Inrasara: LỜI CẢM ƠN MUỘN MÀNG

[như một lời giã từ thầy Bùi Khánh Thế]

Nhập cuộc chữ nghĩa, sau nhà thơ Nông Quốc Chấn – là người đứng bảo hộ cho đặc san Tagalau do tôi sáng lập và chủ biên, ở lĩnh vực ngôn ngữ Cham – tôi xem thầy Bùi Khánh Thế là ân nhân.

Tôi gặp thầy đầu tiên vào năm 1980 tại Hội thảo về “chuẩn hóa chữ Cham” ở Phan Rang do Ban Biên soạn sách chữ Chăm tổ chức. Khi ấy tôi nông dân mới bước qua tuổi đôi mươi, đại biểu trẻ măng ngồi giữa “các cụ” đáng kính. Lần hai, tám năm sau – tại Đại học Tổng hợp TPHCM.

Cũng là thứ duyên tiền định, có thể gọi thế.

Câu chuyện.

Mùa mưa 1990, khi đưa cả gia đình lang bạt miền Tây về, tôi gần như trắng tay. Lúc đó yut Thủ đang quán tạp hóa ở palei Palau quê ngoại nơi tôi hay ghé. Quán yut đang ăn nên làm ra. Thi thoảng yut Ngạt từ Sài Gòn tạt qua, ngủ nhờ. Thủ bày:

– Sao yut không thuê chợ Chakleng đang bỏ không để làm?

– Ờ, sao không nhỉ?

Ậm ừ vậy thôi. Ngạt và Thủ là hai dân chiến đúng nghĩa. Tôi khác – nòi mơ mộng. Về, tôi hót chuyện với Hani. Hani cũng dân chiến, quyết ngay. Tôi vốn ngán món kinh doanh cò kè bớt một thêm hai. Ngán, nhưng vẫn ỡm ờ:

– Ừ, thì buôn bán.

Thế là đăng kí thuê cái chợ còn trơ gan từ thời ông Nguyễn Văn Thiệu xây cho dân quê hiện Hợp tác xã quản lí. Nó từng là quán ế, nên Hani trúng thầu. Dễ và rẻ như cho không. Tôi tính trời cho, chiều vợ, lăn xả vào rồi sắm vai chính luôn. Để rồi chưa đầy hai năm Tạp hóa Haly’s thành nổi tiếng cả vùng. Với dân quê, nó còn được coi là thành công lớn.

Tháng 8-1992, tôi nhận thư mời vào Đại học Tổng hợp làm việc. Quán đang kì ngon lành, thói đời khuynh hướng ổn định, tôi thì khác: vâng. Ngay tuần sau, tôi khăn gói lên đường. Lương tháng 800.000 đồng, chưa tới góc tư thu nhập ở quê, chỉ vừa đủ cho cà phê và báo. Thêm thầy Nguyễn Ngọc Đảo. Trung tâm bảo: Xem lại phiếu Từ điển Chăm – Việt được sinh viên cắt-dán từ Từ điển Moussay, qua tháng, ai về nhà nấy.

Mô Phật! Soạn từ điển chớ phải làm thơ đâu. Tôi nói không thể, nó cần nhiều người và nhiều thời gian hơn thế. Cò kè bớt một thêm hai, Trung tâm hứa mời thêm hai người hỗ trợ, công cuộc hoàn thành trong hai năm.

Hai năm ấy, tôi vô danh tiểu tốt, bằng cấp không, đảng viên không, vị thế càng không. Dư luận Cham đố có tin, thêm vài dân có học đâm thọc, rằng thằng Trạm làm sai hết. Từ điển không thể xuất bản nếu chưa thông qua trí thức và hội đồng chức sắc Cham. Thế là Trung tâm mở Hội nghị Góp ý Từ điển. Ngay đất nắng Phan Rang, là khu vực đông Cham nhất, có tiếng nói nặng nhất.

Hơn 100 đại biểu Cham các nơi tụ về, thêm mươi chuyên gia từ Hà Nội và Sài Gòn, lãnh đạo Tỉnh. Tại đó, qua một buổi gợi mở cho đại biểu góp ý, để hơn tiếng đồng hồ buổi chiều, tôi đã hóa giải mọi thắc mắc, nhẹ nhõm. Đoạn kết, tôi nói:

– Đây là công lao của Trung tâm, của thầy Bùi Khánh Thế, nhất là của bà con Cham đã đọc bản thảo và đưa ra ý kiến xác đáng trước đó.

Ở buổi tiệc chiều, thầy Nguyễn Văn Tỷ kêu:

– Sao lại phải làm như thế kia chứ, công lao của mình lại đổ hết cho người khác, là sao?

Tôi chỉ im lặng, và mỉm cười đầy… bí hiểm!

