VƯƠNG PHI MỴ Ê, 1 TÁC PHẨM ĐÀNG HOÀNG

“Dòng Châu Giang ủ vết thương xưa

cựa mình quằn quại

đau nỗi đau Mỵ Ê

lịch sử chia phân hai định mệnh lạ kì

kẻ xuôi Nam, người ngược Bắc

cửa biên thùy gió Lào thổi rát

thổi rát đau hai mảnh linh hồn” (Inrasara, Trường ca “Quê hương”, 1982)

Đẹp bên cạnh xấu, đạo hạnh cư trú sát sườn tục lụy, bóng tối lẩn với ánh sáng, huyền thoại ẩn dưới sự thật về Vương phi [hay hoàng hậu] Mỵ Ê cuốn hút bao thế hệ văn nhân khóc thương lẫn thêu dệt.

Ai người vừa chiếm đất, đốt thành người ta, mới giết chồng người ta xong lại đòi người ta vào nhà nghỉ! Chơi kiểu đó ngó sao đặng. Bye bye bụi trần này thôi…

Nửa thế kỉ qua, tôi đọc hầu hết truyện hư cấu từ [các mảnh] lịch sử Champa. Đọc, mà thất vọng. Không hiểu văn hóa Cham rồi tùy tiện hư cấu, có. Dựa vào nỗi “hư cấu” của chính sử Việt rồi thêm mắm thêm muối tùy nghi, có. Tưởng tượng và sáng tạo tùy hứng, cũng có luôn. Thế đấy!

Còn nghiên cứu?

20 năm lặn lội tìm Cham và văn hóa Cham ngoài Bắc, từ Nghệ An ra Thạch Thất, từ Bắc Ninh ngược lên Thái Nguyên, tôi nhìn ra bao nhiêu là dấu vết. Đậm lẫn nhạt. Hỏi đâu là công trình có thể nhận diện như nó là? – Không, tuyệt đối không.

Quan họ Bắc Ninh, nhà nào cũng hô có bà con với âm nhạc Chàm, chớ tìm ra gien di tuyền của nó, thì không. Ở cuốn “chuyên luận” 400 trang bìa dày về chủ đề này ấn hành mươi năm trước, cũng không luôn. Dân nghiên cứu ta làm ăn chả thua kém cánh văn nghệ sĩ.

May…

Hôm nay tôi vừa nhận được VƯƠNG PHI MỴ Ê của anh bạn thơ: Châu Hồng Thủy gửi. Nhà thơ mà thao tác làm việc đáo để!

Công trình 404 trang, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc vừa in quý 2-2024, tác giả: Châu Hồng Thủy (chủ biên) và Hoàng Thị Hiệp với lời nói đầu khiêm tốn rất mực:

“Trong cuốn sách này, chúng tôi thiên về mô tả những công trình tâm linh liên quan đến việc thờ phụng Bà Mỵ Ê mà chúng tôi khảo sát mấy năm qua, mô tả những tư liệu thư tịch đã sưu tầm. Việc phân tích, đánh giá đa chiều, chúng tôi xin khất để thời gian lắng đọng, chiêm nghiệm và viết tiếp sau này”.

Khiêm tốn vậy mà đựng chứa bao nhiêu là tư liệu, được sắp xếp nền nếp qua 3 phần cùng nhiều chương: Phần 1. Vương phi Mỵ Ê – Từ huyền thoại dân gian đến sử sách. Phần 2. Khảo sát các địa phương thờ phụng Bà Mỵ Ê. Phần 3. Phụ luc.

Ngay ở “phụ lục” được cho là khá “phụ” này, mỗi “Phụ lục 2: Mỵ Ê – nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca”, tác giả đã sưu tầm với chú giải công phu 16 bài thơ và một bài vọng cổ cải lương, cũng đủ cho ta biết lối làm việc nghiêm túc thế nào rồi.

Tôi nói: đây là công trình đàng hoàng!

P.S.

16 bài thơ, sớm nhất là bài Vịnh Mỵ Ê bằng chữ Hán của Lý Thái Tông, muộn nhất là của nhà thơ Châu Hồng Thủy, ở đó bài “Tâm sự Nàng Mỵ Ê” của Tản Đà được biết đến nhiều hơn cả. Bài này đã được ông anh Quảng Đại Hội phổ nhạc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *