Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận qua 30 năm hình thành và phát triển (19/01/1993 – 19/01/2023). Với nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, giới thiệu về văn hóa Chăm nhằm mục đích tạo sự hiểu biết, giao lưu văn hóa lẫn nhau giữa các tộc người trong tỉnh.
Không gian trưng bày gốm Bàu Trúc tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm.
Trước đây, những nghiên cứu về người Chăm tại Việt Nam chủ yếu tập trung trên các lĩnh vực khảo cổ học, kiến trúc đền tháp, tôn giáo và dân tộc học do các Viện Khoa học Xã hội, Viện Dân tộc học và một số trường đại học có giảng dạy về văn hóa Chăm công bố trên tạp chí, xuất bản sách. Khởi đầu, là công trình Người Chăm ở Thuận Hải do Viện Khoa học Xã hội Tp. Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Thuận Hải phối hợp thực hiện và xuất bản năm 1989. Đây là công trình khảo cứu, biên soạn mang tính tổng quát, giới thiệu về văn hóa và xã hội người Chăm ở Việt Nam do tập thể tác giả Phan Xuân Biên (Chủ biên), Lê Xuân, Phan An, Phan Văn Dốp cùng một số nhà khoa học thực hiện.
Tại Ninh Thuận, các tác giả Nguyễn Hải Liên, Đình Hy, Trương Hiến Mai, Sử Văn Ngọc, Trượng Tốn, Trương Văn Món, Thành Văn Sưởng, Thập Liên Trưởng, Phan Quốc Anh, Lê Xuân Lợi, Nguyễn Thị Bạch Cúc, Đàng Năng Thọ, Nguyễn Thị Thu, Trượng Tính, Đạo Thị Thanh Hương, Phạm Văn Thành, Châu Văn Huynh, Quảng Đại Tuyên và Thành Thị Hồng Cẩm đã tổ chức khảo cứu các chuyên đề văn hóa Chăm và lần lượt công bố các bản thảo nghiên cứu. Từ đó, làm tiền đề cho các chuyên khảo nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn các công trình nghiên cứu mới về tộc người Chăm. Các tác giả, có sự tiếp cận đa dạng về phương pháp nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu được mở rộng và đặt trong các mối liên hệ giữa văn hóa Chăm với các tộc người có chung nhóm ngôn ngữ và cư trú lân cận nhau. Trong những năm gần đây, các đề tài văn hóa làng truyền thống được chú trọng nghiên cứu. Với hướng tiếp cận nghiên cứu di sản và khai thác di sản văn hóa để phát triển du lịch địa phương.
Qua 30 năm hình thành và phát triển, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm đã công bố, xuất bản sách hàng loạt các công trình nghiên cứu, tư liệu điền dã có giá trị khoa học và thực tiễn như:
– Truyện cổ dân gian Chăm, NXB. Văn hoá Dân tộc, năm 2000.
– Hệ thống thuỷ lợi và lễ nghi nông nghiệp cổ truyền Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận, NXB. Văn hoá dân tộc, năm 2002.
– Lễ nghi nông nghiệp truyền thống tộc người Chăm và Raglai Ninh Thuận, NXB. Nông nghiệp, năm 2010.
– Văn hóa phi vật thể người Chăm Ninh Thuận, NXB. Nông nghiệp, năm 2014.
– 40 năm nghiên cứu Văn hóa Chăm, NXB. Văn hoá dân tộc, năm 2015.
– Trò chơi dân gian người Chăm Ninh Thuận, NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, năm 2015.
– Tiền tố tiếng Chăm, NXB. Nông nghiệp, năm 2016.
– Văn hóa Chăm Hroi, NXB. Nông nghiệp, năm 2016.
– Văn hóa truyền thống làng Chăm Lạc Tánh, NXB. Nông nghiệp, năm 2020.
– Truyện cổ và truyền thuyết dân gian Chăm, NXB. Nông nghiệp, năm 2019.
– Văn hóa truyền thống làng Chăm Tân Bổn và Vụ Bổn, NXB. Nông nghiệp, năm 2021.
– Khảo cứu văn hóa dân gian người Chăm tập 1, tập 2, NXB. Nông Nghiệp, năm 2022.
Các chuyên viên nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tiếp tục kế thừa thành tựu nghiên cứu trên chặng đường 30 năm qua. Và, đạt được bước tiến triển, trưởng thành hơn trong việc nghiên cứu, khảo sát văn hóa cổ truyền của người Chăm. Đặc biệt, là việc bảo tồn di sản văn hóa gắn liền với phát triển trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Các chuyên viên nghiên cứu Thập Hồng Luyện, Bá Minh Truyền, Đổng Thành Danh, Huỳnh Hồng Thu Thanh, Đạo Nguyên Tính và Phạm Khánh Linh đã thực hiện một số chuyên khảo về lễ hội, tập quán tín ngưỡng, nhà ở, nghề thủ công truyền thống, trang phục, nghi lễ vòng đời, tri thức bản địa, ẩm thực, hôn nhân, tang ma, hoạt động kinh tế, xã hội và giáo dục người Chăm.
Công tác sưu tầm hiện vật, giới thiệu di sản văn hóa Chăm được đổi mới, thường xuyên xây dựng kế hoạch trưng bày chuyên đề về văn hóa truyền thống thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan. Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm là một trong những điểm đến tham quan du lịch tại Ninh Thuận. Do đó, các nhà khoa học, lãnh đạo cấp cao, học sinh, sinh viên thường xuyên đến tham quan và học tập. Các chuyên viên Phạm Xuân Nam Hải, Lê Hồ Tố Uyên, Tài Công Thuỳ Diễm không ngừng nỗ lực đổi mới các chuyên đề trưng bày phục vụ khách tham quan, quản lý kho hiện vật, quản lý thư viện phục vụ bạn đọc và nâng cao nghiệp vụ thuyết minh. Một số chuyên viên Lưu Trữ – Trưng bày đã chuyển nơi công tác hoặc nghỉ việc như Thành Ngọc Trãi, Huỳnh Thị Mười, Bá Thị Nữ Hoàng, Phan Thị Thi Thơ.
Công tác tổ chức cán bộ, cải cách hành chính ngày càng hoàn thiện và được kiện toàn đã góp phần quan trọng trong việc tham mưu cho lãnh đạo và hỗ trợ các phòng nghiệp vụ hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn. Với đội ngũ cán bộ hành chính năng động và cầu tiến các chuyên viên Thành Thị Hồng Cẩm, Nguyễn Thị Thu Tâm và Hồ Lê Vi Khánh không ngừng học tập nâng cao nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ được phân công đạt hiệu quả cao.
Một số chuyên viên từng công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm đã trưởng thành và đạt được nhiều học vị, học hàm cao như TS. Quảng Đại Tuyên – Giảng viên Trường Đại học Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh (HUTECH), PGS.TS. Trương Văn Món – Giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh. Họ không ngừng cống hiến sự nghiệp khoa học và tiếp tục nghiên cứu về nền văn minh Champa trong các mối liên hệ văn hóa và giao thương với quốc tế. Chặng đường phát triển 30 năm qua, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm đã có những đóng góp quan trọng về nghiên cứu văn hóa Chăm. Kết quả nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu, công bố và xuất bản sách làm cơ sở khoa học để xây dựng các chính sách phát triển cộng đồng Chăm nói riêng và các tộc người thiểu số nói chung. Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm còn xây dựng hồ sơ khoa học về di sản văn hóa tham mưu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tham gia các cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế, phối hợp với các đơn vị liên ngành thực hiện nhiệm vụ khoa học và tổ chức trưng bày lưu động trong cả nước. Tham gia trưng bày giới thiệu Di sản văn hóa Chăm trong tuần lễ Ngày Hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm toàn quốc được tổ chức theo định kỳ. Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm, chú trọng phát triển chuyển đổi số và thực hiện số hóa thư tịch Chăm cổ. Để có được những thành tựu như trên, nhờ sự quan tâm của các cấp, trực tiếp là lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, sự cố gắng, nỗ lực của các chuyên viên với tinh thần làm việc tích cực, đoàn kết xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm không ngừng vươn lên trong quá trình hội nhập và phát triển./.