Bắt chước lối nói của Khổng Tử, tại đây tôi sắm vai “thuật nhi bất tác” chứ không sáng tạo gì cả! Ngay tuổi 15 tôi đã đắc đạo Cham, ở đó 3 điều tôi học được:
– Tinh thần giải sân hận của Ariya Glang Anak
– Tư tưởng hóa giải và hòa giải của Pô Rômê
– Và tinh yêu văn hóa đại chúng ‘bhap ilimô’ của Poh Catôy
Rồi khi tiếp nhận Hậu hiện đại, tôi rút ra ba tinh túy từ trào lưu này:
– Tư tưởng phi tâm hóa, đạp đổ mọi bức tường phân biệt đối xử các loại, để những trung tâm nhỏ kia được kể câu chuyện của chính mình.
– Tinh thần tôn trọng sự khác biệt, từ trắng vàng đen đỏ, ít nhiều lớn nhỏ, hay ý thức hệ các thứ.
– Và hành động theo châm ngôn: “Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương”.
Suốt hành trình chữ nghĩa, từ các “tâm điểm” ấy, tôi đọc, đi, viết, nói và làm.
Riêng tư tưởng hóa giải và hòa giải, tôi đã triển khai từ lâu, nơi cộng đồng Cham và sau này – ở thế giới văn chương chữ nghĩa.
Tiểu luận: “Hóa giải và hòa giải ba loại nhà thơ hôm nay” đăng tạp chí Sông Hương, số tháng 6-2010 đoạt Tặng thưởng Tác phẩm hay trong năm, là một.
Dưới dấu hiệu Tư tưởng Hóa giải và hòa giải ấy, tôi mới làm được mấy việc sau nhẹ nhõm:
Đặc san Tagalau đi suốt 14 năm cho Cham, điều mà trong 54 dân tộc thiểu số ở Việt Nam chưa có dân tộc nào làm được;
Chủ trì Bàn tròn Văn chương suốt 12 kì, ở đây cần biết: Đề tài tự do, người tham dự tự do, thảo luận luận tự do. Mà văn giới thì ta biết rồi, mỗi người là một thế giới, vậy mà ở đó không quyền, không tiền, Bàn tròn đã thành công ngoài mong đợi.
Và nhiều thứ khác nữa. Tất cả nhờ ở tư tưởng hóa giải và hòa giải ấy.
Nó đòi hỏi những gì?
Hiểu biết, tâm thành, công bằng, không vụ lợi, nhất là tôn trọng sự khác biệt.
Dẫu sao không phải mọi vận dụng đều hiệu quả. Với một sinh linh quá ích kỉ, nặng định kiến và vụ lợi, thì chịu.
Từ Minh-triết-Cham-04., tôi sẽ triển khai tư tưởng Ariya Glang Anak với nhiều dẫn luận, tuần tự một.