Minh triết Cham-27. KUT AHIÊR, NGHĨA TRANG HẬU HIỆN ĐẠI

Sáng 15-10-2022, qua palei Hamu Tanran làng Cham lớn nhất dự Lễ tế Kut Ông Lo [Janeo người Hoa, thế kỉ XVII, ‘paliêng’ “tế” 7 năm một lần], tôi mới vỡ ra sự thật thú vị. Lâu nay nghe kể, cứ tưởng ông được ‘ikak’ “dựng” cho một hòn đá ‘patau Kut’ trong khu Kut của dòng họ Hamu Rôk, nhưng không. Đây là Kut riêng vô cùng độc đáo, tôi sẽ kể đủ đầy ở một ngày không xa.

Thuở nhỏ, tôi nghe đầy lỗ tai rằng Kut lạc hậu, được/ bị – không phải Việt mà người Tàu dựng lên mang áp đặt cho Cham, hòng làm nhụt chí chiến đấu của Champa. Tại sao? Sinh linh Cham nào bị thương tật dù chỉ trầy sướt cũng không được vào nằm Kut chính với tổ tiên, mà phải trú nơi khu ‘Kut lihiin’ [Kut dành cho người chết không lành] côi cút tội nghiệp. Không ngán mới lạ. Tàu nó thâm ghê lắm, trí thức Cham xưa nghĩ thế!

Tôi tiếp tục đặt câu hỏi, và đi, lang thang, tìm hỏi, vẽ sơ đồ các loại Kut, cuối cùng mới vỡ ra. Sau này, thuyết với bạn văn và sinh viên Việt hay trí thức nước ngoài, khi hiểu họ mới kêu: Đây chắc chắn là loại hình “nghĩa trang” văn minh nhất thế giới!

Thế này nhé, tôi nói:

“Nhất”, đó là các bạn bình, chứ tôi thì không, chỉ xin nói thêm:

Một sinh linh mất, hưởng đám thiêu rồi cho tất cả xuống sông Hằng linh thiêng, như dân Ấn Độ thì hư vô quá. Còn tục địa táng, quá trăm năm nghĩa trang to đùng cũng đầy, cần cải táng, ở đó có đến 90% biến thành cát bụi.

Cham – ở đây tạm bàn về Ahiêr, rất khác. Mất, trong buổi lễ thiêu, 9 miếng xương trán của bạn được mài tròn như đồng xu cất trong lọ nhỏ ‘klong’, tôi gọi là “tinh cốt” – đợi 15-20 năm sau làm lễ Nhập Kut. Thời gian đó, bạn được hưởng giỗ đầy tháng, đầy năm, ba năm rồi ‘patrip palao’ “giỗ tiễn” là xong, sau đó giỗ hay không là tùy hứng của con cháu.

Trích Minh triết Cham:

“Tận sâu thẳm tâm thức, Cham vô danh. Vô danh mà không… vô danh!

Ghur Bini, chỉ một mẫu đất mà chứa cả triệu người đã mất; Kut Cam Ahiêr lại càng: cả triệu tinh cốt người quá cố tụ về trong một khoảng đất nhỏ vài trăm thước vuông. Tất cả đều vô danh giữa thiên địa vô cùng này. Hằng năm con cháu đến đó cúng kiếng anh linh tổ tiên. Trăm năm, ngàn năm… Chỉ khi nào người nữ cuối cùng của dòng họ kia mất đi, Kut mới trở thành Kut hoang, tan cùng tro bụi.

Là điều cực hiếm.”

Một cộng đồng văn minh luôn cần đến một luận sư để luận giải vấn đề của mình, là vậy. Cho người ngoài, và cho chính mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *