“Chăm” chính thức được Nhà nước quy định gọi tên nhóm sinh linh này từ năm 1979. Chớ trước đó, chữ “Chăm” chưa hề có mặt trên trần đời.
Ngày xưa, người Việt gọi bằng Hời, Chiêm, Người đàng thổ (khác với Người đàng quê là người Việt) Chàm hay Chà.
Lạ, “Chăm” ra đời từ một ngộ nhận! “Kết quả nghiên cứu rất công phu và trong nhiều năm của các nhà khoa học, sau khi đã có sự thống nhất giữa Ủy ban Khoa học xã hội – Ủy ban dân tộc của Chính phủ”, đã quy mọi tên gọi dị biệt kia về một mối: Chăm.
E-hèm. Người ta cho kêu Chàm là miệt thị Cham. Có thế đâu!
Chớ Ma Lâm Chàm, Phan Lí Chàm, Cù Lao Chàm, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, vân vân Chàm có miệt thị ai.
Cha Moussay thành lập Trung tâm Văn hóa Chàm, nhà sử học Dohamide viết cuốn Dân tộc Chàm lược sử, học giả Thiên Sanh Cảnh: “Cách tính lịch Chàm”, 7 trí thức Cham soạn Từ điển Chàm – Việt – Pháp, Inrasara tôi làm bài thơ “Apsara – Vũ nữ Chàm”, bát ngát Chàm. Chớ tất cả bọn họ tự miệt thị mình hết sao?!
Sự vụ tương cận cũng đã xảy đến với Êđê. Một vị giáo sư trong một bài viết trên tạp chí Dân tộc học (?) đã cho rằng gọi Rađê là miệt thị người Êđê. Nhảm! Cham xưa nay gọi dân tộc này đầy tôn trọng là Rađaiy (phát âm Ra-đe). Người Pháp khi đến, cũng đã dùng từ: Rhadé. Có miệt thị ai đâu. Nghiên cứu ở ta diễn ra “nhiều năm” và “rất công phu” thành ra thế. Còn thua xa mấy bà nhà quê không có nửa chữ trong bụng.
Trở lại với Cham. Không nói chuyện nghiêm túc nữa, mà là vui.
Chàm thì có cây Chàm, màu Chàm, bệnh Chàm, rồi tay đã nhúng Chàm… Chăm cũng không thua chị kém anh. Nào là Chăm sóc, Chăm nom, Chăm chỉ, rồi nhìn Chăm Chăm; ông Inrasara từng bị gọi là “nhà Chăm học hàng đầu”.
Chăm với Chàm mỗi đứa ôm vào mình vài nghĩa, trùng lặp và hơi bị phân biệt đối xử. Thôi thì ta cứ Cham, ngự biệt lập ngang tàng một mình một cõi, không đụng hàng ai, chả sướng sao! Không liên can hay làm mất lòng ai.
‘Akhar thrah’ viết ‘chak tut kai mưk chak mưk Cham’ chuẩn không cần chỉnh. Vương quốc là Champa, cho rơi rụng âm tiết cuối ‘pa’ thành dân tộc ‘Cham’ cũng chuẩn nốt. Ngoài kia, dân Lào, Thái, Miên cũng kêu ta là Cham, chả ngán.
Vụ này tôi cũng có đóng thùng với tiểu luận “Chăm hay Chàm đúng?” đăng nhiều nơi, in trong tập tùy tùy bút: Những cuộc đi và cái Nhà nữa. Gây xôn xao dư luận đáng kể.
Nay có thể kết “Chăm hay Chàm, đều hơi bị dở”. Cham mới là dân tộc ấy, đích thị!