[Cham ở Đảo Orchid Island Taiwan, Haumkar…]
Mỗi giải thích là một diễn ngôn, vậy làm sao diễn ngôn tinh thần Cham và văn hóa Cham mà không rơi vào hổng chân. Muốn thế, mỗi diễn ngôn cần đặt trên ba chân kiềng:
[1] Tài liệu nguyên ủy: sử liệu, nguồn tiếp nhận gốc. Dẫu sao nếu chỉ tập trung vào [1], bạn là tín đồ thuyết Duy sử không hơn không kém.
[2] Biểu hiện trong đời sống, tín ngưỡng… qua khảo tả chuẩn xác. Ở đây nếu tin vào khảo tả không thôi, bạn chỉ là nhà nghiên cứu thuần túy.
[3] Tri thức dân gian: qua tục ngữ, truyện cổ, Damnưy… Còn chỉ bám vào mục này, bạn trở thành đồ đệ của thứ Triết lí Hổng chân: suy diễn và suy diễn.
Thiếu một trong ba, diễn ngôn kia bị đặt vào thế chông chênh dễ đổ.
NGÔN NGỮ
Để hiểu bao quát, đầy đủ và sống động ý nghĩa hay ngữ nghĩa 1 từ, cần:
– Tìm nghĩa từ nguyên – Nghĩa trong Từ điển qua các giai đoạn lịch sử (văn bản) – Nghĩa trong dân gian (văn học dân gian, ngày thường).
Ví dụ chữ BANGXA, Moussay-1971 dịch là “thuộc về”. Nguyên bản từ tiếng Sanskrit: VAMÇA (nghĩa: dân tộc, gia đình, tập cấp), Cham biến ra mấy nghĩa sau:
– Đất nước. ‘Nao ngak bangxa’: Đi làm đất nước, ‘Nit bangxa ranam bôl bhaap’: Yêu tổ quốc, thương đồng bào.
– Giới tính. ‘Bangxa likei, bangxa kamei’: Nam giới nữ giới
– Đắng cấp. ‘Bangxa Paxeh’: Đẳng cấp tăng lữ Bà-la-môn
– Ngoài ra còn ‘Bangxa akal, bangxa tanưh riya’: [Thuộc về] trời, thuộc về đất (Thiên giới, hạ giới).
Các ví dụ trên là cụm từ và thành ngữ Cham đang sử dụng.
Lối hiểu của Moussay-1971 thì quá “dân gian” mà thiếu mất nguyên bản. “Thuộc về” trời, đất; “thuộc về nữ, nam” không sai nhưng lại là cách hiểu hơi… “hổng chân”.
Hồi ở Đảo Orchid Island Taiwan, hàng chữ ở sân bay: ‘Akokey Kamo yamai do Pongso’, tôi dịch: “Chào bạn đến đất nước…”, bị một bạn bắt bẻ rằng ‘pongso’ là “đảo” chứ không phải “đất nước”.
Tôi nói: Chính xác! Nếu bạn chỉ hiểu nó bằng tra Từ điển, chớ dân ở đảo này HIỂU ĐẦY KIÊU HÃNH đó là đất nước. Lưu dân Champa từ Amaravati chạy loạn Lưu Kỳ Tông sang đảo Sulu Philippines, rồi từ đó luân lạc qua đây, một đảo hoàn toàn tách khỏi thế giới, tạo lập ĐẤT NƯỚC [chớ ai lại đi tạo lập “đảo”!].
‘Pongso’ do từ ‘Bangsa’ mà ra! Dân đảo biến hầu hết âm ‘A’ thành âm ‘O’.
Dân gian [3] hiểu, nguyên bản [1] hiểu “đất nước”, còn Từ điển hiểu “đảo” thì đó là chuyện của nhà… hàn lâm.
HAUMKAR
Diễn ngôn Haumkar Cham, Po Dharma rất đúng khi anh đã ngược về Ấn Độ, và lí giải Haumkar Cham theo nguyên gốc này [1]. Vẫn còn là chưa đủ! Chưa có yếu tố bản địa ở đó, nghĩa là giải thích chưa chạm tới bản sắc Cham.
Truy nguyên nguồn gốc Haumkara Ấn Độ [1] là cần, cạnh đó khi nhập địa Cham, ta cần xem xét Tri thức dân gian [3] biến cải và giải thích nó theo tinh thần đực/ cái thế nào, và sau rốt ta phải biết quan sát thêm nó được biểu hiện ở chính bản thân Haumkar (số 6-3, mặt trăng-mặt trời) và trong sinh hoạt tín ngưỡng Cham [2] ra sao nữa.
Chỉ khi đó, “diễn ngôn” của bạn mới khả tín.
Toàn bộ sự kiện và chi tiết về tinh thần và văn hóa Cham trong MINH TRIẾT CHAM được diễn ngôn trên nền tảng kiềng ba chân đó.