Cười-10. GHI CHÉP KATÊ

[tạ ơn Đất & Người Chakleng]

Katê năm nay tôi ngồi nhà đón khách thập phương, nhiều – là niềm vui lớn cho… tuổi già! Đùa vậy chớ, tôi chưa già, bởi không biết đến già là gì. Vẫn chơi Katê, như thời trai trẻ – năm nay đủ đầy và trọn vẹn hơn, dù không bước chân khỏi làng. Vậy thì kể chuyện Katê Chakleng.

Ngày thứ sáu sau lễ Rước Y trang ‘Yang’, Chakleng mới Katê. Gặp lại bao đồng hương cũ, tay bắt mặt mừng, mỗi năm được một lần như thế này – vui. Chakleng được Bà Trời ban cho mảnh đất đẹp nhất:

Cơk mưrong krong birak’: Núi phía nam, sông hướng bắc.

Nữa, không hẹn mà nên, tất cả cơ sở quây quần bên nhau tạo một không gian vô cùng độc đáo.

Đối diện Trường Tiểu học là Sân Vận động đẹp nhất Huyện, sát cạnh Sân Vận động là Nhà Trưng bày Văn hóa Cham INRA [tiếc, vài năm qua nó im ỉm đóng]. Làng Nghề Thổ cẩm Mỹ Nghiệp cách khu di tích sống Kut Gađak chỉ có hẻm nhỏ, còn trung tâm của trung tâm chính là Cơ sở Thôn và Nhà Mẫu giáo hơi xập xệ. Có thể nói Chakleng còn thiếu mỗi món này. Nếu ta có thêm Nhà Mẫu giáo mới tại đây nữa – là đỉnh!

Nhiệm kì mới, Mỹ Nghiệp có nhiều cái mới, dù khó nhận thấy: Đường lên khu Thổ mộ, lối vào đền Pô Riyak được sửa sang, khu Đám thiêu cũng đã chỉn chu, và nhiều nữa. Dễ gì trong thời gian ngắn mà ta đã lên đời kiểu ấy. Ca tụng thêm thì dễ bị thiên hạ cho mèo tự khen đuôi mình dài.

Thôi thì chê xíu. Ở tối Văn nghệ, Hani được hân hạnh biểu diễn múa dân gian tiết mục đầu tiên, sáng về chú Tín nó ca “chị Trụ tối qua như Patri xuống trần ấy”, nghe – tôi chỉ ậm ừ. Trước lúc lên xe vào Sài Gòn, Hani qua tôi cà-phê, và khen Chakleng palei mình [lại ca tụng]… tuy nhiên, “các màn múa hơi đơn điệu”.

– Mẹ nó thấy đơn điệu thế nào?

– Sao cứ mỗi quạt mà… quạt nhau!

– Vậy làm sao? – tôi hỏi, Hani im. – Này nhé, tôi nói:

Cham có mấy vũ điệu truyền thống với các đạo cụ: Bên cạnh quạt còn có múa tay không và khăn, lu hay thông hala đội, ‘lang laup’, múa roi và đạp lửa, múa chèo thuyền, cả kiếm carit… Tiếp nhận đủ, ta được ít nhất 7 tiết mục độc đáo cho tối văn nghệ.

Có dừng ở đó đâu, phần hát – dù Amư Nhân mới và hot, cũng cần khác đi: Các điệu dân ca tiếp diễn hát vãi chài, ngâm thơ. Còn tân nhạc, bên cạnh Amư Nhân, ta thêm vào: Châu Văn Kên, JaMrang, Tantu, Đàng Năng Quạ….

Thế thôi cũng phong phú và hấp dẫn. Vậy, ai sẽ là đạo diễn?

Chiều thứ bảy, Làng nghề Thổ cẩm Mỹ Nghiệp tiệc mừng Katê.

Nhiệm kì mới, dù vướng mùa dịch Covid-19, Làng nghề vẫn thu về thành tích sáng giá – rất khác biệt. Dự án Hội đồng Anh, từ nền tảng này, ta sẽ bay cao ở những ngày tháng tới – tôi tin thế.

Trước khi vào tiệc, chú Ngòi thay mặt anh chị em, điểm qua thành tích trong cái mi-crô… rè, vẫn đủ nghe, cho màn vỗ tay.

Sara luôn có cái mới, gợi ý, gợi mở và gợi hứng cho mọi người.

Gốm Bàu Trúc đã được UNESCO công nhận, Thổ cẩm Chakleng tại sao không. Trong khi ở đây nhiều người giàu lên từ thổ cẩm. “Trên” cho rằng ta vướng mắc ở hai khâu: “máy dệt” và nguyên liệu.

Tôi nói, ai bảo máy dệt hôm nay phi-truyền thống, đến gặp tôi, hẳn rõ. Còn nguyên liệu? Tôi đã gợi ý với Hani từ 12 năm trước: Mẹ nó làm đi, lên đại gia là cái chắc. Hani chùn bước, Chakleng cũng vậy dù tôi hai lần thúc. Tôi đã lên tận Đak Nông, Bảo Lộc điều nghiên, nhìn ra nhiều triển vọng. Chakleng cứ lấy nguyên liệu nơi đó, còn ở quê ta làm vài sào bông mẫu, là ổn.

Sao không thử phiêu lưu?

Katê đã trọn vẹn, dù công việc chữ nghĩa đặc thù tôi sớm rời bàn tiệc đến với bạn văn, thế nên chưa thể chào hỏi và cảm ơn ‘đwa karun’ đủ đầy, nhất là nai Minh và cánh chị em Làng nghề đã chiêu một bữa tiệc xôm tụ, thế nên xin mượn câu chuyện này để nói lời tạ ơn ĐWA APAKAL đến:

Anh Ngọc, anh Thính, chú Ngòi, nai Minh, chú Thủy cùng tất cả anh chị em quản trị Thôn và Làng, thành viên trong gia đình Thôn-Làng, cả Đất và Người Chakleng.

Tạ ơn tất cả!

Kajap karô thuk siam!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *