya Glâng Anak (G.A), Poh Chatôi (P.Ch) có những câu bao hàm nhiều điểm sáng xin đơn cử một vài ví dụ điển hình:
– “Di lôk ni prong yom ia tathik,
Ra ngak kapal bloh đik takê đi ngok dalah riyak” (G.A)
(Rộng trên đời này rằng biển cả,
Người đóng thuyền rồi lướt trên ngọn sóng”
Qua câu trên, ta thấy rõ: mọi trở ngại, khó khăn đều có cách tháo gỡ khắc phục.
– “Mưthi mưthăm, tahu tahang, rahi raha,
Ra buh apui pađăm sara, ra payak hanim ka dray” (G.A)
(Mặn chua, khô khát, cơ cực,
Người nhóm lửa, đãi phúc cho mình)
Ý niệm thể hiện tính khắc kỷ của phương Tây, như câu nói của A. Musset: “Người đời là kẻ học nghề mà sự đau khổ chính là ông thầy của hắn”.
Chính đau khổ đã rèn chúng ta nên người vậy
Bôh mưbai thong janưk dôm di ôn,
Dhar phôr chalah chalôn, urang mưk di dray nao dahlâu” (G.A)
(Thấy thù oán biết bao là mừng vui,
Phước đức thất tán, người ta lấy đi trước rồi)
Khi khởi lên tâm sân hận là mất đi tính mầu nhiệm của chữ TÂM, hệ quả của nó là bao nhiêu phước đức, ân sủng sẽ bị thất tán. Thật là chí lý khi nhà Phật nói rằng: “một đốm lửa sân đốt cháy rừng công đức”.
– “Sa pakar ghak abih grăuk ia,
Jhak hadôm patom ba, ginong habar ba pasiam”
(Có một điều ngăn cản đến các quốc gia,
Xấu bao nhiêu cũng nên giảm bớt, giận bao nhiêu cũng nên làm lành)
Nếu như tất cả các quốc gia trên thế giới đều có một thái độ như trên thì tiếng HÒA BÌNH sẽ không phải là điều không tưởng.
b/ Đồng dao Chăm cũng không kém phần sâu sắc trong vấn đề giải sân hận, khi nói rằng:
“Ginong:
Ô bih hong di glai, ô bih tapai di ganôr,
Ô bih Yuôn di darak, ô bih ak di thruh!”…
(Giận ư?
Đâu hết thỏ trong rừng, đau hết ong trong tổ,
Đâu hết người Kinh trong chợ, đâu hết quạ trong tổ)…v.v.
c/ Còn thành ngữ, tục ngữ, ca dao Chăm cũng không thiếu những câu khuyên răn giải sân hận đầy tính minh triết:
– “Dôm bloh, dôm kadok” (thành ngữ).
(Bao nhiêu đã xong, bấy nhiêu thôi)
– “Ưn di janưk tôk siam
Ưn di rajam ka plôi thro livik”
(Nhịn một cơn tức giận cho yên,
Nhịn (nâng niu) giàn bí để hưởng trái được lâu)
Tính “ôn hòa và đoàn kết” thể hiện qua văn hóa Chăm là như thế đó.
B. Soi rọi vào thực tế của cuộc sống
a/ Sự hòa đồng hòa hợp giữa hai tôn giáo Bàni (Aval) và Bàlamôn (Ahiêr) cũng như với các tôn giáo khác:
– Vào thế kỷ thứ 17, tôn giáo – tín ngưỡng Bà la môn và tôn giáo Islam chính thống đã có sự cạnh tranh và sự xung khắc kịch liệt làm cho xã hội Chăm lúc bấy giờ bị xáo trộn mạnh. Vua Pô Rômê (1627-1651) một vị vua anh minh của Champa, đã đưa quan niệm “nhất thể lưỡng hợp” để dung hòa hai cộng đồng tôn giáo này (xin xem phụ lục cuối quyển sách): Tôn giáo Bàlamôn trước đây chỉ thờ các Thần Yang, nay phải thờ thêm đấng Allah, và tôn giáo Islam chỉ độc tôn đấng Allah (tức Pô Âu Loah) nay phải thờ thêm tất cả Thần Yang của Bàlamôn. Mục đích của việc làm này là để dung hòa hai cộng đồng tôn giáo này, cho rằng người Chăm theo tôn giáo Bàlamôn (hay AHIÊR) thuộc dương và theo cộng đồng tôn giáo Islam bản địa hóa (Chăm hóa) được gọi là AVAL hay Bàni thuộc âm. Theo quan niệm này thì hai cộng đồng tôn giáo “tuy hai mà một” sống gắn bó và kết hợp với nhau như nam và nữ, chồng và vợ (ÂM – DƯƠNG kết hợp). Quan niệm này được thể hiện thông suốt và nhất quán trong nội dung lý thuyết (trong âm có dương, trong dương có âm), cũng như trong hình thức các nghi lễ (đám cưới, đám tang…) trong cả trang phục của các vị chức sắc hai tôn giáo.
– “Đây có lẽ là hiện tượng độc nhất vô nhị trên thế giới! Bởi có đâu trong vũ trụ bát ngát mà hàng giáo phẩm tôn giáo nào vui vẻ qua làm lễ tôn giáo kia không? Có đâu trên quả đất mà tín đồ đạo này dâng lễ cúng cho giáo sĩ đạo kia tín thành như ở Chăm không? Có nơi nào một lễ lớn như Rija Nưgar, hai tôn giáo cúng thần (iêu yang) như nhau, các lễ quan trọng Pakak Halâu Krong… hai bên tu sĩ đồng lòng bắt tay hành lễ? Hay có nơi nào đã sáng tạo ra một hệ trung dung là Mưduôn cùng vui vẻ làm lễ cho cả hai bộ phận tín đồ? Có lẽ không đâu cả. Sự hỗn dung và tiếp bước tín ngưỡng bản địa tiền tôn giáo với năm tôn giáo nhập cảng xen kẻ và chồng chéo lại thành thực thể vừa đa dạng vừa phức hợp, sinh động, hòa quyện nhuần nhị trong đời sống tâm linh Chăm. Sự hòa hợp tôn giáo Chăm còn thể hiện qua cách ăn mặc của giáo sĩ hai bên. Người Chăm xem cấp Pasêh biểu tượng cho likay (đàn ông – dương), cấp Achar biểu tượng cho kamay (đàn bà – âm), nên lối ăn mặc của họ cũng thể hiện rất rõ rệt”. (Inrasara, Minh triết Chăm).
– Qua phân tích trên, chúng ta có thể nói tôn giáo – tín ngưỡng Bàni (hay Aval) là một hòa hợp tôn giáo đầy sáng tạo của người Chăm. Nó thôi mang dáng dấp tôn giáo thần quyền đầy khoảng cách với bình dân của Bàlamôn, không còn độc thần chính thống xa lạ với văn hóa dân tộc như Islam. Nó hòa hợp dân tộc, hòa giải tôn giáo, xóa nhòa phân biệt bình dân và đặc quyền. Bàni của dân tộc Chăm nhân bản là vậy, hòa đồng, hòa hợp là thế!
b/ Sự ôn hòa và đoàn kết giữa con người với con người
Trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động, xung đột, bạo loạn giữa các tôn giáo, các quốc gia; sự ô nhiễm môi trường xét theo nghĩa rộng vật chất lẫn tinh thần, nhất là nền văn minh Internet đang xâm chiếm đến tận làng mạc hẻo lánh, thực tế cấp bách hôm nay đòi hỏi phải có một MINH TRIẾT trong Giáo dục và đặc biệt là trong Tôn giáo.
Chúng ta nhận thấy là tất cả các tôn giáo đều dạy “đạo làm người”, dạy con người tích lũy cá THIỆN và xa lánh cái ÁC. Nhưng tiếc thay, do lòng tham vô đáy của con người đối với việc nhỏ cũng như việc lớn, đối với việc gia đình cũng như đại sự quốc gia, nên con người nói chung và các tín đồ tôn giáo nói riêng xử sự rất lệch lạc, bất chấp luật lệ quốc gia hay quốc tế giáo lý và giáo luật của tôn giáo mình!
Về mặt tôn giáo, thật đáng tiếc và nghìn lần đáng tiếc chỉ vì hiềm khích, kỳ thị hay tranh chấp về giáo lý – giáo luật với nhau mà phải động đến binh đao vũ khí để giết hại lẫn nhau vô cùng khủng khiếp đưa nhân loại vào đường cùng ngõ cụt…
– Hiện nay, trên thế giới biết bao nhiêu cảnh đau thương giết chóc giữa các tín đồ tôn giáo này với tôn giáo khác chỉ vì hiềm khích hay kỳ thị. Chúng ta có thể viết ra một danh sách dài về sự kiện đáng tiếc này như: giữa Bàlamôn và Hồi giáo tại Ấn Độ, giữa Tin lành và Hồi giáo (các nước thuộc Liên Xô cũ), giữa Công giáo và Tin lành (Ai-len), giữa các dân tộc cùng một tôn giáo với nhau (Afghanistan) giữa các môn phái cùng tôn giáo như Islam Sunit – Shiit ở Irak và mới đây nhất là giữa các tín đồ Phật giáo với các tín đồ Islam di dân từ Bangladesh đến định cư tại Myanmar .v.v. và .v.v.
Những sự kiện binh đao như trên đây đã dạy cho ta cho là một bài học đích đáng: đó là bài học của sự thoái hóa tôn giáo và sự suy đồi đạo đức của nhân loại, mà những vị có trách nhiệm trong cơ quan Liên hiệp quốc phải tìm mọi cách để giải quyết tốt đẹp trước khi căn bệnh trầm trọng trở thành muộn màng…
– Nhìn lại các tôn giáo Bàni và Bàlamôn của dân tộc Chăm, chúng ta thở phào một cách nhẹ nhõm và không quên cảm ơn Thượng đế cũng như các bậc tiền bối ta đã sắp xếp cho dân tộc Chăm được hưởng một hình thái tôn giáo bản địa hóa Aval – Ahiêr rất kỳ diệu, sống hòa đồng hòa hợp với nhau như các cặp nhị trùng âm – dương, nam – nữ, vợ – chồng theo công thức “nhất thể lưỡng hợp” –tuy hai mà một, tuy một mà hai!
Hai tôn giáo lớn nhất thế giới là Bàlamôn giáo và Islam đã bị Chăm hóa hoàn toàn để trở thành Bàlamôn Chăm hay Ahiêr và Bàni hay Aval, khác hẵn với các đạo nguyên gốc. Trong sinh hoạt hàng ngày, người Chăm Ahiêr vẫn mời các tu sĩ Pô Achar của Aval đến chủ lễ trong một số việc cúng kiếng (như cúng ngạnh chẵng hạn…) và trong tháng Ramưvan các tín đồ của Ahiêr cũng đến Thang mưgik Aval để cầu nguyện và cúng dường. Ngược lại, các tín đồ Aval vẫn làm các lễ Rija, và vào mùa Katê cũng đội mâm quả hay gà cúng lên Tháp để cầu nguyện các Thần Yang phù hộ cho gia đình và quê hương được bình an. Về việc thờ phụng các Thần linh thì từ khi được bản địa hóa, các tôn giáo – tín ngưỡng Aval – Ahiêr làm lơ với tam thần Ấn Độ (Shiva, Brahma, Vishnu) để tôn thờ Pô Inư Nưgar (Bà Mẹ xứ sở) và các Vua, Chúa có công với dân tộc Chăm như: Pô Klong Girai, Pô Rômê, Pô Dăm, Pô Klong Hlâu, Pô Klong Kasat… đã được thần yang hóa. Như vậy, Bàlamôn Chăm và Bàni là hai tôn giáo kỳ lạ, độc đáo tại Việt Nam mà trên thế giới không đâu có được!!
– Ngoài ra, chúng ta nhận thấy tính ôn hòa – đoàn kết của tôn giáo – tín ngưỡng Bàni rất cao: các tín đồ của họ sống chan hòa, đoàn kết với bất cứ tôn giáo nào ở Việt Nam cũng như trên thế giới và đặc biệt là không truyền đạo nghĩa là không “bành trướng”. Có lẽ do tính không bành trướng này mà Tôn giáo Bàni trở thành tôn giáo hiền hòa nhất ở Việt Nam và cũng có thể là cả trên thế giới này. Hơn nữa, tính rộng rãi (không ràng buộc) của tôn giáo này làm cho các tín đồ khác dễ mến mộ và xích lại gần. Một câu chuyện có thật về tôn giáo Islam Chăm hóa này làm cho mọi người, mọi tín đồ phải suy ngẫm về tính hiền hòa – không ràng buộc của họ: một nhà nghiên cứu Chăm Bàni có lần được đến Irắc để công tác. Các nhà khoa học Hồi giáo Irắc hỏi anh ta theo đạo nào? Anh ta trả lời rất thản nhiên: “tôi theo Hồi giáo và thờ đức Allah, nhưng là Hồi giáo mới, đã được bản địa hóa và mang tên đạo BÀNI. Hồi giáo mới của tôi (tức Bàni) sinh hoạt rất thoải mái, rất rộng rãi và không bị ràng buộc chặt chẽ nào về mặt tôn giáo; mọi việc tu hành theo luật đạo đều được phó thác cho các tu sĩ Pô Achar, vì thế mà các tín đồ như tôi đây không cần phải làm lễ 5 vak samưyâng hàng ngày cũng không cần kiêng khen, chay tịnh trong mùa Ramưvan như các anh và còn có thể ăn uống thoải mái, nếu tôi muốn!”. Tất cả nhà khoa học Hồi giáo trố mắt nhìn, rất ngạc nhiên, rồi cùng nhau cười và thốt ra: “lạ quá! lạ quá! chúng tôi chưa nghe thấy tôn giáo nào trên thế giới có tính ôn hòa, rộng rãi như thế này!”.
Chắc chúng ta không khó hiểu về sự quá đổi ngạc nhiên của các người Irắc: trong cảnh thịt rơi máu đổ hàng ngày vì kỳ thị tôn giáo giữa sunnit và shiit (khác môn phái), đất nước Irắc đã chìm đắm trong máu và lửa, trong đau thương, tang tóc và vô vọng thì nghe được câu chuyện kỳ lạ về tôn giáo Hồi giáo mới của Việt Nam đầy ôn hòa, nhân ái và rộng lượng chưa từng thấy!
4. Tính đậm đà bản sắc dân tộc
a/ Thừa hưởng các tín ngưỡng truyền thống bộ lạc và dân tộc:
Trước khi chịu ảnh hưởng Bàlamôn giáo của Ấn Độ (Hindou) vào đầu công nguyên, bộ lạc Chăm (Hồ Tôn) đã có một nền văn hóa bản địa nặng về tín ngưỡng sơ khai, đa thần. Đặc biệt là chế độ mẫu hệ đã chi phối mọi sinh hoạt xã hội như là yếu tố định hướng cho mọi tín ngưỡng cũng như lễ nghi tôn giáo sau này. Có thể nói là tín ngường dân gian nguyên thủy của người Chăm (hay đúng hơn là người Hồ Tôn) lúc bấy giờ cũng na ná như tín ngưỡng các dân tộc khác: tín ngưỡng thuần túy ban sơ (vạn vật hữu linh), tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, ma thuật và bùa chú…
Về sau này, khi dân tộc Chăm phát triển và sinh hoạt có tổ chức, biết phát nương, làm rẫy và ruộng lúa nước thì tín ngưỡng cũng thay đổi dần theo đà phát triển kinh tế và thường gọi là “tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước”.
b/ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên:
Bên ngoài thì tôn thờ đa thần, còn phía gia đình thì cộng đồng người Chăm cổ có tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên. Ngày nay, chúng ta vẫn còn thấy các hình thức tôn thờ ấy qua biểu tượng Kut và Ghur (nghĩa địa Bàlamôn và Bàni) tồn tại hàng ngàn năm nay, vẫn còn thấy được dọc dãi đất Miền Trung Việt Nam – đặc biệt là trên các đồi cát bãi biển.
c/ Nội dung các lễ nghi tôn giáo cũng được bản địa hóa:
Như chúng ta đã biết là vào thời vua Pô Rômê (1627-1651), tôn giáo Bàlamôn Ấn Độ và tôn giáo Islam (gốc Mã lai truyền đến) đã được bản địa hóa hoàn toàn để mang dáng dấp Chăm và có tên mới là AHIÊR và AVAL (tức Bàlamôn Chăm và Bàni). Từ đó tất cả các lễ nghi trong các đám phong tục như: đám cưới, đám nhập đạo (Karơh), đám tang, đám tuần… cũng có phần biến đổi nhiều cho phù hợp với quan niệm mới là “nhất thể lưỡng hợp” của hai tôn giáo Chăm này. Chúng ta cũng cần lưu ý là ngay trong tính “nhất thể lưỡng hợp” cũng đã chứa đựng biết bao bản sắc văn hóa dân tộc khi đã mạnh dạn “cải biên” hai tôn giáo lớn của thế giới là Bàlamôn Ấn Độ và Hồi giáo chính thống trở thành tôn giáo Chăm hoàn toàn, kỳ lạ và độc đáo, có một không hai trên thề giới.
d/ Tính bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc:
Tôn giáo Islam du nhập vào xứ Champa cũ, không những quan tâm tích cực truyền đạo mà còn truyền luôn VĂN HÓA Hồi giáo nguyên gốc của các xứ Ả Rập nghĩa là người Chăm theo đạo Islam bắt buộc phải từ bỏ bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống của mình để thay vào văn hóa Ả Rập cho phù hợp với tôn giáo mới: ăn mặc – ăn uống – đám đình – kiêng khem, lễ nghi… Ngược lại, tôn giáo – tín ngưỡng Bàni bảo tồn một cách cực đoan các bản sắc văn hóa – tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Chăm. Chính vì tính cực đoan trong việc bảo tồn này, chúng ta lại e ngại tôn giáo của chúng ta sẽ dễ sa vào mê tín là điều bất hạnh phải được cảnh giác và tránh xa…
5. Tính không bành trướng
a/ Tính không truyền đạo:
Tôn giáo – tín ngưỡng Bàni không bao giờ truyền đạo cho bất cứ ai. Có lẽ bản thân tín đồ Bàni tự hiểu tôn giáo – tín ngưỡng là do ông bà tổ tiên mình để lại, người Bàni thì có bổn phận bảo tồn tín ngưỡng Bàni, còn các tín đồ khác thì người nào đã có đạo nấy rồi, hà cớ gì mình phải đi truyền đạo mình cho họ? Dĩ nhiên hiểu như vậy là vừa bảo thủ vừa quá “thời cổ”! Hôm nay, theo nhịp sống mới văn minh hiện đại thì quan điểm đó đã đổi khác đi rồi…
Chính vì có suy nghĩ như thế, người Chăm Bàni mới không thích người khác nhập đạo mình (các trường hợp cưới hỏi người ngoài đạo chẵng hạn). Mặt khác, những tín đồ Bàni lấy vợ hay chồng ngoài đạo sẽ không được các thầy làm lễ mai táng theo thủ tục bình thường mà lại theo thủ tục đặc biệt và đơn giản nhiều. Trước đây, các con cái của họ cũng rất khó được chấp nhận theo đạo của cha hay mẹ. Một nhận xét khác có vẻ thực tiễn cho chúng ta thấy là tôn giáo – tín ngưỡng Bàni không có giáo luật để làm lễ nhập đạo cho các người ngoài đạo, chính vì thế mà từ khi Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni ra đời (2006) mới bắt đầu bàn thảo giáo luật mới này gọi là KARƠH KAHROK (lễ nhập đạo cho nữ) . Tuy nhiên, đến hôm nay vấn đề vẫn chưa được đồng thuận và thống nhất được.
b/ Tính hòa hợp hòa đồng:
Như đã nói trên đây, tôn giáo – tín ngưỡng Bàni có tính hiền lành và thụ động, không bao giờ tranh chấp hay hơn thua với các tôn giáo khác. Chính bản tính tốt này làm cho các tín đồ Bàni sống an phận thủ thường, nghĩa là không đua đòi, thi thố với bất cứ tôn giáo nào khác. Tuy nhiên, chính vì có quan niệm như vậy mà người Bàni khó phát triển nhìn về các mặt sinh hoạt khác của cuộc sống con người.
Nhưng tính hiền lành và thụ động này lại giúp cho các tín đồ Bàni sống rất chan hòa với mọi người và phù hợp với sự ước muốn của nhân loại và các tôn giáo thế giới là sống hòa hợp hòa đồng một cách rất tự nhiên.
Hai đức tính không truyền đạo và sống hòa hợp hòa đồng đủ chứng minh là tôn giáo – tín ngưỡng Bàni không bao giờ là tôn giáo bành trướng.!
6. Tính nhập đạo đơn giản
Để làm lễ nhập đạo cho các con em mà cha mẹ là tín đồ Bàni thì gia đình phải làm lễ Karơh cho các cháu nữ và lễ Katat cho các cháu nam. Còn người ngoài xin nhập đạo thì phải qua lễ Karơh Kahrok (cho các em nữ và các bà) hay lễ Katat (cho nam giới).
– Lễ Karơh:
Các cháu gái từ 12 tuổi đến 15 tuổi, thì được gia đình tiến hành làm lễ Karơh. Lễ này khá đơn giản chỉ đòi hỏi một con dê cúng và một số bánh trái theo phong tục cho 5 tu sĩ Pô Achar làm phép nhập đạo. Số lượng của các cháu nữ này là từ 2 (tối thiểu) cho đến 6 cháu hay hơn nữa cũng được. Thầy chủ lễ chỉ cần thầy Imưm cụ chứ không đòi hỏi Pô Gru (Sư cả). Thời gian tiến hành là một ngày và một buổi. Một việc cần lưu ý là không phải bắt buộc gia đình phải tự tổ chức đám lễ này mà cũng có thể đến “pagâm” (gởi nhờ) nơi gia đình có tổ chức đám Karơh, và chi phí chỉ một con gà!
– Lễ Katat:
Các cháu nam thường đến tuổi 14 – 15 thì được gia đình dẫn đến đám Karơh (của các cháu nữ) để kết hợp làm lễ rất đơn giản, chỉ tốn một con gà. Về thủ tục tôn giáo thì không giống như các cháu nữ phải có lễ nghi tôn nghiêm hoành tráng mà chỉ có một vài thủ tục mang tính cách “đời thường” hơn là tôn giáo…
– Lễ Karơh Kahrok:
Những người ngoài đạo, không phân biệt tuổi tác, nếu là nam thì phải tiến hành lễ Katat như nói trên. Còn em nữ nhỏ hay các bà thì phải làm lễ Karơh Kahrok đơn giản hơn nhiều về thủ tục tôn giáo so với đám Karơh bình thường.
7. Sự hiểu lầm đáng tiếc của các tín đồ Bàni
– Trên đây, chúng ta đã nói đến tính “đơn giản và tiết kiệm” là một trong những nét đẹp nhứt của tôn giáo – tín ngưỡng Bàni. Thật thế, chúng ta khó tìm thấy một đám tang – đám tuần bình thường tiến hành đúng nghi thức tôn giáo mà chỉ tốn kém 500.000đ (chưa đến 100 kg lúa) (loại đám rao giliêng) trong thời gian một buổi là xong. Còn đám tuần 3 ngày thì thay vì làm cá cho đơn giản, sạch sẽ, đẹp đẽ thì đa số tín đồ lại đua đòi làm đám tuần 2 con trâu, tốn kém khoản 70 triệu, gấp 140 lần đám rao giliêng và gấp 4 lần đám tuần cá 3 ngày!!
– Còn đám likhah (đám cưới) theo phong tục thì chỉ tốn kém tối đa 5 triệu là xong hết, nhưng lại mời bà con hai họ và bạn bè xa gần đến đãi đằng thật linh đình tốn kém gấp 20 lần đám theo phong tục! Đáng buồn thay chỉ vì “đua đòi trở thành tập quán” mà một số hộ nghèo có nhiều con gái không thể làm đám cưới nổi mới xuối con kiếm chồng người Kinh để khỏi phải gánh chịu một đám cưới quá nặng nề.
Về ý nghĩa đám tuần, chúng ta đều hiểu đó chỉ là hình thức đãi đằng bà con gần xa khi ta đã hoàn tất kiếp nhân sinh, lìa cõi dương thế để cát bụi trở về với cát bụi…
Như vậy, chỉ do thiếu hiểu biết về tôn giáo mình mà một số trí thức trẻ lại rời bỏ đạo của tổ tiên để theo tôn giáo khác. Thật đáng tiếc lắm thay!
KẾT LUẬN
Qua phân tích trên đây về “bản chất tôn giáo – tín ngưỡng Bàni tốt đẹp như thế nào”, chúng ta đã nhận định được những điểm quan trọng sau đây:
– Một là: Các tín đồ chưa hiểu được những nét đẹp tinh túy, vừa tráng lệ, vừa đơn giản, tiết kiệm của các lễ nghi và đám đình Chăm Bàni. Chúng ta chưa hiểu thấu đáo mà cứ oán trách và than phiền là thế nào?
– Hai là: Các tín đồ chưa thấy được các nét văn hóa “đẳng cấp” của tính thuận lợi và rộng rãi, tính ôn hòa và đoàn kết, tính đậm đà bản sắc dân tộc và đặc biệt là tính không bành trướng của tôn giáo Bàni. Theo tôi, các tín đồ Bàni nên hãnh diện và tự hào về tôn giáo của mình do các ưu điểm trên đây thay vì than phiền và hổ thẹn…
– Ba là: Chỉ trong vòng 1 năm, “Ban Hỗ trợ tôn giáo – tín ngưỡng Bàni Phước Nhơn” làm việc tích cực và tổ chức khoa học đã thực hiện thành công những kết luận các cuộc họp của Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni cũng như các chỉ thị và nghị quyết quan trọng, đặc biệt nhất là về vấn đề TIẾT KIỆM và ĐƠN GIẢN HÓA trong các đám đình.
– Bốn là: Hôm nay cộng đồng người Chăm Bàni đã có “Hội đồng Sư Cả Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận” làm đầu tàu trong mọi sinh hoạt tôn giáo. Nếu các tín đồ biết đoàn kết lại và có ý thức cộng đồng mạnh mẽ thì sẽ dễ dàng khắc phục được những trì trệ, yếu kém cũng như tất cả tồn tại do lịch sử để lại bằng sức lực và trí tuệ của chính mình.
Nói tóm lại, bản chất tôn giáo – tín ngưỡng Bàni là rất tốt đẹp. Còn ngày mai sẽ ra sao thì do chính ngày hôm nay chúng ta có thái độ tích cực hay tiêu cực như thế nào, nghĩa là “định mệnh của tôn giáo Bàni nằm trong tay của các tín đồ Bàni chúng ta”.
CHÚ THÍCH:
– Tiểu luận này trích từ quyển sách “Tôn giáo – tín ngưỡng Bàni đi về đâu” sắp xuất bản.
– Tất cả chữ Chăm trong tiểu luận này đều được phiên âm theo nguyên tắc của TS David Blood.
Tính cách của dân tộc Chăm thật hiền lành, dung dị và thuần khiết.
Cảm ơn bài viết của bác giúp mọi người hiểu rõ hơn.