Champa mất, tuy thế hơn 200 năm sống xen cư và cộng cư với người Việt, Cham chưa từng đánh mất bản sắc, nói chi bị đồng hóa. Đó là nhờ 3 chân kiềng: Kí ức lịch sử, ngôn ngữ chữ viết & tôn giáo dân tộc. Nó làm nên sức mạnh nội tại của tinh thần văn hóa Cham (Văn học Cham khái luận-1994).
Tôi đã hiểu như thế, từ rất sớm.
[1] Kí ức lịch sử
Cham có kí ức lịch sử dài và xa. Sinh linh Cham hiểu khái quát ta là ai, từ đâu cũng đủ. Ở đây ta cần gửi lời ơn nghĩa ‘đwa apakaal’ đến anh em Dohamide & Dorohiêm và Po Dharma, đã cho Cham hiểu mình.
Hồi mới vào Pô-Klong, ngẫu nhiên tôi có cuốn Lược sử Dân tộc Chàm của anh em Dohamide, tôi đọc ngấu nghiến. Sau này vào làm việc ở Sài Gòn, tôi photocopy vài chục bản tặng anh chị em nơi quê nhà. Theo tôi, mỗi Cham chỉ cần đọc cuốn này với Vương quốc Champa – Địa dư, Dân cư và Lịch sử của P-B. Lafont, cũng đủ.
[2] Ngôn ngữ chữ viết
Không cần phải “rành Xakawi giỏi Akhar thrah” [để ưỡn ngực], mỗi Cham chỉ biết đọc biết viết ‘Akhar thrah’, và không nói độn tiếng Việt nhiều trong trao đổi ngày thường, là ổn rồi.
Tôi biết ‘Akhar thrah’ từ 4 tuổi khi còn chưa học chữ Quốc ngữ, lớn lên tôi còn rèn thêm bằng dạy, làm thơ, dịch ariya, akayêt… Không dừng ở đó, tôi tập nói thuần ‘harat’ tiếng mẹ đẻ ngày qua ngày. Trong gia đình, ngoài xã hội. Ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm, gru Lâm Nài và tôi được cho là nói tiếng Cham chuẩn và ngon nhất.
Dẫu sao cả hai chân kiềng trên, Cham không lo mất mà chỉ nhấn vào chân thứ [3] – là yếu tố căn cốt nhất, như là nền tảng của nền tảng.
[3] Tôn giáo dân tộc, chân kiềng này có hai chân phụ.
Thứ nhất, ‘Halau janưng’ chức sắc tôn giáo Cham.
150 năm trước, Ariya Po Parơng khẳng định: “Cham còn hay mất là ở Pô Paxeh, Pô Acar”, chứ không ở ‘rajag’ trí thức, ‘rakaya’ quý tộc giàu có, hay cả ‘ra-xakarai’ luận sư như tôi.
Từ Minh Mạng, Ngô Đình Diệm muốn đồng hóa Cham, đều đã “đánh thẳng” vào thành phần ‘ao kook’ áo trắng này. Halau janưng hỏng là Cham đi xuống.
Tại sao ‘Halau janưng’ cần được đặt lên hàng đầu? Bởi Brahmin là đẳng cấp cao nhất, đồng thời nền tảng nhất để giữ cho Ấn Độ [ở đây là Cham] được là mình. Chớ vua chúa và chiến sĩ thuộc đẳng thứ hai có thể chuyển từ triều đại này sang triều đại khác mà không hề hấn gì; còn Halau janưng mất đi, cả hệ thống tư tưởng suy đồi hay sụp đổ.
Tiếp đến là người nữ. Thế nên dù họ có lầm sai tới đâu, tôi không chê trách họ. Bởi đó là hai bộ phận đặt nền để Cham tồn tại qua giông bão thời cuộc.
Cham theo chế độ gia đình mẫu hệ, NỮ là gốc. Dân Do Thái, con của mẹ mới là người Do Thái, còn quý ông có ghé uống nước rơi rớt đâu thì bị xuất khỏi cộng đồng luôn.
Bên cạnh tục ngữ khẳng định vị thế người nữ:
‘Likei bang mưthuh, kamei bang mưnưưk’:
“Đàn ông cho chiến tranh, đàn bà cho sinh nở”
Cham còn có câu khác:
Hadiiup krah ngak hadah bbook pathaang:
“Vợ sáng làm sang mặt chồng”.
Sòng phẳng và bình đẳng như thế, không tuyệt sao!
Hiểu Cham chưa đủ, còn phải hành theo hiểu kia nữa. Hành từ sớm, liên tục không ngưng nghỉ.