HANI ĐÃ LÀM GÌ CHO CHAM?

Jaya tin hôm qua, tôi không đọc facebook nên không hay.

Các con tôi gien tính ương như bố nó, tự lo chớ không muốn phiền ai. Cả thảy, chả chừa đứa nào. Hồi Jaya bị đại nạn ở Pháp, nó còn không cho tôi biết nữa là. Ông bố có phải nông dân đâu, mà nó “sợ cha mẹ lo”!

Hani về thăm quê ở nhà Japrăng. Cái u cũ trở chứng khiến mất kiểm soát, hiện đã ổn, đang Bệnh viện Ninh Thuận.

Hồi Covid-19, nàng 2 lần đột quỵ, tôi năn nỉ, mẹ nó nghỉ làm đi, nhưng “em hứa rồi em quên”. Katê vừa rồi, nàng tiếp tục hứa với cánh bạn cũ ở quê, sẽ quy hồi cố hương. Tôi kêu, chị em nói sao cô Trụ về, tôi đãi cả làng một chầu to. Rồi nàng tiếp tục chương trình… quên.

May, lần này ở Phan Rang, chứ ở Sài Gòn thì kẹt lớn.

Người nhà bệnh hoạn nằm viện, tôi lo tất. Từ Haly, Jaya cho đến Jaka chớ ít khi phiền mẹ nó. Thân tôi may, chưa ghé thăm bệnh viện lần nào. Chỉ mỗi năm cúm một lần. Cúm là tôi rên, rên to. Hani hỏi, có sao không anh? Tôi nói, rên giải trí thôi. Và đòi nàng nấu cháo đậu xanh, ăn ba bữa, là khỏi luôn.

Bận 2015 va quẹt nứt xương, tôi chạy xe vào bệnh viện Quận, tự mình lê lên lầu ba thì đụng… Chủ nhật, nghỉ! Hết lết nổi, tôi mới kêu con chạy xe qua dìu tôi xuống ra đón taxi. Đến bệnh viện Nguyễn Tri Phương, tôi bảo “hai đứa về đi, cei tự lo được”. Và tôi đã lo được.   

Chiều tối mới về đến nhà.

Bận ấy, tôi tuyệt không tin cho ai hay. Giá mà có tính cải lương, tôi cho lên website – khi ấy đương “chức” Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, hắn sẽ rủng rỉnh túi! Nhưng rồi cũng có bạn đoán mò ra được, và tới. Duy nhất luôn!

Hani bị lần này, tôi thông tin cho con cháu và ân nhân cũ của nàng – nếu còn nhớ – biết, để ghé thăm. Phần tôi thì miễn, nguyên do tại “lịch đời” của tôi. Nó được lên như sau:

15 tuổi: Đọc, đến 30 thì hết đọc, nhưng không thôi HỌC.

30-50 tuổi: Dựng “sự nghiệp”.

Từ 50 tuổi: “Tôi không được quyền làm ra tiền nữa”, thế là giao hết tài sản cho Hani, để thành nhà văn vô sản toàn phần.

50-60 tuổi: Nhập cuộc đời sống sinh linh các loài, truyền lan tư tưởng của mình bằng nhiều phương tiện khác nhau.

Từ 60 tuổi: Tôi giảm tốc đi, đi tùy thích, chứ không còn nhiệt nữa. Riêng vụ vào bệnh viện thăm người bệnh, tôi tự miễn cho mình.

Từ 70 tuổi: Tôi hết đi đâu xa và ở lại. Tại đất Chakleng, tôi định, và suy tư.

94 [hay 124] tuổi, là năm tôi “đi xa”.

Luận sư có khác, biết mình sắp, tôi – như loài chó, tôi rất kinh nghiệm với loài này – đi vào rừng sâu, cùng một đồ đệ trung tín, một cháu ruột và người tình [nếu có]. Họ sẽ đọc kinh siêu thoát do tôi biên soạn – làm đám thiêu cho tôi, xong, khuôn tro thành 27 miếng chia làm 3 klong, đợi ngày vô Kut.

Heleh!

HANI ĐÃ LÀM GÌ CHO CHAM?

[Tại sao cần thông tin? Kể công trạng có phải mong người về sớm?]

Ở cộng đồng Cham hôm nay nổi lên vài Muk Thruh Palei, Inrahani là một. Năm 2021, Hani bị 2 lần đột quỵ, may thoát nạn. Thời cao điểm Covid-19, lại ở Sài Gòn, khó đòi hỏi sinh linh nào đó liều lĩnh vào trỏng thăm viếng.

Nay Hani đang Phan Rang, bị nạn – tôi không thể không thông tin. Để bà con có cơ hội thanh toán ân oán giang hồ. Bởi nợ ân tình mà chưa trả thì mang xuống tuyền đài cũng không tan [ý Nguyễn Du].

Ngó mặt nhau tí thôi, “cũng đủ lãng quên đời” [tên tập tùy bút của nhà văn Mai Thảo]. Tôi biết vài người, bởi chần chừ mà không kịp gặp được người mình từng hàm ơn, khi người ta nhắm mắt đã phải ân hận mãi.

Hani hà tiện đến bủn xỉn, với bản thân mình, chớ với người ngoài thì rộng, rộng bát ngát luôn. Chuyện thành giai thoại: Em trai ruột có vợ ở làng Tabơng cách Chakleng 20km bệnh nặng, nhờ chú Đức em họ đèo bằng xe đạp cọc cạch qua thăm. Giữa đường, nghỉ mệt:

– Em kêu 1 li thôi nhé, chị không khát đâu.

“Tài xế” nghe lời, kêu đúng 1 li trà đá, vẫn lịch sự mời: “chị uống miếng đi”, thế là bà chị chơi luôn 2/3 li! Thế đó, vậy mà ai hoạn nạn xin, Hani rút ví 10triệu cho mà chả chút run tay!

Năm 1999, xin được ở Sứ quán Canada làm Hệ thống nước sạch và Nhà mẫu giáo cho làng 350triệu [cực to khi ấy], bị gây khó dễ đủ đường, tôi tính bỏ, chớ Hani quyết, và được! (đã kể trong Hàng mã kí ức-2011).

Hồi bàn giao Tagalau cho thế hệ mới, Trà Vigia nói vui:

– Tụi mình góp mỗi mạng thôi, chớ Sara lôi cả gia đình vào làm Tagalau.

Như bói! 5-6 số đầu tiên, Jaka với Jaya đánh máy, sửa, và làm đủ thứ linh tinh khác, mấy số sau này đến phiên Jakha. Chú Ngòi ở Nhà Trưng bày Chakleng lo chạy phát hành. Hani thì bù lỗ, khi Mạnh thường quân cho không đủ.  

Về thổ cẩm Chakleng, Hani làm nên 5 cải cách lớn.

[1] Chế tác. Năm 1992, Cơ sở Dệt Inrahani ra đời, không bán hàng thô như cũ, Hani chế tác nhiều chủng loại khác nhau, tạo bước ngoặt lớn.

[2] Lan tỏa. Hàng thổ cẩm Inrahani xuất hiện ở Thương xá TAX và các đại lí ở các thành phố lớn, mở đầu cho thổ cẩm Cham lan rộng thị trường.

[3] Thiết kế. Năm 1994, Inrahani chuyển hoa văn khung Jih Dalah sang khung Aban khan, ở đây cần cộng thêm vai trò của chú Phúc và dì Thạng.

[4] Cải cách khung. Năm 1998, Inrahani tiếp nhận máy dệt Hà Tây và “sáng tạo” thành máy dệt bán công nghiệp hiện đang hoạt động mạnh ở Chakleng, phục hồi lại khung truyền thống.

[5] Lan tỏa Thổ cẩm ra nước ngoài: Nhật, Thụy Sĩ, Đức, Pháp… Hani là công đầu, và duy nhất.

Đâu là tâm thiện nguyện của Hani?

– Từ tiền chung và riêng, Hani tổ chức mổ đục thủy tinh thể cho bà con 500ca ở huyện Ninh Phước.

– Cứu trợ, giúp người già, neo đơn, người tàn tật vô số kể.

– Từ Quỹ Inrahani, Hani tặng giải thưởng những cho đứa con Cham vượt khó, tài trợ giải bóng đá, và nhiều món khác, cả ở khu vực ngoài Cham.

Đó là giai đoạn cộng đồng chưa nhiều Cham có của ăn của để như mươi năm qua. “Nghèo” mà dám cho, Hani ngon là vậy!

Hani có mỗi thứ dở: THAM LÀM. Như đội bóng ham tấn công mà không phòng thủ, để hở sườn cho dân THAM TIỀN khai thác.

Ừa, thì đành vậy, ví mà toàn bích thì còn gì là con người!

P.S.

Nghe kể có người chộp ảnh Hani nằm viện ở tình trạng cô đơn, vụ này hôm ông bạn vong niên cũng ở trường hợp tương tự, tôi đã nhắc rồi. Không nên! Đưa ảnh ăn nhậu hay ảnh già yếu bệnh tật lên mạng, không hay tí nào cả.

Bà con chú ý nhé. Karun!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *