Ở tút “Tôi đã đụng ai?”, bạn facebook Hà Huy Hoàng “cho em hỏi thật: Có khi nào Thi sĩ Sara nghiêm khắc tự soi lại bản thân mình không ạ? Cái gì được nhất của Anh và điểm gì chưa được ạ?”
Tôi nói, đã từng soi và bày ra bát ngát. Serie “Đắc đạo Cham, tôi làm gì?” 32 bài, còn serie “Tôi” có tới 131 bài! Và nhiều nơi chốn khác…
Không trang viết nào của tôi không có dấu vết tôi trong đó. Tôi cuộc người và tôi nỗi Cham, tôi sáng tác và tôi nghiên cứu, tôi sự việc và tôi suy tưởng, vân vân. Tôi lập hồ sơ Cham, hồ sơ tôi cùng bạn văn các nơi, và cả hồ sơ vô số sự vụ.
Xem mạch chẩn bệnh cho người thiên hạ, TÔI thì sao? Riêng với chữ nghĩa, tôi có 2 cái HAY và 5 thứ bị cho là DỞ. Khai nỗi hay trước:
[1] Công tâm.
Tôi có tiểu luận “Hóa giải và hòa giải ba loài thơ hôm nay” (Sông Hương, 2012), nơi ấy tôi đòi hỏi sự ứng xử công bằng với 3 loại thơ: Truyền thống, cách tân và phiêu lưu khai phá. Và suốt hành trình phê bình, tôi làm đúng như thế.
Dĩ nhiên tôi ưu tiên bàn về các dòng văn học ngoại vi, nhất là hậu hiện đại. Bởi chúng ít được độc giả biết đến. Còn Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Thiều… quá nhiều người viết về rồi, tôi tạm cho họ vào ngoặt.
[2] Phê luận điểm, không phê con người.
Tôi có tút “Của tôi không phải là tôi”, đùa tới bến luôn. Còn đây xin được nghiêm túc một lần: Phê phán luận điểm CỦA một ai đó, chứ không phê phán CON NGƯỜI ai đó. Tạm đưa ra 2 điển hình tiên tiến:
– Về chung. Phê luận điểm “nhà văn Việt Nam đã tự do”, tôi chỉ dừng lại ở đó, tuyệt không bàn về con người Nguyễn Thanh Sơn, kẻ phát ngôn nó. Cũng không phê lây lan sang cái sai của anh trước đó, nếu có.
Tôi nói, viết tự do mà không đi với in ấn và phát hành tự do, thảo luận tự do, phê bình tự do, giảng dạy tự do, thì chỉ là tự do giả trá.
– Về riêng. Nguyễn Quốc Chánh thóc mách rằng “Inrasara chỉ toàn ẵm giải thưởng của ma cô?”. Để phản bác, tôi kê mình nhận giải thưởng từ 3 tổ chức khác nhau: chính thống [Hội Nhà văn VN], phi chính thống [Văn hóa Phan Châu Trinh] và cả “phản động” [Văn đoàn Độc lập]; nước ngoài là CHCPI-Sorbonne (Pháp), Tiền Vệ (Úc), Thái Lan…
Rồi hỏi vặn lại: Tất cả tổ chức kia “toàn ma cô” hết à? Mỗi thứ đó thôi anh đủ tắt đài, đâu cần xộc vào đời tư của NQC.
Và 5 thứ bị cho là DỞ.
Mấy bận đối mặt với Cham đủ thành phần, lứa tuổi, tôi nói: “Inrasara là người của công chúng, rất muốn biết bà con nghĩ gì về mình, nhất là mình dở chỗ nào. Các bạn cứ thật lòng và thoải mái đi, để tôi chỉnh sửa”. Hiếm ai [chịu] chỉ ra, mới phiền!
Dở-1. Khoe khoang.
Ngoài vài sinh linh kêu cái dở duy nhất của tôi là “khoe khoang”, thêm bạn trẻ: “Cei Sara viết thì hay, chứ không làm gì cho cộng đồng cả”.
– Do không theo dõi tôi, mới nói thế. Khi tôi “khoe” thành tích hoạt động xã hội ra, bạn mới “dạ, cảm ơn chú nhiều, chú cần nói lên cho bà con biết”.
Mà nói lên lại bị cho là… khoe!
Bên Việt, một bạn thơ còm:
Dở-2. Bàn về mình.
“Anh Sara rất nhiều cái hay, mỗi thứ dở là khi anh bàn về mình”.
Mới nhất, tôi hỏi một bạn thơ rất thân về cái DỞ, chàng thành thật khai báo:
Dở-3. Tình cảm riêng tư.
Các bạn trẻ Cham phiền anh về nỗi “tình cảm riêng tư”, thế thôi không gì khác.
– Tưởng gì – tôi nói, dân Tây nó nghĩ khác. Ở Cham, anh đã từng viết, “ngoài chuyện gia đình và tình cảm riêng tư, tôi sẵn sàng trao đổi với tất cả, về mọi vấn đề liên quan đến chữ nghĩa và xã hội – cả trên diễn đàn lẫn mặt đối mặt”.
Dở-4. Bạn còn báo có dư luận ngoài lề: Sara ham chức vị. Rằng, Sara nổi tiếng quá rồi, đâu cần đến chức này nọ, mà ham.
Bạn đã bênh vực tôi rất cừ: Nhờ sắm vai ấy, Sara mới tổ chức Bàn tròn Văn chương, Cà-phê thứ Bảy Văn học, hay lên diễn đàn thuyết về văn học ngoại vi, nỗ lực đưa văn học ngoại vi nhập dòng chính. Ở đó nếu các quan văn dòng chính không tiếp nhận, thì ít ra cộng đồng độc giả cũng thấy rằng, ngoài văn học chính thống, văn học Việt còn tồn tại các dòng chảy khác không phải không giá trị. Sara đã làm được việc đó.
Chứ ta ngồi ở đây nói, mỗi ta nói ta nghe. – Hoan hô bạn!
Dở-5. “Ông Sara mâm nào cũng ngồi”.
Vụ này có vẻ rắc rối hơn. Dù bạn đã giải thích, e chưa rốt ráo, nay tôi minh oan thêm.
– Tôi là dân đa hệ: Văn học, nghiên cứu văn hóa Cham, diễn thuyết, tổ chức sự kiện, hoạt động xã hội.
– Riêng văn học, tôi cũng đa thể loại: Sáng tác, phê bình, nghiên cứu văn học ngoại vi thuộc nhiều dòng, nhiều bộ phận khác nhau…
Nghĩa là tôi ngồi rất, rất nhiều mâm.
Viết – văn thơ, phê bình, nghiên cứu là cho độc giả bất kì đâu; chỗ nào thấy được, họ tặng giải thưởng, tôi nhận. Nhận, nhưng tuyệt không bị họ sai khiến.
Tôi diễn thuyết về nhiều đề tài, tổ chức nào thấy thích hợp thì mời, thù lao – tôi nhận. Nhận, cũng không lệ thuộc vào ai, bất kì.
Heleh – Amen!