Đổ công lao cho ai khác, chả phải khiêm tốn đâu, mà thật.

Trước 1975 ở năm cuối Trung học Pô-Klong, tôi gần như đọc đến thuộc nằm lòng hai cuốn Từ điển dày cộm: Moussay và Aymonier [cuốn này bởi là độc bản, tôi hai lần mượn ở Thư viện Trường chép tay]. Sau đó, thời gian làm việc ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm 1982-1986, Tủ sách của Ban chỉ có mỗi món ngôn ngữ học, tôi nhai nát hàng chục công trình thuộc loài khó nhằn này. Thiếu cuốn Ngôn ngữ học đại cương của Saussure, tôi qua Thư viện Tỉnh mượn và phi tang, để chịu bồi thường gấp 7 lần giá bìa, mang về nhai tiếp.

Để rồi sau khi xong bản thảo Tự học tiếng Cham [diễn trình tại Ban năm 1985] và Từ vựng học tiếng Cham [thuyết tại Chakleng trước 20 dân chữ nghĩa Cham năm 1991], tôi nghĩ mình đã số dzách rồi. Sức mấy!

Vào Trung tâm làm việc trực tiếp với dân ngôn ngữ chính hiệu, tôi mới biết mình còn nhiều lổ hổng. Ở đó, thầy Bùi Khánh Thế là một. Thế nên cho dù một thành viên hô rằng, Từ điển này đến 80% thuộc công anh Trạm, tôi nghĩ ngược lại. Bởi dân chuyên họ làm việc kiểu khác, có nghề hơn, trong khi mình chỉ giỏi mỗi món ‘Akhar thrah’.

Vậy mà hồi “chiến trường email”, vài Cham đã tố thầy Bùi Khánh Thế “không biết chữ Cham”, rồi mỉa mai thầy này nọ – một loài chủ quan hỏng nặng mà không tự biết!

Trở lại câu chuyện.

Chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam – ĐNÁ bố trí cho tôi tạm trú ở Cư xá dành cho sinh viên nước ngoài tại đường Nguyễn Chí Thanh, quận 11.

Nghe lời tôi, Trung tâm quyết “chờ thầy Thế về”. Thầy về, tôi trình bày đề cương, tài liệu tham khảo, văn bản thô gồm các bản chép tay cổ và số từ vựng tôi thu lượm được. Trung tâm cần mở các cuộc hội thảo nhỏ để thu thập ý kiến chư vị trí thức Cham.

Cò kè bớt một thêm hai, mọi người nhất trí: Thời hạn ba năm, bổ sung thầy Lương Đắc Thắng, Phú Văn Hẳn vào vai phụ, khi ấy Thành Phần rút lui.

Đang ngon trớn, sau Tết 1994, không hiểu tác động từ đâu, Giám đốc Trung tâm là thầy Nguyễn Văn Lịch nảy ý ngưng công cuộc. Thì nghe đồn trình độ Cham về tiếng Cham chỉ mới lớp Ba, không soạn nổi Từ điển, dịch Aymonier, là đủ. Được thôi, tôi nông dân chân chất thì tôi trở lại đời chân lấm tay bùn nhà nông, chả sao cả. Dẫu sao trước khi qui hồi cố hương nắm đuôi cày, các bác nên ban đặc ân cho em nói lời cuối!

Tôi đề nghị cuộc họp ngắn. Bùi Khánh Thế, Nguyễn Văn Lịch, Thành Phần, Phú Văn Hẳn, Lương Đức Thắng. Tôi tập đặt câu: Bởi vì chưa nắm vững tiếng Cham cho nên vài thành viên bị ý kiến ngoài lề lung lạc. Sau mười lăm phút đồng hồ nghe tôi thuyết, phiên họp quyết: tiếp tục!

Hai năm ấy, tôi vai Tổ trưởng đứng đầu gió chiến đấu với con chữ, đối phó với bao nỗi người. Lúc này gia đình tôi đã chuyển hẳn vào thành phố, trôi giạt từ khu cư xá Thanh Đa thiếu không khí đến căn nhà ổ chuột quận Tân Bình. Chiếc xe đạp cọc cạch mỗi ngày đưa tôi qua 40 cây số đường phố Sài Gòn. Sáng qua Trung tâm đánh vật với chữ nghĩa, trưa sang Thương xá TAX giúp Hani bán thổ cẩm, chiều đèo bà chủ về. Ngày qua ngày, tôi như con Ma Hời cày cuốc 12 tiếng đồng hồ trên cánh đồng chữ.

Năm tháng ấy, thầy Bùi Khánh Thế luôn đứng cạnh tôi, hỗ trợ tôi tối đa – chuyên môn lẫn sinh hoạt đời thường. Thầy rủ tôi về quê thầy ở Chợ Lầu, Long Hương, rồi theo tôi hai lần về Phan Rang. Lần cuối, sau khi Từ điển Chăm – Việt ra đời, thầy cùng thầy Lịch đánh xe ra tận Ban Biên soạn sách chữ Chăm, tặng 30 bộ Từ điển cho Ban và bà con Cham.

Sau Từ điển Chăm – Việt (Nhà xuất bản KHXH, 1995) thầy bày làm thêm Từ điển Việt – Chăm (Nhà xuất bản KHXH, 1996). Tiếp, tôi giúp thầy đọc bản thảo Cơ cấu tiếng Chăm để Nhà xuất bản Giáo dục in năm 1996 cùng lúc thầy kêu Trung tâm hỗ trợ tôi in cuốn Văn học Dân gian Cham (1995) với lời giới thiệu trang trọng của giáo sư Chu Xuân Diên.

Inrasara nhà nghiên cứu đang nổi như cồn thì đột ngột, tin Tháp nắng đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam bay tới. Lạ chớ, sáu năm có ai biết Phú Trạm làm thơ đâu.

– Ban đầu, tôi cứ nghĩ do ưu ái nhưng không phải vậy, thơ Trạm rất hay đó, thầy Thế nói.

Ở buổi tiệc cuối năm, sau khi giới thiệu trang trọng Tháp nắng, thầy đọc đoạn trích trường ca “Quê hương”, còn kêu tôi đọc bài thơ tiếng Cham nữa. Phấn khích, như thể thầy vừa được ấy, khác xa tính khí ngày thường của mình.

Tagei dalah habar klah di kek gaup’ Răng với lưỡi làm sao tránh cắn phải nhau, bà con Cham nói thế. Sáu năm, hai chúng tôi đã “cắn phải nhau” một lần, duy nhất – không dính dáng đến chuyện Từ điển, mà ở ngoại vi: thổ cẩm.

Để làm quà cho Hội nghị Góp ý Từ điển, Trung tâm nhờ tôi mời Hani qua đặt may túi thổ cẩm. 100 chiếc, giá chuẩn 14.000đ một chiếc. Cắc cớ là ngay sát cạnh Trung tâm có cái quày, cũng thổ cẩm, giá lại mềm: 12.000đ, có ngay khi cần, tiện ơi là tiện. Thế là Trung tâm cho người sang lấy ngay, hồi lại Cơ sở Dệt Inrahani, trong khi thợ thầy của Hani đang ngon trớn.   

Hani giận hết biết. Nhưng thôi, dẫu sao ổng đương là sếp của anh ở chốn ấy.

Vậy đó, đa số nghĩ đó là cách hành xử khôn ngoan. Tôi thì không, thành thật để mở lòng, mới là thượng sách. Hội nghị “thành công tốt đẹp”, chuyện cứ rôm rả suốt trên chuyến xe vào Sài Gòn. Hôm sau ghé Trung tâm, tôi ngồi với thầy Thế:

– Cô Trụ dỗi thầy lắm đó, thầy biết mình sai ở đâu hôn? Trông mặt mới bắt hình dong, chớ đâu phải túi thổ cẩm nào cũng giống túi thổ cẩm nào. Hani là nhà sản xuất, nữa – Trung tâm là nơi chồng mình đang công tác, lẽ nào cô ấy không biết điều.

– Tôi sơ ý quá… Thầy hiểu ra, để từ đó, mỗi bận quà dân tộc cho khách là Trung tâm cứ qua Cơ sở Dật Thổ cẩm Inrahani mà đặt. Chẳng phải mở lòng mở cõi hai bên cùng thắng sao!

Sáu năm, chúng tôi cùng nhau làm được bao nhiêu việc, sau đó thầy Bùi Khánh Thế còn tính “bảo kê” cho tôi ở lại Trường làm Cử nhân, rồi Thạc sĩ… và còn hơn thế nữa.

Dẫu sao chữ nghĩa đã gọi tôi dịch chuyển về hướng khác.

Bất ngờ bị ném vào cảnh ngộ tưởng như bất khả vượt đó, ban ngày chiến với chữ nghĩa ở Trung tâm, tối về tôi bám bàn để cho ra đời bộ ba Văn học Cham – khái luận, văn tuyển. Thân gầy như cò ốm, để lần đầu tiên trong đời, tôi tìm đến phòng mạch truyền nước biển. Cuối cùng tôi trút tất cả ở sau lưng, để nhẹ nhõm lên đường phiêu lưu vào cõi sáng tạo. Tập thơ đầu tay Tháp nắng ra đời sau Trại sáng tác Đải Lải vào mùa Hè 1996.

Nỗi ngây thơ vẫn vẹn nguyên trong tôi. Hú vía!

Chakleng, 29-4-2024

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *