Thơ & thơ Việt-85. TÔI & HÀNH TRẠNG NHÀ VĂN HẬU HIỆN ĐẠI

Hôm qua 6-4-2021 sau mấy cãi cọ nỗi ngoài lề chữ nghĩa, một bạn Cham hỏi:

– Sara nhận mìnhđã đắc đạo Bà-la-môn, hà cớ còn đi cãi nhau với sinh linh như Trần Mạnh Hảo, Đỗ Hoàng?

Không sai! “Hay tôi đã đắc đạo rồi mà tôi không hay?” – tôi đặt câu hỏi đó, ở một tút viết hai năm trước. Ừ, đã sang tận bờ bên kia, nếu có đi đò trở lại thì hãy lo chuyện lớn đi, ai lại…

Đích thị! Trong khi Trung Quốc quậy ngoài kia; bên này tuổi trẻ Myanmar đang chết cho tự do; khắp nơi nhân loại phải lo đối phó với Covid-19; và cộng đồng Cham cũng gặp khối vấn nạn lớn bé…

Tôi nói rồi,

“Nhà văn hậu hiện đại là kẻ có thể theo dõi các trào lưu triết học mới nhất trên thế giới đồng lúc vẫn cặm cụi đi điền dã lượm nhặt từng dòng ca dao, từng câu tục ngữ, hay sẵn sàng mở cuộc điều tra nạn trộm cắp gà tại quê nhà để giúp chính quyền địa phương dẹp tệ nạn xã hội.” (“Đối thoại hậu hiện đại”, Tienve.org, 3-2009)

Tôi đa hệ. Ngày qua ngày vẫn ưu tư về cõi ‘Haumkar’ với san định Kinh sách Cham Bà-la-môn, vẫn miệt mài làm thơ và viết tiểu thuyết sử thi, vẫn đi vào lòng Cham giải quyết các vấn đề đời thường, và rồi ở đây – vẫn có thể tút cãi nhau chuyện ngoài lề văn chương thơ phú. Không vấn đề gì cả!

Mà cãi nhau này đâu phải vu vơ vô bổ. Này nhé…

Đỗ Hoàng chẳng hạn, chê tôi thì cứ chê, chớ lây lan sang thế giới nhỏ bé Cham là hỏng. Ông viết:

“… Dân tộc chưa quá một phường… (trên dưới 100 000 người). Quanh năm suốt tháng Nhà nước phải trợ cấp (16 tỉnh miền núi Nhà nước phải trợ cấp ngân sách)”

Tôi nói ông chưa thuộc bài địa lý lớp Ba [tôi né dùng từ DỐT], viết đoạn văn ngắn mà kiến thức trật hết ba. Thế là tôi phải bổ túc: Dân số Chăm 179.000 người, sống tập trung ở duyên hải miền Trung, Nhà nước hiếm khi trợ cấp cho, nói chi “quanh năm suốt tháng”!

Ông còn mang nặng thứ mặc cảm đen nữa, mới kẹt. Ông viết: “[Inrasara] toàn tòng vô lối mà ba lần trao giải cao là Hội Nhà văn Việt Nam tát vào Đại Việt ông cha ta!”

Tôi hỏi, chớ tui nhận giải thưởng từ 4 nước khác nhau, vậy là 3 nước kia cũng tự tát vào ông cha họ rồi là gì!?

Vụ giảng bài học này đâu phải không bổ ích với Cham?!

Trần Mạnh Hảo nữa, anh cay cú Nguyễn Quang Thiều hay Hội Nhà văn gi gì thì cứ việc, nỗi gì anh lôi tôi vào. Tôi dân tự do, ai mời làm gì, hứng thì tôi ngồi vào, không thì thôi.

Anh nghĩ Chủ tịch Hội đồng Thơ không ghế không lương đại to cồ lắm, mới hạch tội tôi cớ gì CA TỤNG NGUYỄN QUANG THIỀU TẬN MÂY XANH. Khi tôi vặn lại: Chớ Sara em tụng ca ở đâu, ở cả hai tên ông anh dẫn ra tòa ấy, THỬ TÌM RA NỬA CÂU LÀM BẰNG ĐI. Anh tắt điện, mới ăn nói đầu lộn đuôi.

Một bạn facebook còm TMH “tánh khí thất thường”, bạn khác “nhận thức tiếng Việt của TMH có vấn đề”, “anh Sara nên cho qua”. Rõ khộ!

Kêu rằng mình thân bất hại thì hơi to, tôi – vô nhiễm. Bà con Cham cùng bằng hữu Việt và… chớ lo cho tôi.

Bỏ thời gian đi đò qua ngồi computer xíu [một lần đầu và một lần cuối… vẫy tay vẫy tay chào nhau…], biết đâu anh Hảo [cùng sinh linh ăn theo] tỉnh ra. Cứu khộ cứu nạn chúng sanh kiểu ấy, không cần thiết sao?

Tôi dùng chữ “hành động trong chân trời khả thể”, là vậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *